Sự ra đời và trưởng thành của Báo Lá Cải
Phần I: Sự ra đời của báo lá cải (phỏng vấn một con sâu)
Phóng viên: Thưa anh, trong ngôn ngữ thế giới có một từ “lá cải” để chỉ những tờ báo chuyên khai thác những chuyện vụn vặt, những sự kiện đời tư, v.v, đúng không ạ?
- Sâu: Đúng. Và ở Việt Nam, hiện tượng lá cải đã ra đời khoảng chục năm nay, và đang trong thời kỳ phát triển.
- Phóng viên: Đến mức rực rỡ?
- Sâu: Chưa đâu. Nhưng có lẽ cũng… nhanh thôi.
- Phóng viên: Thưa anh, nếu như cái gì cũng có mặt trái của nó, thì mặt trái của báo chí chính là báo lá cải. Nói vậy được không ạ?
- Sâu: Cũng được. Nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nên cố gắng suy nghĩ một cách không lá cải về vấn đề này.
- Phóng viên: Vâng. Theo anh thì lịch sử lá cải ở ta bắt nguồn từ đâu?
- Sâu: Nói một cách thẳng thắn thì từ cuộc sống. Xưa nay, chúng ta thường cố tình hiểu chữ ấy một cách cao quý. Như vậy cũng tốt thôi. Và chúng ta luôn luôn muốn miêu tả cuộc sống theo góc độ chính thống. Như vậy càng tốt hơn nữa.
- Phóng viên: Tôi đồng ý.
- Sâu: Nhưng sự sống chỉ tồn tại khi nó phát triển, mà phát triển thì phải đa dạng, đúng không nào?
- Phóng viên: Đúng ạ.
- Sâu: Một đòi hỏi chân chính của bạn đọc là muốn nhìn xã hội dưới nhiều góc độ. Và một số góc độ trong đó, xét theo quan điểm chính thống, nếu không có hại cũng chẳng hay ho gì.
- Phóng viên: Ví dụ?
- Sâu: Ví dụ như một nghệ sĩ biểu diễn như thế nào thì rất đáng quan tâm. Nhưng anh ta hay chị ta ăn gì, ly dị ai, yêu ai hoặc nuôi thứ chó mèo nào thì rõ ràng chẳng liên quan tới nghệ thuật.
- Phóng viên: Và báo lá cải đã khai thác chuyện đó.
- Sâu: Đúng vậy. Hơn thế nữa, họ còn phát hiện ra những chuyện ấy bán được, dễ dàng thu thập được và thậm chí có thể làm cho một số kẻ nổi tiếng được.
- Phóng viên: Từ rụt rè, dò dẫm, lá cải nhanh chóng biến thành tự đắc và tự tin.
- Sâu: Chính xác. Lá cải Việt Nam phát triển sau, nhưng nó may mắn sinh ra trong thời kỳ Internet đang lan rộng toàn cầu, thành ra như được chắp cánh. Lá cải đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và… chất lượng.
- Phóng viên: Ta có nên dùng từ “chất lượng” ở đây chăng?
- Sâu: Có chứ. Nếu như ma túy có loại một, loại hai thì lá cải tiếc thay cũng thế. Những phóng viên chuyên săn tin lá cải đã có độ nhạy cảm nhanh đến không ngờ, khiến tôi cũng ngạc nhiên. Hậu quả là một bài bình luận sâu sắc, phân tích cho đàng hoàng thì rất hiếm, nhưng những sự kiện vớ vẩn thì đầy. Nào ca sĩ thay áo, nào cầu thủ xịt nước hoa, sự đa dạng, phong phú lẫn… trơ tráo của lá cải ngày càng tăng, ngày càng đậm nét và ngày càng quá quắt.
- Phóng viên: Suy cho cùng, phải chăng đấy là cái giá phải trả của tất cả những ai nổi tiếng?
- Sâu: Không phải như thế. Điều đó tôi sẽ bàn kỹ trong một bài khác. Trong số này, chúng ta chỉ nói tới lịch sử ra đời “non trẻ” của báo lá cải Việt Nam, và phân tích nguyên nhân khi nó có vẻ đang phát triển mạnh mẽ.
- Phóng viên: Để tôi thử nói nhé. Nếu nhìn trên diện rộng thì xã hội chúng ta đang ở giai đoạn bùng nổ, và tất cả những cái mới, cả xấu và tốt, đều được đón nhận một cách ngạc nhiên, háo hức và hồ hởi. Hiện tượng tin tức lá cải cũng chẳng phải ngoại lệ.
- Sâu: Đúng vậy. Chúng ta hay nói công chúng là thông minh và công bằng. Nhưng công chúng ở một mức độ nào đó cũng luôn cần hướng dẫn, giáo dục, ít ra ở một số trường hợp. Tin tức lá cải thoạt nhìn chẳng có vẻ làm hại ai cả. Nó có vẻ là những hiện tượng khách quan được nhìn dưới những góc độ lạ lùng, khiến cho một bộ phận người đọc say mê. Nói cách khác, đưa tin cũng là một nghệ thuật mà trong nghệ thuật thì tính giải trí luôn có vị trí cao, luôn hấp dẫn.
- Phóng viên: Tôi hiểu.
- Sâu: Nhưng nếu ta xét một cách nghiêm khắc thì ma túy cũng hấp dẫn đấy thôi, và tác hại của nó đâu còn ai nghi ngờ.
- Phóng viên: Có thể sự lá cải là một thứ ma túy của dư luận được không?
- Sâu: Cũng có thể được. Ít ra cũng có thể coi đấy là thuốc lá hay rượu, không bất hợp pháp hoàn toàn, lúc đầu thì gây kích thích nhưng xơi nhiều cơ thể về lâu dài sẽ dẫn tới ung thư. Nhưng ta hãy quay lại vấn đề sự ra đời của lá cải. Nó gần như là một đòi hỏi tất yếu. Thế mới đau.
- Phóng viên: Vâng. Nó là hậu quả không thể tránh khỏi của một nền kinh tế thị trường, trong đó người ta nhận thấy tin tức cũng là hàng hóa.
- Sâu: Nói một cách khoa học thì đó rõ ràng là hàng hóa chứ còn nghi ngờ gì nữa. Mà đã là hàng hóa thì lập tức có hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng. Nhưng thực tế đã chứng minh chúng vẫn có thể bán được giá cao nếu quảng cáo tốt, nếu ra đời đúng thời điểm và nếu như hàng thật không chịu thay đổi mẫu mã.
- Phóng viên: Tôi hiểu.
- Sâu: Điều oái oăm nằm ở chỗ tại chợ, rau cải dù có vẻ ”sang” đến mấy, suy cho cùng chỉ nằm ở quầy rau, thì báo lá cải của chúng ta không thế. Sự lá cải đầu tiên không tồn tại độc lập, mà là một thực thể ký sinh. Có nghĩa là, chúng được để chung với những món hàng cao cấp khác. Vấn đề phức tạp ở chỗ ấy và gay go cũng ở chỗ ấy.
- Phóng viên: Ký sinh?
- Sâu: Vâng. Nếu để ý kỹ, anh sẽ thấy các báo lá cải ban đầu không có nhãn mác riêng. Chúng là một dạng “công ty con”, một thứ “phụ lục” . Chúng nấp dưới các danh nghĩa lớn và chịu sự che chở của các danh nghĩa lớn, ở một mức độ nào đó.
- Phóng viên: Như vậy tốt hay xấu?
- Sâu: Khoan bàn tới tốt hay xấu, nhưng như vậy là khác thường. Nhưng sự che đậy, tất nhiên cũng sẽ chẳng kéo dài lâu. Một số “lá cải” sẽ ngày càng chuyên nghiệp và muốn xuất hiện công khai. Điều đó hóa ra lại có mặt tốt.
- Phóng viên: Tốt ư?
- Sâu: Đúng thế! Theo ý tôi, một con sâu, thì chúng ta không có gì phải sợ lá cải. Cái mà chúng ta sợ là sự lập lờ của chúng. Nhưng chuyện ấy sẽ nói ở phần sau!
Phần II: Sự 'trưởng thành' của báo lá cải
Phóng viên: Thưa anh sâu, trong bài trước, hai chúng ta đã bàn về sự ra đời của báo lá cải, và cũng giống như một đứa trẻ sơ sinh, có ra đời thì cũng có trưởng thành và phát triển.
Sâu: Đúng như vậy. Như tôi có nói, lá cải ở Việt Nam so với thế giới là sinh sau đẻ muộn. Nhưng có vài thuận lợi cực lớn được thừa hưởng, bao gồm:
Gặp đúng thời kỳ đổi mới về kinh tế và chính trị.
Gặp đúng lúc bùng nổ Internet và các phương tiện truy cập nhanh chóng, rẻ tiền, thuận tiện.
Gặp đúng một tầng lớp trẻ đang bỡ ngỡ và háo hức.
Gặp thời điểm còn lúng túng của nhiều cơ quan quản lý, khi các bộ môn nghệ thuật tự cho mình là nghệ thuật bùng nổ.
Nói tóm lại, thiên thời, địa lợi và nhân… nhốn nháo đã biến thành cơ hội tuyệt vời cho lá cải xanh tốt.
Phóng viên: Và bán được!
Sâu: Đúng. Bán được là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất khiến lá cải phát triển. Thời buổi mà quy luật kinh tế đang có vẻ lấn át các quy luật khác, trở thành cơ sở cho nhiều suy nghĩ và hành động thì sự “bán được” không nghi ngờ gì nữa, phải trở thành lý do chủ yếu cho “cải” tồn tại.
Phóng viên: Ngoài những lý do đó ra?
Sâu: Còn một lý do hết sức to lớn là đạo đức và tay nghề của kẻ làm báo. Ví dụ như phân tích, đánh giá một đêm biểu diễn thời trang thì người viết cần học hành, thậm chí học hành cao, nhưng để theo dõi đêm ấy ai bị tuột áo, ai bị hở quần và cô nào té ngã thì quá dễ. Nếu rau cải sinh ra từ đất, thì báo lá cải sinh ra từ đầu óc con người. Mà xã hội nào cũng thế, đặc biệt trong một xã hội chưa phát triển thì những người có thẩm mỹ thấp, có tài năng kém và có đạo đức cơ hội luôn luôn đông, dẫn tới “cải” một cách hồn nhiên, một cách hăng hái và một cách ngớ ngẩn.
Phóng viên: Phải chăng đó cũng là con đường của “cải” toàn cầu?
Sâu: Cũng hơi có lý. Nếu bạn cùng lúc có trong tay vài chục tờ báo lá cải của nhiều quốc gia vào giờ này, bạn trải chúng ra bàn và xem xét, tôi cam đoan bạn sẽ thấy chúng có rất nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là những tấm hình phụ nữ mặc áo tắm và những tin giật gân về các ngôi sao. “Cải” có một ngôn ngữ quốc tế mạnh mẽ và tầm thường đến mức chỉ cần nhìn vào cách trình bày, chả cần hiểu ngoại ngữ, người đọc cũng đoán được.
Phóng viên: Nói cách khác, nếu những cái vĩ đại rất khác biệt thì những cái lem nhem rất hòa đồng?
Sâu: Chính xác. Dù thế giới đã phát triển vô cùng đa dạng và phức tạp thì sự nghèo nàn của cải luôn làm chúng ta kinh ngạc, sửng sốt và buồn cười. Suy cho cùng thì một hành động tuột áo hay tuột gì khác thì quốc gia nào, nghệ sĩ nào cũng vậy thôi. Chỉ có tâm hồn hay cảm xúc của họ khác.
Phóng viên: Theo anh, báo lá cải ở Việt Nam đang phát triển ở thời kỳ nào?
Sâu: Tôi xin cảnh cáo rằng dù bà con có la ó, thật ra chúng mới chỉ còn trong giai đoạn sơ khai. Tính trên đầu người thì có vẻ như chúng ta còn rất ít “cải” so với cái “chợ” thông tin toàn cầu.
Phóng viên: Chúng ta có tiềm năng?
Sâu: Có nguy cơ, có điều kiện và có đủ lòng tham để việc kinh doanh “cải” đạt thêm vài đỉnh cao nữa.
Phóng viên: Như thế tốt hay xấu?
Sâu: Lạc quan nhất thì có thể nói như thế là bình thường. Nếu chúng ta đã chấp nhận thông tin biến thành một dạng hàng hóa thì phải chịu đựng hàng giả, hàng lậu và hàng kém phẩm chất.
Phóng viên: Tôi không đồng ý với anh. Nói vậy có vẻ vô trách nhiệm quá.
Sâu: Muốn có trách nhiệm không chỉ cần nhận thức mà cần sức lực. Mà hiện nay sức chúng ta đâu có nhiều, và đâu thể dành hết cho việc canh phòng “cải”, còn nhiều chuyện khác quan trọng và khẩn thiết hơn nữa chứ.
Phóng viên: Đã có một công trình nào nghiên cứu về báo lá cải ở Việt Nam chưa?
Sâu: Chưa. Theo tôi biết thì chẳng có ai bảo vệ luận án tiến sĩ về vấn đề này.
Phóng viên: Thật đáng tiếc.
Sâu: Đúng. Đáng tiếc. Nói gì thì nói, “cải” là một hiện tượng xã hội tuy không cần tập trung trí tuệ nhưng có vẻ cũng đáng nghiên cứu, giờ phút này không quá sớm thì cũng không quá muộn. Có một số trí thức hiện nay cư xử một cách cao quý và sai lầm. Họ cho rằng “cải” là thứ chả cần quan tâm, chả cần bàn tới vì những ai có trí tuệ chả chấp điều ấy. Nói cách khác, tin tức lá cải, như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã từng viết, là loại “văn hóa quà vặt”. Quà vặt luôn bán đầy vỉa hè, đủ giá tiền, dễ ăn, dễ đau bụng và…dễ khỏi. Tuy nhiên, nếu ta bình tĩnh xem xét kỹ, ta cần thấy nguy cơ quà vặt đang trở thành lương thực chính, ít ra trong giới trẻ con. Mà một đứa trẻ chả bao giờ lớn lên nổi bằng quà, một quốc gia cũng thế.
Phóng viên: Nói như anh, trong khi mọi người hoặc không đề phòng, hoặc ngồi cười một cách cao ngạo, thì lá cải sẽ phát triển nhanh chóng về bề rộng và chả mấy chốc cả về bề sâu, lấn át các loại lá khác.
Sâu: Tôi cũng chưa đến mức lo sợ như thế. Kinh nghiệm cho thấy xã hội thường biết cách tự vệ, giữ cho tỷ lệ cải ở chợ và trong cuộc sống nằm ở mức thích hợp. Tuy nhiên, cũng nên đề phòng vào thời điểm mà “cải” bùng nổ.
Phóng viên: Như thời này!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý