Sự nhẫn tâm, vô cảm và trách nhiệm
Hơn lúc nào hết, sự vô cam cần được nhận diện đúng nơi, đúng chỗ. Nếu không, từ những chuyện nhỏ như sự kiện trong mẩu tin trên, nếu không được xử lý đến nơi đến chốn, nó có thể gây thành những trận cuồng phong vô cảm cuốn phăng dân tộc này! Nếu người dân vẫn tiếp tục được kích thích để đẩy lòng tham lên đến tột độ qua các câu khẩu ngữ Thỏa sức mua, đua sức sắm thì không thể trách vì sao mà đạo đức suy đồi.
Giữa hàng loạt những tin tức nóng bỏng gần đây như việc Trung Quốc thể hiện thái độ hung hăng trên biển Đông đã kích thích những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới; việc Bộ Giáo dục đưa ra đề án biên soạn sách giáo khoa mới với tổng kinh phí lên đến 70 ngàn tỷ đồng khiến nhiều người nhiều giới phải lên tiếng; vụ liên tiếp công an đánh người, kể cả đánh em nhỏ 11 tuổi phải nhập viện làm cho hình ảnh người công an nhân dân có phần méo mó; vụ các vị cựu lãnh đạo của Vinashin trốn khỏi nước buộc Chính phủ Việt Nam phải yêu cầu Interpol phát lệnh truy nã toàn cầu… thì vụ cướp cạn xảy ra lúc 15g ngày 16-6-2011 ở vòng xoay ngã năm An Dương Vương, quận 5, TP. HCM có vẻ là một chuyện nhỏ, hình như quá nhỏ.
Trên chuyên mục Bạn đọc của báo Tuổi Trẻ online, một bản tin được tải lên vào lúc 17g22 ngày 16-6-2011 cho biết một người đàn ông đi xe gắn máy đến khoảng chỗ giao nhau của các đường An Dương Vương, Trần Phú và Sư Vạn Hạnh trong địa giới các phường 8 và 9 thuộc quận 5, TP. HCM thì bị hai tên cướp cùng chạy xe gắn máy vượt lên từ phía sau giật giỏ xách. Người này kịp thời giữ chặt lấy chiếc giỏ khiến hai tên cướp không thể giựt được phải vội vàng tẩu thoát. Không may cho người đàn ông ấy, trong lúc giằng co, giỏ xách của ông ta bị rách toạc và số tiền để trong giỏ bay tung ra mặt đường. Một số người đi đường và cả những người dân đang sinh hoạt gần đó đã ào ra, nhưng rất tiếc, không phải để giúp người đàn ông tội nghiệp nọ thu hồi số tiền mà để chộp vội những tờ tiền giấy còn tung tóe trên mặt đường bỏ vào túi mình rồi… biến. Người tải bản tin đó lên còn cho biết rằng chỉ trong vòng chưa tới hai phút, số tiền của người đàn ông bị nạn đã bay vào túi của những người hôi của quá vô tâm. Ông cũng ước lượng số người tham gia vụ “chộp” tiền lên tới hơn ba chục người. Cùng với bản tin, có ba tấm ảnh minh họa để làm chứng; một tấm ghi lại hình ảnh người bị nạn ngồi bên cạnh chiếc xe dựng nghiêng giữa đường, đang gọi điện thoại di động; hai tấm kia ghi lại quang cảnh hỗn loạn trong lúc vụ “chộp” tiền diễn ra.
Bản tin trên được nhiều trang mạng khác sao lại kèm theo bình luận của nhiều người, có những lời bình luận rất gay gắt mang tính cách rủa sả nặng nề. Điều đáng chú ý là bản tin này hình như không được các “đại gia” quan tâm. Tìm hiểu trong khoảng 200 trang mạng có đưa tin, hầu hết chỉ là những trang mạng cá nhân, còn lại cũng chỉ có một vài trang mạng tập thể nhỏ. Tìm hiểu thêm thì cũng không có thông tin nào cho biết cụ thể người đàn ông kia tên là gì, bao nhiêu tuổi, ở đâu, gia cảnh ra sao; ông ta mang theo bao nhiêu tiền, số tiền bị mất là bao nhiêu, có phải đã mất tất cả hay không; số tiền ông mang theo từ đâu mà có, được dự định sử dụng vào việc gì, hay ông chỉ là người có nhiệm vụ giao tiền cho người khác; sau khi sự vụ xảy ra, ông ta có đến trình báo với chính quyền địa phương hay không, và nếu ông ta chưa kịp trình báo thì có ai chịu trách nhiệm trị an trong khu vực đó biết đến sự kiện đó chưa, có quan tâm tìm hiểu về sự kiện đó để có thể hiểu rõ vấn đề, một mặt, giúp đỡ ông ta và lần tìm ra những kẻ tham gia vụ “chộp” tiền hôm ấy; mặt khác, xác định những tên giật giỏ xách thuộc thành phần nào, chúng là những tên cướp cạn thật sự, hay chúng có lý do chính đáng gì khác để phải giựt giỏ xách của người đàn ông ấy.
Tóm lại, những thông tin liên quan đến vụ việc rất sơ sài.Tuy nhiên, qua đó người ta cũng có thể có một vài phân tích về hành vi của những kẻ đã nhặt vội những đồng tiền rơi vãi lúc bấy giờ. Thứ nhất, đó là hành vi lấy của không cho. Thứ hai, những kẻ tham gia vụ lấy của không cho nói trên hiểu rõ số của cải ấy thuộc về người bị hại, và vì có người bị hại nên họ mới có cơ hội. Nếu biết thông cảm với người bị hại, một người khác đã có thể có ý định nhặt tiền giúp người ấy. Trong lúc nhặt giúp vậy mà thấy số tiền quá lớn, có thể người này bị lòng tham thúc giục mà lén lút giấu đi một ít; trong trường hợp này, hành vi này gây ra một nghiệp xấu đủ làm vô hiệu cái nghiệp tốt là ý muốn giúp người lúc ban đầu; đó là hành vi của người biết xấu hổ nhưng chưa thắng được lòng tham. Ở đây, trong vụ việc trên, cả một nhóm người xông vào, hào hứng nhặt vội những đồng tiền của người khác. Trước hết, họ không có một chút thông cảm nào với người bị hại. Kế đó, họ mừng rỡ nhìn thấy ở hoàn cảnh của người bị hại một cơ hội. Họ trắng trợn thu vén rồi bỏ chạy. Nghĩa là họ cũng biết hành vi của họ là xấu, nhưng họ hoàn toàn không xấu hổ, hoàn toàn không sợ hãi bất kỳ một hậu quả nào mà hành vi đó có thể gây ra, họ ngang nhiên nhúng tay vào việc ác. Họ không vô cảm mà là những kẻ không có một chút tình thương nào, quá tham lam, không biết xấu hổ, không hiểu luật nhân quả, không sợ hãi sự trừng trị của luật pháp, coi thường luật pháp, coi thường mọi biện pháp quản lý trị an của chính quyền sở tại, coi thường đồng loại đang chứng kiến hành vi của họ. Đó chính là tính cách tâm lý của kẻ cướp. Điều đáng suy nghĩ là tính cách kẻ cướp ấy hiện diện ngay trên đường phố, giữa ban ngày, ở một số đông người, giữa những kẻ trông hiền lành lương thiện, lại có hành động quyết liệt, không khoan nhượng, đồng loạt xông vào không hề có sự báo trước, sẵn sàng tận dụng hoàn cảnh đáng thương của người khác để thủ lợi.
Trong khi đó, thái độ của những người có trách nhiệm là vô cảm. Thật vậy, khi nhiều ngày đã trôi qua mà không hề có một tiếng nói có trách nhiệm nào giải thích về vụ việc nói trên, người dân có hàng loạt câu hỏi không trả lời được.
Nếu bản tin được tài liệu Tuổi Trẻ online lúc 17g 22 ngày 16-6-2011 là chính xác, ít nhất sau đó thông tin ấy phải được cơ quan có trách nhiệm quan tâm giải thích trước công luận; tiếp theo, phải vào cuộc tìm hiểu cụ thể sự việc và có biện pháp xử lý dứt khoát rồi thông tri kết quả xử lý cho công chúng; khi ấy, người dân mới yên lòng, rằng luật pháp vẫn nghiêm minh, rằng tình trạng trật tự trị an vẫn được bảo đảm. Rõ ràng, một sự việc mang tính cướp bóc, diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, ở chỗ đông người, lại chỉ được công bố trên chuyên mục Bạn đọc viết của một tờ báo mạng lớn chứ không phải là tin viết từ phóng viên nhà báo, sau đó được những trang mạng khác thi nhau sao chép, mà lại không được bất kỳ một cơ quan có trách nhiệm nào lên tiếng giải thích, không thấy kết quả xử lý được công bố, thì có thể sẽ có ít nhất là hai suy nghĩ trái chiều. Một, thông tin trên là xác thực, nhưng cơ quan có trách nhiệm lặng thinh để lấp liếm tình trạng quản lý yếu kém của mình. Hai, bản tin trên không chính xác.
Cả hai suy nghĩ này đều dẫn đến những nhận thức tiêu cực tiếp theo. Trường hợp trước, người dân hoàn toàn mất lòng tin vào việc được bảo vệ bởi chính quyền; bấy giờ, mỗi khi buộc phải mang theo tài sản có giá trị di chuyển trên đường phố, người dân phải tự có biện pháp bảo vệ lấy mình và tài sản của mình. Trường hợp sau, hóa ra ai muốn đưa tin gì thì đưa, chẳng ai quản lý thông tin! Cả hai trường hợp đều là thảm họa!
Thông thường thì đại chúng sẽ không nghĩ rằng có ai rỗi hơi tung một tin không chính xác như vậy; và quả nhiên, dư luận trên mạng cho thấy tất cả mọi người đều phẫn nộ trước hành vi của đám người “chộp” tiền; nghĩa là mọi người đều tin vào tính xác thực của bản tin. Trên các mẩu bình luận, để nói về việc chộp tiền kể trên, người ta đọc được: “Chỉ có thể là Việt nam”, “Thật xấu hổ, chả bù cho người Nhật” hay “Ở Việt nam điều gì mà chẳng xảy ra”. Rõ ràng, các cơ quan có trách nhiệm đã đánh mất niềm tin nơi người dân vào khả năng quản lý của mình.
Ở đâu đó, có một câu châm ngôn nói rằng một trong những nhiệm vụ cao cả nhất của chính quyền là nhiệm vụ bảo vệ người dân. Theo bản tin trên, sự kiện chỉ xảy ra trong vòng chưa dầy hai phút thì số tiền của người đàn ông bị nạn đã bay hơi theo những kẻ “chộp tiền”. Trong thời gian ngắn như vậy, không thể nào có sự can thiệp kịp thời của những người có trách nhiệm. Nhưng vì sao đã cả tuần trôi qua mà không có thêm thông tin nào về một vụ cướp trắng trợn giữa ban ngày như thế? Ngay cả trong trường hợp số tiền ấy là do trốn thuế hay buôn lậu mà có, thì trước mắt, người bị nạn cũng cần phải được bảo vệ, vụ việc cũng cần được thông báo càng sớm càng tốt, rằng đang có một cơ quan nào đó quan tâm. Nếu không, làm sao ai dám yên tâm khi ra đường? Chẳng những cướp bóc rình rập, mà khi một người bị nạn thì lập tức có cả hàng chục người trông có vẻ lương thiện, hiền lành như mọi người khác, ào vào xâu xé! Đây là trong hoàn cảnh hết sức bình thường trên phố, khi chưa có sự hoảng loạn tập thể. Đặt trường hợp có một thảm họa thiên nhiên nào đó xảy ra, thì người ta xử sự với nhau như thế nào? Cơ quan trách nhiệm sẽ ứng cứu người bị nạn như thế nào? Rõ ràng, vụ việc trên là một trường hợp điển hình của sự suy đồi đạo đức.
Dư luận đã nói quá nhiều về tình trạng đạo đức suy đồi. Nhưng ai là người có thể ngăn chặn tình trạng đó? Hình như người Việt có quá nhiều tấm gương đạo đức để học, nhưng cũng hình như người Việt bằng lòng với cách học thuộc lòng như vẹt để trả lời trước ống kính truyền hình mà chẳng ai chịu thực hành! Đâu đó cũng có một câu châm ngôn rằng, Đức người quân tử như gió, đức kẻ tiểu nhân như cỏ; gió thổi thì cỏ rạp. Ý nói rằng người trên có đức thì người dưới phải theo. Chính lệnh ban bố mà người trên giữ nghiêm thì người dưới không có cách nào dám khinh nhờn. Nếu xã hội tiếp tục được rót vào tai những lời khuyên dufg hàng nội mà những chiếc xe Bentley hàng tỷ đồng vẫn được nhập về thì kẻ tiều nhân cũng phải rạp theo mà thèm thuồng hàng ngoại.
Hơn lúc nào hết, sự vô cam cần được nhận diện đúng nơi, đúng chỗ. Nếu không, từ những chuyện nhỏ như sự kiện trong mẩu tin trên, nếu không được xử lý đến nơi đến chốn, nó có thể gây thành những trận cuồng phong vô cảm cuốn phăng dân tộc này! Nếu người dân vẫn tiếp tục được kích thích để đẩy lòng tham lên đến tột độ qua các câu khẩu ngữ Thỏa sức mua, đua sức sắm thì không thể trách vì sao mà đạo đức suy đồi. Hơn lúc nào hết, tinh thần biết đủ và ít ham muốn cần được gấp rút xiển dương để kềm hãm lòng tham trong tâm thức người Việt, giải pháp thích hợp nhất để đẩy lùi sự nhẫn tâm, thái độ vô cảm và làm gia tăng tinh thần trách nhiệm giữa người với người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý