Shakespeare và luật pháp Anh thế kỷ 16

06:30 CH @ Thứ Năm - 22 Tháng Tám, 2013
Danh tiếng của đại văn hào Anh Shakespeare khắp thế giới có lẽ không ai không biết. Những kiệt tác bất hủ của ông như Hamlet, King Lear, Othello, Macbeth được diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần. Ngay trong thời đại của phim ảnh "mì ăn liền" kinh đô Hollywood đã ba lần dựng lại phim Hamlet. Mới đây nhất là Romeo và Juliet theo kiểu hiện đại: kiếm sĩ Romeo ngày xưa nay trở lại màn bạc lăm lăm khẩu súng bắn giết tưng bừng như một mặt rô Chicago chính hiệu.

Bài viết này của chúng tôi không đề cập đến một trong tứ đại bi kịch của Shakespeare mà chỉ bàn đến kiến thức pháp luật của đại văn hào này trong vở kịch Người thương gia thành Venice (The Merchant of Venice). Vở kịch này tại Việt Nam cũng đã được phóng tác và cải biên trên sân khấu nhiều lần.

Nội dung vở kịch được tóm lại như sau: Bassanio, một nhà quý tộc trẻ, cần tiền để theo đuổi nàng Portia, nên phải đi vay nợ, nhưng vốn bản tánh tiêu xài hoang phí, chàng chẳng có món tài sản gì để cầm cố. Bạn Bassanio là Antonio, "người thương gia thành Venice", giàu có và hào hiệp, nhưng đúng lúc Bassanio cần tiền thì Antonio cũng đang kẹt, bao nhiêu vốn liếng đã tung hết vào trong một chuyến hàng đang lênh đênh trên biển cả.

Cả hai đến gặp Shylock để vay tiền. Shylock là một lão Do Thái cho vay nặng lại, rất keo kiệt, trong khi Antonio cũng cho vay nhưng không lấy lời, nên lão rất ghét Antonio. Shakespeare cố tình minh họa sự khác biệt giữa Thiên Chúa Giáo (Antonio) và Do Thái Giáo (Shylock) nhưng thật ra giáo hội Thiên Chúa Giáo đã cho phép cho vay lấy lời ngay vào thời Trung Cổ. Nói chung, hình ảnh người cho vay lấy lời chẳng đẹp đẽ gì trong xã hội thời đó. Tại Anh kể từ năm 1571 việc cho vay lấy lời là hoàn toàn hợp pháp, miễn là tiền lời không được quá 10%. Bản thân cha ruột của Shakespeare phải ra hầu tòa vì "chém" hơn 10%.

Antonio không giấu giếm sự khinh bỉ của mình đối với người Do Thái. Chàng thậm chí đá đít và khạc nhổ vào mặt Shylock. Nhưng Shylock sẵn lòng cho Antonio vay với điều kiện nếu đúng hẹn không trả lão chỉ "xin" một cân thịt từ thân thể Antonio đồng ý. Nhưng chuyến hàng của Antonio bị thất lạc, chàng không thể trả được tiền nên bị Shylock lôi ra tòa đòi "thịt". Giờ đây Bassanio đã "tán" được này Portia và đã có tiền từ tài sản thừa kế của Portia nên sẵn sàng trả nợ cho bạn, nhưng Shylock cương quyết từ chối tiền mà chỉ đòi "thịt" của Antonio mà thôi, mặc cho lời khuyên can của thị trưởng thành phố Venice là nên "mở lượng hải hà" xóa bỏ điều kiện quái đản này. May thay Portia hóa trang thành một luật sư xin tham dự phiên tòa và đấu lý với Shylock.

Đây là đoạn mang tính chất pháp lý cao nhất trong vở kịch. Portia cho phép Shylock được lấy một cân thịt từ thân thể Antonio nhưng không được làm đổ bất cứ giọt máu nào vì trong khế ước cho vay không đề cập đến việc lấy máu. Shylock phải chịu thua không làm gì được Antonio trước sự "thông minh" của Portia. Thậm chí Portia còn kết án Shylock tội "âm mưu sát hại một tín đồ Thiên Chúa giáo". Tòa kết án Shylock bị tịch biên tài sản.


Chúng ta có thể thấy ngay là Shakespeare đã "ngu si hóa" nhân vật Shylock quá mức và kiến thức pháp lý của ông hết sức khả nghi.

Kể từ thế kỷ 16 tại Anh cũng như tại Venice và hầu hết các nước phương Tây một khế ước kiểu này không được xem là hợp pháp. Cũng giống như hiện nay, một hợp đồng thuê giết người chẳng hạn là không hợp pháp và không thể mang tính cưỡng chế. Nghĩa là nếu X mướn Y giết Z không chịu trả tiền cho Y thì Y không thể đi kiện X được. Một kẻ cho vay khôn ngoan như Shylock không thể khờ đến mức đặt ra một khế ước hoàn toàn phi pháp như vậy. Hơn nữa, theo luật về cầm cố tài sản tại Anh vào thế kỷ 16 tòa án có quyền bác bỏ yêu cầu của Shylock và yêu cầu Antonio thanh toán đúng số tiền chàng đã mượn, cộng thêm 10% tiền lời. Điều khoản luật này gọi là "bình quân bồi khoản" (equity of redemption)

Điều đáng buồn cười nhất là cả tòa án không ai tỏ ra nghi ngờ gì tính chất hợp pháp trong giao kèo ký kết giữa Antonio và Shylock, cho đến khi Portia xuất hiện và lý luận rằng Shylock có thể lấy "thịt" nhưng không được làm đổ máu Antonio. Shylock có thể bác lại lý luận này hết sức dễ dàng bằng cách nhấn mạnh rằng việc lấy thịt đương nhiên phải bao hàm việc làm đổ máu, không thể tách rời hai động tác này ra được, vì thực sự cả hai chỉ là một. Phân ra làm hai động tác "lấy thịt" và "đổ máu" như Portia chỉ là một sự trừu tượng mang tính chất ngụy biện. Chẳng hạn khi luật pháp ban cho người cảnh sát chức năng trừng trị tội phạm, chức năng đó đương nhiên bao hàm việc sử dụng súng, còng, giam giữ, trấn áp, thậm chí bắn chết đối tượng trong trường hợp khẩn cấp. Khi ký kết hứa giao "thịt" đương nhiên Antonio và bất cứ ai có đầu óc tỉnh táo đều biết rằng chuyện đổ máu đương nhiên phải xảy ra vì đó là điều kiện tiên quyết để hợp đồng có thể thực hiện. Đây là vở kịch viết về luật pháp nhưng Shakespeare đã áp đặt quá nhiều chi tiết phi hiện thực. Cả hai bên nguyên cáo và bị cáo đều không có luật sư. Cả thành phố Venice không có chánh án chuyên nghiệp. Portia bỗng nhiên cải trang xuất hiện không biết từ đâu chui ra mà được mọi người, kể cả thị trưởng thành phố Venice, chấp nhận một cách dễ dàng. Thậm chí một thương gia chuyên nghiệp như Antonio lại khờ khạo đến mức không hề bảo hiểm số hàng hóa của mình trên biển, trong khi vào thế kỷ 16 việc bảo hiểm hàng hóa đã phổ biến tại châu Âu.

Tính chất pháp lý của vở kịch càng trở nên phi lý hơn khi "luật sư rởm" Portia kết án Shylock tội "âm mưu giết một tín đồ Thiên Chúa Giáo". Quan tòa vội vã chấp nhận ngay lời cáo buộc này và kết án tịch biên toàn bộ tài sản của Shylock. Tự nhiên một vụ án dân sự lại trở nên án hình sự. Thật là hết sức lộn xộn và "phi pháp luật". Thậm chí ngay trong thế kỷ 16, hình phạt nặng nhất, nếu có, đối với Shylock là mất trắng số tiền cho vay vì tòa có thể tuyên bố một hợp đồng cho vay như vậy là hoàn toàn trái với luật pháp hiện hành.

Chúng ta có thể thấy Shakespeare đã hy sinh thực tế luật pháp trong thế kỷ 16 để hoàn thành mục đích nâng cao kịch tính cho vở kịch Người thương gia thành Venice vì ông có một điểm tựa hết sức chắc chắn: quần chúng đa số cũng mù tịt về các chi tiết trong thủ tục tố tụng dân sự nên cũng sẽ không thắc mắc gì về các tình tiết tòa án phi lý như vậy.



Khía cạnh pháp lý trong các câu truyện cổ tích


Với trách nhiệm xã hội, Bố cu thấy việc trẻ em đọc truyện cổ tích có thể dẫn đến những biến chứng về hành vi, khi lớn lên trở thành những tên tội phạm nguy hiểm cho xã hội, có thể trở thành những kẻ giết người, hiếp dâm, sử dụng trái phép công sản... Vì lẽ đó, không thể không cảnh báo.

Công chúa muốn vào ngủ trong rừng phải từ đủ 16 tuổi trở lên.

Có rất nhiều chuyện về các cô công chúa ngủ trong rừng, được chàng hoàng tử đánh thức và trở nên vợ chồng. Cũng có những chàng hoàng tử bị đội lốt quỷ sứ và chỉ trở về hình dạng con người sau khi được cải hóa bởi tình yêu của cô gái đẹp hay công chúa.

Thông thường họ hôn nhau ngay trong rừng. Nếu chỉ hôn thì không sao, tuy nhiên nếu công chúa dưới 14 tuổi thì mọi hành vi tình dục có thể bị khép vào tội dâm ô với trẻ em và có thể bị phạt tù từ một năm đến 5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng theo khoản 2 điều 115 thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm. Mọi hành vi quan hệ tình dục kể cả có sự đồng thuận của công chúa, nếu công chúa chưa đủ 13 tuổi, thì hoàng tử đương nhiên bị ghép tội hiếp dâm trẻ em theo quy định của Bộ luật hình sự.

Vì vậy, khi in chuyện cổ tích, nên chú thích rõ ràng là công chúa đã từ đủ 16 tuổi trở lên để tránh cho các em bé của chúng ta muốn làm hoàng tử quá sớm.

Nên quy định độ tuổi của công chúa ngủ trong rừng.

Trong chuyện cổ tích có những người nghèo sau khi khóc lóc một hồi đều được Bụt hiện lên dặn đào gầm giường hay đâu đó trong vườn để tìm được hũ vàng và sống giàu có.

Tuy nhiên theo quy định của pháp luật Việt Nam, Bụt không phải là một chủ thể pháp luật, vì thế ông Bụt và bà Tiên đều không bị điều chỉnh.

Theo điều 241 Bộ Luật Dân sự, người nghèo sau khi đào được hũ vàng Bụt cho, phải lập tức đi báo công an. Nếu số vàng trị giá dưới 10 tháng lương tổi thiểu (640 ngàn/tháng) thì người đó được hưởng toàn bộ. Nếu giá trị vàng hơn 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ đi chi phí bảo quản, người nhặt được tài sản được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định. Phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

Trong trường hợp nhặt được vàng mà không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm thì khi bị phát hiện, người nghèo ấy bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 141 với tội danh "Chiếm giữ trái phép tài sản". Trong trường hợp tài sản trị giá từ 5 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Tội danh này cũng đồng thời được áp dụng cho hành vi của nhân vật trong truyện ăn khế trả vàng và các chuyện tương tự.

Chuyện cổ tích còn kể rằng anh ngư dân có cô vợ đẹp chẳng may bệnh nặng qua đời. Anh ôm quan tài khóc lóc thì Bụt bày cho anh cứu cô vợ sống lại bằng ba giọt máu của mình. Sau này cô ấy chê anh nghèo, bỏ đi lấy chồng Đài Loan, ông bụt hiện lên bày cho anh ta đòi lại ba giọt máu dạo nào.

Cô vợ lấy kim trích vào ngón tay trả lại ba giọt máu cho chồng tức thì lăn đùng ra mà chết đáng đời đồ bội bạc.

Về điều này, người chồng có thể bị khởi tố về tội vô ý làm chết người với tình tiết tăng nặng là làm chết người do hành vi vi phạm pháp luật. Ở đây hành vi đòi lại ba giọt máu là vi phạm nghiêm trọng bộ luật Dân sự. Vì ba giọt máu là vật tặng cho, đã được giao cho cô gái và dĩ nhiên thuộc sở hữu của cô ấy nên không được quyền đòi lại. Huống nữa là đòi lại máu khiến người ta chết.

Còn rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật của các nhân vật chính diện trong truyện cổ tích, có thể khiến trẻ em lầm lạc vì bắt chước và trở thành tội phạm sau này. Bố cu thấy rất là đáng lo lắng!
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con kiến mà leo cành đa

    17/11/2018Nguyễn Tất ThịnhNhư bao lần, mọi người đang rôm rả trò chuyện, bắt đầu từ bóng đá. Câu chuyện chung một lúc sau quay sang bình luận về tình hình tiêu cực xã hội, sự xuống cấp của nhân tình thế thái...
  • Kiến tạo một xã hội học tập ở Việt Nam - những hạn chế từ lịch sử

    25/05/2016Trần Ngọc VươngNền kinh tế tri thức ở quy mô toàn xã hội tự nhiên đòi hỏi mọi thành viên của xã hội ấy đồng thời là những người năng sản bằng trí tuệ. Kiến tạo một xã hội học tập, không nghi ngờ gì nữa, là một con đường tất yếu mà Việt Nam phải khẩn trương hướng tới. Bài viết này xuất phát từ một góc nhìn cụ thể, là góc nhìn về logic - lịch sử sự vận động...
  • Lấy vợ không như ý, kiện bố mẹ vợ ra tòa

    28/11/2013Minh BùiTrong khí thế cả nước đang "hừng hực" sống và làm việc theo pháp luật, đưa ra tòa nghiêm trị những kẻ tội phạm và bọn tiếp tay, đồng lõa với tội phạm, lợi dụng pháp luật để trục lợi cho mình và con cháu, anh ĐHH đã kiện bố mẹ vợ ra tòa trong một vụ việc hy hữu...
  • Kinh nghiệm hay kiến thức?

    28/07/2005TS Phan Đăng TuấtTôi có người quen, có thể nói là thân, sau một chuyến làm ăn ở nước ngoài về, có lưng vốn kha khá. Khi thấy cơ chế kinh doanh trong nước có chiều hướng cởi mở, bèn nảy ý định mở một nhà hàng ăn đặc sản. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu khá tường tận thị trường, một phương án kinh doanh đã được hình thành.