Triết gia vĩ đại Đức Arthur Schopenhauer: Sự mâu thuẫn của kiếp nhân sinh
Lý thuyết siêu hình của ông chính là nền tảng cho các tác phẩm về đề tài tâm lý học, mỹ học, đạo đức học và chính trị học, tạo ảnh hưởng lớn tới nhiều danh nhân thượng thặng như Friedrich Nietzsche, Wagner, Ludwig Wittgenstein, Sigmund Freud, Liev Tolstoi…
Sự anh minh đi đôi với tài hùng biện, tính bi quan gắn liền với một tâm trạng lo âu… Đó chính là những đặc tính điển hình của Arthur Schopenhauer, một "độc cô" lừng lẫy hàng đầu trong làng triết học siêu hình Đức. Các tác phẩm của ông, đặc biệt là "Thế giới như là ý chí và biểu tượng", đã được chú ý đến ngay khi ông còn sống, nhưng chỉ khi ông đã qua đời rồi, người ta mới dần dà đánh giá được đúng hơn những gì mà ông đã cống hiến cho nhân loại.
"Cuộc sống là gì, thưa ngài Schopenhauer?"
"Thưa ngài Schopenhauer, chúng ta hãy cùng đề cập tới những vấn đề mang tính hiện sinh. Theo ngài, thế nào là cuộc sống? - Cuộc sống của mỗi người chúng ta nhìn tổng thể và chung nhất thì là một bi kịch, nhưng trong các chi tiết riêng lẻ thì lại mang tính hài kịch. -Vậy nghĩa là những phấn đấu giành các mục tiêu cao cả của chúng ta đều là nực cười ư?
– Thế giới mà con người đang ở đó kiểu gì cũng giống như địa ngục mà ở một bên là những linh hồn bị hành hạ, còn bên kia là lũ quỷ sứ. - Chẳng lẽ mọi sự lại tồi tệ đến vậy? - Con người về bản chất là một sinh vật cực kỳ hoang dã. Chúng ta mới chỉ biết về con người ở trong một trạng thái đã được giản đơn hóa và sơ lược hóa gọi là nền văn minh".
Cuộc đối thoại này được một nhà báo Đức thực hiện với Schopenhauer và công bố trong cuốn băng audio vừa được triết gia Andreas Belwe ở Munich xuất bản. Nhân vật nhà báo là giả tưởng. Còn những câu trả lời của Schopenhauer đã được triết gia Andreas Belwe dẫn nguyên văn từ những tác phẩm của Schopenhauer.
"Ngài nghĩ rằng con người sẽ không bao giờ thay đổi được? - Con người về sự hung dữ và táo tợn của mình không thua bất cứ một loài hùm beo nào. - Hoàn toàn có thể sự thật là như vậy. Khi nhìn vào lịch sử ta sẽ thấy con người có thể gây nên những chuyện như thế nào và sẽ mất lòng tin vào họ… - Mọi sự có thể quá đà đến mức ai đó có thể, đặc biệt là trong những khoảnh khắc tâm trạng buồn chán, cảm thấy thế giới nhìn từ góc độ mỹ cảm là viện bảo tàng của những biếm họa, nhìn từ góc độ trí tuệ - là ngôi nhà vàng vọt, nhìn từ góc độ đạo đức - như một hắc điếm".
Biết thương cảm, sẽ được cứu rỗi
Schopenhauer cho rằng, cuộc sống giống như một quả lắc di động giữa sự thương cảm và nhàn cư. Triết gia vĩ đại này nhìn thấy một trong những phương thức giúp thoát khỏi đau đớn là khả năng thương cảm đối với những vật thể khác, không chỉ là con người mà cả cỏ cây hoa lá lẫn các loài muông thú.
Theo lời Schopenhauer, "sự tương cảm đối với động vật gắn bó chặt chẽ với lòng nhân hậu đến mức có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, con người không thể là tốt được nếu tàn nhẫn đối với động vật".
Schopenhauer đã đứng ra chống lại các thí nghiệm với động vật ngay từ khi còn là sinh viên. Cũng chính khi đó đi đâu ông cũng dẫn theo một chú chó xù rất dễ thương. Chú chó xù cuối cùng mà Schopenhauer đã nuôi có tên là Bus. Triết gia người Đức đã yêu chú chó này đến mức trước khi chết, ông đã di chúc lại cho nó một khoản tiền khá lớn.
Schopenhauer cho rằng, chỉ có lòng thương cảm mới giúp con người chiến thắng được tính vị kỷ và chính lòng thương cảm mới là nền móng của mọi hệ thống luân lý. Nhìn từ góc độ này, tư tưởng của ông gần gụi với Phật giáo. Cũng vì lẽ đó mà Schopenhauer còn được gọi là "Đức Phật ở Frankfurt". Không ngẫu nhiên mà trong phòng làm việc của Schopenhauer, ngoài tượng của Kant, còn có cả một pho tượng Phật mạ vàng mang tới từ Tây Tạng. Cũng tại đó, Schopenhauer còn treo chân dung của Goethe, Descartes và Shakespeare và mười sáu bức tranh khắc gỗ các chú chó.
Khắc kỷ theo kiểu Schopenhauer
Như bất cứ một triết gia chân chính nào, Schopenhauer cũng hay tự mâu thuẫn với mình. Mặc dầu ông tuyên truyền cho nếp sống khắc kỷ và chay tịnh nhưng ông vẫn thường xuyên ăn thịt và rất thích uống rượu vang.
Schopenhauer hay có những câu nói ngạo mạn mỗi khi đề cập tới chủ đề phụ nữ. "Người đàn ông duy nhất không thể sống thiếu phụ nữ, đó là bác sĩ phụ khoa" - đó là câu phát ngôn ưa thích của triết gia cả đời không một lần lấy vợ này. Thế nhưng, trong phần bổ sung cho di chúc, được viết một năm rưỡi trước khi qua đời, Schopenhauer lại yêu cầu để năm nghìn taler (tức là một phần sáu gia sản của ông, một khoản tiền rất lớn thời đó) cho một quý bà tên là Caroline Medon.
Schopenhauer làm quen với Caroline Medon năm 1830 ở Berlin. Khi đó, người thiếu phụ này đã kịp qua một lần đò và có hai cậu con trai. Caroline hát trong dàn hợp xướng của nhà hát Opera Berlin. Schopenhauer say mê nàng đến mức đã định cưới nhưng rồi do tính đa nghi, cứ nghĩ nàng không chung thủy nên đã cắt đứt quan hệ với nàng (nói chung, Schopenhauer có tính đa nghi cao độ, không chỉ riêng đối với phụ nữ). Chỉ rất nhiều năm sau hai người mới nối lại quan hệ với nhau nhưng hương nồng lửa đượm xưa cũ không thể nào khôi phục lại được nữa.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, Caroline không phải là người phụ nữ duy nhất tới với cuộc đời của triết gia vĩ đại. Những người viết tiểu sử của Schopenhauer đã ghi chép về một số mối quan hệ tình cảm khác của ông, trong đó có quan hệ với mỹ nhân Flora Weib, con gái của một nhà tạc tượng ở Berlin. Thiếu nữ này kém Schopenhauer tới 22 tuổi…
Có một thứ mà Schopenhauer không bao giờ hạn chế đối với bản thân mình đó là đi chu du thiên hạ và thưởng thức nghệ thuật. Ông đã rất mê hội họa và âm nhạc. Ông coi cái đẹp là tiêu chí trung tâm của mỹ học. Ông thần tượng hóa cái đẹp.
Con đường tư duy
Nói một cách công bằng, "nhà khắc kỷ" Schopenhauer có thể cho phép mình nhiều thứ bởi hoàn cảnh xuất thân rất thuận lợi của ông. Ông sinh ngày 22/2/1788 ở Dansig (nay là Gdansk thuộc Ba Lan) trong một gia đình thương gia giàu có, "tiền nhiều như quân Nguyên".
Cha ông là một người nghiêm cẩn, rất có học và rất yêu văn học nghệ thuật. Người cha rất hay sang Anh và Pháp để thực hiện các phi vụ thương mại. Nhà văn mà cha của Schopenhauer thích nhất là Voltaire. Người mẹ, kém chồng 20 tuổi, cũng rất yêu cái đẹp, lạc quan, viết văn, làm thơ rất giỏi. Chính người mẹ của triết gia tương lai đã duy trì một salon thượng lưu với những vị khách thú vị và danh giá. Ngay cả đại thi hào Goethe cũng từng tới nhà của gia đình Schopenhauer.
Năm Arthur lên 9 tuổi, người cha đã đưa con sang Pháp và để ở nhờ nhà một người quen tại Le Havre 2 năm.
Năm 1799, Arthur Schopenhauer vào học ở trường trung học thương mại tư nhân dành riêng cho các quý tử của các gia đình danh giá.
Năm 1803, Schopenhauer sang Wimbledon (Anh) học nửa năm. Tới tháng 1/1805, triết gia tương lai vào làm tại một hãng kinh doanh ở Hamburg. Cũng mùa xuân năm đó, cha ông đã qua đời trong những tình huống bí ẩn. Năm 1809, sau hai năm ôn luyện kiến thức, triết gia tương lai bắt đầu theo học ở Khoa y, Trường Đại học Tổng hợp Gottinggen rồi lại chuyển sang Khoa triết. Schopenhauer sống ở Gottinggen cho tới năm 1911, rồi chuyển về Berlin và dự các tiết giảng của hai triết gia Đức nổi tiếng đương thời là Johann Gottlieb Fichte và Friedrich Daniel Ernst Schleiermache…
Năm 1812, Đại học Tổng hợp Jena đã trao cho Schopenhauer học vị Tiến sĩ Triết học. Năm 1820, Schopenhauer nhận được học hàm phó giáo sư và bắt đầu đi dạy triết học ở Berlin. Năm 1831, do dịch hạch lan tràn ở Berlin nên Schopenhauer đã rời bỏ thành phố này tới Frankfurt trên sông Main (ông nổi tiếng là hay sợ bị lây bệnh dịch nên mỗi khi nơi ông đang ở có dịch bệnh là ông chuyển đi chỗ khác ngay).
Schopenhauer rất mê đọc sách. Ông thường nói: "Không có sách hẳn tôi đã trở nên tuyệt vọng từ lâu". Trong thư viện của ông có 1.375 cuốn sách. Mặc dầu vậy, ông cũng lại cho rằng, ham đọc sách quá không chỉ vô ích vì trong quá trình đọc, người ta không chỉ vay mượn những ý tưởng của tác giả và khó tiêu hóa chúng hơn là tự tư duy và tìm ra chúng, mà còn có hại cho trí tuệ vì làm suy yếu trí tuệ và tạo nên thói quen xấu là tìm kiếm ý tưởng từ những nguồn bên ngoài thay vì từ trong chính cái đầu của mình. Cuốn sách mà Schopenhauer ưa thích nhất là "Áo nghĩa thư" (Upanisad), được dịch từ tiếng Ba Tư sang tiếng La tinh…
Schopenhauer biết một cách hoàn hảo tiếng Latinh, tiếng Anh, Pháp, Italia và Tây Ban Nha. Tác phẩm triết học chính yếu của ông "Thế giới như là ý chí và biểu tượng" được xuất bản năm 1819 và được ông viết thêm những lời bình cho tới cuối đời.
Những chỉ trích của Schopenhauer về quan điểm của Kant, các phương pháp sáng tạo liên quan đến những vấn đề kinh nghiệm của loài người và quan điểm của ông về việc cho rằng tầm hiểu biết của con người là hạn chế được coi là những thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của Schopenhauer...
Năm 1839, Schopenhauer được nhận giải thưởng của Hội Khoa học Hoàng gia Na Uy nhờ công trình "Về tự do của ý chí con người". Năm 1843, ông cho tái bản "Thế giới như là ý chí và biểu tượng" và còn viết thêm tập hai cho tác phẩm này.
Schopenhauer mất tại Frankfurt trên sông Main ngày 21/9/1860. Trên mộ chí chỉ ghi độc tên họ của ông "Arthur Schopenhauer"…
Nhà soạn nhạc vĩ đại Richard Wagner đã sáng tác trong giai đoạn từ năm 1848 tới 1869 tặng cho Schopenhauer chùm operra "Der Ring des Nibelungen" (Chiếc nhẫn của người Nibelung), một tác phẩm âm nhạc được đánh giá là đã có ảnh hưởng lớn lao tới nền văn hóa hiện đại…
9 năm sau khi Schopenhauer qua đời, một trong số những "đệ tử" của ông, văn hào Nga Liev Tolstoi đã viết: "Khi đọc ông ấy, tôi không sao hiểu nổi, vì đâu mà tên tuổi của ông lại gần như không được biết tới. Chỉ có một cách lý giải, bằng chính điều mà ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại là, trên thế gian này, hầu như chẳng có ai ngoài những kẻ ngốc nghếch"
Nguồn:An ninh thế giới
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá