Phạm Toàn - Châu Diên: Một chàng 'ngự lâm' đã ra đi
Tên chàng là Phạm Toàn (1932-2019). Chàng đã "giã từ cõi thực để vào hư" khi ngày 26-6 sắp bước đến giờ thứ bảy. Căn bệnh K phổi đã kéo chàng đi khi chỉ còn năm ngày nữa (1-7) là dịp sinh nhật lần thứ 88 của chàng...
Nhà văn - nhà giáo Phạm Toàn - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Chàng đã quên lời "quán triệt" của cháu con, bạn bè là phải khỏe lên để đến ngày đó làm một sinh nhật vui chung cho cả ba chàng "Ngự lâm Nhâm Thân 1932" - cùng với nhà văn - dịch giả Dương Tường (4-8) và nhà văn Nguyên Ngọc (5-9).
Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy tôi gọi Phạm Toàn U90 là chàng. Vì Phạm Toàn rất trẻ.
Chàng sống cuộc đời không phải bằng tuổi tác mà bằng sự đam mê, nhiệt huyết, tin tưởng, đắm say, thất vọng, vỡ mộng, yêu ghét, cuồng nhiệt, say sưa với tất cả những việc mình làm, những người mình gặp, những ước mơ, dự định đã có và sắp sửa. Hào hiệp, phóng khoáng, bao dung là tiếng cười Phạm Toàn.
Chàng đi để lại tiếng cười. Ẩn đằng sau cái cười oang Phạm Toàn là những nghĩ suy cho tương lai.
Cánh buồm vẫn ra khơi
Chàng lập ra nhóm Cánh Buồm để làm giáo dục khi đã ở tuổi tám mươi. Trẻ em nước Việt cần phải được hưởng thụ một nền giáo dục khai phóng, nhân bản thông qua một hệ thống dạy và học lấy học sinh làm trung tâm, phát huy cao độ năng lực tư duy độc lập của trẻ - đó là điều chàng tâm niệm, và cố công giương một cánh buồm lướt sóng ra khơi.
Cùng với các đồng nghiệp, bạn hữu, chàng đã làm cho Cánh Buồm trở thành một nơi thu hút các bạn trẻ cũng giàu nhiệt huyết, và được truyền cảm hứng từ chàng, tham gia sáng tạo, đem những cuốn sách giáo khoa do Cánh Buồm biên soạn ứng dụng vào thực tế giảng dạy ở nhà trường.
Các trường Olympia, Gateway ở Hà Nội đã là những nơi cho ông già Phạm Toàn được sống trẻ, cùng các thầy cô và học sinh biến những điều mong ước của mình, từ con chữ trong sách đến việc học ở trường, thành hiện thực, từ đó lan tỏa đến những trường khác.
Cho đến tận những ngày cuối đời, điều chàng canh cánh nhất vẫn là chưa viết xong phần sách giáo khoa cho bậc trung học phổ thông. Với ai đến thăm, chàng cũng đều nói còn muốn sống lắm, sống để viết cho xong trọn bộ sách giáo khoa của Cánh Buồm.
Những giờ phút tỉnh táo vui nhất của chàng là khi được các cô giáo đến thăm ôm đầu, thơm má như ông cháu trong nhà, và nhìn mắt ai cũng thấy một Cánh Buồm. Phạm Toàn đã xa bến nhưng Cánh Buồm vẫn ra khơi với gia tài đầy thuyền chàng để lại là những sách chàng viết về giáo dục và tủ sách tâm lý học giáo dục do chàng lập.
Càng cao tuổi càng hồn nhiên
Phạm Toàn còn là một nhà văn với bút danh Châu Diên, cái tên nghe đâu lấy từ một từ tiếng Trung chỉ người hay hút thuốc. Từ tập truyện đầu tay Mái nhà ấm (1959) đến tập truyện cuối Sấm trên núi (2010), với gần mười đầu sách, chàng đã góp mình vào văn học một lối viết truyện và tiểu thuyết dí dỏm, thông minh và sâu sắc.
Sáng tác nổi bật của chàng là tiểu thuyết Người sông mê (2003).
Thế hệ chàng học hành dở dang rồi cầm súng chống ngoại xâm vậy mà nói và viết tiếng của "kẻ thù" cứ là uyển chuyển, linh hoạt rất văn chương, văn hóa. Tôi thường bị chàng xoa đầu chê về cái chuyện ngữ âm kém là vậy.
Phạm Toàn càng cao tuổi càng hồn nhiên - một đặc tính trời cho của người nhân trí thực sự. Chàng coi cái sự ở đời thấy việc phải làm, thấy cái đúng là bênh, thấy cái sai là phê như là lẽ tự nhiên của một con người bình thường, của một người dân.
Ở chàng, tư cách công dân, tư cách trí thức, tư cách nhà giáo, tư cách nghệ sĩ hòa quyện một cách chân thực, tự nhiên để mỗi khi chàng lên tiếng trước bất kỳ vấn đề gì thì cũng đều thành thực và có sức thuyết phục. Chàng có nguyên tắc của mình nhưng sẵn sàng chấp nhận tranh luận, đối thoại để đi tới sự thật trong mỗi việc làm, mỗi hướng đi. "Mọi người vì một người, một người vì mọi người", đúng tinh thần ngự lâm quân!
Nhà giáo Phạm Toàn (giữa) cùng các trí thức trong dịp gặp mặt đầu xuân 2019 của Tia Sáng. Ảnh: Hoàng Nam.
.
Chín năm trước, đúng ngày sinh của chàng, tôi có làm một bài thơ tặng gọi là "Sinh một Phạm Toàn", gồm mười khổ. Sinh ra một Phạm Toàn là trời đất, cha mẹ, vợ chồng, phụ nữ, bạn bè, văn chương, trang mạng, giáo dục. Nay chàng về cõi khác, tôi nối thêm một khổ tiễn biệt chàng:
Cái chết sinh ra một Phạm Toàn
Tám mươi tám tuổi cõi trần gian
Ra đi còn tiếc chưa xong việc
Chắc sẽ mang theo xuống suối vàng.
Hồn chàng còn luẩn quất trần gian mà đọc được chắc lại cười mắng tôi: Mày lo mà giúp Cánh Buồm đi, thằng Phạm em hư kia!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])