Phẩm giá con người

03:20 CH @ Thứ Ba - 29 Tháng Mười, 2019

Không ai có thể tưởng tượng được những đau đớn, tủi nhục và kinh hoảng mà 39 nạn nhân đã phải trải qua trong thùng xe tải lạnh trước khi trút hơi thở cuối cùng. Bất cứ ai còn lương tri đều thương tiếc những con người xấu số, hơn nữa trong số này lại có khả năng là những người Việt Nam, những người có cùng liên kết vô hình về quê hương và tổ quốc với chúng ta...


Cảnh sát Anh đang điều tra vụ tai nạn trên chiếc xe container có 39 nạn nhân xấu số

Nhưng sự thương tiếc không có nghĩa là biện hộ, càng không phải là chấp nhận cái sai.

Sau năm 1975, từ điển đã tạo ra một từ mới “thuyền nhân” (boat people) để gọi những người Việt Nam vượt biển liều chết trốn ra nước ngoài. Hôm nay, đã có người dùng từ “thùng nhân” để gọi những di dân trái phép từ Việt Nam, những người đã chui vào thùng xe tải để tránh bị phát hiện trong hành trình đi sang nước Anh.

Trong khi những thuyền nhân năm xưa “biết chết mà vẫn đi” thì nay, hoàn cảnh éo le này không còn áp dụng cho những “thùng nhân” hiện đại. Quan sát phỏng vấn trên truyền thông, gia đình của những người trẻ này không phải nghèo đói đến mức “nếu không đi thì chết” nữa, nhưng vì sao họ vẫn đi để rồi phải chịu cái chết đau đớn và tức tưởi như thế này?

Nhiều người cho rằng phải có một sự phẫn uất, tù túng và bất lực ghê gớm nào, đến mức mà những thanh niên tươi trẻ, tràn đầy sức sống này mới phải liều mạng tha hương nơi xứ người? Nhưng chúng ta cần nhìn vào sự thật rằng với họ, và với hàng trăm, hàng nghìn gia đình Việt Nam khác, chuyến xe “đi chui” sang Anh đó không phải là một lựa chọn liều mạng. Từ trước sự kiện 39 người chết, chỉ có duy nhất một vụ xe đông lạnh chở di dân lậu Trung Quốc bị phát hiện tử vong khi sang Anh vào năm 2000. Từ đó đến nay, có biết bao nhiêu container đi qua hải quan mà không bị phát hiện, bao nhiêu thanh niên Việt Nam đã “chui thùng” an toàn sang Anh? Bao nhiêu người đang “trồng cỏ”, hành nghề mại dâm hay bị bóc lột trong các tiệm nail ở khắp nước Anh? Bao nhiêu người đang gửi hàng tỷ đồng tiền ngoại hối từ những công việc bất chính nơi xứ người về cho gia đình, trong con mắt ngưỡng mộ của hàng xóm, để rồi cả đám thanh niên, lại lũ lượt dắt díu nhau trốn lậu sang xứ người?

Bởi nhu cầu khổng lồ đó, cả một ngành công nghiệp đưa người lậu sang Anh trị giá hàng chục tỷ USD đã hình thành và được vận hành tinh vi. Đây là con đường đã được đảm bảo “an toàn” bởi những đầu nậu có thể chính là những người Việt Nam đã trốn đi trót lọt. Lời kể của những gia đình tang tóc này cho thấy rõ rằng việc đi trốn sang Anh ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh là một việc làm có tổ chức và thường xuyên được thực hiện, nhưng cái chết của con cái họ lại là một cú sốc không ai ngờ tới. Không, họ không hề “liều chết” để đi tìm sinh kế, mà họ ra đi để tìm một con đường làm giàu dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, một con đường mà họ không thể tìm thấy ở quê hương.

Nhưng cho dù mưu cầu giàu sang là một quyền tự do cá nhân và chính đáng, thì quyền ấy không cho phép chà đạp lên tự do, pháp luật, tài sản, tính mạng và nhân phẩm của những người khác, những quốc gia khác. Lựa chọn “đi lậu” sang nước ngoài, tức là lựa chọn một hành vi phạm pháp, lựa chọn tước đoạt đi vị trí chính đáng của những di dân hợp pháp, những người đang xếp hàng chờ để được đến lượt; lựa chọn khiến cho các nước khác ngày càng siết chặt kiểm soát người Việt ở những chốt nhập cảnh; lựa chọn khiến dân tộc ta ngày càng thấp kém và tự ti trước thế giới; lựa chọn trước khả năng phải phạm tội, gây tổn hại đến những người vô tội ở nước khác để phục vụ mục đích làm giàu.

Không thân phận, phải trốn tránh cảnh sát, những thanh niên thậm chí không hiểu tiếng Anh này sẽ làm gì ở nước ngoài? Một số người trở thành nạn nhân của nô lệ lao động, làm việc quần quật trong các tiệm nail và quán ăn, không dám lên tiếng vì sợ bị tố giác. Muốn kiếm tiền nhanh để trả nợ, nhiều người sẵn sàng tham gia trồng cần sa trong các trang trại của các băng đảng tội phạm, hay trở thành gái mại dâm. Vô ý hay cố ý, họ đã đã lựa chọn những đồng tiền tội lỗi, bất chấp phẩm giá ngày càng chìm dưới bùn đen rồi một ngày chính họ lại trở về quê “tuyển quân” cho các trang trại cần sa để bắt đầu một vòng tuần hoàn mới.

Điều gì đẩy họ đến lựa chọn này? Bởi vì những thanh niên này không có lý niệm rằng đây là một việc làm sai trái. Bởi vì một xã hội kim tiền của chúng ta đã khiến mọi cá nhân sôi sục, bất chấp chạy theo tiền tài và danh vọng. Khối tài sản của những người giàu nhất, chứ không phải triết lý và tâm thức của ông ta, mới là những người được trọng vọng nhất. Các cô cậu công tử, tiểu thư “rich kids” là đối tượng mà giới trẻ trầm trồ nhất; những nhà lầu, xe hơi, đồ hiệu chiếm trọn không gian thảo luận của quốc gia.

Chưa bao giờ phẩm giá con người Việt Nam lại trở thành thứ đồ rẻ rúng như ngày nay. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, lời răn của tổ tiên bây giờ nghe lạc lõng và chỉ còn nhắc đến trong những câu chuyện cổ tích. Phải trái, đúng sai đều nằm dưới đồng tiền. Bao nhiêu trong số hàng trăm, hàng nghìn gia đình có con trốn lậu ở nước ngoài ra sức can ngăn chúng, hay đơn giản là từ chối giúp con vay tiền khi chúng bất chấp pháp luật đi trốn sang nước khác? Bao nhiêu người đặt nhân phẩm lên trên những khoản tiền bạc tỷ mà con gửi về, kiếm được nhờ phạm pháp ở nước bạn? Có bao nhiêu người ban đầu thì tỏ ra thương xót những con người “dại dột”, nhưng khi biết được họ có thể kiếm được hàng trăm triệu một tháng nhờ “trồng cỏ” thì lại thốt lên “nhiều tiền vậy thì đi được tôi cũng đi”?

Nhân nào quả nấy. Sự việc 39 người trong đó có nhiều người Việt tử nạn trên đường trốn lậu sang Anh là một cảnh báo mà không ai có thể làm ngơ trước vận mạng chung của cả dân tộc.

Có quá nhiều thứ mà một người có thể nghĩ ra để chỉ vào đổi lỗi cho sự tha hóa của cả một xã hội. Nhưng không ai trong chúng ta là vô can, bởi ta dù vô ý hay cố ý tạo ra cái xã hội thượng tôn tiền bạc và vật chất, phá phăng những lý niệm đúng sai, phải trái này.


(Minh họa)

.

Nhưng nếu bi kịch này là sản phẩm của cả một xã hội, thì ta có thể làm gì ngoài than vãn và chỉ trích?

Hãy thử bắt đầu từ việc nhỏ nhất: Biết sai thì không làm.

Chuyện tờ báo nọ công bố Việt Nam là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là đáng cười hơn đáng vui. Trong cuộc khủng hoảng nhân phẩm, ta cảm thấy hạnh phúc có lẽ vì ta dễ dãi, vì ta tự ti và tự cao chứ không biết tự tôn; vì ta hạ thấp tiêu chuẩn của chính phẩm giá con người của mình. Để thực sự hạnh phúc, chúng ta, với tư cách là cá nhân phải chuộc tội với nhân phẩm của mình.

Chúng ta biết mình hèn nhát, tham lam, ích kỷ, và yếu đuối. Phần đông trong chúng ta không bao giờ có thể thay đổi cả xã hội, nhưng hầu như ai cũng có thể thay đổi bản thân, bắt đầu bằng việc “đừng đồng lõa với cái xấu”. Mỗi người trong chúng ta, thay vì chờ đợi và đổ lỗi, hãy từ từ gột rửa sạch tâm linh của mình bằng phán xét của lương tri.

Giống như nhà tâm lý học nổi tiếng hiện nay Jordan Peterson đã khuyên những người trẻ đang lạc lõng, chúng ta cần sống sao cho sự tồn tại của ta khiến thế giới tiến gần tới thiên đường hơn là địa ngục. Và giống như cái ác, cái thiện cũng sẽ gieo vào lòng người những mầm mống dễ lây lan. Đó là một trách nhiệm to lớn, nó sẽ không dễ dàng, nhưng khi đủ mạnh mẽ, chúng ta sẽ đủ dũng cảm để vươn tới ánh mặt trời dù chân ta vẫn đứng dưới bùn đen. Khi đủ mạnh mẽ, chúng ta có thể nhìn thẳng vào thế hệ tiếp theo mà nhắc lại những lời răn của tiền nhân.

Và bởi thế hệ tiếp theo sẽ nhìn vào chúng ta để đối chiếu, ta phải sống để một ngày nào đó, nếu con cháu của chúng ta phải đứng trước hai lựa chọn, một dễ dàng nhưng tội lỗi, một khó khăn nhưng trọn vẹn phẩm giá thì chúng sẽ biết cần phải tiến về bên nào.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những chia sẻ của Đại sứ quán Anh tại VN về mặt tối của tình trạng mua bán người và di cư trái phép

    29/10/2019Ngài Gareth Wardkhông có nhiều người Việt Nam biết đến thực trạng này. Vì vậy, hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn về một thực trạng mua bán người rất khác đang xảy ra với người Việt ở bên kia bán cầu...
  • Chủ nghĩa dân tộc và công dân toàn cầu: Vấn đề quá lớn để nhắm mắt cho qua

    14/06/2019Mark AshwillChủ nghĩa dân tộc luôn thổi phồng những giá trị tốt đẹp và phủ nhận những yếu kém của nước mình, đồng thời khinh thường những giá trị tốt đẹp của nước khác. Chủ nghĩa dân tộc muốn, và luôn tự cho nước mình là “vĩ đại nhất”...
  • Để có những công dân toàn cầu “made in Việt Nam”

    25/03/2019Lan Hương (Thực hiện)Không có tấm bằng tốt nghiệp ĐH được công nhận trên phạm vi toàn cầu là thiệt thòi của thanh niên Việt Nam khi hội nhập với thế giới. Nhưng thiếu đi tấm "hộ chiếu" đó, những người Việt trẻ vẫn hoàn toàn có thể trau dồi, rèn luyện và tích luỹ kiến thức, kỹ năng, hình thành thái độ để trở thành những công dân toàn cầu “made in Việt Nam”. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ như vậy.
  • Công dân toàn cầu và câu chuyện bản sắc văn hóa

    11/02/2019Nguyễn Văn ChinhGiờ em thấy mình cũng là một phần của mỗi cộng đồng cư dân nơi mình từng sống và làm việc ở đó. Cũng có đôi lúc em tự hỏi không biết mình là người nước nào...
  • Để người Việt trẻ trở thành "công dân toàn cầu"

    29/09/2018Lan HươngGiới trẻ Việt cần gì để trở thành một công dân toàn cầu trong ngôi nhà chung của thế giới thời hội nhập? Quyền và nghĩa vụ của những người Việt trẻ trong thời đại mới? Bí quyết nào để thành công trong sự nghiệp?
  • Công dân toàn cầu và tâm hồn bộ lạc

    21/02/2018Nguyễn Khánh TrungKhởi đầu năm mới 2015 cả thế giới bàng hoàng về vụ khủng bố giết người hàng loạt tại toà báo chấm biếm Charlie Hebdo – Paris – Pháp, đây có lẽ là một phần trong những phong trào thánh chiến mà điển hình nhất là sự nổi lên của “Nhà nước Hồi Giáo” đang làm cả thế giới lo lắng và rùng mình về mức độ bạo lực...
  • xem toàn bộ