Ông quan liêu, ông quan và việc phát hiện nó theo cách nhìn của thơ trào phúng
Ngày nay báo chí chúng ta đang lên án tệ quan liêu. Nhiều nhà thơ trào phúng đang khắc họa hình tượng ông quan liêu, đưa nó ra làm bia cười. Nhiều người gọi những người mắc bệnh quan liêu là “ông quan”. Gọi những người mắc bệnh quan liêu trong số những cán bộ cách mạng ngày nay phải chăng chỉ là cách cường điệu để tăng thêm hiệu quả nghệ thuật? Giữa ông quan ngày nay và ông quan ngày xưa có cái gì giống nhau? Gọi như thế có giúp gì cho việc hiểu biết định tính về cái tệ quan liêu tồn tại thực, trong trường hợp này có thể nói bằng xương bằng thịt với nghĩa đen, tức là qua nhân vật của nó trong cuộc sống, trong xã hội? Tố cáo và lên án ông quan nhiều nhất là thơ trào phúng và cũng có thể nói là bắt đầu với thơ trào phúng. Về một mặt là thái độ phê phán, phủ định và về một mặt khác là cách phát hiện nhận thức, thơ trào phúng trước đây để lại nhiều bài học, giúp ta không ít trong công việc tố cáo, phê phán bệnh quan liêu ngày nay.
ITrong lịch sử văn học Việt Nam quãng giữa hai thế kỉ XIX và XX mới xuất hiện nhiều nhà thơ trào phúng tập trung sự đả kích vào một nhân vật là ông quan. Không phải trong văn học trước đó người ta chưa nói đến ông quan. Ngược lại, ông quan và gia đình quan chiếm phần lớn nội dung các truyện kể. Đó là môi trường quen thuộc của các văn nhân nhà Nho. Nhưng các ông quan trong câu chuyện đó có tốt, có xấu chia ra làm hai phía trung chính, gian tà, cương trực và nịnh hót, nghĩa là theo tiêu chuẩn đạo đức và theo lợi ích của triều đại chính thống. Ông quan, nhà quan chỉ được nhìn như một con người, một hoàn cảnh trong thế sự, trong nhân tình. Đến như Nguyễn Du và trong một tác phẩm có tầm cỡ xã hội rộng lớn như Truyện Kiều, đã nói đến nhiều ông quan, ông thì ăn hối lộ, ông thì xử kiện ấm ớ, ông thì lừa gạt thất tín, đã muốn nàng Kiều báo ân, báo oán rạch ròi mà vẫn không hỏi tội, quan huyện đã nghe lời vu oan lại ăn hối lộ và bà phu nhân quan Lại bộ Thượng thư cho tay chân đi bắt người, đánh ghen thay cho con gái là hai nhân vật trực tiếp đẩy nàng Kiều vào cảnh phong trần. Văn học trước thơ trào phúng chưa thấy nhiều vấn đề về mặt chính trị - xã hội, chưa thấy nhiều đầu mối của nó dính vào nhân vật ông quan.
Cả Nguyễn Khuyến và Tú Xương cũng chưa nhìn ra vấn đề như vậy. Nguyễn Khuyến là người đầu tiên phê phán cái xấu không phải bằng những lời cảm thán mà bằng tiếng cười. Tú Xương là người trau dồi tiếng cười thành những ngón đòn ác hiểm, mở đầu cho dòng thơ trào phúng. Nhưng cả hai người chưa tập trung sự chú ý vào ông quan, chưa coi ông quan là đối tượng để dội những trận cười vào mặt.
Bình luận việc Kiều phải bán mình chuộc cha, Nguyễn Khuyến chỉ nói qua thằng bán tơ “dở dói” sinh chuyện mà nhấn mạnh việc quan huyện vòi tiền hối lộ, có nộp xong khoản tiền ba trăm lạng mới khất lĩnh được Vương Ông về nhà, thoát khỏi nạn tra tấn. Ông ngạc nhiên hỏi một cách hóm hỉnh:
Có ba trăm lạng mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?
Tú Xương thì đã không thể làm ra vẻ ngạc nhiên như vậy: lối kiếm chác của quan trường đã thành quen thuộc. Ông tỏ ra thông thuộc, am hiểu khi mách nước cho một ông bạn đậu Phó bảng ra làm Huấn đạo. Huấn đạo là một chức quan dạy học, lộc bạc mà bổng không được là bao. Tú Xương khuyên bạn:
Tri huyện lâu nay giá rẻ mà,
Ví vào tay tớ quyết không tha,
An Sơn tông giống người keo thực,
Bồ Thủy xưa nay của kiết à?
Đất nhị dễ thường lươn rúc ở,
Lửa nồng nên chuột phải đùn ra.
Ông mà giữ tính kiêu kỳ mãi,
Huấn đạo nguyên ông Huấn đạo già.
Chịu kiếm một ít tiền đút lót, chuyển sang ngạch quan cai trị có bổng lộc mới sung sướng. Chắc không phải vì nghe lời nhà thơ, nhưng ông bạn quả sau đó đã chuyển sang đường quan, làm tri ohủ Xuân Trường, bỏ hẳn tính “kiêu kỳ” làm quan một cách kiểu mẫu. Tú Xương lại viết về ông bạn đó:
Tri phủ Xuân Trường được mấy niên,
Nhờ trời hạt ấy được bình yên.
Chữ “y” chữ “chiểu” không phê đến,
Quan chỉ quen phê một chữ”tiền”.
Với ông quan cái nhìn của Tú Xương đã sắc sảo, không kém gì các nhà thơ trào phúng lớp sau. Nhưng cảnh nhố nhăng buổi giao thời phân tán cái nhìn của ông ra nhiều phía, chứ chưa tập trung vào đó. Phải đợi khi Nguyễn Thiện Kế ngồi phác họa chân dung mười vị quan lớn (Đại viên thập vịnh) ba mươi vị quan nhỏ (Tiểu viên tam thập vịnh) và chân dung một trăm nhân vật nổi danh (Thời hiền bách vịnh), Kép Trà điểm mặt hầu hết các vị quan phụ mẫu tỉnh Hà Nam và nhiều vị tai to mặt lớn ở Bắc Kỳ, Phan Điện viết hàng chục bài về gia đình Hoàng Cao Khải và Dương Lâm, thơ trào phúng mới thực sự lôi cuốn ông quan ra trước vành móng ngựa của tòa án dư luận, mới khởi tố chúng trước lịch sử.
Nguyễn Thiên Kế vẽ chân dung một ông Thám hoa, Tam nguyên, làm Đốc học:
Thám hoa gì nó! Thám” hoa xòe”,
Mỗi quyển tam nguyên ních chẻ hoe.
Cò lợp nón lông, đầu ngất nghểu,
Ngựa luồn chân chỉ, đít xun xoe.
Ba cha cậy thế thừa lên mặt,
Hai vợ ghen xuân, suýt mất ghe.
Xóc đĩa, cù lồng ngày chủ nhật,
Đồng văn hai chữ nịnh Mang hoe.
Kép Trà diếc móc thậm tệ một ông Phó bảng, cũng chính là ông Tri phủ huyện Xuân Trường ở trên:
Quan quách chi mày Phó bảng Tuân!
Làm cho hại nước lại tàn dân.
Trói thằng đánh dậm, lần lưng khố,
Bắt đứa hoang thai liếm cả quần.
Lên mặt nhà Nho cho hổ phận,
Nhờ đồ con đĩ mới nên thân.
Thôi thôi còn nói làm chi nữa,
Nó lại thông gia với Đốc Trần.
Thơ trào phúng đầu thế kỉ đưa ra trước công luận một loạt các ông quan từ cha con Hoàng Cao Khải đến các Cụ lớn ở tỉnh, huyện, từ các bậc khoa bảng đậu đến Thám hoa, Hoàng giáp đến những tên xuất thân từ lính hầu cắp tráp, châm đóm cho cụ Hoàng, nhờ thế lực quan thầy mà làm đến quan phụ mẫu đầu huyện, đầu tỉnh. Họ đua nhau nịnh trên nạt dưới, cấu kết với nhau để đục khoét dân. Họ bóp nặn của dân để vinh thân phì gia và để đút lót quan trên, cầu thăng quan tiến chức. Một ông Từ Đạm, đậu tiến sĩ hẳn hoi và lại có chân trong một phái đoàn sang Pháp:
Tây một lần sang chơi sướng chửa?
Nam hai lần lại túi đầy phè.
Sẵn có tiền trong tay, ông những rình rập chờ cơ hội thăng chức:
Nay mai Tuần vũ nhiều nơi khuyết,
Sao sáng ông toan bóng lập lòe.
Việc tham nhũng cũng có khi bị tố giác, bị vỡ lở. Nhưng nhờ có ô dù, vây cánh họ chỉ bị thuyên chuyển như cảnh “đổi quan huyện” mà Kép Trà nói đến:
Kim Bảng, Duy Tiên cũng một vùng,
Từ rày hai huyện biết hai ông
Sông Văn Giang nọ, trên còn núi,
Núi Đọi Sơn kia, dưới có sông.
Ngán món lươn bung, lùng bún sốt,
No mùi bún sốt, lục lươn bung.
Những khi hai huyện chia đê phận,
Cái chỗ Chằng Cầy ấy của chung.
Cuộc đổi chác nực cười giống cảnh ông Ninh, ông Nang giữa hai quan huyện trông coi hai huyện ở cạnh nhau, cùng lúc bị trừng phạt về tội ăn hối lộ như vậy làm cho quan huyện nào cũng được biết cả hai ông, dâu có đổi đi nơi khác vẫn không có gì phải thay đổi trong sinh hoạt. Và hơn nữa hai ông còn có chỗ gặp nhau ở Chẳng Cầy. Chẳng Cầy là bãi bồi ven sông, nơi địa giới hai huyện và là nơi nhân dân hàng ngày đến… phóng uế.
Những ông quan mà các nhà thơ trào phúng đã không cần dè dặt lựa lời kín đáo khi phê phán, lúc ấy đã thành đàn, thành lũ, đứa nào cũng hống hách, cũng xu phụ, cũng tham nhũng. Và thời đại cũng đã đóng dấu ấn khác cái đám lúc nhúc bốc mùi tử thi kia: ông Quan thời Pháp thuộc, về con đường xuất thân, về mục đích cuộc đời cũng khác các ông quan xưa, những ông quan nhà Nho chính cống. Chính các ông quan nhà Nho chính cống cũng không thừa nhận, cũng phỉ nhổ họ vì một tính xấu khác: phản bội, theo Tây để kiếm ăn. Tội trạng ấy ảnh hưởng không ít đến cách phát hiện của ngòi bút trào phúng. Nguyễn Thiện Kế đã giành cho câu kết về ông “ Thám xòe hoa” tội nịnh “Mang hoe(Manuel)” mà Phan Điện cũng giành cho câu kết về ông Thượng Nam hống hách hay cáu, dọa bỏ tù cả chú vợ, đe đánh đòn cả thông gia:
Nghe đồn Cụ lớn người hay cáu
Cáu cả Tây kia mới gọi là.
Chính sự căm ghét, khinh ghét những tên quan nịnh Tây, dựa Tây đã giúp Nguyễn Thiện Kế phát hiện và xây dựng được hình tượng sinh động của “Tri phủ Quảng” trong một bài thơ trào phúng tuyệt tác:
Khen thay phủ Quảng khéo ranh ngầm,
Phò nịnh anh Tây, cõng mẹ đầm.
Đôi vú ấp vai đầu nghển nghển,
Hai tay ôm đít mặt hầm hầm.
May mà vững gối, nhờ ơn tổ!
Khéo chẳng sa chân, chết bỏ bầm.
Ngoảnh bảo Huyện Hòa ôm váy hộ,
Rỉ tai, nhăn mặt, bảo nhau thầm.
Hai anh quan ôm đít, ôm váy cho đầm, rỉ tai với nhau về mùi thối! Tội nịnh quan Tây được các tác giả kết thúc bài thơ. Những ông quan thời Pháp thuộc là những ôn quan đã biến chất. Ở dạng biến chất đó họ dễ bị các nhà Nho – vì các nhà thơ trào phúng trên đều là nhà Nho – phát hiện, nắm đúng gáy, vạch ra những nét rất bản chất, những nét rất bản chất của các ông quan nói chung. Nhưng nếu chưa phải là theo Phápvà biến chất, liệu họ có bị phá hiện? Nói cách khác nhà Nho trào phúng đã thấy đúng ông quan chưa? Họ có lên án ông quan một cách gay gắt không? Hay họ thấy ra và căm ghét nhờ một hoàn cảnh đặc biệt: quan lại phản bội, theo giặc?
II
Quan là tài sản của một thể chế chính trị, là nhân vật của một kết cấu xã hội, tồn tại trong những điều kiện lịch sử nhất định. Với việc đầu hàng của cả triều đình, quan lại thành các kẻ phản bội, làm tay sai cho giặc. Đám người thượng lưu trước kia là kẻ thống trị cao cả, uy nghiêm nay trở thành một đống rác hôi thối. Nó trở thành cái bướu, cái ung nhọt, ai cũng muốn cắt bỏ. Thơ trào phúng vạch ra chỗ hôi thối của cái ung nhọt đó: tham nhũng, cậy thế. Hống hách, xu nịnh, hèn hạ… Những cái xấu như vậy trước đó người ta cũng đã thấy. Không chỉ tiếu lâm, ca dao, chèo của nhân dân lao động lên án những điều đó, mà cả các nhà thơ, các ông quan chân chính cũng lên án. Chỉ có điều, họ nhìn cái xấu đó bằng con mắt đạo đức, phê phán bằng những lời cảm thán, khuyên ngăn, nói chuyện nhân tình thế thái mà không phát hiện, tố cáo cụ thể? Họ phân chia ra quan tốt quan xấu vì chưa thấy cách cai trị nào ngoài cách của các ông quan nên không thấy những nét tiêu cực trên và cả những nét khác là thuộc tính, là nằm trong bản chất của quan lại.
Quan gắn với vua, với quân quyền. Quân quyền ở ta là chế độ chuyên chế, là quyền sở hữu về mọi quyền lợi ruộng đồng, núi rừng, sông biển, là quyền hành về tất cả mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa tôn giáo. Quan lại được vua lựa chọn để thực hiện quân quyền. Đối với vua, quan là bậc thần tử, tôi tớ, vì nhận tước vị bổng lộc vua ban cho, nên phải siêng năng làm công việc của vua giao. Quan được sắp xếp theo thứ bậc trên dưới, theo thứ bậc đó mà hưởng bổng lộc, dùng số cờ lọng, lính hầu, đi đứng, xưng hô, ăn nói… Quan chọn theo khoa cử, ông quan cũng là nhà Nho. Tuy cũng thuộc đẳng cấp sĩ phu, nhưng đã vào quan trường, thay đổi thân phận thì tính cách trí thức cũng thay đổi không ít. Đẳng cấp, danh vị chi phối cách sống mà quan niệm nhà nước, cách tổ chức bộ máy nhà nước quy định cả công việc ông quan phải làm, cả cách làm việc của quan nữa. Nhà nước chuyên chế của vua quan sống trên nền nông nghiệp phân tán của làng xã. Nó không quản lí việc khai Thác, không quan tâm việc phát triển sản xuất mà chỉ làm nhiệm vụ thu cống nạp và tổ chức vận chuyển, phân phối. Việc quan phải làm là an dân, tức là giữ trị an, là động viên giáo dục dân an cư lạc nghiệp, siêng năng làm việc nông trang, không buôn bán, làm việc cầu may, kiếm lợi, nghe lời người trên, không ngỗ nghịch chống đối. Bộ máy do đó cũng đơn giản, nhất là ở tỉnh huyện, nơi chỉ làm việc giữ trị an, thu thuế, bắt phu, bắt lính xử kiện và dạy học. Tuy vậy đơn giản cũng không phải là dùng ít người.
Quan được vua giao cho quyền hành, quyền hành có khi khá rộng rãi vì không cụ thể và khó kiểm soát. Quyền hành đó nói tóm lại là làm cha mẹ dân. Quan với danh nghĩa là cha mẹ dân ma thương yêu, mà xử phạt, mà giáo dục, mà phán xử người dân. Không cần toan tính thay đổi, phát triển: Điều đó có nguy cơ gây xáo trộn, mất ổn định và riêng với ông quan cũng dễ nguy hiểm vì dễ bị tố giác, vu cáo là sinh chuyện, là cầu công, là gây thế lực riêng… Công việc của người làm cha mẹ dân là cầm cân nẩy mực, và điều đó, theo đường lối nhân trị - cai trị theo người cầm quyền chứ không phải theo pháp luật – có nghĩa là bảo ban mọi người theo ý mình. Pháp luật tùy theo ý quan. Công việc làm quan là hành hạt, hiểu thị là thăm các địa phương cà giảng giải cho dân, là dự tế lễ và những buổi giảng sách, bình văn để đề cao việc giáo hóa, làm cho phong tục thuần hậu chứ không phải là chỉ đạo những công việc cụ thể. Cũng có những công việc cụ thể như thuế má, trộm cướp, kiện tụng. Quan là nhà Nho vốn chỉ học thuộc Kinh, Sử và chuyên làm văn thơ, nên không am hiểu, không quen giải quyết những việc như vậy. Vì vậy quan lại thường phải dựa vào sai nha, tức là “lại”. “Lại” hay sai nha là những người được chọn làm những người giúp việc cho quan. Lại không đậu đạt nên không bao giờ được cất nhắc lên hàng quan. Nhưng “lại” am hiểu công việc, sống ở địa phương nên thông thuộc, làm lâu năm nên thạo luật lệ, giấy tờ. “Lại” không có quyền hạn và uy tín của quan nên phải dựa vào danh nghĩa của quan, nhưng thực tế là người mách nước, sắp xếp mọi công việc cho quan, việc tốt cũng như việc xấu. Dân sợ “lại” hơn cả quan vì “quan xa nhưng sai nha gần”. Quan là người cầm quyền nhưng tồn tại dựa vào danh vị, đẳng cấp nên rất quan tâm đến thể diện, thể diện với dân và thể diện với sai nha.
Thứ nhất: quan cần nhiều nghi vệ, lắm kẻ hầu người hạ, gọi một tiếng trăm người dạ ran, thích cờ lọng rước xách, thích ngồi trên, thích đi trước, thích mọi người thưa bẩm, chờ phán bảo. Làm việc không theo lối phân công, phân nhiệm, sắp xếp kế hoạch mả theo lời phán truyền cho nên quan cần có xung quanh nhiều lính hầu để sai bảo. Bộ máy cồng kềnh gồm nhiều người hầu kẻ hạ, rậm rịch chạy hiệu. Đó là loại lính “lệ”. Tuy làm việc bị động, vô hiệu nhưng đông lính hầu lại tăng thêm uy nghi cho quan.
Thứ hai: quan cần tỏ rõ uy thế, làm ơn, làm oai với kẻ khác. Ban ơn và ra oai là cách làm cho người khác vì nể hay vì sợ mà phục tùng. Khéo dùng ân oai, kết hợp dùng ân, oai là cách thao túng sai khiến kẻ dưới, để giữ uy thế.
Thứ ba: ông quan cần tồn tại như thần thiêng nhờ bộ hạ, cần có vây cánh, cần có người che ở trên, người đỡ ở dưới, cần quan thầy, cần tay chân, cần tả phù hữu bật phù trợ ở nhiều nơi. Cho nên quan cần có nha lại, có cường hào ở các địa phương, có bè cánh.
Vua cần ở quan lòng trung thành, sự tin cậy, sự mẫn cán chứ không cần tài. Người đã được tin cậy có thể ủy thác mọi việc. Trong lịch sử không hiếm những trường hợp ông Nghè chỉ biết làm thơ phú được cử làm thượng thư hết Bộ này sang bộ khác, kể cả những bộ rất cần chuyên môn như bộ Hình (tư pháp), bộ Binh. Nước là của vua, bộ máy nhà nước là để làm việc cho vua thực hiện quyền vua và ý vua chứ không phải là để lo việc nước. Chức vụ này hay chức vụ khác là một vị trí cao hay thấp để sắp xếp bề tôi, để ban thưởng cho những người trung thành. Làm chức nào cũng chỉ cần hết lòng vì vua, nghe lời, chấp hành mệnh lệnh nhanh chóng và triệt để. Tất nhiên là cũng cần năng lực tức là tài xoay xỏa công việc để thực hiện ý vua. Nhưng qua tài năng đến mức có ý kiến riêng, dám nghị luận công việc triều đình, hay bàn đi bàn lại chứ không chấp hành nhanh chóng, nhất là những người không chịu luồn cúi, những người có uy tín, những người ngông nghênh thị tài thì thường bị coi là hạng “bất trị”, thường bị nghi ngờ, vùi dập. Cho nên muốn được làm quan cũng phải biết giữ mình. Đối với công việc không cần chủ động, sáng tạo mà cần nghe ngóng, có khi làm tắc trách chiếu lệ, cốt vừa lòng cấp trên, không bị khiển trách, nhưng phải bằng mọi cách tỏ lòng trung thành, sự phục tùng để giành sự tin cậy, dùng ân và oai để củng cố thế lực. Quan niệm chính quyền và công việc chính quyền, quan hệ vua tôi điều kiện hóa ông quan, tạo ra những tính cách mà ít hay nhiều đã là quan thì đều mắc phải. Những cái đó cũng là điều kiện để ông quan phát triển theo hướng xấu nhất: hống hách, nịnh hót, tham nhũng, dùng quyền hành mưu lợi riêng, kéo bè kéo cánh…
Lối làm quan nhàm chán và mất nhân cách như vậy tất nhiên không làm vừa lòng một số không ít những nhà Nho đậu đạt và nhân quan tước.
Một số ít trong đó thực sự có tài, tự tin ở mình đem tài năng ra làm việc, không chịu xu phụ, không tham mà cũng không nịnh, sẵn sàng chấp nhận cảnh đọa đầy “ lên voi xuống chó”, “làm đại tướng không thấy là vinh mà làm kính cũng không coi là nhục”. Còn một số đông hơn nhiều, chán nản về chỗ cuộc sống làm quan dơ bẩn, con đường làm quan chông gai, tìm cách trốn tránh sự phiền toái, sự luồn cúi nhục nhã. Cách phản ứng của họ là giữ thanh liêm, và vô sự, tự mình sống thanh bạch, tránh làm điều ác, dùng quyền hành và đạo đức hạn chế sai nha làm việc hại dân. Cũng là để tự phân biệt, một số khác chọn lối sống phóng khoáng, hào hoa phong nhã, vui với cảnh đẹp, với cầm, kì, thi, tửu không quan tâm đến công danh mà cũng không ngó ngàng tới công việc:
Cầm đường ngày tháng thanh nhàn
Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu dao.
Cả ba loại đó được gọi là ông quan tốt, dư luận và sử sách ca tụng họ. Về mặt đạo đức nhân cách cá nhân, sự ca tụng đó là xứng đáng. Nhưng về chức năng xã hội, quyền hành bộ máy nhà nước trong tay những ông quan tốt cũng chẳng đưa lại lợi ích gì cho xã hội, cho nhân dân.
Ông quan xấu tham nhũng hống hách, bè cánh, xu nịnh dĩ nhiên là đáng lên án. Nhưng ông quan tốt cũng cần phải loại ra khỏi đời sống xã hội, vì một tính chất chung của ông quan là bất lực, vô tích sự do quan niệm chính quyền, do cách làm quan của họ gây ra. Chỉ đối lập quan tốt với quan xấu mà không đối lập quan - thần tử của vua và cha mẹ dân - với người chịu trách nhiệm làm việc công của nước của dân thì không thấy đạo đức tốt nhưng bất lực, vô tích sự không có ích cho nước cho dân bằng đạo đức có chỗ chưa tốt, nhưng làm được một số việc có hiệu quả, không thấy chỗ nguy hại của chế độ quan lại.
Thơ trào phúng trước đây, vì chưa hình dung được một kiểu chính quyền khác, một cách làm việc quan (việc chung) khác, nên tuy rất căm ghét hầu như tất cả quan lại mà vẫn chưa vượt qua được cách chia quan tốt quan xấu.
III
Ngày nay trong khi cả nước, theo lời kêu gọi của Đảng, chống tệ quan liêu, làm trong sạch bộ máy nhà nước, các báo chí phá hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, nhiều nhà thơ trào phúng đưa “ông quan liêu” làm đề tài đả kích, chế diễu. Mắc bệnh quan liêu ngày nay là những cán bộ cách mạng, chủ nghĩa quan liêu mà ngày nay chúng ta chống là một hiện tượng trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa. Giữa “ông quan liêu” như vậy với “ông quan” ngày xưa có mối quan hệ gì không?
Bệnh quan liêu giấy tờ có thể do ông quan, do chế độ quan lại gây ra, nhưng nó tồn tại chủ yếu với một nhân vật khác trong bộ máy nhà nước: “người công chức”.
Ở ta người công chức là một nhân vật mới, ra đời với bộ máy cai trị thực dân, bên cạnh quan lại thuộc bộ máy Nam triều. Theo tập tục xã hội trước đây, người ta vẫn gọi những nhân viên hành chính như thông phán, tham tá là quan Phán, quan Tham cũng như quan Huyện, quan Phủ - và trong xã hội trọng quan những ông Thông phán, Tham tá cũng bắt người ta gọi mình là quan như vậy – nhưng về nguồn gốc đào tạo, nội dung công việc và cách làm việc, người công chức của bộ máy bảo hộ khác hẳn quan lại Nam triều. Bộ máy cai trị thực dân tổ chức theo kiểu Châu Âu, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Người công chức làm việc để ăn lương, chịu trách nhiệm hoàn thành một bộ phận công việc do thủ trưởng giao và phải hoàn toàn làm theo chỉ dẫn của thủ trưởng.
Ông quan sống theo danh vị đẳng cấp, với quyền làm cha mẹ dân sinh ra bệnh giữ thể diện, giữ uy tín, dễ tùy tiện tác oai, tát phúc. Còn người công chức là người làm thuê, ăn lương và phụ thuộc vào sếp. Bệnh của họ là sợ thủ trưởng, vô trách nhiệm, “mũ ni che tai” với mọi chuyện, nhưng họ cũng không thành giòi mọt của xã hội. Chính người công chức quen làm việc giấy tờ ở bàn mới là chủ nhân của bệnh quan liêu mà đặc trưng là bệnh giấy tờ, bệnh bàn giấy xa rời thực tế. Còn ông quan không làm việc ở bàn giấy mà cũng không hẳn là sính giấy tờ. Nơi làm việc của ông quan là “công đường”. Công đường được trần thiết đủ nghi vệ, có người hầu kẻ hạ tấp nập. Nguyễn Công Trứ đã mô tả công đường một cách hài hước:
Hai hạp, bốn chủ, một lũ nhà tơ, ngồi chờ quan lớn;
Ba bị, chín quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ con.
Ông quan làm việc theo lời phán truyền, theo sự sai phái trực tiếp và cũng không hẳn theo luật pháp nào. Còn người công chức thì có thể nói mắc bệnh sợ pháp luật. Ông quan và người công chức khác nhau về thời đại, về trình độ tổ chức bộ máy nhà nước nhưng đều có thể dẫn đến chủ nghĩa quan liêu với những hình thức khác nhau. Người công chức, nhất là những người công chức cao cấp, được đào tạo hẳn hoi về chuyên môn, vào sách vở, có ảo tưởng vào giấy tờ, tưởng những kế hoạch, công văn, chỉ thị, thảo ra từ trong các bàn giấy có hiệu lực giải quyết mọi việc trong thực tế. Còn ông quan tin ở sức mạnh của những lời bảo ban, giáo huấn, ra sức giũa gọt văn chương, viết những dụ, những chỉ, những bảng văn không nói Rõ được những việc phải làm, những đạo lí cao cả và lời lẽ thiết tha, cảm động. Một bên là bệnh kế hoạch và một bên là bệnh từ chương. Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta được xây dựng dựa vào những người cán bộ cách mạng, do dân và vì dân mà đảm nhận công việc quản lý. Cán bộ cách mạng vốn đối lập với cả quan lại lẫn công chức. Nhưng trong bệnh quan liêu do người cán bộ cách mạng gây ra ngày nay thì có cả bệnh kế hoạch và bệnh từ chương như của quan lại và công chức xưa. Bộ máy đã cồng kềnh đông người lại đua nhau viết nhiều nghị quyết, công văn, chỉ thị. Trong giấy tờ vừa chứa đầy ảo tưởng ở nghị quyết, kế hoạch, vừa trau chuốt từ chương, chọn lời, chọn chữ, nội dung giáo huấn trống rỗng.
Vì nhiệt tình cách mạng, nôn nóng muốn tiến bộ nhanh mà trình độ lý luận khoa học xã hội lại không cao, chúng ta đặt ra cho nhà nước quá nhiều chức năng. Trong lúc đó thì người cán bộ chỉ khác nhau về quá trình tham gia cách mạng, về phẩm chất chính trị mà đều không được đào tạo hẳn hoi về chuyên môn để cầm quyền. Người cán bộ vừa làm vừa học – lúc đầu như thế là đúng và cần thiết – sùng bái lý luận cách mạng và kinh nghiệm công tác cũ, không chịu học chuyên môn nên làm việc tùy tiện, phạm nhiều sai lầm. Cán bộ vốn lúc đầu không thích công việc bàn giấy, thích đi vào quần chúng hơn là thích “làm quan”. Nhưng khi chịu trách nhiệm giải quyết một công việc mà mình không am hiểu thì phát biểu không được rành rọt, lo tìm lời hay ý đẹp diễn thuyết về mục đích ý nghĩa. Không hình dung được công việc cụ thể thì không giao việc được cho cấp dưới, chỉ huấn thị đại khái, động viên chung chung. Rồi hoặc thả cho cấp dưới làm như kiểu quan dùng lại, hoặc là bắt mọi người xúm quanh nghe lời phán truyền về từng việc, từng lúc như kiểu quan dùng lệ. Đã vừa làm vừa học tất nhiên dễ máy móc, theo kinh nghiệm có sẵn, kinh nghiệm hoạt động cướp chính quyền, kinh nghiệm kháng chiến và cả kinh nghiệm cai trị của quan lại và hương lí nữa. Với ý thức cách mạng bảo vệ chính quyền, không dám trao cho ai, ý thức cương vị người giác ngộ, người lãnh đạo, người dìu dắt lớp sau và nhân dân, những cán bộ đó dễ tự xử như cha mẹ dân, như chú bác của người đồng sự và giúp việc. Thế là họ thành ông quan. Nếu giữ được gương mẫu và tinh thần trách nhiệm thì họ còn là những ông quan tốt. Khi đã quen với việc sử dụng quyền hành, cơ quan đã đông người, đủ lại, đủ lệ, quan hệ với trên, với dưới, với xung quanh đã thành nếp là quan hệ giữa những người thân quen, tức là có cơ cấu tổ chức để làm bậy, lại gặp khó khăn trong đời sống thì có khi là tự họ, có khi là do cấp dưới xúi bẩy những ông quan cách mạng đi vào con đường móc ngoặc, hạch sách, tham nhũng… Họ thành những ông quan xấu.
Bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa là một tổ chức nhà nước có chức năng đa diện, phức tạp, đòi hỏi nghệ thuật tổ chức cao. Không giải quyết được tốt nhiều vấn đề tổ chức thì nó đẻ ra bệnh quan liêu, bệnh quan liêu còn nặng nề hơn dưới các chế độ cũ. Ở một nước mà trình độ tổ chức xã hội còn lạc hậu như ở nước ta, tệ quan liêu mà có người gọi mỉa mai là “vua liêu” là một thứ quái thai vừa quan lại, vừa công chức, vừa là quan liêu giấy tờ, vừa là quan liêu vất vả. Giữa hai mặt hình như ta có thừa quan lại mà lại thiếu công chức. Tôi không muốn nói là thiếu những người công chức thờ ơ vô trách nhiệm, chuyên sản xuất giấy tờ, mà nói thiếu người công chức làm việc có nề nếp, có kỉ luật và tôn trọng pháp luật.
Trong cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu ngày nay, nếu không nhìn hết bộ mặt cụ thể như vậy thì đánh không trúng, không nhìn được đầy đủ những việc phải làm để bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa có hiệu lực.
*
* *
Làm rõ hình thù và đặc điểm của chủ nghĩa quan liêu ở nước ta, chỉ ra những quan niệm thiếu sót trong quan niệm về nhà nước, về công việc cầm quyền, những thiếu sót trong công tác tổ chức và bộ máy tổ chức, những sai lầm và nhược điểm của cán bộ cầm quyền của ta… là một công việc nghiên cứu lý luận của các khoa học xã hội. Nhưng văn học, nghệ thuật vì thường nhạy cảm hơn khoa học đối với cuộc sống xã hội, xưa nay vẫn đi đầu trong việc phát hiện thực tế và có khả năng nhiều hơn khoa học để đi sâu vào công chúng đông đảo. Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, thơ trào phúng thường là mũi nhọn. Nhưng nhìn thực tế bằng cái cười và sự đả kích - chất mặn làm nên muối của thơ trào phúng – cũng dễ làm lệch hướng nhìn. Chỉ những hiện tượng đặc biệt đáng ghét, đáng cười mới dễ lọt vào tầm mắt. Những hiện tượng tiêu cực nhưng phổ biến, có ngoại hình hiền lành, quen mắt thường thoát khỏi sự lên án. Sự bất lực, vô tích sự, vô bổ của ông quan tốt chính là cái bị bỏ sót như vậy. Văn học nghệ thuật phải phát hiện cái xấu, làm cho cái xấu hiển hiện dưới dạng thật xấu: phi lí, bất thiện, lố bịch, hài hước, xấu xí về mặt thẩm mĩ. Thơ trào phúng làm việc đó khá có hiệu quả. Nhưng rõ ràng so với thơ trào phúng, kịch và tiểu thuyết có khả năng rộng rãi hơn nhiều để khắc họa “ông quan”, “ông quan liêu” thành những hình tượng nghệ thuật sâu sắc.
Để thanh toán chủ nghĩa quan liêu, chúng ta chờ đợi không chỉ ở sự tố cáo của báo chí, sự đả kích của thơ trào phúng mà còn chờ đợi nhiều ở công tác nghiên cứu khoa học, ở sự khám phá của kịch và tiểu thuyết để nhìn nó rõ ràng hơn trong thực tế nước ta.
Tháng 5 năm 1988
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn