Ôm và sốt
Tư Gò mở tờ báo ra đọc. Toàn thấy sốt. Hết sốt chứng khoán đến sốt nhà, sốt đất, rồi sốt xi măng sắt thép, sốt thịt heo, thịt bò, sốt gạo,... Ôi, đủ kiểu sốt khác nhau. Các báo còn kết luận, nguyên nhân căn cơ của các cơn sốt này đó là do “ôm”.
Trong tiếng Việt, “ôm” là động từ chỉ hành động dang tay ra và đưa vật thể hoặc ai đó vào lòng. Từ điển tiếng Việt hiện đại chỉ mô tả hành động ôm có tính chất sinh học. Bà mẹ ôm đứa con vào lòng. Chàng trai ôm cô gái. Hai chú cún con ôm nhau ngủ... Đó là hành động ôm cụ thể. Sau này, các văn nghệ sĩ phát triển theo hướng trừu tượng. Có thể mạnh mẽ như Thuận Yến “em muốn ôm cả đất, em muốn ôm cả trời...” trong Khát vọng hay đơn giản và lãng mạn như Trần Tiến trong Ngẫu hứng sông Hồng “tôi ôm con sáo, bé bỏng của tôi...”.
Ngày nay, ôm không đơn giản chỉ có nghĩa sinh học mà còn mang nhiều nghĩa phức tạp hơn nhiều. Đất nước mới mở cửa, tệ nạn ôm cũng bắt đầu. Bia ôm, cà phê ôm... bắt đầu mọc lên nhan nhản khắp chốn thị thành lẫn thôn quê. Cùng với ôm, các cơn sốt cũng bắt đầu nhiều hơn, sốt do nhiễm HIV, SARS... Nói chung cái này, mặc dù biến tướng, nhưng vẫn là ôm sinh học và sốt sinh học...
Gần đây chúng ta chứng kiến nhiều cái ôm khác. Thời chơi chứng khoán tất cả đều thắng, thiên hạ thi nhau “ôm” cổ phiếu. Công ty vừa cổ phần hóa xong đã thấy không còn một cổ phiếu nào thừa ra cho công nhân viên. Tất cả đã có một đội ngũ chuyên nghiệp “ôm” hết. Sốt chứng khoán, sau một đêm, ai cũng thành triệu phú, tỉ phú. Giá chứng khoán tăng vài chục lần, người này “ôm” một lúc, mỏi tay và kiếm được một ít, sau đó chuyển sang cho người khác ôm. Tới lúc người này ôm thì sốt giảm đột ngột, thành “sốt lạnh”. Người sau cùng lãnh đủ.
Tới làn sóng bất động sản. Đất nền, đất dự án... đầu nậu đất tung tiền ra ôm hết, để đó không xây, khiến khu quy hoạch loang lổ như miếng da beo. Những người có vốn ít cũng hùa theo góp với nhau, mỗi người một tay để ôm đất. Rồi tới căn hộ, chủ đầu tư vừa công bố giá bán, dân đầu cơ ra ôm hết. Có người mua cả lô, cả dãy, cả tầng... Ôm xong để đó, trên báo rao bán, rao mua, toàn giới đầu cơ giao dịch với nhau. Người có nhu cầu thật sự đứng nhìn ngao ngán vì giá đã đội lên quá cao so với túi tiền của họ. Báo chí nói là sốt đất, sốt căn hộ ở địa phương X, ở tỉnh Y... Vàng, đô Mỹ cũng vậy... Ôm hà rầm và sốt nóng rồi lạnh...
Rồi giá lương thực thực phẩm tăng cao. Heo, bò, gà ôm không được, chỉ có gạo là dễ. Người ta bèn ôm ngay. Xuống tận cánh đồng ôm lúa, tới nhà máy xay xát ôm gạo, ngay cả những người làm nghề trái ngoe cũng tham gia ôm. Tiểu thương ôm vài tấn, đại gia ôm vài kho, mấy bà bán hàng xén cũng bắt chước ôm vài chục ký, hàng xóm tới mua kiên quyết không bán. Ngay cả công ty may mặc thời trang cũng tiến hành ôm gạo. Xi măng rồi sắt thép... cũng được ưu ái ôm vào. Người người ôm, nhà nhà ôm. Hệ thống phân phối đứt khúc. Hậu quả: sốt hết mặt hàng này đến mặt hàng khác... làm người lao động choáng váng, không biết đâu mà lần.
Các ban ngành đang vất vả với việc chống ôm. Hết chỉ thị rồi khuyến cáo, thế nhưng hết đợt sốt này, người ta nghĩ ra cái khác để ôm và lại sốt.
Tư Gò nghĩ đến đây, bèn chạy về nhà, ôm mền mà ngủ. Hơi đâu chạy theo thiên hạ ôm hết cái này tới cái khác, rồi bị sốt lây cho nó mệt người nhỉ !
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005