Những dịch phẩm của tự do

10:28 CH @ Thứ Sáu - 14 Tháng Sáu, 2019

Nguyên Ngọc là một nhà văn nhưng đồng thời ông cũng thực hiện công việc dịch thuật. Ông đã dịch một số tác phẩm văn học nước ngoài và một số sách về phê bình văn học. Nếu như tác phẩm cho ta hiểu tư tưởng của nhà văn, thì dịch phẩm cũng có thể cho ta thấy phần nào con người của dịch giả, nhất là khi các tác phẩm dịch là kết quả của một sự lựa chọn đầy ý thức.

Ở đây tôi tập trung vào ba cuốn sách nghiên cứu và suy tư về văn học mà Nguyên Ngọc đã dịch: Độ không của lối viếtcủa Roland Barthes, Văn học là gì? của Jean-Paul Sartre, Tiểu luậncủa Milan Kundera. Hẳn nhiên, có lý do cá nhân: nghiên cứu văn học là lĩnh vực mà tôi được đào tạo, do vậy, nói về nó âu cũng là hợp lý và hợp với thẩm quyền chuyên môn của tôi. Thêm vào đó, đấy là những cuốn sách thực sự đã khiến tôi có những thay đổi căn bản trong nhận thức về văn học, về vai trò, công việc của nhà văn. Dù rằng không phải tôi hoàn toàn đồng tình với những luận điểm hay quan điểm mà các tác giả đã trình bày trong sách của họ. Tuy nhiên, độc lập và tự do trong nhận thức lại là điều mà các tác giả đó khuyến khích.

Mục đích của tôi ở đây không phải là giới thiệu, phân tích ba cuốn sách này, cũng không phải nói về các tác động của chúng đối với tôi. Tôi muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: vì sao Nguyên Ngọc chọn dịch những cuốn sách đó? Vì sao ông tình nguyện làm cái công việc vốn dĩ lẽ ra phải được giới đại học và giới nghiên cứu đảm nhiệm?

Câu trả lời, dĩ nhiên không đầy đủ và trọn vẹn, dẫn tôi tới ba điểm (cũng có thể có nhiều hơn ba điểm này) mà theo tôi là quan trọng: dấn thân, tự do, nhận thức. Phải chăng đó là những điểm cốt lõi trong tinh thần của những cuốn sách mà Nguyên Ngọc muốn truyền bá.

Dấn thân

Tinh thần dấn thân hẳn là điều mà Nguyên Ngọc muốn phổ biến cho cộng đồng. Không những thế, ta biết tác giả của Đất nước đứng lên còn hiện thực hóa việc dấn thân như một thái độ sống.

Khái niệm “dấn thân” đã khiến Sartre trở nên nổi tiếng, nhưng đồng thời cũng gây “bất đồng” cho một số nhà văn khi họ nghĩ rằng dấn thân kiểu Sartre quá thiên về chính trị. Robbe-Grillet là một ví dụ tương đối nổi bật. Tuy nhiên có lẽ Robbe-Grillet và Sartre chẳng đến mức đối lập nhau, bởi cả hai dạng thức dấn thân, dấn thân chính trị xã hội kiểu Sartre và dấn thân hình thức văn chương kiểu Robbe-Grillet, đều cùng là biểu hiện của nhu cầu tự do, cái nhu cầu cao quý nhất của con người. Sartre đã nói rõ: “Viết là một cách thức nhất định của tự do[1]. Và ông tiếp tục tường giải thêm: “Người ta sẽ hỏi: dấn thân vào cái gì? Đơn giản thôi, dấn thân bảo vệ tự do”.[2]

Dấn thân đối với Roland Barthes chính là ở lối viết. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều cuốn sách của Barthes, Nguyên Ngọc chọn dịch cuốn Độ không của lối viết, để định nghĩa khái niệm lối viết, đã đặt nó trong đối sánh với hai khái niệm khác là ngôn ngữ và văn phong. Theo ông, đó là hai yếu tố mà nhà văn không lựa chọn được. Ngôn ngữ là thứ tài sản chung của mọi người chứ không phải của riêng nhà văn. Anh ta sinh ra ngôn ngữ đã có rồi, anh ta sử dụng nó như tất cả mọi người. Văn phong là những gì hình thành trong “huyền thoại riêng biệt và bí ẩn của tác giả”, anh ta không lựa chọn nó mà có lẽ đúng hơn là bị nó lựa chọn để trở thành bản tính của anh ta, nó là tính khí của nhà văn được thể hiện trong hành ngôn. Chỉ có với lối viết là nhà văn có thể lựa chọn. Lối viết là “nơi diễn ra sự dấn thân xã hội của nhà văn[3]. Cùng với sự lựa chọn một lối viết, nhà văn tự cá thể hóa mình về phương diện xã hội. Lối viết là một hình thức để nhà văn đảm nhận trách nhiệm xã hội, “đó là suy nghĩ của nhà văn về tính sử dụng xã hội của hình thức và sự lựa chọn của anh trong việc này”[4]. Chính ở lối viết mà nhà văn dấn thân và biểu lộ sự chủ động và trách nhiệm của mình. “Ngôn ngữ và văn phong là những lực lượng mù quáng; lối viết là một hành động liên kết lịch sử. Ngôn ngữ và văn phong là những sự vật; lối viết là một chức trách; nó là mối quan hệ giữa sáng tạo và xã hội, nó là hành ngôn văn học được biến đổi vì mục đích xã hội[5]. Nhà văn không được tự do lựa chọn ngôn ngữ mà anh sử dụng, tiêu thụ, nhưng để tạo ra một lối viết anh ta có quyền tự do sản xuất một hành ngôn.

Viết và đọc là hành động của tự do

Sartre quan niệm: “… tự do của tôi [tác giả], trong khi biểu lộ ra, làm bộc lộ tự do của người kia [độc giả]”[6]. Ông nhấn mạnh điều này nhiều lần trong tác phẩm Văn học là gì? “các cuốn sách là những lời kêu gọi tự do nơi độc giả”[7]. Nếu xuất phát từ quan điểm này của Sartre, ta cũng có thể đặt vấn đề theo hướng ngược lại: khi nhà văn, trong tác phẩm của mình, bộc lộ sự nô lệ, thì hệ quả là tình trạng nô lệ của họ sẽ kéo theo sự nô lệ của độc giả. Nguyên Ngọc hẳn quá hiểu thực trạng đáng buồn của cái gọi là văn học nước nhà, đặc biệt là từ sau ngày thống nhất đất nước, loại văn học (không loại trừ phê bình văn học) được phép công khai phổ biến và được chính thống đề cao đã góp phần khiến cho tinh thần nô lệ lây lan và truyền nhiễm khắp nơi. Những nỗ lực bứt phá của ông cùng với tờ báo Văn nghệ thời kỳ đổi mới đã có những đóng góp quan trọng cho việc tạo điều kiện để hình thành một thế hệ tác giả tự do hơn. Rồi khi vòng kim cô thắt chặt trở lại, ông tiếp tục công việc thức tỉnh bằng cách giới thiệu các nghiên cứu và các tiểu luận bàn về văn chương như là biểu tượng của tự do, như là tiếng gọi của tự do.

Bất chấp những quan niệm khác nhau của họ, cả ba tác giả được Nguyên Ngọc dịch đều gặp nhau tại điểm này: viết và đọc là hành động của tự do. Sartre dứt khoát: “Dù anh là người viết tiểu luận, viết đả kích, châm biếm hay tiểu thuyết, dù anh chỉ nói về những niềm say mê cá nhân hay anh công kích cả chế độ xã hội, nhà văn, là con người tự do nói với những con người tự do, chỉ có một đề tài: tự do”[8]. Không thua kém, Kundera xác quyết rằng “Lịch sử tiểu thuyết (hội họa, âm nhạc) được sinh ra từ tự do của con người[9]. Cả Sartre và Kundera đều chỉ ra rằng văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng không thể tồn tại trong một thế giới toàn trị. Vào thời điểm 1948, Sartre xác định: “Tự do cầm bút bao hàm tự do công dân. Người ta không viết cho những người nô lệ. Nghệ thuật văn xuôi liên đới với một chế độ duy nhất ở đó văn xuôi còn giữ được một ý nghĩa: dân chủ.[10] Đến cuối thế kỷ XX, Kundera cũng khẳng định lại điều đó: “Tiểu thuyết không thể tương hợp với thế giới toàn trị”[11].

Đối với Barthes cũng hoàn toàn tương tự. Ông quan niệm rằng lối viết chính là tự do của nhà văn, là yếu tố mà nhà văn có thể lựa chọn. Nhưng điều quan trọng mà Barthes đã nêu rõ: đấy chỉ là tự do trong khoảnh khắc. Nếu nhà văn kéo dài lối viết, có nghĩa là anh ta lại bị cầm tù trong đó. Vì thế, nhà văn cần phải ý thức được điều đó để vượt qua nguy cơ bị cầm tù, để liên tục đi từ khoảnh khắc tự do này đến khoảnh khắc tự do khác. Như vậy, viết chẳng khác nào là một hành trình tìm kiếm và xác lập tự do.

Nhận thức

Nhận thức, suy cho cùng là một sự dấn thân, là khởi điểm đồng thời cũng là kết quả của tự do. Các chiều kích và các sự thật của thực tại chỉ có thể được nhận thức bởi những tinh thần mạnh mẽ, dám dấn thân và tự trao cho mình tự do để vượt khỏi mọi sự ngăn cản cấm đoán nội tại hoặc cấm đoán từ bên ngoài. Khi người ta chấp nhận chỉ nhận thức những gì được phép, hẳn nhiên, người ta chỉ nhìn thấy những gì được phép nhìn, chỉ nghĩ những gì được phép nghĩ, chỉ nói những gì được phép nói và chỉ viết những gì được phép viết. Lúc đó không còn có nhận thức đúng nghĩa, lúc đó sự thật và chiều sâu của thực tại sẽ ở một nơi khác, lúc đó chỉ còn sự nô lệ cho những gì “được phép” [12]mà thôi.

Vậy nên, với Sartre, viết là “bóc lộ thế giới”, phơi bày thế giới trong toàn bộ chiều sâu của nó, trong toàn bộ sự bất công của nó (nếu nó là như vậy) đúng như là nhà văn nhận thức được. Sartre gắn sự bóc lộ này với nhu cầu tự do của con người. “Và bởi vì người đọc cũng như tác giả chỉ thừa nhận niềm tự do ấy để mà đòi hỏi nó phải biểu lộ ra, cho nên có thể coi tác phẩm là một sự trình bày tưởng tượng về thế giới như một đòi hỏi tự do của con người[13].

Nhận thức, với Kundera, trở thành một nghĩa vụ thiêng liêng của tiểu thuyết. Nhưng nhận thức, không chỉ là “bóc lộ” như ở Sartre, mà là khám phá: “khám phá ra cái mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá được, đó là lẽ sống duy nhất của một cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết nào không khám phá ra thêm được một mẫu sự sống trước nay chưa từng biết là một cuốn tiểu thuyết vô đạo đức. Hiểu biết là đạo đức duy nhất của tiểu thuyết[14]. Vì thế mà lịch sử của tiểu thuyết, theo quan điểm của Kundera, là “sự nối tiếp các khám phá”. Và điều quan trọng, tiểu thuyết không chỉ khám phá ra hiện thực đang tồn tại, mà còn khám phá các khả năng của hiện thực, những hiện thực có thể chỉ hiển lộ sau khi tác giả chết, như trường hợp của Kafka, một nhà văn mà Kundera đặc biệt ngưỡng mộ và dành rất nhiều trang để phân tích. Và nếu như những khám phá đi trước thời đại của tác phẩm Kafka hoàn toàn được kiểm chứng bởi châu Âu nói chung ở thời phát xít và bởi đất nước của Kundera nói riêng, cùng với một số nước Đông Âu khác dĩ nhiên, vào thời kỳ toàn trị dưới sự điều hành của một chính quyền mà trong cuốn L’ignorance ông gọi là “chính quyền chiếm đóng”. Với tất cả mọi khác biệt về văn hóa và địa lý, người Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể nhờ những phân tích của Kundera, nhờ tiểu thuyết của Kafka, mà nhận thức thực tại của chính mình.

Đóng góp đặc biệt của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng không chỉ là nhận thức thực tại khách quan, mà còn ở sự tự nhận thức. Tác giả, qua sự tự nhận thức bản thân, thúc đẩy sự tự nhận thức của độc giả. Có phi khoa học không nếu ta đặt câu hỏi này: một cuốn tiểu thuyết như Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải liệu có thể được hình thành trước khi những tiểu luận của Kundera được dịch ra tiếng Việt? Không chỉ vì cái nhan đề cuốn sách của Nguyễn Khải rõ ràng được trích từ câu ngạn ngữ Do Thái mà Kundera dẫn trong Diễn văn Jérusalem: tiểu thuyết và châu Âu: “Con người suy nghĩ, còn Thượng Đế thì cười” (166). Mà hẳn còn nhờ ảnh hưởng của cái tinh thần tự vấn, tự nhận thức, hoài nghi, tra vấn… được Kundera đặc biệt nhấn mạnh trong tập Tiểu luận. Có những lý do để tin rằng công việc dịch thuật của Nguyên Ngọc đã không vô ích. Tuy nhiên, trong một trường hợp cụ thể như trường hợp Nguyễn Khải, sự tự nhận thức được mở ra đến giới hạn nào thì còn là vấn đề phải xem xét.

* * *

Đọc những cuốn sách lý luận hay tiểu luận về văn học mà Nguyên Ngọc chọn dịch ta hiểu vì sao Nguyên Ngọc từ chối thuộc về số những người viết nhân danh cái thiện nhưng lại đứng về phe cái ác (dù đó là người viết báo, viết văn hay viết phê bình lý luận), nhân danh con người nhưng lại phục vụ cho những gì chà đạp con người và các giá trị người, nhân danh tự do nhưng lại thiết lập và duy trì trạng thái nô lệ. Ta hiểu vì sao Nguyên Ngọc không chỉ bảo vệ con người bằng ngòi bút mà cả bằng hành động, bằng sự dấn thân xã hội. Ta hiểu vì sao trong khi giới lao động trí óc ở xứ sở này tìm đủ mọi lý do để tự bao biện cho sự vô cảm và sự chối bỏ trách nhiệm, thì ông, Nguyên Ngọc, bất chấp tuổi tác, bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng có mặt bất cứ đâu để bộc lộ trách nhiệm của một nhà văn, trách nhiệm của một công dân, trách nhiệm của một con người.

Sài Gòn, 22/6/2012


[1] Jean-Paul Sartre, Văn học là gì?,bản dịch tiếng Việt của Nguyên Ngọc, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr. 88.

[2]Văn học là gì?, tr. 88.

[3] Roland Barthes, Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu, Nxb Hội Nhà văn, 1997, tr.14.

[4]Độ không của lối viết, tr. 50.

[5]Độ không của lối viết, tr. 49.

[6]Văn học là gì?, tr. 75.

[7]Văn học là gì?, tr. 145.

[8]Văn học là gì?, tr. 86.

[9] Milan Kundera, Tiểu luận,Nxb Văn hóa Thông tin & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001, tr. 191.

[10]Văn học là gì?, tr. 88.

[11]Tiểu luận, tr. 21.

[12] Nhưng tại sao lại “được phép”? Hay nói cách khác: “ai là người cho phép?”. Trong khi mà Sartre đã nói hết sức rõ ràng: “Không có tự do đem cho; phải tự chinh phục lấy” (Văn học là gì?, tr. 90).

[13]Văn học là gì?, tr. 85.

[14]Tiểu luận, tr. 12.

Nguồn: Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa. Nxb Tri thức/Trung tâm Văn hoá NGôn ngữ Đông Tây. Hà Nội, 2012

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn về tiểu thuyết

    07/10/2016Phạm QuỳnhẤy triết lý của tiểu thuyết như thế mà ảnh hưởng của tiểu thuyết lại như thế. ảnh hưởng ấy thật là sâu xa vô cùng. Song trong ảnh hưởng ấy có sự hay mà cũng có sự không hay.
  • Hồ Biểu Chánh, người mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, vừa đúng 120 tuổi

    22/04/2016Trang Quang SenNăm 1988, học giả Trần Hữu Tá than phiền là giới văn học Việt Nam đã quên làm „Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Hồ Biểu Chánh“ nhà văn „hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ người đọc Việt Nam - đặc biệt là người đọc phía Nam Tổ quốc“ . Gs Trần Hữu Tá có lý, nhưng 20 năm sau giới văn học Việt Nam cũng „quên lửng“, ít nhắc đến nhà văn này...
  • Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu?

    02/11/2015Nguyễn Thanh SơnBởi vì, chúng ta không thể trả lời câu hỏi "tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu?", nếu không trả lời được câu hỏi "tiểu thuyết Việt nam đã ở đâu?". Với khoảng một trăm năm văn học quốc ngữ, tiểu thuyết Việt nam đã đi được bao xa trên đoạn đường mà tiểu thuyết châu âu đã đi hơn 400 năm?
  • Kiểu con người đa ngã trong tiểu thuyết Người tình Sputnik của Haruki Murakami

    25/09/2014Trần Thị Tố LoanKhông còn nghi ngờ gì nữa Haruki Murakami đã trở thành nhà văn Nhật Bản được chờ đợi nhất trên thế giới hiện nay. Nhiều nhà nghiên cứu đã tự hỏi, tại sao một người không được giới phê bình ngay tại chính quốc - những người đã quen với thơ haiku, tác phẩm của Tazinaki Junichiro, Akutagawa Ryunosuke, Kawabata Yasunary... chào đón nhiệt liệt lại có thể trở thành nhà văn lớn của thời đại ?
  • Tiểu thuyết vĩ đại cuối cùng của Victor Hugo

    06/04/2014Lam Thu"Chín mươi ba" lấy bối cảnh một cuộc chiến khốc liệt, tàn bạo song vẫn toát lên vẻ đẹp của sự lương thiện, lòng nhân ái...
  • Tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất"

    17/03/2013Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh NamThế Kỷ Bị Mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam là cuốn tiểu thuyết gần như đầu tiên viết về phong trào Duy Tân đất Quảng. Đây là phong trào vận động cách mạng khởi phát từ Quảng Nam rồi nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh ven biển miền Trung cũng như trên phạm vi cả nước…
  • 400 năm Đôn Kihôtê: Cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại

    17/08/2005Tại nhiều cuộc bình chọn văn học cho đến nay, Đôn Kihôtê (Don Quixote) đã được chọn là "tiểu thuyết số 1 thế giới", "tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại"... Nó cũng là một trong những cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và được tái bản nhiều nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ sau Kinh thánh...
  • xem toàn bộ