Kiểu con người đa ngã trong tiểu thuyết Người tình Sputnik của Haruki Murakami

08:49 SA @ Thứ Năm - 25 Tháng Chín, 2014

Không còn nghi ngờ gì nữa Haruki Murakami đã trở thành nhà văn Nhật Bản được chờ đợi nhất trên thế giới hiện nay. Nhiều nhà nghiên cứu đã tự hỏi, tại sao một người không được giới phê bình ngay tại chính quốc - những người đã quen với thơ haiku, tác phẩm của Tazinaki Junichiro, Akutagawa Ryunosuke, Kawabata Yasunary... chào đón nhiệt liệt lại có thể trở thành nhà văn lớn của thời đại ?

Văn học Nhật Bản sớm có vị trí trên bản đồ văn học thế giới với tác phẩm tiêu biểu Truyện Genji của Murasaki Shikibu (khoảng thế kỉ XI). Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu lịch sử văn học, trước thời Minh Trị, bạn đọc (chủ yếu ở phương Tây) đã tìm đến văn học Nhật trước hết vì tò mò về nền văn hoá kì bí của xứ sở mặt trời mọc, về sau mới bị hấp dẫn bởi bản thân các tác phẩm văn học. Sáng tác của những nhà văn hiện đại sau này như Kawabata Yasunary, Mishima Yukio, Oe Kenzaburo, Yoshimoto Banana... nói chung và của Haruki Murakami nói riêng thì không bị đối xử như thế. Tác giả của Rừng Na-uy đã biến những tác phẩm của mình thành "giấy thông hành" vượt qua biên giới Nhật Bản đến với hơn 40 quốc gia trên thế giới nhanh hơn cả chính các đồng nghiệp của mình là Kawabata Yasunary và Oe Kezaburo - những người đã sở hữu "tấm vé đi vào cõi bất tử" - giải Nobel Văn học - trước đó. Điều gì đã khiến tác phẩm của Haruki Murakami có lực hấp dẫn kì diệu như vậy? Các nhà nghiên cứu, phê bình luôn sẵn sàng với hàng loạt câu trả lời đại loại như: vì yếu tố sex, tự nhiên, kì ảo... Họ cho rằng tác phẩm của Haruki Murakami giống như một "món ăn lạ miệng" trong khi công chúng đã dần không mấy mặn mà với những sáng tác kiểu ái muội đặc trưng của văn học Nhật Bản. Cũng giống như người Nhật không chỉ thích shusi mà đã biết thưởng thức Spaghetti, KFC, không chỉ gắn bó với kịch Noh, sân khấu Kabuki, mà còn nghe nhạc Jazz, Pop, Rock, Hiphop vậy. Theo Giáo sư Mitsuyoshi Numano là vì, tác phẩm của Haruki Murakami có văn phong trau chuốt, cốt truyện cấu tứ khéo léo, đan xen khéo léo giữa hiện thực và kì ảo, mang phong vị Nhật Bản vừa đủ trong bầu không khí kiểu Âu Mĩ và có sự đồng cảm với cuộc sống thành thị của những người độc thân trẻ tuổi.(1) Còn theo chúng tôi, bên cạnh những lí do kể trên thì cái chính là bởi, những điều Haruki Murakami đặt ra trong các tác phẩm đã khắc chạm đến những vấn đề mang tính nhân loại, đặc biệt là cuộc vật lộn của con người trong hành trình cuộc đời để tìm thấy bản ngã đích thực của mình. Những tác phẩm của ông từ Rừng Na- uy, Biên niên kí chim văn dây cót, Kafka bên bờ biển, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, đến Người tình Spunik...thực sự là những hành trình đầy trăn trở, những cuộc lãng du kì lạ trong hiện thực, những cuộc vượt thoát ra ngoài không, thời gian và thám hiểm vào cõi nội tâm đầy bí ẩn của con người để truy tầm bản ngã cho mình.


Sách đã xuất bản của Murakami

Từ khi thoát khỏi kiếp thú mông muội bốn chân, trên hành trình hoàn thiện chính mình, loài người đã luôn đau đáu với những câu hỏi. Ta là ai? Ta có mặt trên thế giới này để làm gì? Liệu rằng ta có khả năng hạnh phúc không? Để trả lời cho những câu hỏi khắc khoải đó, loài người đã làm một cuộc chạy tiếp sức bằng những phát minh vĩ đại từ đầu máy hơi nước đến vô tuyến truyền hình, máy bay, internet..., đã sáng tạo ra các học thuyết, tôn giáo, triết học để lí giải thế giới với mong muốn tìm được nơi bình yên cho tâm hồn trú ngụ. Những tưởng với những phát minh vĩ đại đó, các đức tin mãnh liệt đó, chúng ta sẽ sớm về đích và có câu trả lời thoả đáng cho tất cả. Thế nhưng không phải chỉ người xưa mới cảm nhận Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả, Niệm thiên địa chi du du, Ðộc sảng nhiên nhi thế há.( Đăng U Châu đài ca- Trần Tử Ngang) mà dường như thế giới càng hiện đại thì con người không chỉ cô đơn trong không gian mà còn thấy cả Trăm năm cô đơn. Văn học nghệ thuật đã đi vào khám phá thế giới đó- cái thế giới mà con người quẫy đạp nhiều khi đến tuyệt vọng để mong tìm thấy đâu ý nghĩa đích thực của cõi sống này. Và Haruki Murakami, với những tác phẩm sâu sắc, đã lặng lẽ hòa vào dòng chảy ấy bằng cảm thức của thời đại con người hoang mang trước sự đổ vỡ của các đại tự sự (grands récits). Haruki Murakami qua các kiệt tác của mình đã không làm cái việc đáng chán là gom nhặt các mảnh vỡ của hiện thực để xây dựng một hình ảnh nguỵ tạo về thế giới hoàn hảo như con người mong muốn nhìn thấy mà, ông bình thản chấp nhận thế giới là hỗn mang như vốn có. Và nhân vật của Haruki Murakami đã được đặt trong cái thế giới chông chênh ấy. Trong cõi hỗn loạn xô bồ của đời sống, họ phải dằn vặt, nghĩ suy, trăn trở và nhiều khi đã tìm đến cái chết để giữ được bản ngã của mình. Phản ánh được cái cảm thức hoang mang của con người ngày hôm nay, viết về những mảnh vỡ của hiện thực không phải những điều lớn lao người khác nghĩ đến, mà là những vấn đề nhỏ nhặt của anh, chính anh, (2) Haruki Murakami đã thực sự đi vào địa hạt của văn chương Hậu hiện đại.

Các nhà văn hậu hiện đại tin bản chất của thế giới là hỗn mang, "mọi sự đều là theo cách của nó". Mỗi người thấy một thế giới khác nhau, bị chi phối bởi nhiều hệ quy chiếu. Mỗi hệ quy chiếu là một thế giới, qua đó phát hiện được nhiều bản thể trong con người. Con người vốn có nhiều bản ngã và họ phải tự đấu tranh để chọn bản ngã hay nhất, tốt nhất phù hợp với thực tại.(3) Nhìn các tác phẩm của Haruki Murakami từ góc độ này, ta có thể thấy được điều đó, đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết Người tình Sputnik.

Người tình Sputnik là câu chuyện đầu tiên Haruki Murakami viết về đề tài đồng tính nữ nhưng đấy không phải là chiêu bài để nhà văn Nhật Bản này lôi kéo sự chú ý của độc giả. Điều hấp dẫn nhất của tác phẩm nằm ở cách nhà văn kể về cuộc vật lộn quyết liệt của các nhân vật trong cuộc sống để tìm ra ý nghĩa đích thực cho của đời mình.
Câu chuyện được kể bằng điểm nhìn của nhân vật xưng tôi, theo kiểu hồi cố. "Tôi" là giáo viên tiểu học, sống nội tâm, yêu sách và nhạc cổ điển. "Tôi" yêu đơn phương Sumire, cô gái có tính cách đặc biệt, ham viết tiểu thuyết đến mức bỏ dở đại học vào năm thứ tư. Câu chuyện mở đầu bằng chuyện tình của Sumire. Mùa xuân năm hai mươi hai tuổi, Sumire yêu lần đầu tiên trong đời. Một tình yêu mãnh liệt, một cơn lốc xoáy thực sự quét qua các bình nguyên- san phẳng tất cả những gì nó gặp trên đường, tung mọi thứ lên trời, xé chúng ra từng mảnh, nghiền nát thành từng miếng. Cơn lốc không hề giảm cường độ khi băng qua đại dương, biến ĂngkoVat thành đống hoang tàn, thiêu cháy rừng già Ấn Độ với hổ báo và muôn loài, rồi biến thành cơn bão cát sa mạc vùng vịnh Ba Tư, chôn vùi cả một thành phố pháo đài kì lạ dưới biển cát.(4) Điều gây sốc là Miu - người Sumire yêu mãnh liệt là một phụ nữ, nhiều gần gấp đôi tuổi đời của cô và đã có gia đình. Miu từng học nhạc, hiện tại chuyên nhập khẩu rượu và tổ chức các buổi hoà nhạc. Chỉ Miu là người có thể đánh thức những khát khao nhục dục ở Sumire - điều mà Sumire không cảm thấy khi ở bên "tôi". Nhưng trớ trêu thay, dù có yêu quý Sumire đến đâu đi chăng nữa thì Miu cũng không thể đi đến tận cùng với Sumire ngay cả khi họ ở bên cạnh nhau, có những cử chỉ âu yếm như những người bình thường. Điều này khiến Sumire vô cùng đau khổ.

Khi Sumire và Miu lang thang tới một hòn đảo hẻo lánh tại Hy Lạp, những bí mật về Miu đã được hé lộ. Đó là lúc Miu 25 tuổi, đang theo học piano ở Paris, theo yêu cầu của bố, cô đã sang một thị trấn nhỏ ở Thuỵ Sỹ để lo việc kinh doanh. Tại thị trấn nhỏ xinh đẹp và hiền hoà này, cô đã quen Ferdinando một người Tây Ban Nha đẹp trai cao lớn, đã li hôn và đang sống một mình. Thỉnh thoảng Ferdinando và Miu gặp nhau, trò chuyện ở một quán cà phê. Dần dần Miu thấy có vẻ như anh ta đang tán tỉnh chị và chị ngửi thấy dấu hiệu ham muốn tình dục và điều ấy khiến chị sợ. Chị quyết định tránh quán cà phê đó. (5) Rõ ràng là, Miu đang dùng ý thức để chế ngự bản năng của mình. Cuộc sống từ đó không dễ chịu với Miu nữa. Một đêm, Miu lang thang vào công viên và cô đã rơi vào một trạng huống kì lạ. Khi bị mắc kẹt trên vòng đu quay khổng lồ, bằng chiếc ống nhòm mang theo Miu đã phiên bản khác của cô bên cạnh Ferdinando tại phòng ở của mình. Khi đã nhìn qua một lượt tất cả các cửa sổ và quay trở về căn hộ của mình, Miu há hốc miệng kinh ngạc. Có một người đàn ông trần truồng trong phòng ngủ của chị. Thoạt đầu chị tưởng là mình nhầm phòng. Chị xoay đi xoay lại chiếc ống nhòm. Nhưng không hề nhầm: đấy đúng là phòng chị... Người đàn ông đó là Ferdinando...Rồi một phụ nữ xuất hiện ở cửa sổ. Cô ta mặc chiếc áo khoác ngắn tay màu trắng và một chiếc váy cotton ngắn màu xanh...Cái mà chị nhìn thấy là chính chị.(6) Điều kì lạ là nếu như trong thực tế, Miu chủ động tránh Ferdinando, thì trong cảnh nhìn thấy được từ xích đu, cô đã để mặc cho anh ta làm đủ trò và mình thì hoàn toàn tận hưởng niềm khoái cảm đang dâng lên.(7) Nếu như trong thực tại, Miu thấy buồn nôn và phát ốm khi nghĩ đến "chuyện ấy" cùng Ferdinando, thì từ điểm quan sát kì lạ khi hai người kia cố tình cho chị thấy cảnh này, chị lại cảm nhận khác. Đó là một trải nghiệm khủng khiếp...Tôi ở chỗ này, còn một tôi ở khác kia. Và người đàn ông đó- Ferdinando đang làm đủ trò với cái tôi kia... nhưng cái tôi ở đấy không cảm thấy việc đó khiến chị ta bị ô uế.(8) Khi tỉnh dậy ở trong bệnh viện, mái tóc mượt mà của Miu bỗng bạc trắng và cô vĩnh viễn mất đi thiên khiếu âm nhạc, tình yêu lẫn khao khát nhục cảm. Từ đó, Miu cảm thấy Chị vẫn ở phía bên này, ở đây. Nhưng một cái tôi khác... đã đi sang phía bên kia mang theo mái tóc đen của chị, ham muốn tình dục của chị (9)Từ đó, Miu luôn trăn trở Cái tôi nào, ở phía bên nào...là cái tôi thật?(10) Điều đó lí giải vì sao Miu luôn lạnh băng trước tình cảm nồng nàn của Sumire. Sau khi biết lí do Miu cự tuyệt mình, Sumire đã biến mất như chưa từng có trên đảo ấy. Và theo lí giải của "tôi" thì Sumire đã đi tìm Miu ở phía bên kia như lời cô để lại. Nếu ở bên này, nơi Miu hiện hữu, không phải thế giới thực- nếu ở bên này trên thực tế lại là phía bên kia- thì chuyện gì xảy đến với tôi, người chia sẻ cùng bình diện thời gian và không gian với chị? Tôi là ai trong thế giới này? (11)

Quả thực câu hỏi đầy day dứt cuối cùng của Sumire: Tôi là ai trong thế giới này đã chạm đến tầng sâu nhất của tác phẩm Người tình Sputnik. Trong suốt thiên truyện, cả Miu, Sumire và "tôi" đều đi tìm cái tôi đích thực của mình. Đã có lúc Miu tìm ra nhưng chị không đủ thành thật để chấp nhận cái tôi đó nên đành sống với cái tôi giả của mình. Một cái tôi không đam mê một điều gì, tồn tại chứ không phải sống. Hình ảnh mái tóc bạc của Miu phải chăng là biểu tượng cho cuộc giằng xé vật vã giữa hai cái tôi của chị: Một đầy ham muốn đam mê nhục dục, một muốn vươn tới những điều thanh cao? Văn học Nhật Bản thường thể hiện sự vật lộn, đấu tranh của con người trong cuộc tìm kiếm những giá trị cuộc sống bằng các biểu tượng. Ta đã bắt gặp các cuộc hành trình mang tính biểu tượng trong Lối lên miền Oku của đại thi hào Basho, các cuộc hành trình của Shimamura trong tiểu thuyết Xứ tuyết, chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc, chiếc cốc uống trà có vết son môi trong Ngàn cánh hạc của Kawabata Yasunary... Nói theo Freud, con người thường dùng ý thức để chế ngự cái vô thức cho phù hợp với hoàn cảnh mà nhiều khi quên đi cái bản năng gốc đang gào thét của mình. Phải chăng đó cũng là một bi kịch mà chúng ta một khi đã rơi vào thì dù có vùng vẫy như thế nào cũng khó có thể thoát ra được? Bi kịch đó còn hiện hữu ở các nhân vật chính khác trong Người tình Sputniknhư Sumire và "tôi".

Sumire là một người đầy cá tính, cô dám bỏ dở việc học đại học, dọn ra sống một mình để đi đến tận cùng niềm đam mê văn học của mình và yêu tha thiết một người đồng giới. Nghĩa là Sumire đã dám sống với cái tôi đích thực của mình. Nhưng khi vấp phải sự cự tuyệt của Miu, Sumire đã lặng lẽ biến mất khỏi thế giới này đi sang một thế giới khác để tìm cái tôi toàn vẹn - cái tôi yêu và được yêu. Việc Sumire biến mất khỏi thế giới này để đi đến một thế giới khác có thể rất phi lí nhưng nếu ai đã đọc tác phẩm của Haruki Murakami một cách hệ thống thì sẽ cảm thấy chả có gì bất ngờ cả. Haruki Murakami đã bình thường hoá những điều kì lạ, xoá bỏ khoảng cách giữa không gian thực tại và tưởng tượng, ông cho phép nhân vật của mình có thể cùng một lúc sống ở nhiều thế giới khác nhau. Nhân vật Kafka trong Kafka bên bờ biển hay Okada Toru trong Biên niên kí chim vặn dây cót đã có mặt ở hai nơi khác nhau trong cùng một thời điểm. Như vậy, việc Sumire biến mất trong Người tình Sputnik có thể được xem như sự từ giã thế giới này tìm đến một không gian khác nơi cô có thể tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc mới. Điều này phù hợp với mĩ học của chủ nghĩa hậu hiên đại.

Ngay cả "tôi", dù rất yêu Sumire nhưng đành phải bất lực trước tình cảm của mình vì cô không hề có khát khao tình dục với anh. Với "tôi", đó là nỗi bất hạnh tột cùng. Thế nhưng, hàng ngày anh vẫn phải sống và làm công việc của mình, trải qua một vài mối tình thoảng qua. Nghĩa là anh đã phải sống với cái tôi mình không mong muốn nhưng phải chọn lựa theo như lời anh nói sau cuộc tìm kiếm Sumire vô vọng ở Hi Lạp. Ngày mai tôi sẽ bay về Tokyo. Kì nghỉ hè sắp hết và tôi lại bước vào dòng chảy bất tận. Chỗ của tôi là ở đó. Căn hộ của tôi ở đó, bàn làm việc của tôi, lớp của tôi, học sinh của tôi. Những ngày tháng lặng lẽ đang chờ tôi, những cuốn sách để đọc. Mối tình thoảng qua. Nhưng ngày mai tôi sẽ là một con người khác, không bao giờ trở lại như cũ được nữa. Sẽ không ai nhận thấy điều đó khi tôi trở về Nhật Bản...Đây là ngày cuối cùng dành cho cái người đang là tôi bây giờ. Hoàng hôn cuối cùng. Khi bình minh lên, cái tôi bây giờ sẽ không còn ở đây nữa. Một người khác sẽ nhập vào thân xác này. (12)Vậy là, cái tôi đầy đam mê của anh luôn dõi theo Sumire đã thực sự chết, dù không muốn anh cũng phải lựa chọn cái bản ngã nhàm chán kia.

Như vậy, có thể thấy trong Người tình Sputnik, Haruki Murakami đã xây dựng kiểu con người đa ngã và các bản ngã trong cùng một con người ấy phải đấu tranh với nhau để chọn ra cái nào phù hợp nhất để tồn tại. Nếu chọn sai họ phải chịu sự cô đơn khủng khiếp- cô đơn như những vệ tinh Sputnik đơn độc ở ngoài không gian.

Có lẽ những suy tư của "tôi" trong ngày cuối cùng ở Hi Lạp phần nào đã soi thấu ý nghĩa của tác phẩm. Vì sao mọi người cứ phải cô đơn như thế này? Mục đích của nó là gì? Hàng triệu con người trên thế giới này đều đang mong mỏi khát khao, đang tìm kiếm những người khác để thoã mãn mình nhưng lại tự cô lập họ. Vì sao? Có phải Trái đất sinh ra chỉ để nuôi dưỡng sự cô đơn của con người?(13) Phải chăng cô đơn là cảm thức thường trực của con người trước thực tại? Chính vì cô đơn nên con người luôn khát khao đi tìm bản ngã đích thực của mình. Thế nhưng, trong cuộc đời này, có phải bao giờ ta cũng chọn được cái bản ngã ấy đâu. Cho nên, Người tình Sputnik chính là cuộc tìm kiếm vô vọng của con người ý nghĩa của cuộc sống. Có những người đã chọn sai như tôi và Miu nhưng có người người vẫn tiếp tục tìm kiếm như Sumire -là ở một thế giới khác. Có thể nói, miêu tả con người trong cuộc tìm kiếm bản ngã không là điều mới mẻ trong văn học. Đọc Linh Sơn của Cao Hành Kiện hay bất kì một tiểu thuyết nào của Haruki Murakami, người đọc đều phải vật lộn trong hành trình tìm kiếm đó cùng nhân vật. Trong Kitchen, Banana kể câu chuyện về một người đàn ông goá vợ, ông ta đã cải giới thành phụ nữ để làm mẹ chăm sóc con trai mình. Sự lựa chọn ấy thật nghiệt ngã song đầy tính nhân văn hiện đại. Nhưng có thể nói chưa bao giờ có cuộc tìm kiếm nào lại được miêu tả ám ảnh như trong Người tình Sputnik với sự tách đôi của Miu và mái tóc bạc trắng chỉ sau một đêm khi Miu 25 tuổi.

Câu chuyện về cuộc đời Miu, chủ yếu là sự kiện cô bị kẹt trên xích đu và chứng kiến cảnh cái tôi khác của mình đang làm tình với Ferdinando khiến mái tóc của chị bạc trắng và mất hết cảm xúc yêu thương nhục thể đã được kể bằng thủ pháp cắt dán, phân mảnh, truyện lồng truyện. Miu đã kể cho Sumire nghe và đến lượt "tôi" lại được biết về câu chuyện đó qua tài liệu số 2 mà Sumire đã viết và lưu trong máy tính trước khi biến mất. Nếu mới đọc qua, ta thấy cách kể chuyện kiểu này không mới. Trước Haruki Murakami, đã có nhiều người sử dụng thủ pháp này. Một câu chuyện được kể bằng bảy người khác nhau trong truyện ngắn Trong rừng trúc Akutagawa. Câu chuyện trong Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov được ráp nối từ các phần khác nhau từ hai thời điểm và hai không gian. Còn Từ điển Khazars của Milorad Pavic là câu chuyện về đế quốc Khazars được kể dưới hình thức những chú giải cho một cuốn trừ điển từ ba tôn giáo khác nhau, diễn ra ở ba thời điểm khác nhau. Tuy vậy, đọc xong Trong rừng trúc, người đọc không thể hình dung được ai đích thực là thủ phạm giết người. Muốn biết diễn biến câu chuyện trong Nghệ nhân và Margarita, người đọc phải ráp các phần câu chuyện với nhau. Còn muốn nắm bắt câu chuyện trong Từ điển Khazars, người đọc có thể đọc từ đầu đến cuối, đọc theo chú giải của từng tôn giáo hay vừa đọc vừa so sánh các chú giải của các tôn giáo với nhau. Các tác phẩm kể trên đều có sử dụng thủ pháp cắt dán, phân mảnh song câu chuyện được kể có sự thay đổi giữa các phần, mảnh. Riêng trong Người tình Sputnik, câu chuyện về cuộc đời Miu được "bảo lưu nguyên khối" từ người nghe trực tiếp là Sumire và người đọc gián tiếp là "tôi". Sumire đã ghi lại lời Miu theo điểm nhìn của Miu. Bằng cách kể như vậy, Haruki Murakami đã giữ được tính tương đồng khách thể của câu chuyện. Vì vậy, cảm xúc của các nhân vật về câu chuyện, xét ở một điểm nào đó là giống nhau. Trải nghiệm khủng khiếp của Miu không chỉ khiến tóc chị bạc trắng, mất hết cảm xúc mà còn khiến Sumire, "tôi" thấy được sự trống rỗng vô nghĩa tột cùng của cuộc sống. Mái tóc bạc trắng của chị khiến tôi không khỏi không nghĩ đến màu sắc của những bộ xương người bị thời gian làm cho trắng hếu. Tôi lặng người đi một lúc.(14)Và những ai đã đọc Người tình Sputnik, chắc chắn cũng cảm nhận như vậy. Không chỉ kể câu chuyện ám ảnh về thân phận con người trong cuộc lựa chọn sinh tử cái bản ngã nào phù hợp với mình mà cách kể câu chuyện ấy của Haruki Murakami cũng vô cùng hấp dẫn. Thế mới biết bút lực của Haruki Murakami- người đã "viết nát bản đồ mĩ học"

Thế giới này vốn hỗn mang, con người có nhiều bản thể. Điều quan trọng là ta phải lựa chọn bản thể nào trong số đó. Thông điệp giản dị nhưng cách biểu đạt ảm ảnh. Chính vì vậy, Người tình Sputnik đã diễn tả được tinh tế cảm thức của thời đại con người không tin vào đại tự sự nữa và họ đi tìm những mảnh vỡ của chính mình. Mỗi mảnh vỡ ấy chính là một phần trong cái tôi đa ngã của họ.

Quảng Ninh, 9-2009.
T.T.L

Chú thích:
(1) Mitsuyoshi Numano, Thế giới thơ và tiểu thuyết- Từ Truyện Genji đến Haruki Murakami, Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản, 9-2009, tr 24.
(2),(4),(5),(6),(7),(8),(9),(10),(11),(12),(13),(14)Haruki Murakami, Người tình Sputnik, Ngân Xuyên dịch, NXB Hội Nhà văn, 2008, tr 7, 196, 208 ,209, 210, 212, 218, 221, 241, 276.
(3)Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh (sưu tầm và biên soạn) Văn học Hậu hiện đại những vấn đề lí thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2004.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế giới trong gương của Haruki Murakami

    16/12/2013Hai nhân vật chính của Murakami, sống trong năm 1Q84 đó, đều nhận ra rằng họ đang sống trong một thế giới mà họ không hề mong muốn – một bản sao của thế giới thực. Cái thế giới mà họ biết đã biến mất, thay vào đó là một bản sao của thế giới đã biến mất đó...