Nhìn thấu tâm tính người Việt qua... tản văn

07:37 SA @ Thứ Bảy - 19 Tháng Ba, 2016

Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác (Alphabooks và NXB Lao động) là tập tản văn đáng chú ý gần đây nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên...

Tập tản văn này cũng mở đầu “dự án riêng” của tác giả về 100 tản văn, tiểu luận về tâm tính người Việtđương đại khảo sát xuyên qua thế giới những đồ vật quen thuộc và các hiện tượng xã hội.

Nguyễn Vĩnh Nguyên trao đổi với Thanh Niên Online về dự án mới mẻ và táo bạo này.


Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

* Từ đâu anh nảy ra ý tưởng viết tản văn về tâm tính người Việt?

- Thực ra, nói tâm tính người Việt thì hơi to tát. Mọi thứ ban đầu chỉ xuất phát từ việc tôi muốn ghi chép lại những sự việc vụn vặt thường ngày của con người Việt Nam hiện đại, muốn nhìn những đồ dùng hằng ngày, những sự việc trong đời sống chúng ta ở khía cạnh ký hiệu, biểu tượng, hình hiệu. Sự thay đổi, biến tấu, kể cả biến mất qua thời gian của chúng biểu hiện điều gì về tâm thức con người hay ký ức văn hóa, ký ức phát sinh của cá nhân. Và như vậy, tôi đã phải đụng tới một vấn đề mà chị nói, tâm tính con người.

* Điều quan trọng nhất khi viết tản văn là gì?

- Đa số nhà văn có viết tản văn. Nhiều người coi tản văn là một thể loại “giáp hạt”, viết trong lúc nghỉ ngơi, giải lao giữa khi hai cuốn sách hư cấu (mà họ cho là quan trọng), hoặc gom nhặt những bài viết ngắn ngắn trên báo lại để làm một cuốn gán cho cái nhãn tản văn là xong. Cá nhân tôi nghĩ khác. Đây là một thể loại quan trọng, để viết hay, cần phải có một sự đầu tư, lao động hết sức miệt mài và nghiêm túc. Trong lịch sử văn chương, triết học, lịch sử của nhân loại, ngay từ thời cổ đại, tản văn chưa bao giờ là bị coi là “thứ văn” cả. Cần phải xem đây là một thể loại bình đẳng. Lãnh địa sáng tạo, thể nghiệm ở thể loại này vẫn còn hết sức rộng mở với mọi người viết chuyên tâm.


Bìa 1 cuốn Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở bất kỳ thể loại nào, tôi nghĩ, sự hiểu biết và trải nghiệm đời sốnglà những hai yếu tố không thể thiếu. Những điều đó giúp người viết tìm được một sự độc lập trong góc nhìn, xúc cảm, nhận thức, thái độ. Tản văn là thể loại gắn chặt vào hiện thực và mang đậm tính chủ quan trực tiếp của người viết. Lý trí độc lập sẽ giúp người viết biết chọn lọc chi tiết, văn phong thể hiện, xử lý cấu trúc, lèo lái vấn đề một cách tỉnh táo, sắc sảo. Trong khi đó, tính trữ tình, cảm xúc lại làm nên gia vị, sự linh hoạt, đem lại sự thú vị, cuốn hút cho câu chuyện mà người ta vẫn gọi là “cái duyên”.

* Tản văn có được người đọc chú ý hơn các thể loại văn học khác không?

- Vài năm qua, nhìn vào danh mục sách bán chạy, có thể thấy rất nhiều quyển tản văn của: Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Phạm Lữ Ân... Điều đó cho thấy người đọc có sự chú ý đáng kể với sách văn học thuộc thể loại này. Đặc biệt, theo tôi, cây bút tản văn trong nước đáng chú ý trong thời gian qua là Nguyễn Trương Quý với 4 tập sách tản văn về đời sống Hà Nội đương đại có chủ đề xuyên suốt, đọc khá thú vị. Sách dịch, có tản văn Márai Sándor hay trước đó, Lỗ Tấn, Giả Bình Ao, A.Solzhenitsyn...

* Chủ đề của cuốn tản văn sắp tới của anh? Dự kiến khi nào hoàn tất?

- Bản đề cương của tôi còn chừng 60 đề tài phải làm, chia làm 2 cuốn tiếp theo; sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm tới. Cái tựa cho cuốn tiếp theo, cũng theo lối liệt kê, rất dài: Loa phường, toilet, bàn thờ, sách báo, triều cường, áo dài, quấn mền bịt mặt và các thứ khác.

* Cám ơn anh và xin chờ đợi tập tản văn sắp tới của anh!

“Với Nguyễn Vĩnh Nguyên, viết là để khám phá những rẻo đất đang rục rịch xói mòn, thực chất là viết về con người đang manh nha tha hóa. Nếu trong văn chương hư cấu, Nguyễn Vĩnh Nguyên không ngần ngại đẩy các nhân vật của mình đến những giới hạn bên trong để hắn ta bộc lộ những kiện tính thô sơ nhất, thì trong những trang khảo cứu này,"nhân vật" của tác giả chính là đám đông, được đem ra để mổ xẻ trong sự qui chiếu đến một môi trường văn hóa - sinh hoạt tệ hại đủ đường, và đám đông đó ngày càng mất dần dấu vết bình thường của nhân loại tính.

Thế giới đồ vật là nơi lẽ ra sẽ in dấu những nét nhân hóa để qua đó cuộc sống mỗi con người ngày càng có tính cách cá thể, độc đáo và phong phú hơn, thì ở đây, dưới cái nhìn và ngòi bút sắc bén của tác giả, thế giới đó hiện ra như một thế lực nuốt chửng đè bẹp con người, đồng hóa con người vào nó, làm tan biến mỗi con người vào trong bầy đàn vô danh, đúng như tác giả viết: "Mỗi cá nhân tham gia giao thông là bước vào một quá trình tha hóa, xa lạ với chính mình. Anh ta bị ném vào một đám đông hỗn mang..." - nhà văn - dịch giả Mai Sơn.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hình ảnh người Việt đầu thế kỷ 20

    05/06/2009Thái ThanhNếu không có lần tái bản này, chắc chắn sẽ rất ít người có cơ hội tiếp cận cuốn sách quý của Henri Oger về người Việt Nam đầu thế kỷ 20, vì trong lần ra mắt đầu tiên cách đây đúng 100 năm, cuốn sách chỉ được in 60 bản, giờ nằm tản mát ở thư viện nhiều nước trên thế giới.
  • Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam

    06/06/2006Nguyễn Tất ThịnhTôi viết cuốn sách này với cách nhìn xuyên suốt của văn hóa xã hội. Để trở thành gì thì vấn đề cốt lõi là đẳng cấp văn hóa, để hội nhập vấn đề xuyên suốt cũng là văn hóa. Cuối cùng là mong muốn sự phản tỉnh văn hóa, như luống đất đã được lật luống, trồng trên đó cây gì tùy thuộc vào mỗi người. Có nhiều thứ để trồng lắm, nhưng đó phải là những thứ tốt lành nuôi dưỡng chúng ta và thúc đẩy chúng ta phát triển...
  • Tính cộng đồng - tính cá nhân và "cái tôi" của người Việt Nam hiện nay

    04/05/2006TS. Hoàng KimQuá trình thực thể sinh học - xã hội trở thành con người cũng là quá trình có sự kết hợp giữa tính cộng đồng và tính cá nhân, nói rộng hơn, là giữa tính xã hội và tính cá nhân. Triển khai nghiên cứu đề tài, các tác giả Viện Tâm lý học đã đặt nó trong bối cảnh của thời đại ngày nay, khi quá trình hội nhập đã trở thành xu thế chung mang tính toàn nhân loại...