Nhìn nhận và xử lý lạm phát hiện nay như thế nào?

09:21 SA @ Thứ Tư - 23 Tháng Bảy, 2008

Mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế, tuy nhiên, kiềm chế được mức độ nào lại là vấn đề quan trọng và rất được quan tâm. Để giúp bạn đọc có thêm cái nhìn về vấn đề này, Lanhdao.net có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Vũ Đình Ánh- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả- Bộ Tài chính...

* Thưa ông, quan điểm cá nhân ông về cách lý giải lạm phát cao hiện nay như thế nào ?

Lạm phát ở nước ta trong năm 2008 là sự tích hợp của nhiều yếu tố: Lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát tiền tệ, lạm phát do yếu tố tâm lý.... Chúng ta đã bàn nhiều đến nguyên nhân trong nước và quốc tế nhưng theo tôi, nguyên nhân cơ bản là do đã mở rộng tín dụng và đầu tư một cách quá mức để hy vọng đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong ngắn hạn. Chính vì vậy, bây giờ chúng ta phải trả giá bằng mất ổn định kinh tế vĩ mô, ít nhất là trong trung hạn.

* Để giải bài toán lạm phát này, cần biện pháp nào thưa ông?

Theo tôi trong 8 nhóm giải pháp – thực ra là 7 nhóm giải pháp vì giải pháp cuối cùng là tuyên truyền – chúng ta lựa chọn 2 giải pháp cơ bản nhất: thắt chặt tiền tệ và thắt chặt chính sách tài khóa.

Về thắt chặt tiền tệ chúng ta đã làm từng bước và về nguyên tắc thì không thể tạo ra một cú sốc lớn như vậy. Chúng ta cũng tăng lãi suất và nếu như tình hình biến động xấu hơn nữa thì buộc phải tăng lãi suất nữa.

Về thắt chặt chính sách tài khóa, với cách làm như hiện nay tôi nghĩ là chưa hiệu quả. Chúng ta cần có cơ chế kiên quyết cắt giảm 20%-30% tổng chi ngân sách cho dự toán năm 2008 và kể cả năm 2009, bởi vì độ trễ của chính sách tài chính còn lâu hơn cả chính sách tiền tệ. Nếu chúng ta không kết hợp cả 2 cái thắt chặt không chỉ bằng tuyên bố mà bằng cơ chế rõ ràng và hiệu quả ngay thì sẽ rất khó kiểm soát.

* Theo ông, trong tương lai gần sẽ có những vấn đề gì xảy ra đối với nền kinh tế và chúng ta ngăn ngừa nó bằng cách nào?

Nếu chúng ta suy luận từ quá khứ và nhìn vào những tác động trong chính sách của chúng ta thì từ nay đến cuối năm, khả năng lạm phát sẽ tiếp tục leo thang. Đó là kịch bản xấu nhất về lạm phát. Bên cạnh đó thì tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục đi xuống bởi vì cho đến nay, tuy lãi suất đã tăng nhưng chưa tác động ngay đến các doanh nghiệp.

Tới đây, với chi phí vốn ngày càng tăng cao thì vấn đề tiêu thụ của các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Doanh nghiệp có thể sẽ thua lỗ, thậm chí lâm vào phá sản đặc biệt là các doanh nghiệp ở khu vực tài chính – ngân hàng.

Có một điều nữa là thực trạng nền kinh tế của chúng ta hiện nay còn liên quan đến câu chuyện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi cho đến nay họ đã nắm một phần không nhỏ tài sản của chúng ta dưới dạng các giấy tờ có giá và dưới dạng tiền đồng. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin, sẽ xảy ra phương án xấu là họ sẽ rút vốn ra khỏi Việt Nam như đã từng xảy ra với Thái Lan.

Tuy nhiên, tôi nghĩ với cam kết của Chính phủ cùng với những cơ chế dứt khoát trong thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt chính sách tài khóa, điều chỉnh tỷ giá hối đoái cho phù hợp, công khai hóa hơn nữa thông tin, tình hình sẽ khả quan hơn rất nhiều.

* Nhiều người nhận định rằng cách thức điều hành, đặc biệt là điều hành vĩ mô chúng ta còn lúng túng. Quan điểm của ông thế nào?

Chúng ta đặt ra tương đối nhiều chính sách và dường như tất cả các chính sách đều đúng. Tuy nhiên, đặt các chính sách đều đúng bên nhau thì chưa chắc đã phát huy hiệu quả. Chính sách kinh tế vĩ mô thông thường có những mặt thuận và có cả những hạn chế. Có thể chính sách này có mặt thuận lại bị cái hạn chế của chính sách khác làm cho nó mất hoặc giảm phát huy hiệu quả.

Về điều hành chính sách vĩ mô, theo tôi trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì chúng ta nên lựa chọn 1-2 chính sách trọng tâm và cương quyết thực hiện tất cả các chính sách khác đi theo 1-2 chính sách mà ta đã lựa chọn. Đó là tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và nên có cơ chế tốt hơn nữa để thực hiện cái chúng ta tuyên bố là thắt chặt chi tiêu công.

* Thưa ông, từ thực tế của hoạt động điều hành kinh tế trong thời gian qua rõ ràng có sự yếu kém trong công tác dự báo…

Về dự báo kinh tế vĩ mô thì thực sự đây là điều không hề đơn giản, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường thế giới liên tục biến động và dự báo quốc tế người ta có khả năng cả về vật chất lẫn con người và trình độ công nghệ thông tin, nhưng người ta cũng luôn luôn điều chỉnh các dự báo.

Dự báo chỉ là một kênh tham khảo đối với các nhà hoạch định chính sách thôi. Tôi không đặt nhiều hy vọng vào việc chúng ta nâng cao được trình độ dự báo thì chúng ta hoạch định kinh tế vĩ mô tốt hơn. Bởi vì thực tế điển hình như khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998 ở Thái Lan và sau đó lan ra toàn bộ khu vực Đông Á chẳng hạn, không phải là công tác dự báo kém, bởi trước đó khoảng nửa năm thì các đơn vị dự báo của các tổ chức quốc tế đều đánh giá rất tốt mô hình của Đông Á. Nhưng cuối cùng, nó vẫn sụp đổ, rồi sau đó có không ít dự báo rằng chiều hướng sẽ xấu hơn. Tuy nhiên, chiều hướng xấu hơn này lại không xảy ra đối với tất cả các nước trong khu vực, có những nước đã vượt qua khủng hoảng với cái giá phải trả không nhiều. Trở lại vấn đề, tôi có cảm giác là chúng ta đều biết hệ quả của nó nhưng chúng ta không nghĩ rằng cái hệ quả đó nó sẽ xảy ra.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn:Lãnh Đạo
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan