Nhiều văn nghệ sĩ háo danh, hợm hĩnh đến không biết ngượng
Háo danh cũng là một bản tính của con người, tùy điều kiện và môi trường mà nó phát lộ hay không, phát lộ nhiều hay ít...
Chương trình đơn ca của một ca sĩ nổi tiếng, thời nay gọi là “lai sâu”. Ca sĩ vừa hát xong, đang cúi chào khán giả thì một nhạc sĩ hối hả chạy lên sân khấu, tặng ca sĩ mấy bông hoa. Ông chính là người sáng tác ca khúc mà ca sĩ vừa hát. Ông tranh thủ nói rất tròn vành rõ chữ vào micro: "Xin cảm ơn ca sĩ đã hát rất hay bài hát này của tôi, cũng chính bài hát này tối nay sẽ được phát trong chương trình Bài ca năm tháng của VTV3 lúc hai mươi giờ năm phút qua giọng hát của ca sĩ XYZ”.
Khán giả xôn xao cười. Người hiểu biết thì tỏ vẻ thể tất: Ông ấy tranh thủ quảng cáo cho mình đấy thôi. Người chưa quen với kiểu ngang nhiên như vậy thì ngớ ra: Sao có thể tận dụng diễn đàn của người khác nhanh gọn như thế, sao có thể mượn cớ tặng hoa để tự nói về mình sống sượng như thế, sao có thể thiếu một sự ngượng ngùng cần thiết đến thế.
.
Một vài văn nghệ sĩ khi được tung hô thì dễ trở nên khó kiềm chế bản thân. Illustration: Mai Minh Hồng
Người háo danh thường khó kiềm chế được bản thân, nói cách khác họ thiếu một cái phanh hãm và bản năng tự quảng cáo thường vì thế mà lao dốc không phanh. Chẳng phanh chẳng thắng, cứ hồn nhiên mà lao dốc. Tự nói về mình, chẳng ngần ngại chẳng ngượng ngùng. Khi không thẳng tuột tự tụng ca thì lại vòng vo, vòng vo theo kiểu quá lộ liễu.
Năm con gà, họa sĩ vừa có bức tranh gà được in trên báo, bèn tự mình đưa bức tranh lên mạng cho mọi người biết. Lẽ ra họa sĩ chỉ cần viết một câu giới thiệu đàng hoàng và tự nhiên: Đây là bức tranh gà của tôi vừa được in trên báo, xin mời xem. Thế mà không, họa sĩ lại viết một câu bên dưới bức tranh đem ra để phô: Gà vừa vẽ xong, chưa kịp vặt lông tống vào nồi thì nó đã nhảy tót lên đây la làng. Chẹp, mất bữa nhậu ngon.
Rồi khoe tiếp một bức tranh khác, cũng vừa mới được in báo. Tranh vẽ trong một khu bảo tồn vượn bạc má. Con vượn già tóc râu trắng xóa ngồi yên, con vượn trẻ nói: Làm quen cuộc sống mới đi, ngồi đó chờ… bảo tồn à.
Họa sĩ khoe tranh bằng cách viết vào bên dưới một câu: Thấy mình lỗi thời giống em vượn già.
Tưởng khéo mà không khéo. Tưởng như nói năng gián tiếp, tế nhị, nhưng hóa ra lại là kiểu quảng cáo, nấp dưới dạng pha trò hơi quê. Ai chẳng biết mục đích chính của vị là khoe khoang, đưa đẩy dền dứ như vậy chỉ càng nghĩa lộ. Đúng ra chỉ cần chìa bức tranh ra mà nói: Tranh mới của tôi đây, mọi người xem nhé. Trực tiếp, thẳng thắn, thành thật. Dễ tiếp nhận hơn nhiều.
Một nhà thơ muốn quảng cáo để bán tập thơ của mình, cũng đưa bìa thơ lên mạng, rồi mượn giọng để giới thiệu: "Đã lâu không in tập thơ nào / Nay thử in một tập xem sao / Dạo quanh phố sách thì luôn thấy / Bỗng nghe giá bán thấy không cao".
Cũng là tự quảng cáo đấy, nhưng giọng mượn thơ như đùa biết đâu lại mua vui và khiến người ta thể tất cho cái sự tự mình đi rao bán thơ mình.
Một anh phóng viên, bút danh TP, viết phóng sự mà không bỏ qua một cơ hội nào để được ghép tên mình vào trong bài báo: Tôi vừa đến cổng xí nghiệp thì gặp ông trưởng phòng đi ra, thấy tôi, ông reo lên: A, anh TP, giám đốc vừa hỏi tôi có cách nào để liên lạc với anh TP, anh mời anh TP sớm đến gặp giám đốc, chúng tôi sẽ có đầy đủ tài liệu cung cấp cho anh TP…
.
Người viết nên đứng sau những dòng chữ. Minh họa: HBR
Người viết phải luôn là người đứng đằng sau những dòng chữ, làm công việc quan sát, phản ánh, phân tích, tổng hợp. Tóm lại là đứng đằng sau sự kiện và con người được phản ánh. Đằng này không ngần ngại lôi tuột tên mình ra để thỏa mãn sự háo danh, bằng cách ấy gây phản cảm cho người đọc.
Chuyện khác, một nhà văn, trong một bài tản văn không ngần ngại kể chuyện có người bạn vừa sinh con trai, người bạn ấy bèn lấy tên nhà văn để đặt cho con, không quên dẫn lại câu nói của người bạn: “Em đặt tên con như thế để mong nó sau này cũng thông minh như anh”.
Chuyện ấy có thể là thật. Nhưng nhà văn tự đem kể lại theo kiểu phô như vậy thì chỉ có thể khiến cho độc giả nhíu mày hoặc cười nhếch mép. Nhà văn cứ việc cam đoan là mình không bịa, nhưng vì cái sự như thế này độc giả sẽ không bao giờ coi ông là một nhà văn tinh tế.
Háo danh cũng là một bản tính của con người, tùy điều kiện và môi trường mà nó phát lộ hay không, phát lộ nhiều hay ít. Tùy theo mức văn hóa, phẩm cách và khả năng biết ngượng ngùng đến mức nào mà người ta biết cách tự giới thiệu một cách văn minh hay quê kệch. Tự quảng cáo cũng là một nhu cầu có thể hiểu được của con người, nhưng đã chủ ý quảng cáo thì phải học kỹ năng, không thì sẽ gây phản cảm vì sự thô vụng.
Nguồn:Zing News
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)