Nguyễn Vỹ qua cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam (1954 - 1975)

PGS. TS. Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM
05:35 CH @ Thứ Năm - 18 Tháng Hai, 2021

Trong những gương mặt văn học thời tiền chiến xuất hiện trên văn đàn Việt Nam những năm 19321945 và tiếp tục hoạt động sung sức ở miền Nam trong thời kỳ 1954 - 1975, Nguyễn Vỹ là một nhà văn đa tài tung tẩy trên nhiều phương diện như: viết văn, làm thơ, biên khảo, viết báo... và ở lĩnh vực nào, Nguyễn Vỹ cũng tạo nên những dấu ấn riêng.Đặc biệt, đối với lĩnh vực báo chí, ông có nhiều cống hiến cho đời sống văn học và báo chí nước nhà rất cần được quan tâm nghiên cứu. Bởi, đây là lĩnh vực thể hiện rõ ý thức dấn thân của ông trong các hoạt động xã hội, là nơi để ông thể hiện một phần những hoài bão và khát vọng trong lẽ sống của mình với cuộc đời. Vì vậy, nếu trong lĩnh vực thơ ca ta bắt gặp con người lãng mạn của một Nguyễn Vỹ - Thi nhân với rất nhiều hoài vọng có tính lý tưởng, thì trong lĩnh vực báo chí ta bắt gặp con người hành động của Nguyễn Vỹ trong tư cách một nhà báo dấn thân đấu tranh chống cái ác, cái bất công, chống bạo lực, cường quyền để vươn đến lẽ công bằng, bình đẳng trong xã hội. Và chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi những thăng trầm, những vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau trong cuộc đời của Nguyễn Vỹ đều bắt nguồn từ hoạt động báo chí của ông với tư cách một nhà báo và một nhà quản trị báo chí chuyên nghiệp. Và điều này sẽ được xác chứng qua cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam 1954-1975 về chân dung Nguyễn Vỹ với tư cách một nhà báo dấn thân.

Là một nhà văn sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Ngãi được hun đúc trong linh khí của Núi Ân Sông Trà, lại được giáo huấn ngay từ bé trong một gia đình có truyền thông yêu nước và cách mạng, Nguyễn Vỹ đã sớm nuôi nhiều ước vọng cao đẹp về một xã hội công bằng, nhân văn, hiện đại và đây chính là cơ sở tư tưởng tạo tiền đề để ông lựa chọn báo chí như một phương diện dấn thân để “hành đạo” thậm chí để “nổi loạn” nhằm thực hiện lý tưởng sống của mình. Sự chọn lựa này có thể thành công hay thất bại, thậm chí có lúc rất mạo hiểm nhưng cho thấy bản lĩnh sống đầy ý thực hiện sinh của Nguyễn Vỹ. Đó là ý thức được sống với chính sự lựa chọn của mình, cho dù sự lựa chọn đó có thể đem đến cho ông nhiều mất mát, khổ đau và nguy hiểm đúng như lời thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã viết về tờ báo Dân Ta, một tờ báo do Nguyễn Vỹ sáng lập và quản trị: “DÂN TA anh dũng” với “oai hùng”- chí khí ngang tàng vẫn nấu nung/ Bút thép xứng danh người chiến sĩ/ Non sông vay trả nợ tang bồng”1. Và đây cũng là điều mà các nhà nghiên cứu ở miền Nam trước 1975 quan tâm khi nói đến Nguyễn Vỹ với phương diện là một nhà báo.

Trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng- Sống Mới XB năm 1968) cùng với việc phê bình các nhà thơ Tản Đà, Tượng Phố, Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Thanh Tịnh, TTKH, Thâm Tâm, Vũ Hoàng Chương, Anh Thơ..., Nguyễn Tấn Long đã dành cho Nguyễn Vỹ vị trí xứng đáng với 67 trang viết về cuộc đời và văn nghiệp của ông, kể cả lĩnh vực hoạt động báo chí. Và trong phần viết về tiểu sử nhà thơ Nguyễn Vỹ, ngoài việc giới thiệu về quê hương, gia thế, Nguyễn Tấn Long còn chú ý đến quá trình hoạt động báo chí của Nguyễn Vỹ, đặc biệt là tinh thần phản kháng của ông đối với chế độ thuộc địa Pháp.

Theo Nguyễn Tấn Long: “Năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ báo Việt - Pháp lấy tên là Le Cygne tức Bạch Nga. Báo này ngoài Nguyễn Vỹ còn có nhà văn tên tuổi Trương Tửu cộng tác. Le Cygne là cơ quan cách mạng chính trị xã hội văn nghệ. Trên báo này, Nguyễn Vỹ có viết nhiều bài công kích chính phủ Bảo hộ, chỉ trích đường lối cai trị của thực dân Pháp. Chính vì lẽ đó mà Le Cygne bị đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn. Thực dân Pháp kết án ông là thành phần bất hảo, nguy hiểm cho chính phủ Bảo hộ và ghép vào tội “phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia”. Kết quả: ông bị tòa án thực dân tuyên phạt 6 tháng tù và 3000 quan tiền phạt.

Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra khỏi tù, sáng lập tờ báo Tổ Quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo Tổ Quốc bị đóng cửa.

Sau đây, Nguyễn Vỹ lại cho ra đời từ Dân Chủ xuất bản ở Đà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Đại. Sống chẳng bao lâu, báo Dân Chủ cũng chung số phận với báo Tổ Quốc.

Đến năm 1952, một nhật báo khác cũng do Nguyễn Vỹ chủ trương là tờ Dân Ta, ra đời để rồi sống chỉ được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa như các tờ báo trước của ông. Mãi đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông, chủ trương về nghệ thuật và văn học, hiện nay tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam”(2).

Có thể nói, qua những gì Nguyễn Tấn Long đã tường trình về hành trình làm báo của Nguyễn Vỹ thời kỳ trước 1945 cũng như sau này ở miền Nam trong thể chế Việt Nam Cộng Hòa, ta thấy Nguyễn Vỹ thật sự là một nhà báo dấn thân dám chấp nhận mọi hiểm nguy để thực hiện lẽ sống của mình. Điều đó được thể hiện rõ qua tôn chỉ, mục đích và cả hành động cụ thể của các tờ báo mà ông phụ trách. Đó là tinh thần phản kháng, đấu tranh trực diện với các thế lực "đen tối” trong xã hội để chống lại những gì đi ngược với các giá trị cao đẹp có tính nhân văn như tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái... mà Nguyễn Vỹ luôn khát khao thực hiện với tất cả niềm đam mê của mình. Vì vậy, khi chúc mừng sinh nhật tạp chí Phổ Thông do Nguyễn Vỹ làm Giám đốc và Chủ bút, rất nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu đã thể hiện tình cảm và thái độ ngưỡng mộ những giá trị trong lĩnh vực hoạt động báo chí của Nguyễn Vỹ như bài thơ của Việt Nhân đăng trên tạp chí Phổ Thông số 46 ra ngày 1-11-1960 “Thu ơi ai nhuộm lá thu vàng / Hai tuổi cùng tròn với thế gian Những muốn Phổ Thông cùng tuế Nguyệt! / Mặc dầu lao khổ lẫn huy hoàng / Diệu Huyền vẫn dệt đường tơ mộng / Nguyễn Vỹ chi sờn nỗi tấc gang. / Còn sống thì còn cơ hội ngộ / Dân Ta mấy độ tiếng lừng vang!”(3). Và đây cũng là cái nhìn của Tuần Lý - Huỳnh Khắc Dụng về Nguyễn Vỹ với tư cách là một nhà báo dấn thân khi cho rằng Nguyễn Vỹ “là một nhà báo biết tự trọng, có tư cách của người trượng phu, không như nhiều cây viết khác, ti tiện vô duyên mà không biết thẹn... không có một hiện tượng nào trong cái xã hội này mà cô Diệu Huyền (một bút danh của Nguyễn Vỹ - HA. chú thích) không chế diễu, chế diễu một cách thanh tao duyên dáng, khiến người bị ám chỉ cũng phì cười”(4).

Không chỉ là nhà báo biết “tự trọng”, không “ti tiện” mà với tư cách là một nhà báo dấn thân, để hoàn thiện thiên chức của người cầm bút trên lĩnh vực báo chí, một lĩnh vực đòi hỏi người viết không chỉ có tâm huyết, có tấm lòng mà còn phải có trí tuệ, có kiến thức với phông văn hóa phong phú, Nguyễn Vỹ đã không ngừng nâng cao khả năng chuyên môn của mình. Đây cũng là điều mà Nhu Thắng Cang trên Nhật báo Tin Sớm số 2161 ra ngày 16-12-71 cảm nhận khi nghĩ về về tư cách nhà báo của Nguyễn Vỹ: “Anh Nguyễn Vỹ thuộc về những người viết báo lớn, có chân tài thực học, viết đủ mọi loại (...). Anh viết thật hăng say làm việc không mệt mỏi. Dưới bút hiệu Diệu Huyền anh đã tạo được nhiều mỹ cảm trong nữ giới”(5).

Phòng làm việc của ông Nguyễn Vỹ tại Sài Gòn năm 1965

Còn khi nói về sự dấn thân và niềm say mê làm báo hiểm có của Nguyễn Vỹ, Việt Nhân đã cảm kích mà xác quyết rằng: “Đời làm chủ nhiệm bảo tuần, báo ngày và đời viết lách của anh thật là quên mình, có thể nói là quên ăn, quên uống. Thật vậy. Một khúc bánh mì thịt mua ngoài xe hoặc một đĩa cơm lao động anh Nguyễn Vỹ vừa ngồi viết tại bàn giấy vừa ăn thay cho bữa ăn trưa là đủ. Quả đúng là anh say mê với cái nghiệp viết bảo viết văn” 6. Đọc những điều này, không hiểu những nhà văn, nhà báo “salon” lúc nào cũng ngồi trong xe hơi, trong phòng lạnh nghĩ gì về tư cách của một nhà báo dấn thân trong hành trình đấu tranh chống bạo lực, cường quyền để giành lại áo cơm cho nhân quần, nhất là cho những người lao động nghèo khổ mà cuộc đời làm báo của Nguyễn Vỹ cùng những hoạt động thiện nguyện của ông trong ý thức của một nhà báo dấn thân là một minh chứng để chúng ta suy ngẫm. Bởi, báo chí với chức năng của mình không chỉ làm nhiệm vụ thông tin mà còn thực hiện những chức năng cao cả khác như: nhận thức, giáo dục, định hướng đạo đức, văn hóa... Và nhà báo chân chính không chỉ là “kỹ sư tâm hồn” mà còn là chiến sĩ chống lại cái ác, cái xấu, cái thấp hèn để góp phần xây dựng một xã hội nhân bản, hướng đến chân, thiện, mỹ...

Cuộc sống trên trần thế, chắc chắn sẽ không bao giờ hết những bất công, nghèo đói, khi mà loài người chưa bao giờ từ bỏ sự tham lam mà Đức Phật gọi là sự khát “dục”. Và khi con người còn mãi chìm trong cái “bến mê” đầy huyễn hoặc này, thì văn chương, báo chí vẫn còn cần lắm những nhà văn, nhà báo dấn thân với những hành động cụ thể chống bạo lực cường quyền để góp phần dù rất nhỏ nhưng rất cần thiết “cứu rỗi” nỗi đau khổ của những phận số con người mà nhiều khi sự cứu rỗi ấy là kết quả từ những bài báo của các nhà báo dấn thân. Đây cũng là điều mà Nguyễn Vỹ luôn tâm niệm trong cuộc đời làm báo của mình. Bởi nói như Vũ Bằng trong tác phẩm Bốn mươi năm nói láo khi suy ngẫm về nghề báo, cho rằng: “Người làm báo chân chính đấu tranh không cần ai khen, không sợ ai chửi hết. Người làm báo chân chính không sợ uy vũ, không bị mê hoặc vì lợi danh, không chịu để cho ngòi bút mình tủi hổ, cho nên cũng vì thế nhà báo cũng là trong số những người đáng kính nể nhất”(8). Có lẽ những điều mà Vũ Bằng, một nhà văn, nhà thơ, nhà báo tài năng với bút ký Thương nhớ mười hai viết từ thế kỷ trước đến hôm nay và mãi mãi sẽ còn làm xao động tâm cảm người đọc cùng với những việc làm của Nguyễn Vỹ với tư cách là một nhà báo dấn thân đã thức nhận trong chúng ta nhiều điều suy ngẫm về nghề báo, về vai trò người cầm bút. Bởi, khi trong xã hội vẫn còn không ít nhà báo sẵn sàng đầu hàng, thỏa hiệp với cái ác, cái xấu, cái thấp hèn, thậm chí bán linh hồn cho quỷ dữ, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút, quay mặt lại với cái thiện, cái chân, cái mỹ, với đời sống khổ nghèo của nhân dân, nhất là những con người thấp cổ bé họng... thì những việc làm của Nguyễn Vỹ với tư cách là một nhà báo dân thân vẫn còn nguyên giá trị để phản tỉnh họ. Vì vậy, về một phương diện nào đó, ta có thể khẳng định, Nguyễn Vỹ thật sự là một nhà báo dấn thân với một tinh thần khai phóng và xem tờ báo của mình như một phương tiện để “khai dân trí, chấn dân khí” như nhà cách mạng tiên bối Phan Chu Trinh đã huấn dụ. Thế nên, khi đánh giá về tờ báo Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, Bao La Cư Sĩ tức Thái Bá Kiểm, Chủ bút tờ Văn hóa Nguyệt san, Bộ giáo dục đã cảm tác: “Thấm thoát hai đông đã tới rồi,/ Văn hóa nêu cao ba cõi đất,/ Thanh danh truyền khắp bốn phương trời./ Non sông gấm vóc mong thêu dệt / Dòng dõi rồng tiên khéo vẽ vời. / Mặc khách tạo nhân vui gặp mặt. / Tỏ tình đoàn kết góp đôi lời. (Sài Thành 1-11-1960)”(9). Không chỉ là một nhà báo có năng lực chuyên môn cao, nếu không muốn nói là một nhà báo có tài, có nhân cách, Nguyễn Vy còn là nhà quản trị báo chí có nhiều kinh nghiệm và năng lực tổ chức, quản lý. Vì vậy, khi nhìn nhận về các tờ báo Nguyên Vỹ phụ trách với tư cách là một nhà quản trị báo chí ở miền Nam trước 1975, Hoàng Cơ Bình trên tuần báo Hưng Quốc số 69 ra ngày 24-12-1971 đã cho rằng: “Bán nguyệt san Phổ Thông của Anh là một thành công. Dân Ta khi ẩn khi hiện có một sắc thái độc đáo. Thằng Bờm của Anh quả thực đã gây được một phong trào trong giới thiếu niên. It ai đã có thể thành công như Anh về tinh thần cũng như về tổ chức”10. Sở dĩ có được những thành công trong hoạt động báo chí ở những tờ bảo mà Nguyễn Vỹ phụ trách như Dân Ta, Phổ Thông, Thàng Bờm... vì trong ý thức của Nguyễn Vỹ: “Chủ bút phải là người có trách nhiệm thường xuyên về tinh thần, phải trông nom các bài của bộ biên tập và xem các lai cảo, thư từ của bạn đọc gởi về liên quan đến Tòa soạn. Ông chủ tọa các cuộc hội nghị nội bộ của Tòa soạn và đưa ra các chỉ thị quan hệ mật thiết với hoạt động của tờ báo mà ông có nhiệm vụ gìn giữ đúng theo tôn chỉ và xu hướng”11. Không những thế, trong quan điểm của Nguyễn Vỹ: “Một tờ báo có căn bản nghề nghiệp, bất cứ hàng ngày hay hằng tuần luôn luôn được tổ chức theo một hệ thống chặt chẽ chứ không bao giờ bừa bãi được. Nó là một cơ quan dù là của tư nhân, nhưng vẫn có tính cách công cộng vì ảnh hưởng của nó trong quần chúng rất rộng lớn. Cho nên nó phải theo một kỷ luật nội bộ như thế nào để giữ được không những giá trị riêng của tờ báo mà còn cả uy tín của quốc gia và dân tộc mà nó là đại diện dư luận, hay là tiêu biểu cho văn hóa nghệ thuật, văn minh,.”. 12). Và Nguyễn Vỹ xem đây là một nguyên tắc bất biến để tạo nên hệ giá trị cho một tờ bảo mà trong suốt cuộc đời làm báo của mình trong tư cách là người quản trị tờ báo ông đều thực thi và giữ vững nguyên tắc hoạt động báo chí này.

Quả thật, với một nền báo chí hiện đại, phong phú và mang tính cạnh tranh của một xã hội thông tin đa chiều, lại vận hành trong cơ chế thị trường như ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, sự tồn sinh của các tờ báo phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của bộ phận quản trị, mà rõ nhất là vai trò của người chủ nhiệm và chủ bút. Đây cũng là điều trên báo Tiếng Vang số 2397 ra ngày 19-12-71, tác giả Tú Xe đã nói đến khi đề cập về khả năng đa dạng và đa diện của Nguyễn Vỹ với tư cách một nhà quản trị báo chí trên tinh thần dấn thân: “Trong làng văn, làng báo anh là con người đa diện. Anh làm thơ, viết tiểu thuyết, viết khảo luận, dịch sách bên ngành báo anh vừa điều khiển tờ báo vừa chạy tiền mua giấy, vừa viết bài xã luận, viết bài phiếm luận, viết ký sự, viết luôn phóng sự, lắm lúc ngồi viết luôn hóa đơn để thu tiền quảng cáo. Ấy vậy mà anh chưa hề được tờ “New York Times” liệt kê vào bảng phong thần những tên nhà giàu mới bên xứ Giao Chỉ bên cạnh vua dây kẽm gai Hoàng Kim Quy, vua “dạy Anh ngữ” Nguyễn Ngọc Linh. Anh chỉ vừa đủ sống mặc dù phải “hì hục” viết suốt một đời người. Những lúc đi ăn chung (ăn mà không nhậu vì anh không biết nhậu), Tú Xe thường chế nhạo cái lối viết “hì hục”, viết đến toát mồ hội của anh, anh chỉ mỉm cười chua chát mà rằng: “Đành vậy, hỏng lẽ đi buôn... mà đi buôn cái gì bây giờ, trong khi thời bây giờ bất cứ cái gì kể cả Tôn giáo và Đất nước cũng đã có người bán rồi”(13). Vì vậy, khi nhận xét về Nguyễn Vỹ với tư cách một nhà báo, Bàng Bá Lân cho rằng: “Tôi chưa được rõ lối sống của Nguyễn Vỹ thế nào, nhưng về việc làm báo của anh thì phải nhận ra là có tổ chức chặt chẽ và đứng đắn. Báo ra đúng hạn, bài vở đều đặn, nhất là những mục do anh phụ trách (mà anh giữ rất nhiều mục với nhiều bút hiệu khác nhau) thì chẳng bao giờ chậm trễ, thiếu sót. Một điều đáng kể nữa là sổ sách rất đàng hoàng, tiền nhuận bút của các ký giả và văn hữu viết giúp được trả rất sòng phẳng, mau chóng. Đó là điều mà đa số các chủ báo khác không mấy lưu tâm. Có lẽ tại thế mà tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vỹ đã sống khá lâu, và có vẻ càng ngày càng tiến triển” (14). Và cũng trong cái nhìn của Bàng Bá Lân thì chúng ta “phải công nhận Nguyễn Vỹ là một nhà báo có tài”(15).

Một phẩm tính khác trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu miền Nam trước 1975 về tính cách một người viết văn, làm báo dấn thân Nguyễn Vỹ, theo tinh thần của một nhà văn dấn thân mà Sartre đã từng nói, đó là việc thành lập Thi văn đoàn Thằng Bờm ở hầu hết các tỉnh trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Đây là một hoạt động có tính giáo dục rất lớn về ý thức trách nhiệm đối với xã hội, đối với cộng đồng giới trẻ phần lớn đang hoang mang về lẽ sống trong xã hội miền Nam thời bấy giờ.

Không chỉ là nhà báo dấn thân, có nhân cách và có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, Nguyễn Vỹ còn là nhà biên khảo, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội có những suy nghĩ độc lập và có cá tính. Đây cũng là một phương diện thể hiện văn tài của Nguyễn Vỹ mà chúng ta không thể không nói đến khi đề cập sự nghiệp văn học và cuộc đời Nguyễn Vỹ. Và đây cũng là điều chúng tôi sẽ bàn đến ở một công trình khác khi có điều kiện. Tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi cũng xin viện dẫn ý kiến của Việt Nhân như thêm một lần xác tín về sự đa tài đa diện của Nguyễn Vỹ khi nhà nghiên cứu này cho rằng Nguyễn Vỹ không chỉ là nhà báo mà còn là “một học giả, anh đã suy tư nhiều về tương lai văn học nước nhà, anh là một trong những người tiên phong kêu gọi thành lập Hàn lâm viện Việt Nam” (16). Vì vậy, trong suy cảm của Bàng Bá Lân ở tác phẩm Văn thi sĩ hiện đại, (Nxb. Xây Dựng, Đô Sài Gòn, 1962), khi nghĩ về một số văn thi sĩ như Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Hiến Lê, Anh Thơ, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ, Toan Ánh, Phạm Đình Tân, Phạm Đình Khiêm, Phạm Văn Sơn, ông cho rằng: “Trong số mười văn thi sĩ mà tôi đưa ra giới thiệu hôm nay, có người có thể sẽ thành "bất tử", có người rồi ra chỉ còn là "vang bóng một thời”, có người đã tự tạo được một vòng hào quang khá rực rỡ, có người chưa có mấy tiếng tăm; nhưng tất cả đều đã ít nhiều đóng góp vào công việc xây dựng lâu đài văn học Việt Nam với tất cả khả năng tinh huyết. Riêng một điều đó cũng đáng kể rồi” (17).

Riêng Nguyễn Vỹ, ông không chỉ là người có công trong việc xây dựng tòa “lâu đài văn học Việt Nam” như Bàng Bá Lân đã xác quyết mà còn là người có công trong việc xây dựng “tòa lâu đài văn hóa”, “tòa lâu đài báo chí” vốn còn khá non trẻ trong một đất nước có nền báo chí xuất hiện khá muộn và thiếu truyền thống phản biện như ở nước ta. Vì vậy, cho dầu những đóng góp của Nguyễn Vỹ trong lĩnh vực báo chí cũng như văn hóa, văn học vẫn còn khiêm tốn vì ông đã vĩnh viễn xa lìa cuộc đời khi rất nhiều điều tâm nguyện ông chưa thực hiện được, nhưng chắc chắn Nguyễn Vỹ sẽ không chỉ là nhà văn của “một thời vang bóng” mà sẽ trở thành “bất tử” cùng với đất nước, quê hương mà ông hằng yêu quý. Bởi, trong tâm thức của ông, làm báo, viết văn, làm văn hóa, không phải chỉ để trở thành nổi tiếng mà cốt là thể hiện khát vọng dấn thân của người cầm bút, mang tinh hoa góp mộng cho đời như chính lời thơ ông viết trong lễ mừng sinh nhật lần thứ 2 tạp chí Phổ Thông: “Mỗi người mỗi chút góp công nuôi/ Đông Tây kim cổ chung lời đẹp/ Bạn hữu xa gần giúp chuyện vui / Một bóng một đèn, ham viết... viết... / Chuỗi ngày chuỗi tháng, mặc trôi... trôi.../ Dăng tơ dệt mộng, mơ hồn bướm/ Cái kiếp con tằm phải thế thôi”. (Kỷ niệm đệ nhị chu niên Tạp chí Phổ Thông) (18).

Vâng! “Cái kiếp con tằm” thì "phải nhả tơ”. Và Nguyễn Vỹ trong phận số của một nhà báo dấn thân, ông cũng đã rút ruột những sợi tơ văn hóa, văn chương, văn khí trong cuộc đời mình, dâng hiến cho cuộc sống, cho quê hương, cho con người mà ông yêu quý, trong thân phận của kẻ lưu đày giữa chốn nhân gian mà ông đã chọn lựa như một hiện hữu...|

 - Xóm Đình - An Nhơn - Go Vấp, mùa mưa 2017 -

CHÚ THÍCH

* PGS. TS. Trường Đại học Văn hóa TP. HCM

1. Tạp chí Thằng Bờm, số 86, “số Đặc biệt tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ”, tr.27.

2. Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhận tiền chiến (Quyển thượng) Nxb. Sống Mới, Sài Gòn, 1968, tr.434-435.

3. Tạp chí Phổ Thông, Bộ mới số 46 ra ngày 15-11-1960, tr.126 - 127.

4. Tạp chí Thằng Bờm, số 86, “số Đặc biệt tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ”, tr.2.

5. Tạp chí Thằng Bờm, số 86, “số Đặc biệt tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ”, tr.9.

6. Tạp chí Thằng Bờm, số 86, “số Đặc biệt tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ”, tr.4.

7. Vũ Bằng Toàn tập tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, tr.520.

8. Vũ Bằng Toàn tập, tập 1, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2006, tr.519

9. Tạp chí Phổ Thông, Bộ mới số 46 ra ngày 15/11/1960, tr.126.

10. Tạp chí Thằng Bờm, số 86, “số Đặc biệt tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ”, tr.8.

11. Tạp chí Phổ Thông, Bộ mới số 46 ra ngày 15-11-1960, tr.41.

12. Tạp chí Phổ Thông, Bộ mới số 46 ra ngày 15-11-1960, tr.42.

13. Tạp chí Thằng Bờm, số 86, “số Đặc biệt tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ”, tr.13.

14. Bàng Bá Lân, Văn thi sĩ hiện đại, Nxb. Xây Dựng, Sài Gòn, 1962, tr.147.

15. Bàng Bá Lân, Văn thi sĩ hiện đại, Nxb. Xây Dựng, Sài Gòn, 1962, tr.158.

16. Tạp chí Thằng Bờm, số 86, “số Đặc biệt tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ”, tr.4.

17. Bàng Bá Lân, Văn thi sĩ hiện đại, Nxb. Xây Dựng, Sài Gòn, 1962, tr.6.

18. Tạp chí Phổ Thông, Bộ mới số 46 ra ngày 15-11-1960, tr.126.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cốt cách Nguyễn Vỹ

    16/02/2021Phạm Chu SaNguyễn Vỹ: Một nhà thơ cách tân có nhiều đóng góp cho phong trào Thơ mới. Một nhà văn, nhà phê bình - biên khảo tài năng và tâm huyết. Một nhà báo dấn thân, dám viết, không ngại đụng chạm, phê phán thẳng thừng...
  • Giai thoại về cú lừa kinh điển điếng người của vợ một nhà văn

    03/02/2020Đỗ Thông (sưu tầm)Trước Cách mạng tháng Tám, tuy 'cá tháng Tư' chưa phổ biến ở nước ta, nhưng chuyện nhà văn Lan Khai bị ăn quả lừa đã trở thành giai thoại...
  • Vỹ, chàng trai xứ Quảng

    14/12/2017Trần TuấnNguyễn Vỹ là ai? Người ngang tàng đi đầu cách tân thơ mới từ những năm 1930, tác giả của “Sương rơi”, “Gửi Trương Tửu”. Nhà văn của “Tuấn, chàng trai nước Việt”. Và là một ký giả kiêm chủ bút ghi nhiều dấu ấn lạ lùng trong lịch sử báo chí nước nhà...
  • Nhà văn Trương Tửu- từ sáng tác đến nghiên cứu, phê bình văn nghệ

    28/08/2016PGS.TS. Nguyễn Hữu SơnĐộc giả ngày nay đọc tác phẩm Trương Tửu cần đặt các công trình nghiên cứu, phê bình, sáng tác của ông trong bối cảnh đương thời mới có thể nhận thức rõ hơn dấu ấn một phong cách riêng cũng như những đóng góp nhiều mặt với đời sống văn hóa - văn học nước nhà...
  • Hồ Biểu Chánh, người mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, vừa đúng 120 tuổi

    22/04/2016Trang Quang SenNăm 1988, học giả Trần Hữu Tá than phiền là giới văn học Việt Nam đã quên làm „Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Hồ Biểu Chánh“ nhà văn „hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ người đọc Việt Nam - đặc biệt là người đọc phía Nam Tổ quốc“ . Gs Trần Hữu Tá có lý, nhưng 20 năm sau giới văn học Việt Nam cũng „quên lửng“, ít nhắc đến nhà văn này...
  • Tuấn - Chàng Trai Nước Việt: Chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX

    29/05/2015Tuấn là một nhân vật tiêu biểu điển hình, tiêu biểu cho những chàng trai Việt Nam sinh trưởng trên đất nước từ đầu thế kỷ XX. Chàng lớn lên giữa một bối cảnh lịch sử và xã hội cổ kính đang biến chuyển dần dần theo định mệnh, do sự xâm nhập của người Pháp hoàn toàn xa lạ từ Phương Tây đến đô hộ xứ ta. Họ đã đương nhiên để lại những dấu tích sâu đậm của một nền văn minh mới, và tạo ra một vận mệnh mới cho các dân tộc Việt Nam...
  • Nguyễn Hiến Lê và không khí của văn hóa VNCH

    14/10/2014Hoàng Anh TuấnNgày 8 tháng Giêng năm nay đánh dấu ngày sinh nhật 100 năm của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), học giả nổi tiếng của thế kỷ 20. Với khoảng 100 tác phẩm phát hành trong thời chiến, cụ Nguyễn Hiến Lê có thể là tác giả viết nhiều, in nhiều, và được đọc nhiều nhất trong thời kỳ 1950-1975 ở miền Nam. Lại có khoảng 20 bản thảo của cụ được in sau ngày thống nhất quốc gia, phần lớn là sau khi cụ qua đời.
  • Vũ Bằng (1913-1984)

    31/01/2012Vũ Bằng (1913 – 1984), tên thật là Vũ Đăng Bằng, là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người có sở trường về viết truyện ngắn, tùy bút, bút ký,... Ông đã vào Sài Gòn sau 1954 để làm báo và hoạt động tình báo....
  • Tự lực văn đoàn, ngôi sao rực rỡ trên bầu trời văn học

    09/07/2010Khúc Hà LinhTự lực Văn đoàn là tổ chức văn chương tự lực. Họ tự lực về tài chính, không chịu ảnh hưởng của nhà cầm quyền. Họ tự lực về chuyên môn và khuynh hướng nghệ thuật. Họ tự tôn người chủ soái, cùng nhau tuân theo quy chế hoạt động mà họ cùng nhau đặt ra. Lãi ăn lỗ chịu, cùng nhau gánh vác.
  • Bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư

    18/09/2006Với Tiếng thu, Lưu Trọng Lư viết thu thanh và đã dọn cho mình một chỗ ngồi khá độc đáo trên văn đàn của những thi sĩ mùa thu...
  • xem toàn bộ