Người Việt và triết lý sống “phúc đức tại Mẫu”

08:36 SA @ Chủ Nhật - 11 Tháng Tám, 2019

Chữ hiếu của người Việt đã thành quan niệm phổ thông trong xã hội, và kết dính keo sơn với hai chữ phúc-đức mà ông bà cha mẹ luôn muốn trao truyền cho con cháu.

Trong văn hoá Việt cổ, tục thờ Mẫu vốn mang gốc từ tín ngưỡng phồn thực, là sự cầu mong sinh sôi nẩy nở của tự nhiên và con người. Hạt nhân thờ Mẫu là tục thờ đa thần, do lối sống của cư dân trồng lúa, phụ thuộc môi trường tự nhiên, dẫn đến tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, “thần hoá” các hiện tượng: Đất, nước, lửa, cây, mây, mưa, sấm, chớp… thành những vị thần, mà nữ thần chiếm địa vị áp đảo. (Theo sách “Các nữ thần Việt Nam”, có tới 75 nữ thần Việt). Và nữ thần phải là các bà mẹ, các Mẫu, không phải gái đồng trinh. Sau đó, từ tên cổ: Bà Trời, bà Đất, bà Nước, bà Lửa, do ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, mà có tên: Bà Thiên, bà Địa, bà Thuỷ, bà Hoả. Bộ ba bà quản ba vùng Trời - Đất - Nước thành: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (đọc chệch từ chữ Thuỷ)…

Sống để lưu phúc cho con cháu

Tục thờ Mẫu mang căn cơ văn hoá thờ phụng Việt cổ và di truyền theo chiều ngang không gian, của nhà - làng - nước và theo chiều dọc huyết thống gia tộc, từ ngàn đời trong cấu trúc xã hội nông nghiệp Việt. Theo Đào Duy Anh, sách “Việt Nam văn hoá sử cương”, xuất bản từ năm 1938, trong thiên Tổng luận, khi truy tìm được năm đặc tính, hay là đặc sắc của văn hoá Việt, ông phân tích rõ: Một trong đó là quan niệm sống của người Việt, “chỉ trông cậy vào con cháu để lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên”, nên đã cho cái sống là “chỉ cốt lưu chút phúc ấm cho con cháu về sau”. Điển hình là người mẹ Việt, người đã làm “phổ thông” quan niệm ấy trong lối sống của xã hội nông nghiệp. Và đó cũng là kết quả làm nên đặc tính thứ nhất của văn hoá nông nghiệp Việt, “ấy là xã hội đã lấy “gia tộc làm cơ sở”, cho nên “gia tộc chủ nghĩa vẫn là nguyên tố trọng yếu của xã hội”. Đây cũng là đặc tính khởi nguyên của văn hoá Việt, theo Đào Duy Anh. Sự liên quan hữu lý này khiến ông Đào Duy Anh nêu ví dụ: “Ở trong lịch sử, cũng như trong truyện ký, tiểu thuyết hoặc hí khúc, thường thấy trong một gia đình, người gia trưởng hoặc cả nhà bị hại chỉ còn sót lại được một chú con trai di phúc là cục máu sót của gia tộc, người mẹ hoặc bạn hữu phải nương náu ở tha phương mà chịu trăm cay nghìn đắng, nuôi nấng cho thành người để mong vãn hồi gia tộc. Ở những cảnh huống nước mất nhà tan, chính nhờ những quan niệm ấy mà hy vọng của người ta còn hăng hái mà khôi phục được cơ nghiệp. Ta có thể nói rằng trải qua những bước gian truân thảm hoạ, mà chủng tộc vẫn sống còn là nhờ cái nhân sinh quan ấy một phần lớn vậy”. Vậy người mẹ Việt để phúc đức lại cho con bằng cách nào?

Bằng cách trong đời làm chi chít việc thiện cứu người, không tính toán vụ lợi, thương người như thể thương thân. Như cách xử thế của nhân vật mẹ Tứ trong “Vợ nhặt” - truyện ngắn kinh điển của nhà văn Kim Lân. Nhân vật con trai bà, trong nạn đói năm 1945, đã chỉ mời vài tấm bánh đúc cứu đói mà được cả một cô vợ theo không về nhà. Ấy vậy mà mẹ anh chỉ một bề thương cảm, cùng con trai lo cuộc mừng con dâu món chè cám, hiu hắt nghèo đói, và “cấy trồng” được giấc mơ phá kho thóc Nhật vào cuối truyện. Mẹ Việt không chỉ thương con, mà thương cả dâu. Chẳng thế mà nữ sĩ Xuân Quỳnh viết bài thơ “Mẹ của anh” hàm ơn mẹ chồng, đã có công “sinh anh để bây giờ cho em”. “Mẹ tuy không đẻ không nuôi, mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong’’. Biết ơn mẹ chồng, không để đâu cho hết trong thơ của Xuân Quỳnh, về một phương diện, đó là việc con dâu trả chữ hiếu cho mẹ chồng đã cưu mang mình như mẹ rứt ruột đẻ ra…

Bậc sinh thành nhận lại chữ hiếu?

Vẫn theo nghiên cứu của Đào Duy Anh, gia tộc Việt đã được khẳng định là “bản vị” của xã hội Việt truyền thống. Trong gia tộc, gia trưởng đứng đầu, có vị thế như nóc ngôi nhà, nên dân gian cho cái việc “con không cha như nhà không nóc”. Vì thế, học giả họ Đào viết tiếp: “Trong một nhà, con em phải phục tùng gia trưởng và trọng giai cấp trưởng ấu, đạo hiếu là mối đầu đạo đức. Một nước cũng như một gia tộc lớn, cho nên điển lễ giao miếu là đại kinh của quốc gia, mà nhân dân phải phục tùng quân chủ và trọng giai cấp tôn ty. Đạo đức dạy người ta phải trọng trung hiếu”. Có lẽ bằng vào nghiên cứu này, ta thấy chữ hiếu của người Việt đã thành quan niệm phổ thông trong xã hội, và kết dính keo sơn với hai chữ phúc-đức mà ông bà cha mẹ luôn muốn trao truyền cho con cháu.

Tuy nhiên, đặc tính thứ năm theo Đào Duy Anh, là tính thường tồn (permanence), xét về phương diện văn hoá, lại là một thứ “tinh thần tồn cổ”, coi “văn hoá đời xưa thế nào thì đời nay vẫn thế”, đã “vốn làm cho xã hội ta không tiến bộ được mau chóng như xã hội phương Tây”. Tiên liệu của Đào Duy Anh cách nay hơn nửa thế kỷ về lối sống đương đại Việt, vẫn còn nguyên giá trị nhận thức: Xã hội Việt đã, đang và sẽ khẳng định “khuynh hướng từ gia đình bản vị, bước dần sang cá nhân bản vị”. Chính điều này đã khiến “cái nhân sinh quan “lưu ấm” là một đặc tính rất cảm động của văn hoá ta, ngày nay đã suy theo gia tộc chủ nghĩa. Quan niệm của người đời nay thiết thực hơn, đối với con cái, người ta (chỉ những phần tử giác ngộ) chăm lo nuôi nấng và dạy bảo để cho nó trở thành người, chứ không tưởng gì đến điều “để phúc” cho con cháu”. Ngày nay, sự mãn nguyện không nằm trong “lưu ấm”, mà ở những cái “nhãn tiền” và “chỉ trông mong ở con cái bằng vào tư cách và tài năng của nó thôi”. Và kéo theo là các cử chỉ bày tỏ chữ hiếu đối với bậc sinh thành cũng nhiều phần phai bạc trong ứng xử của thế hệ hậu sinh.

Chính những điều trông thấy ấy, khiến người Việt hôm nay phải tìm về ứng xử truyền thống, với sự tri ân triết lý Việt “phúc đức tại Mẫu”, khởi từ người mẹ Việt xa xưa, đã mang một giá trị thật nhân văn, thuần hậu, thuần phác: Sống cốt là để lưu phúc cho con cháu.

Từ tục thờ Mẫu, thờ Mẹ và từ ứng xử văn hoá căn cơ này, mà sinh thời, GS Trần Quốc Vượng đã quy chiếu thành “nguyên lý Mẹ của nền văn hoá Việt Nam”. Và trên đường về ấy, nhất định cả hai thế hệ cha mẹ - con cái của xã hội Việt đương đại sẽ tìm thấy lại một phép ứng xử văn hoá thích hợp với sự phát triển của thế kỷ mới và phú cho nội dung của chữ Phúc, chữ Đức, chữ Hiếu những giá trị hiện đại, tân kỳ, đáng được đời này lưu giữ và phát huy…

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tâm lý ngày Tết

    22/01/2020Phạm QuỳnhNhững dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.
  • Ngẫm về Tín ngưỡng người Việt

    23/02/2016Nguyễn Tất ThịnhKhu tôi ở có cả nhà giàu và nhà bình thường. Tôi là người có tín ngưỡng nhưng quan niệm Phật tại tâm, nên cũng ít đi chùa chiền miếu mạo...
  • Sự tồn tại của vong linh thánh thần với lên đồng - hầu đồng

    16/09/2013Chuyên viên cao cấp Hồ ThuTrong tiến trình lịch sử dân tộc trải qua các thời kỳ Nho, Phật, Lão, cư dân nông nghiệp Việt Nam phát hiện ra rằng để sinh ra, lớn lên, tồn tại và phát triển không thể thiếu vị trí tối linh thiêng và chỉ có một không hai là Bà Mẹ - danh từ Hán Việt gọi là Mẫu.
  • Diệu Giác

    18/11/2010Chánh TínTập thơ này, được hoàn thành vào dịp cả nước kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, gồm năm Chùm thơ với tựa đề: “Học Đạo”; “Bụt Nơi Ta”, “Chân Như”, “Diệu Giác” và “Vô Vi”; mở đầu với bài “Thiền Duyệt” và chia tay với bài “Thời Gian”. Những bài thơ này thường sinh ra bất chợt, như cảm tác từ nội tâm thấm ít nhiều Pháp vị, nên tạm gọi là “thơ thiền”; lại dùng nhiều “pháp ngữ” của nhà Phật để biểu đạt...
  • Khủng hoảng các giá trị nho giáo

    14/12/2006Trần Văn ĐoànMọi cuộc bàn luận về khủng hoảng giá trị đều không dễ và tôi ngại rằng cuộc bàn luận này cũng khó đạt tới kết quả mong muốn, cho dù chúng ta có đủ thời gian, công sức và tiền bạc. Tính mơ hồ, sự phong phú và cả tính phức tạp nữa của cái mà chúng ta gọi là giá trị đã làm cho công việc trở nên quá khó khăn. Chúng ta tranh cãi về ý nghĩa của giá trị, mà không bàn đến việc tại sao chúng ta phải chấp nhận các giá trị đó. Để tránh các vấn đề rắc rối như thế, chương này chỉ giới hạn trong việc chẩn đoán triệu chứng con bệnh trong một xã hội Nho giáo cụ thể...