Người tự cháy

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
09:19 CH @ Thứ Năm - 05 Tháng Năm, 2016

Người tự cháy là một niềm tin tồn tại đã nhiều thế kỉ, khi những người ủng hộ tin rằng, trong một số trường hợp đặt biệt, cơ thể người có thể cháy mà không cần nguồn nhiệt khởi phát. Trong khi đó những người nghi ngờ cho rằng, quá trình đó không thể xảy ra theo các tiêu chí khoa học...

Lịch sử hiện tượng

Là niềm tin xuyên thời gian, không lạ khi một nhà văn như Charles Dickens để một nhân vật của mình, ông Krook nghiện ngập trong tiểu thuyết Ngôi nhà lạnh lẽo (1852) chết trong một vụ cháy tự phát. Với sự nổi tiếng của mình, Dickens đã đổ thêm dầu vào niềm tin của những người ủng hộ hiện tượng dị thường này.


Helen Conway ở Pennsylvania bị chết cháy năm 1964

Nổi tiếng nhất thời hiện đại là trường hợp Helen Conway, một phụ nữ nghiện thuốc lá nặng. Bà bị cháy năm 1964 khi đang ngồi trên ghế tựa trong phòng ngủ, với rất nhiều mẩu thuốc lá xung quanh. Tại sao đó là hiện tượng tự cháy? Vì viên sĩ quan chữa cháy nói ông tin như vậy. Ông cũng cho rằng, Comway cháy trong 21 phút. Milton, một nhà khoa học ủng hộ, dùng nhiều suy đoán để đưa ra con số 6 phút, hoàn toàn phù hợp với các giả thuyết dị thường (khoa học cho rằng, sự tự cháy, nếu có, phải kéo dài nhiều giờ).

Các giả thuyết dị thường

Những người ủng hộ đưa ra nhiều giả thuyết về người tự cháy. Larry Arnold cho rằng một loại hạt chưa biết là pyrotron gây ra phản ứng hạt nhân trong cơ thể, từ đó tạo nên sự tự cháy. Các giả thuyết khác bao gồm tạo maser (tức sự khuếch đại vi sóng nhờ phát xạ tự phát), biến động địa từ trường hay kundalini (một dạng tạo nhiệt bí ẩn của môn yoga). Cũng có người cho rằng, sự căng thẳng thần kinh có thể khởi phát quá trình cơ thể tự cháy.

Quan điểm khoa học

Giới khoa học không đồng ý với các giả thuyết nêu trên. Họ nhấn mạnh, sự cháy của cơ thể chỉ có thể trải qua các giai đoạn như sau: 1) Nạn nhân đột tử (do đột quị tim chẳng hạn), mất ý thức hay không thể cử động do quá nặng; 2) Điếu thuốc đang cháy hay một nguồn lửa nào đó làm cháy quần áo nạn nhân, có thể đang thấm rượu bia nên rất dễ bắt lửa. Ngọn lửa giết chết nạn nhân, nếu đến lúc đó họ vẫn chưa chết; 3) Hiệu ứng bấc đèn xuất hiện, hoàn thiện bức tranh về hiện tượng.


Bác sĩ Bentley ở bang Pennsylvania bị cháy thành tro
trong nhà vệ sinh chỉ còn lại cẳng chân

Vai trò quyết định thuộc về hiệu ứng bấc đèn, khi quần áo nạn nhân có vai trò như sợi bấc đèn, cháy do lượng mỡ từ cơ thể nạn nhân chảy ra, càng cháy mỡ chảy càng nhiều. Cần lưu ý là ban đầu quần áo cháy làm chảy mỡ, sau đó thì mỡ chảy làm quần áo cháy tiếp như sợi bấc đèn, một quá trình tự duy trì cho tới khi hết nhiên liệu. Vì thế chỉ các phần cơ thể nhiều mỡ mới cháy hết, và quá trình cháy kéo dài hàng giờ. Đó là lí do chân Helen Conway không cháy và vật dụng trong phòng cũng vậy.

Như vậy điểm khác biệt giữa hai phía ủng hộ và phản đối hiện tượng người tự cháy nằm ở chỗ, người ủng hộ cho rằng đó là quá trình tự phát, còn khoa học thì đòi hỏi một mồi lửa khởi phát ban đầu, trước khi hiệu ứng bấc đèn xuất hiện. Vì thế thời gian cháy cũng là chủ đề tranh cãi. Các giả thuyết tự cháy cho rằng thời gian cháy chỉ trong vòng vài chục phút; trong khi theo khoa học, nó dài hơn hàng chục lần. Vậy thực nghiệm ủng hộ giả thuyết nào?


Thí nghiệm của BBC

Năm 1998, BBC tài trợ một nghiên cứu về hiện tượng, với việc sử dụng lợn chết. Xác lợn được quấn trong chăn và đặt trong một căn phòng mô hình. Một lượng xăng nhỏ được tẩm vào chăn và được châm lửa để khởi phát hiện tượng. Sau khi da bị cháy, mỡ bắt đầu chảy, giúp hiệu ứng bấc đèn xuất hiện. Tủy xương nhiều mỡ cũng góp phần vào sự cháy. Đồ vật xung quanh không cháy, kể cả ti vi vỏ nhựa đặt trên cao. Lửa được dập bằng tay sau bảy giờ. Hầu hết lợn cháy thành tro, trừ phần không quấn chăn (nên không xuất hiện hiệu ứng bấc đèn).


Thí nghiệm của BBC - Phần lợn không quấn chăn
không hề bị cháy

Những người tổ chức thí nghiệm kết luận: 1) Ngọn lửa có tính định xứ rất cao, nên không cháy lan sang vật dụng trong phòng. Ngọn lửa chỉ bốc cao 50cm; 2) Thân lợn cháy đen, trừ phần không quấn chăn, và ngọn lửa cháy rất lâu, cho thấy hiệu ứng bấc đèn đúng là yếu tố quyết định; 3) Lửa cháy lâu tạo dòng đối lưu khí nóng, làm chảy vỏ nhựa chiếc ti vi.

Kết luận

Theo các qui luật vật lý, hóa học và sinh học, không thể có hiện tượng người tự cháy như suy luận của những người ưa thích chuyện lạ. Cơ thể người chỉ có thể cháy khi có mồi lửa khởi phát cho hiệu ứng bấc đèn, yếu tố quyết định bức tranh toàn cảnh về hiện tượng tuy khá lạ thường này nhưng hoàn toàn không khó hiểu.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...