Ngoại cảm của một trường hợp điển hình

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
12:45 CH @ Thứ Tư - 29 Tháng Giêng, 2014

Năm 1998, ở độ tuổi 46, cô thanh niên xung phong năm xưa, xin được gọi tắt là Năm, quê tại Thái Thụy, Thái Bình, bất ngờ phát hiện ra khả năng tìm mộ người chết. Nghe theo tiếng gọi của đồng đội đã khuất hiện còn nằm rải rác khắp nơi, chị Năm vào Bình Dương tổ chức tìm mộ. Theo tin đồn, chị cùng bạn bè đã tìm được hàng ngàn hài cốt liệt sĩ tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tình cờ người viết được theo dõi một buổi tìm mộ của chị. Bài viết dưới đây là một cố gắng nhận chân bản chất quá trình tìm mộ của chị.


Khoảng 8 giờ 30 ngày 10/5/2000, tôi và một nữ phóng viên báo Lao động tại TP.HCM có mặt tại căn nhà mà cô Năm thuê tại xóm Giếng máy cũ, phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Khoảng 30 người quây lấy căn phòng khách nhỏ, nơi cô Năm dùng làm điện thờ. Đó là người đi tìm hài cốt đang chờ đến lượt được cô Năm giúp đỡ.

Đầu tiên người nhà phải đăng ký vào sổ những thông tin sơ bộ về bản thân và liệt sĩ, như tên tuổi người đi tìm, quan hệ với liệt sĩ, tên tuổi liệt sĩ, ngày nhập ngũ, địa bàn hoạt động, ngày, địa điểm và hoàn cảnh hy sinh. Thông tin về nơi chôn cất nếu có thì càng tốt. Phân thân qua... lên đồng?

Khi đến lượt, người đi tìm mộ được gọi vào ngồi trước mặt cô Năm sau khi đặt một chút vàng mã trên bàn thờ hay trên mặt bàn đối diện. Phải nói thật là số vàng mã này được bán rẻ (khoảng 5.000 đ) tại một quán nhỏ trước ngõ. Cô Năm chắp tay khấn vái, miệng lẩm nhẩm vài câu tụng niệm rồi giật mình, đầu hơi ngả về sau: Cô đã phân thân qua lên đồng để trở thành một “đức ông”, với giọng nói khàn khàn theo kiểu phụ nữ giả giọng đàn ông (chứ không phải giọng đàn ông như mọi người vẫn truyền tụng). Cô xưng là “ông”, gọi liệt sĩ là “chú” và đóng vai người trung gian để liệt sĩ nói chuyện với người thân. Cô ghi chép thông tin về liệt sĩ trên một tờ giấy nhỏ màu vàng bằng tiếng Việt và bằng một thứ chữ loằng ngoằng như chữ Hán. Cuối tờ giấy cô vẽ sơ đồ ngôi mộ, có chia thành các vùng đánh số kèm lời ghi chú như rừng, ruộng nước, nhà cửa... Cô tung mấy đồng xu để xác định hài cốt đang nằm ở vùng số mấy. Trước khi tung cô khấn liệt sĩ, đại loại kiểu: “Hãy chỉ cho con chú biết chú đang nằm ở đâu nhé”. Tung lần đầu chưa được thì cô tung lần 2, lần 3... cho đến khi được mới thôi.

Tôi hỏi mấy người xem “ông” là ai, mọi người đều lắc đầu không biết. Căn cứ vào thái độ của mọi người đối với “ông”, tôi thấy hầu như không ai tin rằng, cô Năm đang “nhập hồn lãnh tụ”, theo lời cô tuyên bố.

Những trường hợp ly kỳ

Trường hợp 1: Một anh thanh niên ngoài 30 tìm được mộ cha khá dễ dàng khi anh biết rõ cha anh hy sinh trong một trận đánh và tất cả hài cốt trong trận đó đã được quy tập về một nghĩa trang liệt sĩ. “Ông” chỉ anh vào nghĩa trang, tới dãy bên trái rồi tìm ngôi mộ thứ ba. Đó chính là mộ cha anh, với đặc điểm bên cạnh có khóm hoa màu vàng hay đỏ gì đó (tôi không nhớ chính xác). Theo lời những người theo dõi và tổng kết thì đây là trường hợp hết sức may mắn vì ít khi quá trình tìm kiếm lại dễ dàng đến thế!

Trường hợp 2: Một chị phụ nữ khoảng ngoài 50 tuổi đi tìm mộ cha là liệt sĩ chống Pháp. Đọc lời khai cha chị mất ở Bình Thuận, “ông” kêu ngay: “Rộng thế này thì tìm làm sao được!”. Nhưng rồi “ông” cũng cố giúp gọi hồn cha về bên chị. Vừa cắm cúi vẽ sơ đồ, “ông” vừa nói: “Ngày xưa các chú đi đánh giặc anh dũng, sao bây giờ lại mềm yếu thế. Chú cứ khóc như thế thì cha con nói chuyện với nhau thế nào được!”. Chị phụ nữ nức nở, mọi người chứng kiến đều xúc động. “Ông” cũng nói thêm, bên cạnh hài cốt cụ thể còn “mấy cái cúc áo”. Cuối cùng, “ông” cũng tìm được nơi chôn cất hài cốt. Đáng tiếc là nó lại nằm dưới chân móng hội trường tỉnh ủy Bình Thuận, nên không cách nào lấy lên được. Trước nỗi đau khổ của người con, “ông” đưa ra giải pháp lưỡng toàn: “Coi như đã biết nơi cất hài cốt, còn hồn của chú ấy thì đã ở đây. Vậy ngày rằm tới con mang bát hương tới đón về thờ cúng. Thế là vừa biết hài cốt ở đâu, vừa thờ được hồn cha”. Làm sao mà có một giải pháp tối ưu hơn thế được nữa cơ chứ?!

Trường hợp 3: Một chị phụ nữ trung niên đi tìm mộ anh là liệt sĩ chống Mỹ. Trường hợp này không có gì đặc biệt cho lắm. Khi biết cốt còn ở trong rừng (lời khai của thân nhân), “ông” nói: “Ngày xưa đó là rừng, nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi”. Chị phụ nữ liền nói: “Bây giờ là ruộng sắn”. “Ông” nói ngay: “Thì ông cũng bảo thế”. Mọi người ồ lên thán phục khả năng thấu thị phi thường của “ông”.

Đây là trường hợp đã tìm mấy lần nhưng chưa thấy. Khi mấy cựu chiến binh vẫn hợp tác với cô Năm Nghĩa vào thưa với “ông” rằng, họ đã đến tận nơi chôn cất, nhưng do địa hình thay đổi nên không thể xác định được cốt nằm ở đâu. “Ông” nói ngay: “Cứ đào đi, nếu chỗ này không thấy thì đào chỗ khác. Không đào thì sao mà biết được”.

Sau khoảng 5-6 trường hợp, “ông” phán: “Thôi cô Năm đã mệt, hãy để cô nghỉ một lát”. Thế là sự phân thân tạm dừng, cô Năm lại trở thành cô Năm với giọng Bắc quen thuộc với mọi người. Trong số báo tới, tôi sẽ phản bác các thông tin này bằng việc sử dụng tâm lý, tâm thần học, cụ thể là nhân cách phân ly và đa nhân cách, và vì sao chúng ta lại có thể dễ dàng tin như vậy.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...