Nghĩ vào lúc Hiến pháp đang sửa đổi

11:11 SA @ Thứ Tư - 23 Tháng Giêng, 2013

Câu chuyện Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp đang góp thêm vào không khí của những ngày đầu tiên của năm mới dương lịch 2013, cho dù những ngày giáp Tết âm lịch bận rộn đang đến gần.

Bản dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp năm 1992 đã được công bố và việc lấy ý kiến của nhân dân trong vòng ba tháng không chỉ được khẳng định bằng những kế hoạch triển khai rộng khắp mà còn nhận được những thông điệp khích lệ của những nhà lãnh đạo kêu gọi toàn dân hưởng ứng với tinh thần phát huy dân chủ, không e ngại những ý kiến khác biệt, thậm chí cho rằng không có “vùng cấm” khi đưa ra chính kiến, mặc dù cũng không quên nhắc nhở phải cảnh giác với những âm mưu hay nguy cơ không xuất phát từ thiện chí và trách nhiệm cùng “diễn biến hoà bình” và nay còn có thêm “tự diễn biến”...

Cơ quan soạn thảo cũng nhấn mạnh rằng, việc lấy ý kiến nhân dân vốn đã là một “truyền thống” từng được thực hiện ở cả 4 bản hiến pháp từ 1946, 1959, 1980 và 1992 nhằm thể hiện một tinh thần cơ bản của Hiến pháp là “quyền phúc quyết của nhân dân”. Khi phân tích và so sánh các bản hiến pháp đã từng được soạn thảo thì có một sự đồng thuận rất cao khi cho rằng bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 mang tính “chuẩn mực”, “kinh điển”. Nhưng trên thực tế thì văn kiện quan trọng này mới được thông qua ở kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I (9.11.1946) mà chưa được ban hành. Các hiến pháp 1959 ,1992 thì mỗi văn bản phát huy được chừng hai thập kỷ, còn Hiến pháp 1980 thì cũng chỉ duy trì được 12 năm với vài lần sửa sang.

Tuy không hẳn là tiêu chí duy nhất, nhưng tính ổn định của một quốc gia thể hiện bằng sức sống (tuổi thọ) của một bản hiến pháp. Nước Mỹ là một trường hợp điển hình, Hiến pháp chỉ có 7 điều mà tồn tại đã hơn hai trăm năm. Người ta giải thích rằng, song hành với bản Hiến pháp ổn định ấy là cả một năng lực rất thành thục trong việc giải thích hiến pháp một cách rất chuyên nghiệp nhằm vận dụng những nội dung mang tính nguyên lý vào những biến đổi hết sức cụ thể của đời sống phát triển. Nói như người phương Đông , đó là cái năng lực “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Vậy thì vì sao Việt Nam là một dân tộc, do nhiều hoàn cảnh địa lý và lịch sử đã nổi tiếng là ứng biến giỏi, thích nghi giỏi, cũng lấy cái bất biến để ứng với vạn biến mà tồn tại đến ngày nay, vượt qua mọi thách thức mà Hiến pháp dường như thiếu tính ổn định kể từ sau văn bản đầu tiên?

Bác Hồ chụp ảnh cùng các đại biểu Quốc hội khóa I


Điều dễ thấy là Hiến pháp 1946 là văn kiện lần đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam được soạn thảo, nó chỉ kế thừa duy nhất là tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình Lịch sử ngày 2.9.1945 và nó được coi là thành tựu trực tiếp của cuộc Cách mạng Tháng Tám giành độc lập với ngoại bang và chấm dứt chế độ quân chủ đã từng tồn tại cả ngàn năm ở trong nước. Cũng có thể nói, nó tựa như Hiến pháp Hoa Kỳ bắt nguồn từ những tư tưởng của bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 hay Hiến pháp của nền Cộng hoà Pháp bắt nguồn từ những nguyên lý của bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” gắn với cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ 1789.

Nghĩ cho sâu xa mới hiểu được vì sao người đứng đầu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam cũng là người thiết kế những ý tưởng đặt nền móng cho Hiến pháp nước ta lại dẫn những tư tưởng cơ bản nhất của 2 bản tuyên ngôn của hai quốc gia lập hiến trước chúng ta là Mỹ và Pháp trong bản Tuyên ngôn Độc lập của mình. Vì thế, không chỉ đến khi soạn thảo Hiến pháp thì thể chế (mô hình) chính trị mới được lựa chọn mà ngay trong Tuyên ngôn Độc lập đã xác định “Nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Nói cách khác là bản Hiến pháp 1946 chính là việc soạn thảo một văn kiện nhằm chế định cái thể chế chính trị đã được khẳng định bằng chính một cuộc cách mạng của toàn dân để xác lập nền độc lập dân tộc, tạo cơ hội để nhân dân có quyền quyết định vận mệnh của mình, thực hiện cái điều sau này được thể hiện trong Hiến pháp là “quyền phúc quyết của nhân dân”.

Vì vậy nếu bằng con mắt của người chép sử mà sắp xếp những sự kiện được vận động theo thời gian, người ta sẽ nhận ra rằng chỉ sau khi giành chính quyền một thời gian rất ngắn, người đứng đầu Chính phủ lâm thời đã đặt vấn đề xây dựng Hiến pháp lên hàng đầu sau khi đã thành lập Quốc hội.

Có một điều cũng đáng suy ngẫm rằng, vì sao nhà cách mạng Hồ Chí Minh đã từng trải ở nước Nga Xôviết, rồi Công xã Quảng Châu, học tập nhiều lý luận về chủ nghĩa cộng sản với tư cách một chiến sĩ của Quốc tế Cộng sản, mà khi giành được chính quyền trong tay thì không lựa chọn mô hình Xôviết (mô hình đã từng một lần vận dụng một cách ấu trĩ trong thời kỳ 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh)?

Còn thể chế dân chủ cộng hoà được diễn giải bằng những mục tiêu: Dân tộc - độc lập, dân quyền - tự do và dân sinh - hạnh phúc lại chính là “Chủ nghĩa Tam dân” của nhà lãnh đạo nổi tiếng Trung Hoa là Tôn Trung Sơn đã vận dụng những thành tựu chính trị của thế giới- mà trực tiếp là của nước Mỹ- cho yêu cầu của các nước còn được coi là “nhược tiểu” trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, trong đó có cả nước Trung Hoa giàu và đông, nhưng nghèo và lạc hậu. Cái nguyên lý về một “nhà nước của dân, do dân, vì dân” cũng bắt nguồn từ nền chính trị Mỹ và câu chữ ấy được thể hiện lần đầu trong một bài diễn văn của Tổng thống Hoa kỳ thứ 16 Abraham Lincohn.

Lựa chọn thể chế chính trị này và được thể hiện ngay từ trong Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh được viết như sự đúc kết 30 năm đi khắp thế giới nhằm lựa chọn mô hình cho sự phát triển đất nước (mà cứu nước chỉ là mục tiêu ban đầu) của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1911-1941). Chính sự lựa chọn đúng đắn này đã tạo nên sự đồng thuận rất nhanh chóng và mạnh mẽ trong nhân dân sau khi đã giành được chính quyền.

Cần nhớ rằng, vào thời điểm tiến hành bầu cử Quốc hội và dự thảo bản Hiến pháp đầu tiên, trên đất nước Việt Nam mới độc lập không có chế độ “một đảng lãnh đạo”, thậm chí Đảng Cộng sản Đông Dương còn tuyên bố “tự giải tán”, đại diện công khai tham gia Quốc hội và soạn thảo Hiến pháp chỉ còn có “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác”. Không đi sâu vào bản chất việc “tự giải tán” của Đảng, nhưng một thực tế cho thấy ngay trong bối cảnh phức tạp như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh- người lãnh đạo cao nhất của Đảng- vẫn chủ động thành công trong việc xác lập thể chế chính trị của đất nước. Hoàn toàn có thể nói rằng, vị Chủ tịch Nhà nước Việt Nam độc lập còn chủ động tạo ra hình thái “đa nguyên, đa đảng” với việc chấp nhận “mời” 70 thành viên của các đảng phái chính trị trước đó “tẩy chay” tham gia tổng tuyển cử vào làm đại biểu Quốc hội.

Bàn về thể chế chính trị của Việt Nam trong hoài bão đất nước giành được độc lập, trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đã hình thành một nhóm trí thức tây học am hiểu luật học và các ngành kinh tế xã hội tập hợp xung quanh tờ báo “Thanh Nghị” để bàn về tương lai đất nước một khi giành được độc lập. Chính nhiều nhân vật trong nhóm này đã chủ động cộng tác và được mời cộng tác, rồi tham gia chính phủ Hồ Chí Minh bởi đã có một sự đồng thuận rất cao về sự lựa chọn thể chế chính trị của nước Việt Nam độc lập.

Ngay cả Bảo Đại- ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, được đào tạo học vấn phương Tây- dù luyến tiếc ngai vàng và không thể không lo sợ trước sức mạnh áp đảo của cách mạng, nhưng cái mô hình dân chủ cộng hoà mà vị vua sau khi thoái vị đã nhận làm công dân rồi trở thành cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chính sự lựa chọn thể chế chính trị này đã không dẫn đến những gì xảy ra như ở nước Pháp trong cách mạng tư sản hay nước Nga trong cách mạng vô sản..., mà nó còn tạo nên nền tảng mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc mà chúng ta được chứng kiến trong những trang sử gắn liền với thể chế dân chủ - cộng hoà .

Nghiên cứu lịch sử xây dựng Hiến pháp năm 1946, chúng ta thấy những yếu tố tạo nên giá trị bền vững đã diễn ra sau sự lựa chọn thể chế được thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập. Một quốc hội nhanh chóng được bầu theo phương thức được coi là dân chủ và tiên tiến nhất đương thời là phổ thông đầu phiếu có sự bình đẳng tuyệt đối giữa nam và nữ trong việc bầu cử và tham gia Quốc hội, giữa các tôn giáo, sắc tộc và tầng lớp xã hội (vào thời điểm ấy ngay cả nhiều nước Châu Âu đã phát triển cũng chưa đạt tới). Một quốc hội được triệu tập theo đúng những thông lệ quốc tế: Người chủ trì phiên đầu là vị đại biểu cao niên nhất lại là tín đồ đạo Thiên chúa- cụ Ngô Tử Hạ, người dân có thể vào quan sát phiên họp tại khu vực tầng cao nhất của Nhà hát Lớn Hà Nội. Một ủy ban soạn thảo Hiến pháp được cử ra gồm toàn những trí thức, sau đó được bổ sung nhiều nhà luật học... Những nội dung soạn thảo trước khi triệu tập kỳ họp thứ hai được đưa ra diễn đàn báo chí trao đổi.

Ngày nay, đọc lại biên bản tường thuật kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I kéo dài từ 28.10 đến 9.11.1946 thì phần lớn thời gian dành để thảo luận về Hiến pháp (tổng cộng 7 ngày). Tham gia thảo luận rất sôi nổi với những gương mặt rất tiêu biểu của giới trí thức đương thời (như Trần Đình Tri (Việt Minh), Trần Trung Dung (Việt Nam Quốc dân Đảng), Lê Thị Xuyến (Xã hội), Trần Huy Liệu (Mácxít), Hồ Đức Thành (Cách mạng Đồng minh Hội), Hoàng Văn Đức (Dân chủ)..., người ta nhận ra sự đồng thuận nhiều hơn sự bất đồng của các đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau.

Sự bất đồng chủ yếu là chấp nhận thể chế dân chủ - cộng hoà, nhưng với mô hình một viện hay hai viện. Hai ý kiến đều là đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng không tán thành một viện cho rằng dân chúng vì chưa được huấn luyện nhiều về chính trị nên chế độ một viện chưa thích hợp với nước ta (Trần Trung Dung), chế độ một viện là độc tài của đa số (Phạm Gia Đỗ)... Cuối cùng, khi biểu quyết thông qua Hiến pháp, trong số 242 đại biểu có mặt thì chỉ có hai lá phiếu phản đối. Một của Phạm Gia Đỗ- ngoài vấn đề không tán thành một viện- còn đề nghị bãi bỏ kiểm duyệt, tự do xuất bản... Và người thứ hai lại là nhà công thương nổi tiếng của thành phố Hải Phòng Nguyễn Sơn Hà, lấy lý do trong Hiến pháp, quyền của các nhà tư bản Việt nam không bằng quyền của các nhà tư bản Pháp và ngoại quốc được Nhà nước Việt Nam thoả hiệp theo tinh thần của Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946)...

Bản Hiến pháp 1946 đã được thông qua bằng 240 phiếu thuận.

Và kết luận kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “...Sau khi nước nhà mới được tự do 14 tháng, đã làm được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp ấy còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do...”.

Nhắc lại bản Hiến pháp đầu tiên để nói đến cái nền tảng bền vững của một thể chế chính trị mà thực tiễn cho thấy cho đến ngày nay, khi đã có 3 bản hiến pháp tiếp theo ra đời vào những giai đoạn lịch sử sau đó, ngoài Hiến pháp 1959 vẫn còn có sự tham gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vẫn duy trì thể chế dân chủ - cộng hoà thì đến năm 1976, quốc danh Việt Nam đã chuyển qua thể chế “Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa”. Và bản Hiến pháp ngắn ngủi nhất trong lịch sử ra đời 1980 phải coi là một bước lùi khi đã có khuynh hướng Xôviết hoá theo mô hình của một quốc gia hùng mạnh đang là đồng minh vững chắc của chúng ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước- của một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn và chính cái mô hình ấy đã đổ vỡ hoàn toàn- đã thúc đẩy chúng ta phải đổi mới, mà hệ quả của nó chính là bản Hiến pháp 1992 mà giờ đây chúng ta đang tiếp tục sửa đổi.

Một thoáng nhìn lịch sử cũng đủ thấy cái nền tảng của Hiến pháp hiện tại hay tương lai, một khi xa rời cái nền móng được tạo dựng từ cuộc cách mạng và bản Tuyên ngôn Độc lập với thể chế dân chủ - cộng hoà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, và cho đến nay nhiều quốc gia vẫn chấp nhận như một mô hình tiên tiến. Hơn thế nữa, những mục tiêu tưởng chừng rất khiêm nhường: Dân tộc, độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúcđến nay vẫn không thay đổi, vì nó vẫn còn đang ở phía trước như những thách thức lâu dài. Không hẳn là một bước “lùi để tiến”, mà chính đó là cách phát triển bền vững nhất của một giá trị đã mang tính truyền thống.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Pháp quyền và Hiến pháp

    04/03/2012David WilliamsTrong
    một xã hội pháp quyền, nguyên tắc pháp quyền cơ bản là quyền lực của
    chính quyền phải chịu ràng buộc trong khuôn khổ các nguyên tắc pháp lý
    bền vững, được bảo vệ bởi một bản hiến pháp khó thay đổi. Để pháp quyền
    trở thành hiện thực, hệ thống tòa án cần được đào tạo về chuyên môn,
    trung thành với pháp luật, và đặc biệt phải được đảm bảo tính độc lập
    cao...