Nghĩ muộn
I
Sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết sau cùng "Thượng Đế thì cười" tức là đã trút được hầu hết tâm sự của một người cầm bút trong nửa thế kỷ, tôi đã nghĩ sẽ không viết thêm một dòng nào nữa, việc lớn của tôi đã hoàn tất, hay dở cũng chỉ có vậy, vì tôi vốn cũng chỉ có vậy. Nào ngờ khoảng đầu tháng 5 năm 2005, chị Tuyết Nga, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, tác giả cuốn sách "Phong cách văn xuôi Nguyễn Khải" yêu cầu tôi trả lời 12 câu hỏi để chị bổ sung vào nguồn tư liệu riêng. Có thể từ đó chị dựng lại chân dung nghệ thuật của tôi thêm một lần nữa chăng?
Các câu hỏi được đặt ra theo cái trật tự riêng của chị. Ví dụ câu mở đầu chị muốn biết cảm nhận của tôi giữa sự tiến bộ của khoa học và năng lực đạo đức của con người, tiếp đến là những câu hỏi khác, "...chính chúng ta đã làm thay đổi hoàn cảnh tới mức để tồn tại chúng ta phải thay đổi chính mình", "con người ta giống nhau bởi sự chẳng giống ai, vậy thói phủ định, ý muốn bài xích hoặc đồng hoá người khác xuất phát từ đâu", "đã bao giờ anh có cảm giác về bản thân đại loại như một viên đạn trượt qua đích hay sống quá thời, thậm chí chưa đến thời của mình".
Tôi xem những câu hỏi như là những gợi ý có khả năng mở ra nhiều chiều để tôi có thể bày tỏ ý kiến và nỗi niềm của mình, tức là nói rộng ra nhiều chuyện không có trong nội dung câu hỏi. Nghĩ tới đâu viết tới đó, nghĩ gì viết nấy theo cái mạch tự nhiên của người đang vừa nghĩ vừa phân vân tôi để nguyên cả, không xén gọt tô điểm thêm gì để cái nghĩ của mình còn giữ được một chút cái tươi, cái mới lúc ban đầu, khỏi bị xơ cứng trong cái chính xác giả tạo, gò bó. Thành thử lúc đọc lại những trang đã viết thấy như có hai người trò chuyện độc lập, chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng vẫn có một mối liên hệ rất gần gũi, đó là vì cả hai đang làm những công việc gần nhau và cùng sống trong một môi trường chính trị, xã hội nhiều chục năm, cùng hi vọng những gì mình mong muốn trước sau gì cũng tới. Cách bố cục bài viết cũng lộn xộn, gần như gặp đâu nói đó, nói rồi còn nhắc lại, có ý tưởng nhắc lại đến vài lần như người đã quá già nên lẫn. Chỉ nên xem nó như một bài tùy bút dài, tùy bút chính trị của một người viết văn, tức là chính trị không chuyên, chính trị chủ quan theo cảm nhận cá nhân mà bộc bạch. Bởi vậy tính chính xác không cao, có thể đúng, có thể sai, mong bạn đọc cao minh thông cảm mà lượng thứ cho.
II
Trong những tham vọng của con người thì tham vọng quyền lực là tệ hại nhất, nguy hiểm nhất. Nhân loại đã từng chết đi sống lại nhiều lần chỉ vì cái tham vọng có sức phá hoại ghê gớm ấy. Bất cứ cái gì một khi đã bị quyền lực chạm tới đều lập tức biến chất thành hư hỏng, ruỗng nát. Khoa học, văn chương, tôn giáo, học thuyết là những kết tinh rực rỡ nhất của trí tuệ con người, nhưng do ăn chung ở đụng lâu dài với quyền lực nên dần dần trở thành tôi tớ cho quyền lực, bị đem ra phục vụ cho những mục tiêu xấu xa nhất, củng cố quyền lực của một tập đoàn, một quốc gia này để thống trị các tập đoàn khác, quốc gia khác.
Các nhà vật lý vĩ đại cũng là những người có tấm lòng bác ái mênh mông của thế kỷ XX như Albert Einstein, Robert Oppeinheimer làm sao biết được một ngày họ sẽ là đồng phạm vô thức của vụ tàn sát tập thể ở Hiroshima và Nagasaki. Phản đối thì cũng đã muộn, kêu gọi không nên dùng vũ khí giết người hàng loạt có ai nghe. Đớn đau là thế nhưng các nhà khoa học lại không thể tách khỏi các cơ quan quyền lực. Chỉ có Nhà nước mới đủ tiền và phương tiện để các nhà khoa học đưa vào thực tế những phát minh có ý nghĩa bước ngoặt. Bây giờ người ta còn đem vũ khí hạt nhân ra mặc cả với nhau chuyện nọ chuyện kia như một vụ buôn bán trên thường trường. Sinh mạng của hàng triệu con người quả thật đã chẳng còn ý nghĩa gì trong sự tính toán của những người nắm giữ quyền lực.
III
Theo tôi nghĩ, những thay đổi có ý nghĩa sống còn, thuận với dòng chảy của lịch sử, thuận với lòng người đều dể lại những dấu vết không phai mờ trong tính cách một dân tộc và nếp sống của mỗi cá nhân. Như cuộc chiến đấu giành độc lập và thống nhất của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, cuộc chiến diễn ra ở mọi miền từ Bắc chí Nam trong suốt mấy chục năm, không tự nguyện, không thuận lòng người làm sao gánh vác nổi những công việc dời non lấp biển ấy. Các cuộc Cách mạng xã hội mang tầm vóc nhỏ hơn, do lý thuyết Cách mạng bảo phải làm nên làm, không phải là nhà Cách mạng chứ chưa hẳn đã do những thúc bách tự nhiên bắt buộc phải làm. Việc nên làm mà làm gượng, ngày làm nhưng đêm nằm vẫn trằn trọc phân vân, chủ trương như thế đúng hay sai, cách làm như thế đúng hay sai. Tôi là người viết báo, chính những đối tượng mà tôi tìm hiểu để viết bài cũng băn khoăn như thế, cũng có người nói thẳng việc này việc kia đã làm mất lòng người. Nhưng tôi đâu dám viết, nói cũng không dám, thành ra nói dối, viết dối và sống cũng dối. Căn bệnh nói dối bắt đầu từ lý thuyết Cách mạng dần dần tách khỏi thực tiễn Cách mạng, nhưng chỉ có một lựa chọn, hãy bênh vực đến cùng sự đúng đắn của lý thuyết đã trở thành bảo bối hộ thân của người cầm quyền. Thực tiễn rồi sẽ có ngày phủ nhận nó, nhưng đó sẽ là chuyện về sau, cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm, một tập thể vô danh, không có tên, túc là tất cả đều vô tội. Cái tật nói dối từ trên xuống dưới sẽ để lại dấu vết xấu xa của nó lên nhiều thế hệ và là trở ngại khó vượt qua nhất của nhiều việc lớn từ ngày đó trở đi.
Tình trạng thiếu dân chủ trong hệ thống chính trị kéo dài mấy chục năm đã biến hầu hết mọi người thành những kẻ nói dối, người nói dối lớn, kẻ nói dối vặt. Các cấp lãnh đạo của Đảng cầm quyền vì thế trở thành một hệ thống quan liêu, mất hẳn sự tỉnh táo, nhạy bén của các nhà chính trị trước những nhân tố tích cực cần được khuyến khích và nhân rộng vừa xuất hiện trong đời sống.
Khi bàn về dân chủ, chúng ta thường lo lắng thái quá tới nhiều sự phiền phức buộc mình phải đối mặt với những nguy hiểm có thể xảy ra và hậu quả khôn luờng. Bằng chứng là sự sụp đổ trong khoảnh khắc của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đều được bắt đầu từ những cải cách dân chủ. Theo tôi, nếu truy tìm đến nguồn gốc thì đó lại do sự thiếu dân chủ, thiếu tự do của những thể chế chính trị này trong nhiều thập kỷ. Đó là những xã hội khép kín, chối bỏ mọi thành tựu của nền văn minh nhân loại, bắt tay làm lần đầu nhiều công trình khổng lồ nhưng chỉ tin cậy vào sự dẫn dắt của một học thuyết, lại là thứ học thuyết đã bị biến dạng bởi những tính toán riêng của người cầm quyền và đươc kết luận một cách tùy tiện tại các kỳ Đại hội vừa thiếu dân chủ vừa lạc quan vô căn cứ. Ở đó tất cả mọi người tha hồ tâng bốc lẫn nhau, hoan hô lẫn nhau nhưng cái chân móng của niềm tin qua mỗi 5 năm càng nứt rộng thêm mãi, qua mỗi 5 năm những tiếng nói dũng cảm, chân thật một thưa dần.
Người đã dám nói thì không còn tồn tại nữa, người còn tồn tại một cách bấp bênh thì phải hết sức giữ gìn. Ông Khơrútsốp đã từng thú nhận tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20, các ủy viên Bộ chính trị lúc vào họp với Stalin là ủy viên hợp pháp, lúc ra họp có khi đã thành tội nhân rồi. Trong những năm tháng ngột ngạt ấy, toàn bộ trí tuệ của dân tộc Nga vĩ đại chỉ được biểu lộ gần như trọn vẹn ở môt lĩnh vực duy nhất, đó là khoa học quân sự, là công nghệ Quốc phòng, có thể đối đầu ngang ngửa với Mỹ. Ở lĩnh vực này người ta buộc phải nói thật, nghe thật để có những quyết định thật chuẩn xác, nhưng sự sụp đổ một hệ thống chính trị đã lỗi thời không nhất thiết là định mệnh. Trung Quốc cũng có cải cách, đổi mới trên một nền tảng còn tuyệt vọng hơn nhiều, lại là một đất nước có hơn một tỷ dân nhưng đã cải tử hồi sinh một thực thể khổng lồ đang hấp hối, khiến cả thế giới phải sững sờ như được chứng kiến một phép lạ.
Công trình sư của cuộc "Cách mạng thứ hai" này là một nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình. Đó là một chính khách lão luyện, luôn phải đối mặt với những tình thế hiểm nghèo ở chiến trường cũng như trên chính trường và đều có cách thoát rất tài tình, lúc tĩnh lúc động, ẩn hiện khôn lường. Khi ông đuợc ra làm việc lại nhìn vào đâu cũng hoang tàn, đổ nát, đống rác đáng buồn của những mục tiêu hoang tưởng. Khó là thế, gian nan là thế mà lão tiên sinh họ Đặng cứ thản nhiên như không, nhìn dần, trời xanh lại xuất hiện, lòng người nhẹ nhõm hẳn với bao nhiêu hi vọng, bao nhiêu niềm vui. Nghệ thuật lãnh đạo có vẻ nhàn nhã của ông Đặng hình như chẳng theo một học thuyết chính trị nào cả, đơn giản chỉ là đưa mọi việc, mọi người trở về vị trí phải có của nó, chỉ cần nói thật chứ không cần nói nhiều, làm thật chứ không làm để tuyên truyền, bỏ những cái nên bỏ, giữ những cái phải giữ và làm những việc thuận lòng người, thuận thời thế. Bao nhiêu lời nói viển vông, dối trá tự nhiên biến mất, cả mọi người lại được nói thật, sống thật.
Tuy nhiên có hai việc khiến tôi là người vốn ngưỡng mộ ông rất lấy làm tiếc, vừa tiếc vừa buồn. Việc thứ nhất là ông đã dùng quyền lực và uy tín của mình ra đòn với đám con cháu một trận cũng kinh hoàng vì chúng đã tỏ ra quá ngạo ngược, quá cấp tiến. Việc thứ hai là ông đã dùng chiến tranh, dẫu là nhỏ nhưng không đáng có để dạy người bạn chấy rận một bài học vì họ đã dám có thái độ bất tuân. Với tôi là người hay nghĩ ngợi nông sâu, tôi liền nghĩ ngay tới cái khẩu hiệu biểu trưng cảu Cách mạng vô sản: "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!" Người vô sản khi chưa cầm quyền thì nghĩ tới giai cấp vô sản toàn thế giới, nhưng khi đã có quyền, đã là ông chủ một quốc gia thì lợi ích của đất nước mình, của dân tộc mình vẫn là trên hết! Những mâu thuẫn Xô-Trung khởi đầu từ những năm 60 của thế kỷ 20, có thể còn trước nữa là bắt đầu từ đó chứ đâu phải chuyện tranh luận về học thuyết! Vậy cái khẩu hiệu có sức kêu gọi kia là thật hay hư kể ra cũng khó mà trả lời cho minh bạch. Đó mới là chuyện buồn, buồn không thể tả.
Nói qua thế thôi chứ tôi vẫn tin một nước Nga không nói dối, một nước Trung Hoa không nói dối, mô hình xã hội XHCN với những đặc thù riêng của mỗi nước, với những hiểu biết mới về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn của thể kỷ XXI chắc chắn sẽ được hai dân tộc vĩ đại này cứu thoát.
IV
Một quốc gia gồm nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, nhiều nghề nghiệp nhưng chỉ được nghĩ và làm theo một hệ tư tưởng chính thống tức là đã triệt tiêu mọi ý kiến độc lập, bịt kín mọi hướng tìm kiếm. Thế giới chỉ có một chân lý thì còn bàn bạc làm gì, tranh luận làm gì. Năm 1932, Trofim Lyssenko không có một bằng chứng thực nghiệm nào đã tuyên bố một câu xanh rờn rằng các GEN không hề tồn tại lại được Stalin ủng hộ nên mọi ý kiến phản bác đều bị vùi dập đã làm chậm sự tiến bộ về sinh học và di truyền học của Liên Xô hàng mấy chục năm. Mác đã nói về tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, thế là lập tức loại bỏ tôn giáo ra khỏi văn hóa, xem nó như nguồn gốc của mọi mê tín dị đoan, là ung nhọt, là vật thừa, phải sống chung là vạn bất đắc dĩ.
Chính từ nhận định nông nổi này đã sinh ra bao nhiêu chuyện hết sức đáng buồn giữa tôn giáo và nhà nước trong suốt mấy thập kỷ nguời Cộng sản cầm quyền. Ngay trong học thuật, trong văn chương, lĩnh vực mà quyền tự do lựa chọn của cá nhân có ý nghĩa quan trọng nhất cũng chỉ có một tiếng nói. Bằng công việc sáng tạo hàng ngày của mình, từ lâu tôi đã nhận ra phương pháp hiện thực XHCN là quá chật hẹp, cuộc sống sâu rộng hơn nhiều, thế giới tinh thần của con người phức tạp hơn nhiều, còn cách nhận thức và phản ánh hiện thực của người nghệ sĩ có thẻ nói là mênh mông, vô bờ bến. Roger Garaudy, một nhà lý luận văn học của Pháp cũng đã từng nói thế và ngay lập tức ông ta bị giới lý luận Mácxít phê phán, đối xử như một tên phản bội. Bởi vậy tôi cũng chỉ viết theo cách cảm nghĩ của mình chứ không hề mở miệng. Nếu ham nói, ham tranh luận thì tôi đã bị treo bút từ lâu. Tình hình sáng tác mới thật tồi tệ. Nhiều cuốn sách, truyện ngắn, tùy bút, bài báo, tiểu luận văn học hoặc một vài bài thơ đột nhiên bị lên án, thường bắt đầu từ sự không bằng lòng của một vài người. Lý lẽ để lên án thì buồn cười lắm, khiến tác giả và bạn đọc đều phải sững sờ vì chưa bao giờ họ lại nghĩ được sâu xa đến thế, hóc hiểm đến thế.
Chả lẽ văn chương lại có thể mang chứa nhiều ẩn dụ đến vậy sao? Người ngay trở thành người gian, người thật thà trở thành kẻ giảo quyệt đã được bắt đầu từ những bài tập vỡ lòng ấy cả, Chân lý chỉ ở trong tay một nguời nên những người đã dành một đời cho công việc họ yêu thích, đã thành hồn cốt của họ, máu thịt của họ, không ai biết rõ công việc ấy bằng chính họ mà cũng không dám lên tiếng nói lại. Nói theo thì được, nói lại thì không thể, cho nên cái phần tinh hoa của họ đành phải chịu gói lại, giấu kín và sẽ có ngày phải chôn đi cùng với những người đã nghĩ ra nó.
Nhìn lại những công trình còn để lại với bạn đọc hôm nay và mai sau của hai học giả hàng đầu của nước ta là Trần Đức Thảo và Đào Duy Anh, tôi là kẻ hậu sinh vừa đau lòng vừa xấu hổ. Phần quan trọng trong sự nghiệp của họ lại được bắt đầu và kết thúc, với người này khi còn là khách trọ của nước Pháp, với người kia khi chỉ là một nhà nghiên cứu tư nhân thời Pháp đô hộ. Trong mấy chục năm họ được sống chính tại nước mình, lại là một đất nước đã có độc lập và tự do mà chả làm được việc nào cho xứng với cái tài của mình, cái chí của mình, lại còn bị vướng mắc trong nhiều chuyện bực mình, ai oán không biết kêu ai, tranh luận với ai. Sách đọc đã thiếu, đến bữa ăn hàng ngày cũng không đầy đủ nói gì những chuyện cao xa khác.
Với nước ta cũng chỉ thế, còn với hai ông anh Liên Xô, Trung Quốc là những trụ chống của cả hai phe thì những vụ bắt bớ những nguời dám nghĩ khác, viết khác còn rùng rợn hơn nhiều. Một nước là các trại cải tạo tập trung còn một nước là cuộc Cách mạng văn hóa, kho tàng trí tuệ nhân loại đã chịu mất mát biết bao nhiêu vì sự vắng mặt của những con người lỗi lạc từ hai vùng văn hóa lớn ấy.
V
Tôi là người do thời thế tạo ra, trưởng thành cùng với thời thế nên sống với thời nào tôi cũng thấy vừa khít với mình, không rộng quá mà cũng không chật quá, cười nói hồn nhiên, tiến lui chẳng lúc nào thấy gượng gạo, vướng víu.
Chuyện này tôi không thể nói bịa được, vì tôi sống chỉ với một nghề, sống gần hết đời người trong làng văn làng báo, tôi là người thế nào ai mà chẳng biết. Nói một cách hình ảnh, thời thế với tôi như hình với bóng, hình là thời thế, còn bóng là tôi. Vì mình là cái bóng, là phần phi vật chất nên không bị ràng buộc nhiều, có thể vươn dài ra phía trước một chút, phình to hơn khuôn khổ một chút nhưng vẫn là cái bóng của cái hình, không có hình làm sao có bóng nên cũng không thể chạy trước quá xa được, phình to hơn khuôn hình quá lớn được. Nếu không có Cách mạng tháng Tám, không có hai cuộc kháng chiến, không có nhiều chục năm thăng trầm, thành bại trong cuộc tìm kiếm một mô hình quản lý xã hội phù hợp với thế giới hiện đại mà cũng phù hợp với Việt Nam, không có những năm tháng dữ dội, sóng gió ấy làm sao tôi có thể trở thành nhà văn, vì tôi bẩm sinh hơi đần lại vụng, khó có thể sống tự lập, nói gì những chuyện viển vông khác. Tôi chỉ được cái tài thuật chuyện và bình luận, từ nhỏ tới già chỉ độc một khả năng ấy. Ngày nhỏ tôi rất thích nghe chuyện của hàng xóm và cả những chuyện chẳng liên quan gì tới mình. Thời kháng chiến là anh bộ đội thì nghe chuyện đời của đồng đội và chuyện của bà con nơi đóng quân, từ năm làm báo thì cái nghề chính là nghe chuyện và ghi lại. Câu chuyện qua năm tháng có thể quên nhưng những câu nói chí lý, những tình tiết lạ lùng, những cách sống và làm việc khác người thì một đời không quên, tưởng chừng đã có lúc mình là một phần của họ. Năm tháng qua đi, cái cứng cỏi, gan góc của những người cùng thời như đã có ít nhiều thẩm thấu và cái bản chất yếu đuối của tôi thì phải. Đọc lại những trang viết của mình tôi tự nhận đã khác trước nhiều lắm, mường tượng như đã có ai viết những trang đó, những câu đó chứ mình làm sao mà viết được. Với nhiều nhà văn, những gì họ viết ra chỉ là phần nổi những gì chưa được viết ra. Với riêng tôi, cái viết ra lại là phần chìm, phần nổi là cách sống mà mọi người đều biết thì tầm thường lắm, làm bạn bè thất vọng nhiều lắm!
Sống hòa nhập với thời thế cũng không dễ dàng. Trước hết là không nên tự ràng buộc vào bất cứ một định kiến nào, một tín điều nào để có thể tôn trọng người đối thoại đúng như họ phải có, bình đẳng với họ về phương diện tư tưởng, tranh luận có tính gợi mở, khêu gợi, tuyệt đối không được nhân danh dù chỉ là trong ý nghĩ. Mình là người nắm chân lý, nguời chiến thắng, người từng trải, người lớn tuổi để trò chuyện một cách khinh suất, ngạo mạn với những người mình tiếp xúc.
Trong năm năm tôi có cái may mắn được trò chuyện với nhiều người ở phần đất phía Nam vừa được trở lại với cả đất nước, thuộc mọi phía, của mọi ngành nghề, ở mọi tầng lớp và đều được họ tín nhiệm, sẵn sàng bộc bạch mọi nỗi niềm. Tôi chẳng có thuật gì cả, chỉ nhận ra giữa chúng tôi có nhiều điểm rất giống nhau vì đều là người Việt Nam đang sống những năm tháng có nhiều biến cố trong lịch sử. Trong những năm này tôi viết được ba tác phẩm thuộc ba thể loại được bạn bè chú ý, cho là tôi đã có những cách tân trong nghệ thuật kết cấu và ngôn từ, cả ký sự, kịch nói và tiểu thuyết. Điều đó nghĩa là có nhiều tiếng nói khác nhau, có sức mạnh ngang nhau cùng xuất hiện trong mỗi tác phẩm. Vì chiến thắng mùa xuân quá hiển nhiên nên dẫu có nói khác, nghĩ khác thì cũng phải đến một chung cuộc rất có hậu, chả có cách gì phủ nhận được. Tài nhỏ nhưng gặp được thời lớn, cứ cắm đầu viết, bụng nghĩ thế nào tay viết thế ấy, chẳng có lúc nào nghĩ đến kỹ thuật viết, nghĩ đến rồi đây bạn đọc của miền đất mới (với tôi) sẽ chấp nhận hay bác bỏ những trang viết của một cái tên còn rất xa lạ với họ. Nàp ngờ bạn đọc trong này bắt đầu yêu tôi, tìm đọc tôi từ ngày ấy. Tôi đâu có mong được đi trước bạn đọc, chỉ cần được là người đồng hành, là cái bóng của họ, có thể vượt qua cái hình chút xíu mà thôi.
VI
Thời niên thiếu của tôi hết sức buồn, nhiều lúc muốn quên đi nhưng nghĩ cho cùng nếu không có nó thì tôi cũng không thể chào đón Cách mạng hồ hởi đến thế. Cách mạng đã cho tôi sự bình đẳng về thân phận để có thể bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp một cách vui vẻ, tự tin như mọi người cùng lứa tuổi. Nói theo tướng số thì tôi là người gặp thời. Người đã gặp thời thì có gì phải nghĩ lại, phải ân hận về cái thời đã sinh ra mình. Thời thế có thay đổi thì mình mới có mặt, có chỗ đứng, có cơ hội để bộc lộ cái tài nhỏ nhoi của mình, vậy nên tự bản chất tôi là người của sự thay đổi, của phát triển, của những yếu tố mới dù chưa biết thật rõ nó sẽ đưa mình đi tới đâu. Tôi rất sợ sự lặp lại, cái trật tự quen thuộc của một ngày, một đời. Ngay như cuộc sống không thay đổi của gia đình trong mấy chục năm cũng khiến tôi muốn phát điên lên.
Tôi thích thay đổi vì còn một nguyên nhân khác nữa, mỗi lần thay đổi tôi đều được, chả mất cái gì cả. Không có ngày 30 tháng 4, không có những cuộc gặp gỡ kỳ lạ với bố tôi, với nhiều người thân khác lần đầu được biết tên biết mặt thì tôi không thể có những tác phẩm được xem là phần chính trong cái nghề viết lách của mình. Trong những tác phẩm tôi viết sau này một loạt chân dung mới đã xuất hiện: chính khách của chính quyền Sài Gòn, sỹ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa, tầng lớp trí thức được đào tạo ở Mỹ và các nước phương Tây, linh mục, nhà sư, doanh nhân, một thế giới sống động với nhiều mẫu người, nhiều cách nghĩ, nhiều hướng đi xôn xao tranh luận, xôn xao chọn tìm, vừa lạ vừa vui nhưng nhân loại biết bao, gần gũi với chúng ta biết bao. Nhân vật biến hóa, uốn lượn theo những đợt sóng của thời cuộc, muôn màu nghìn vẻ đã phá vỡ một cách nhìn khô cứng, một tầm nhìn hạn hẹp, những kết luận độc đoán. Nó mở tung ra, mênh mông, khó dò đoán với bao nhiêu câu hỏi và bao nhiêu cách trả lời, nên cách kết cấu tự nhiên phải mở, chương đoạn hầu như không thể tính trước, chữ nghĩa bất thần tràn lên trang giấy, đọc lại nhiều đoạn cứ ngỡ ngàng không dám tin là văn của mình. Chưa bao giờ tôi được viết trong một niềm vui rạo rực đến thế, trong cái không khí say đắm đến thế mà những năm ấy tôi đã bắt đầu bước qua tuổi bốn mươi để sống với cái tuổi năm mươi,, một lứa tuổi không còn trẻ, không còn có thể bắt đầu bất cứ việc gì mà tôi lại được bắt đầu lần thứ hai, lại được sống những ngày tháng háo hức như tôi đã bất thần trở lại tuổi ba mươi, cái thời viết Xung đột, Mùa lạc, Tầm nhìn xa. Một đời sáng tác được trẻ lại những hai lần, được những hai lần mầy mò tìm kiếm với bao nhiêu lo âu, hồi hộp, căng thẳng quả là một may mắn vô song, còn phàn nàn gì nữa, ân hận gì nữa.
VII
Bước sang tuổi năm mươi tôi đã bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng mọi sự mọi vật ở đời này đều luôn luôn biến hoá theo cái dòng chảy tự nhiên của nó, theo cái bản chất vốn dĩ của nó. Đi ngược hay làm khác sẽ sinh rất nhiều chuyện phiền hà, phải luôn luôn canh chừng, xểnh mắt lỏng tay một chút là mọi sự sẽ dần dần trở lại vị trí cũ. Năm 26 tuổi tôi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Xung đột, đi đi về về khoảng bốn năm, lần trở lại sau cùng đã làm tôi sững sờ không ít. Ấy là mọi sự mọi việc như đang trôi dần về chỗ cũ, êm lặng, nhẹ nhàng, người địa phương hầu như không nhận ra, không có thêm một chuyện đáng phàn nàn nào, dân có nguồn vui của dân, cán bộ xã xóm cũng có những nguồn vui riêng của họ, mọi sự đều vui vẻ, chỉ không nằm trong dự tính có phần hơi lãng mạn của tôi. Thì ra con người ta, nhất là người Việt Nam không ưa sinh việc, sinh việc là sẽ có những việc không thể lường trước kéo đến, lành ít dữ nhiều, lợi ít hại nhiều. Ai cũng sợ chết, sợ chia ly, sợ nghèo khổ, sợ bị làm nhục. Ai cũng mong một cuộc sống an bình, đủ người ngồi xung quanh mâm cơm, không phải thù ghét ai, cũng không mong có ai thù ghét mình từ trẻ đến già. Các tôn giáo đều hứa hẹn thế, đều chỉ dẫn con đường và cách thức có thể trở thành các Thiên thần và Bồ tát. Cả chính Đảng cũng hứa hẹn thế nhưng phải chịu nhiều rủi ro hơn, không có các điều kiện ban đầu lý tưởng như tôn giáo. Vì tôn giáo chỉ nói chứ không làm, tất cả đều ở trong lý thuyết, trong hi vọng, còn đã làm là hỏng ngay như các giáo sĩ của đạo Thiên Chúa đã làm trong khoảng thời gian hai năm bốn tháng, tại các huyện miền Nam Nam Định như các tu sĩ đạo Phật đã làm thời còn chính quyền Ngô Đình Diệm, hồi đầu thì hay, được dân chúng tôn sùng như các nhà sư anh hùng, đến hồi sau lại dở bị cả nước chê là kiều tăng.
Người làm chính trị có hai điều thậm khó. Một là, con người và đời sống xã hội của nó không phải là một thực thể dễ uốn nắn, dễ sai bảo, do tầm nhìn thiển cận nên họ thường có những phản ứng rất... Hai là, nhà chính trị hồi đầu hành động theo sự quyến rũ của lý tưởng, hồi sau lại hành động theo sự quyến rũ của quyền lực. Và người lãnh đạo nào cũng muốn củng cố quyền lực để nó được tồn tại mãi mãi. Chẳng có nhà chính trị nào, dẫu tài giỏi như Stalin, Mao Trạch Đông lại giữ được quyền lực với đầy đủ uy tín và sức mạnh hồi đầu, như cái thời mới xây dựng chỉnh thể. Nhất định nó sẽ biến dạng theo năm tháng, tốt hơn hay xấu đi tuỳ vào tài đức của người khai sáng và lớp người kế tục. Chủ nghĩa tư bản cũng từng chết đi sống lại nhiều lần là nhờ vào các nhà triết học, kinh tế học, những người hoạt động xã hội tự do và nhất là đội ngũ đông đảo của giới thông tấn báo chí, người mách nước này, kẻ bày kế kia, thậm chí chẳng bày vẽ gì mà chỉ châm chọc, chế nhạo, chửi rủa thôi mà vẫn được tiếng đầy đủ, chả ai cấm, nếu cấm thì phải có luật và phải có toà án xét xử.
Thậm chí vả đời riêng không lấy gì làm đẹp của người cầm quyền rất cần được che giấu mà mọi người vẫn nói vẫn viết vì chả có luật nào yêu cầu phải bảo vệ những hành vi vô đạo đức của các yếu nhân. Chủ nghĩa tư bản nhờ vào cái quyền tự do ngôn luận ấy mà thoát hiểm nhiều lần, uy tín cá nhân có là cái quái gì nếu nhờ vào sự minh bạch ấy mà chế độ được bảo vệ, được tồn tạ và xem ra còn lâu mới sụp đổ. Còn ở các nước Xã hội chủ nghĩa thì sao? Họ đã làm ngược lại bằng cách tự điều chỉnh ở cấp cao với một biện pháp tệ hại nhất là giấu kín và nói dối. Thời Stalin và Mao Trạch Đông còn sống, không một ai có gan dám động đến những chủ trương đã mất hết tính hiện thực của các vị ấy. Thử bàn ngang xem chắc chắn sẽ trở thành kẻ giai cấp ngay, không bị xử bắn thì cũng ngồi tù. Họ đâu còn là nhà Cách mạng nữa. Quyền lực đã biến đổi họ hoàn toàn, một người thành Sa Hoàng, một người thành Hoàng đế, còn Bộ chính trị thì đã trở thành bầy tôi từ lâu rồi. Trong thế kỷ XX như tôi được biết có ba nhân vật mà quyền lực không thể đụng chạm tới lý tưởng và nhân cách cao quý của họ. Đó là Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh và Nelson Mandela.
VIII
Con người ta thuộc bất kỳ dân tộc nào đều thích sống sợ chết, thích sướng sợ khổ, thích đoàn tụ hơn chia ly, thích cái ổn định của hôm nay, rất e ngại phải dấn thân vào những cuộc phiêu lưu mới. Tất nhiên dân tộc nào cũng có những người con vĩ đại của họ, tuy xuất thân từ những giai cấp khác nhau nhưng lại có chung một tính cách của những người khai phá: sáng suốt, mạnh mẽ, tầm nhìn xa rộng và luôn có những quyết định có ý nghĩa mở đường. Họ là động cơ của mọi sự thay đổi để vạch một lối đi cho tương lai của dân tộc mình, của đất nước mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là người con của lịch sử bất khuất của Việt Nam. Theo tôi chẳng có học thuyết chính trị nào giải thích được trọn vẹn về Bác, vì Bác chính là đời sống, là sự vận động không ngừng, biến hoá không ngừng của cuộc sống xã hội và chính trị, của quốc gia và quốc tế. Bác là Việt Nam của thời xa xưa mà cũng là Việt Nam của thời đương đại nên Người mới biết cách giác ngộ đồng bào của mình ở vùng biên giới bằng những bài thơ dễ thuộc, lời dạy dễ hiểu, những việc làm ai cũng làm được, dần dần mất cả hãi sợ, mất cả tự ti, mở rộgn dần cách nghĩ từ thôn bản tới quốc gia quốc tế. Từ trong đám người xoàng xĩnh ấy Bác đã đào tạo, trau chuốt họ trở thành những tướng lĩnh nổi danh của quân đội Cách mạng, những nhà cai trị khôn ngoan, những nhà ngoại giao vừa cứng cỏi vừa mềm mại, là hạt, là mầm của một thế hệ người Việt Nam. Tới đây tôi muốn nói thêm một chút. Sau khi nước Việt Nam đã thống nhất thì những người lãnh đạo kế tiếp phải biết giãn lỏng sự căng cứng của dân sau nhiều chục năm chiến tranh, bù đắp dần dần những gì họ đã cam chịu thiếu thốn. Vì dầu là nghĩa sĩ, anh hùng họ vẫn là con người, cũng muốn nghỉ ngơi, đoàn tụ, muốn cuộc sống ngày một khá hơn, muốn tiếng nói của mình được tôn trọng, muốn được tự do hành nghề, muốn có vô vàn những nguyện vọng nhỏ bé, lương thiện được người lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để những lời hứa lúc lập quốc được thực hiện, hoặc đã có cơ sở xã hội để dần dần thực hiện. đó là cách làm của Việt Nam, nếu Bác còn sống tôi tin Bác sẽ làm thế.
Mọi sự chậm trễ kể cả nhầm lẫn nữa trong việc khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh là do mình đã quá trung thành với một chủ thuyết ngày càng tỏ ra bất cập với thế giới hôm nay. Và cả ngày hôm qua nữa. Nếu chúng ta cứ trung thành với thuyết đấu tranh giai cấp thì làm sao đoàn kết được dân tộc đánh Pháp rồi đánh Mỹ. Nếu ta không kịp thời sửa sai trong cải cách ruộng đất và Bác phải đích thân đứng ra xin lỗi bà con nông dân thì sự thể sẽ ra sao? Vì theo lý thuyết của Mao Trạch Đông thì những việc ta làm chả có gì là sai cả, địa chủ phải bị làm nhục, phải bị xử bắn để nông dân có cơ hội vùng lên, và ruộng đất, tài sản của họ phải về tay nông dân nghèo. Nhưng Đảng ta vẫn cho là sai, sai trong cách làm, sai trong tổ chức. Nếu ta được toàn quyền làm theo ý ta thì ruộng đất vẫn về tay nông dân mà mọi sự sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Nhưng ta làm sao dám bất tuân họ, súng đạn phải xin, lương thực phải xin, tiếng nói trên diễn đàn quốc tế vẫn phải nhờ cậy lúc này lúc khác. Vì cái lớn mà phải chịu nhẫn nhịn những cái nhỏ. Cũng là may, trong những năm đánh Mỹ ở cơ quan chiến lược không có ông cố vấn Tàu hay Nga nào, có thì rách việc lắm.
Những nước Xã hội chủ nghĩa cùng tôn vinh một chủ thuyết chính trị, tức là anh em một nhà, là đồng chí của nhau. Nhưng từ năm 1972 là mình khổ rồi, vì các ông anh đã lấy mình làm một thứ hàng hoá để mặc cả. Họ đưa mắt tống tình nhau lúc nào không biết, với người viết văn tầm thường như tôi bỗng chốc thấy họ đón tiếp, ôm hôn kẻ thù của mình cứ sững sờ không thể tin nổi. Lại còn hứa hẹn với nhau đủ điều tốt đẹp tức là cuộc mặc cả đã xong, cái thằng em cầm súng ở tiền tuyến bỗng dưng bị bán đứng. Đánh nữa chăng? Đánh nữa thì lấy gì mà đánh, đánh hết thì ai cho thêm mà đánh tiếp. Mấy năm ấy một nước nhỏ và nghèo từng lăn lộn trong chiến tranh 27 năm, người chết cũng nhiều, tài sản quốc gia hao hụt quá nửa mà dám đối mặt với một nước Mỹ đã gần như bá chủ cả thế giới và hai cường quốc khác cũng là thủ lĩnh của một phe, của một phần thế giới. Tức là các anh muốn quyết định gì tôi xem như không biết, tôi vẫn cứ phải nhắm vào cái đích đã chọn từ vài thập kỷ trước. Ấy vây mà rồi thắng, đại thắng vì một khoảnh khắc thời thế đã cho phép ta đánh thắng. Thắng rồi nhưng vẫn xử sự rất phải chăng với người đã từng ở bên kia chiến tuyến, vẫn là đồng chí, anh em với hai ông anh khổng lồ đã từng chơi không lấy gì làm đẹp, chả dám trách móc gì, hờn dỗi gì, nói một câu cảm ơn một câu, nói hai câu cảm ơn hai câu, khiêm nhường hết chỗ nói. Đó là trí tuệ của một dân tộc đã từng phải nhiều lần lấy máu mình để bảo vệ chủ quyền chính trị, văn hóa và lãnh thổ. Đó là tính hòa hiếu bẩm sinh với hàng xóm, bạn bè bất kể trước đây họ đối đãi với mình như thế nào; đó cũng là tình cố kết hai dân tộc, của mọi phe phái, mọi tầng lớp dầu giận vẫn còn giận nhưng trước đại họa diệt vong lập tức bỏ hết mọi sự khác biệt lại nắm tay nhau cùng sống chết.
Nếu như một đất nước, một dân tộc cần phải có một nền móng tư towngr làm tài sản tinh thần cho nhiều thế hệ, tôi thiết nghĩ với Việt Nam chỉ là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là trí tuệ mở, sẵn sàng tiếp nhận tinh hoa cả Đông và Tây, cả xưa lẫn nay, cả trong và ngoài, cả sự khôn ngoan bác học lẫn tiếng giễu cợt của người lao động. Tất nhiên cái phần đóng góp quan trọng nhất vào đúng thời điểm lịch sử quan trọng nhất của dân tộc trong thế kỷ XX là luận Cách mạng của chủ nghĩa Mác. Chỉ có học thuyết Mác mới có khả năng thức tỉnh ý chí cách mạng của một dân tộc đã mất tự tin quá lâu dám vùng lên thay đổi số phận của chính mình, của dân tộc mình. Học thuyết đó đã làm bùng cháy những tiềm lực ẩn giấu trong con người xoàng xĩnh, giải phóng họ ra khỏi mọi xiềng xích của quá khứ, trở thành nhân vật quan trọng nhất trong thế giới hiện đại. Nó là vũ khí có sức tiến công mạnh mẽ nhất của những nhà yêu nước của mọi dân tộc. Bác đã chả từng nói, Người đến với chủ nghĩa Mác Lê từ lòng yêu nước đó sao. Theo tôi nghĩ chắc Bác còn biết cả những hạn chế của học thuyết này khi ứng dụng vào thực tế xây dựng CNXH ở nước Nga mà Người đã tận mắt quan sát, suy ngẫm về những bước đi đầu tiên của nó.
Theo ý riêng tôi, học thuyết Mác có thể phát huy hết sứ mạng của nó trong việc phá hủy cái trật tự hư nát đang tồn tại bằng bạo lực, bằng vũ trang để tạo điều kiện cho giai cấp vô sản lên cầm quyền. Còn khi nó làm người hướng dẫn cho giai cấp vô sản quản lý quốc gia, khi mọi cơ chế cũ cả tốt lẫn xấu bị xóa bỏ đồng loạt thì tự bộc lộ nhiều sự bất cập lắm. Ngày ấy nếu ta chưa biết bắn súng chỉ cần học nửa ngày, nhưng học cách quản lý một nhà máy thì có khi phải mất một đời. Trong một quốc gia nhất thiết không thể chia ra có giai cấp được ưu đãi, có giai cấp bị bỏ quên, xóa bỏ quyền bình đằng về nghĩa vụ và quyền lợi của mọi công dân trước pháp luật. Người cầm quyền mà làm thế là rước vạ vào thân, là nuôi mầm rối loạn triền miên, chả đem lại lợi lộc cho bất cứ giai cấp nào. Tức là mình lấy đấu tranh giai cấp để thủ tiêu một cách sống từ cổ xưa của nhân loại: dựa vào nhau mà sống, người có tài nhỏ dựa vào người có tài lớn, người làm ăn kém dựa vào người làm ăn giỏi, người yếu dựa vào người mạnh. Chỉ có điều ở những xã hội văn minh thì sự phân phối của cải phải công bằng, để ai nấy đều được hưởng sự giàu có chung, những tiện ích chung. Cũng như nhà quản lý giáo điều thì quốc hữu hóa đầu vào, còn nhà quản lý khôn ngoan thì quốc hữu hóa đầu ra, tức là anh làm ra nhiều của cải thì anh phải nộp thuế nhiều, số tiền ấy sẽ chi vào những lợi ích công cộng. Đằng này mình thích cái hư hơn cái thực, cái đúng với lý thuyết hơn những cái có lợi nhỡn tiền. Quốc hữu hóa để nhà máy phải do công nhân quản lý, ruộng đất phải do người cày quản lý. Nhưng những người chủ mới ấy lại chả biết gì về cách quản lý cả, nếu biết cách quản lý thì đã giầu từ lâu. Vì thế nên sản xuất đình trệ, sa sút, đất nước nghèo đi, người cầm quyền bị mang tiếng nên mới sinh ra nói dối, dưới nói dối trên, trên nói dối dân, từ đó lại sinh ra chuyện đe dọa, đàn áp những người nói thật. Mọi sự rối loạn bắt đầu từ đó nhưng lại không nhận lỗi về mình mà lại nhận định một cách thiếu căn cứ là có sự phá hoại từ bên trong, là có tay sai của nước ngoài xúi bẩy. Tất nhiên cũng có nhưng không phải ở mọi nơi, trong mọi lúc và ngày càng gay gắt. Đã có địch từ bên trong thì dân mất ăn mất ngủ vì e sợ mình không thể đứng ngoài, là cái cớ để vu khống nhau, hãm hại nhau, chả ai có thể bình tâm làm ăn được.
Người ta bắt đầu chán ghét thể chế mới từ đó, đã chán ghét thì mặc anh với cái lý thuyết đầy hoang tưởng của anh. Thế là họ bảo nhau làm kinh tế tư nhân chui, buôn vào bán ra mọi thứ và cả mọi người đều tham gia vào cái "thị trường đen" ấy cả, một vùng buôn bán bất hợp pháp còn tệ hại hơn bất cứ thị trường tư bản chủ nghĩa nào. Con người xã hội chủ nghĩa ngày càng tha hóa, sa đọa, gian manh, đạo đức giả, không ai tin ai và cũng chẳng còn gì là thiêng liêng để họ tin tưởng. Chỉ được cái tài nói dối. Nhà văn mà nghề chính là nói dối, viết dối là sự hư hỏng của xã hội đã gần chạm đáy rồi. Chả thế khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô tuyên bố giải thể Đảng là các thành viên nhảy ào ra như thoát khỏi một đại nạn. Chả có ai lên tiếng phản đối, cứ im thin thít và tự rã ra như tượng đất gặp nước lụt. Các giai cấp cần lao vì họ mà thể chế được xây dựng cũng tỏ ra hết sức bàng quan, họ lặng lẽ chờ đợi để được trở lại những công việc thường ngày từ đời xưa đời xửa.
IX
Ở những quốc gia chỉ có một hệ tư tưởng chính thống được xem là hợp pháp thì chuyện tư tưởng, chính trị hóa ra hệ trọng hơn bản thân nó nhiều. Sáng ngày tối đêm đều bàn chuyện chính trị tư tưởng, ai theo tư bản, ai theo vô sản, thật ra chả có ý nghĩa gì đối với một đời người. Đời người có bao nhiêu lựa chọn hay hơn nhiều, có ý nghĩa tích cực hơn nhiều. Nó sở dĩ quan trong vì nó có quyền phép tha người hoặc bắt người chỉ bằng một lời nói, lỡ miệng mà nói, vô tình mà nói, vì người nói đâu có xem nó là quan trọng. Nói chuyện với bạn bè cũng phải cân nhắc, phòng bị. Một xã hội tốt đẹp là không a phải bận tâm quá nhiều tới chính trị cả. Chính trị đã trở thành một nhu cầu tự nhiên, vẫn dùng mà không biết, vẫn dựa cậy mà không hay, chỉ thấy mọi sự đều trôi chảy, đều diễn ra rất hợp lý từ thuở mình chưa sinh ra nó vẫn như thế rồi. Nó phải tự nhiên tới mức người dân cũng không rõ lắm mình đang sống ở thế chế nào. Pháp luật cũng thành ràng buộc tự nhiên, sống ở đời phải biết xử sự như thế, làm khác đi sẽ bị chê cười, bị khinh rẻ. Không ai đem chính trị ra mà hù dọa nhau. Đến các nước được sống thanh bình trong nhiều thế kỷ ta hay chê dân ở đó rất "vô chính trị", kỳ thật họ là những công dân hạnh phúc nhất. Chính trị nhiều quá hóa loạn tâm mà cũng chẳng sinh thêm bất cứ cái gì. Lão tử bảo, không làm gì mà hóa ra không việc gì không làm, là theo cái nghĩa ấy. Làm mà không tự biết là làm, gánh nặng mà không nghĩ là mình đang gánh nặng thì cái nặng tự nguyện ấy hóa thành cái nhẹ nhàng vì được cùng gánh với mọi người.
Cũng là chuyện sống chết tức thời, trong hai cuộc kháng chiến cả nước bàn chuyện chính trị mà vẫn thấy hào hứng lạ lùng, ấm áp lạ lùng, vì rừng đã cháy thì tổ chim khó còn, nước mất thì nhà tan. Ba chục năm sau ngồi xem lại phim tư liệu của một thời cứ rợn cả người. Tại sao nhân dân mình lại sống được, lại đánh thắng được với bao hiểm nguy, gian khổ đến nhường ấy, mà thời gian lại kéo quá dài, một phần ba thế kỷ là ngắn sao? Ấy là vì mỗi người Việt Nam đều nguyện được sống như thế, bình đẳng trong gian khổ với mọi người, được hy sinh như mọi người, bạn chết mình sống, bạn khổ mình sướng làm sao dám nhìn mặt nhau một khi đã toàn thắng.
X
Ở một nước độc quyền về tư tưởng thì nhân tài không có đất dụng võ. Nhân tài trước hết là người thích suy nghĩ độc lập, quyết đoán độc lập và dám chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Mười người là mười cái đầu khác nhau, khi họ cùng ngồi bàn bạc là có mười sự trải nghiệm cá nhân, mười cách lý giải, mười cách làm, người này bổ sung cho người kia làm sao mà lầm được. Tôi tin thời kháng chiến, ở cơ quan chỉ huy chiến lược cũng như cơ quan chiến dịch, cơ quan bàn việc tác chiến đều tập hợp được những cái đầu khác nhau ấy cả, mỗi người là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mình đảm nhiệm. Không thể làm sao mà đánh thắng một siêu cường gồm những cái đầu tính toán chính xác và linh hoạt như những cỗ máy. Một Đảng, một quốc gia có những cái đầu độc lập như thế kẻ nào dám làm chuyện phản nghịc. Chính là sự khác nhau, sự tự do tư tưởng của công dân, những cái có thể sinh ra bao nhiêu chuyện phiền phức lại là nền móng, là rường cột để giữ vững một thể chế, giữ vững một truyền thống, những thành quả mà cả dân tộc đã đạt được trong nhiều thập kỷ tận tụy làm việc, sàng lọc, nuôi dưỡng để trở thành một gương mặt riêng, một phong cách riêng không có gì có thể xoác bỏ nổi.
Trong công cuộc cải tạo xã hội, cải tạo con người phải được bắt đầu từ cội nguồn, từ gốc gác nếu muốn những thay đổi ấy sẽ tồn tại mãi mãi trong lịch sử, trở thành máu thịt, hồn vía của người Việt Nam. Vì ta đánh giặc ngoại xâm giỏi nên dễ nghĩ nhầm là do những gì ta vừa mới làm, vừa mới chuẩn bị. Thật ra ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được bắt nguồn từ nhiều trăm năm, từ cả ngàn năm trong quá khứ, lúc bình lúc chiến, mỗi thế hệ bồi đắp những lo lắng của mình, những khôn ngoan của mình và những tính toán dũng cảm để gìn giữ nền độc lập tự chủ của đất nước. Chỉ riêng chuyện phải làm hàng xóm một nước quá lớn mà vẫn là Việt Nam đủ biết từ xưa tới giờ nước ta phải có nhiều nhân tài vô song, những bậc anh kiệt về chính trị, quân sự, ngoại giao, duy nhân tài trị nước thì xoàng, thiếu hẳn những gương mặt lớn. Cứ sang chuyện quản lý xã hội là bối rối, tự đẩy mình vào những tình thế khó khăn, tự mình làm mình hao mòn đi, suy yếu đi khiến dân chưa kịp vui đã phải buồn rồi. Ấy là vì đánh giặc thì người Việt Nam với trí tuệ Việt Nam, trị nước lại theo kinh sách của Tầu, lấy cụ Khổng cụ Mạnh làm người chỉ bảo tối thượng nên mới không phát huy được hết sức mạnh một mình một cõi của riêng mình. Bây giờ cũng thế, tất nhiên bước đi đã nhanh hơn xưa nhiều, tỉnh táo hơn xưa nhiều. Vì chúng ta ra khỏi cuộc chiến ba chục năm cũng phải có thời gian để nghỉ ngơi một tí, để đưa mắt ngắm nhìn thời thế đã chuyển đổi ra sao sau năm 1975, ta nên đi theo hướng nào, lối nào để khỏi bị tụt hậu, bị lệ thuộc. Đúng vào thời điểm quan trọng này ta đã để tuột mất một cơ hội rất đáng tiếc: thâu nạp nhân tài để phục hưng dân tộc. Năm 1975, nhân tài thuộc nhiều ngành khoa học còn lại ở miền Nam rất nhiều để chờ được Cách mạng sử dụng. Không được giúp công giúp của từ ngày đầu thì nay sẽ một lòng một dạ với sự nghiệp mới. Chiến thắng năm 1975 quả là một kinh ngạc không chỉ với người ngoài cuộc mà ngay cả với người trong cuộc nên những dị biệt về chính kiến, về cách quản lý quốc gia, về cả cách sống nữa không còn là vật cản như xưa kia. Người ta tình nguyện tán thưởng anh, tuyên dương anh dầu anh còn nhiều thói tật, nhưng không sao, đã dám hy sinh cho kháng chiến những ba chục năm, gần hết một đời người thì họ đâu phải là người tầm thường, đi theo họ vừa là nghĩa vụ vừa là niềm vui.
Ấy thế nhưng những nhà Cách mạng theo chủ nghĩa Mác lại chia họ ra theo học thuyết thành nhiều giai tầng, mỗi giai tầng lại chia nhỏ ra nữa với nhiều nghi vấn, xét nét, đánh giá, cuối cùng từng người cũng bị chia ra để đấu tranh lẫn nhau như các sư "đi kiết hạ", như các linh mục vào "cấm phòng". Thế là nhiều tính xấu của con người lại có cơ hội tốt để khuấy đục: ghen tài, sợ mất chức vụ, quyền lợi nên phải nói xấu người, vu khống người và che đậy những sự nhơ nhuốc ấy bằng những cụm từ vô nghĩa, nào là lập trường, quan điểm giai cấp, nào là chuyên chính vô sản, là đủ thú lý luận hầm bà lằng để gạt bỏ những đối thủ dám cạnh tranh với mình. Những việc xấu nhất, đáng tiếc nhất đã liên tiếp xảy ra. Kẻ sĩ không được dùng đành phải ngồi im nhìn sự phá phách nhiều cơ chế hợp lý của xã hội đành thành quy chuẩn, đã thành văn minh văn hóa thì đau quá. Ngồi mà than tiếc chỉ thêm bực mình nên họ đành kéo nhau ra đi, đất nước độc lập lại trở thành kẻ lưu vong. Ai muốn thế, ai ngờ thế! Chúng ta phải nhớ kỹ điều này, không được quên với những người làm việc thuộc lĩnh vực trí tuệ thì tổ quốc, dân tộc và tài năng cá nhân được xếp ngang nhau, nặng nhẹ như nhau. Miền đất nào, nhà cầm quyền nào, thiết thế xã hội nào đảm bảo cho tài năng của họ được phát triển hết mức thì nơi đó là tổ quốc của họ. Henry Kissinger sinh ở Đức, sống thời niên thiếu ở Đức rồi mới qua Mỹ, là công dân Mỹ mới một đời nhưng lại được giao một công việc cực kỳ quan trọng là cố vấn an ninh một siêu cường. Từ nay nước Mỹ là tổ quốc chính thức của ông, của con cháu ông vì nước Mỹ đã cho phép ông được tung hoành phỉ chí mọi mơ ước của mình. Những nhân vật xuất thân từ nhiều quốc gia, dân tộc đến nước Mỹ để có dịp thi thố tài năng thì nhiều lắm. Nước Mỹ vừa là một quốc gia gieo rắc nhiều tội ác thật kinh hoàng mà cũng là xứ sở của tự do, cái sự trái ngược ấy là chuyện hoàn toàn có thật, chứ không phải là chuyện bịa.
XI
Tôi làm báo từ năm 19 tuổi, báo Trung đoàn, báo Quân khu, mãi tới năm 1955 mới về làm báo Trung ương. Tính ra đã có thâm niên nghề báo khoảng sáu, bảy năm mà chả viết được bài nào ra hồn. Cái mốc thất bại trong nghề viết là cuốn sách viết về anh hùng liệt sỹ Mạc Thị Bưởi. Vùng này mới được giả phóng chưa đầy một năm, câu chuyện, khung cảnh, nhất là các nhân vật của câu chuyện vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị cuộc sống thời bình làm cho biến dạng, kể cả ngôn ngữ thường ngày. Vậy là quá thuận chứ gì? Mà hóa ra một cuốn sách viết hỏng!
Những gì sinh ra từ đất nước mình, dân tộc mình trong những điều kiện lịch sử cụ thể thì tước bỏ hết để đuổi theo những hình tượng anh hùng của anh hùng Liên Xô, Trung Quốc. Họ hay ở họ chứ không hay với mình, mà ngay cả họ cũng không còn là người Nga và người Trung Quốc vì những nhân vật anh hùng này đã bị tước bỏ những gì có cội nguồn dân tộc, cả hay lẫn dở để trở thành những hình mẫu lý tưởng, có nghĩa là không giống ai cả. Ở những hình tượng được xem là có nghệ thuật ấy chỉ có váng nổi chứ phần chìm sâu hết sức nghèo nàn. Những đức tính lý tưởng của một con người mới, con người của tương lai rất khó có trong tương lai. Nó không thuộc về Cõi Người mà chỉ thuộc về lý thuyết với những mơ mộng về một thế giới hoàn hảo vủa các nhà lập thuyết. Từ năm tôi bắt đầu viết các tập chép về một vùng nông thôn công giáo sau này là tiểu thuyết Xung đột. tôi xuống thẳng dưới xã, không gặp một tổ chức nào, một cá nhân nào ở khoảng giữa, thâm nhập ngay vào các diễn biến sự việc đang xảy ra, theo dõi bước đi của nó, dự đoán phản ứng phải có của người này người kia, lúc đúng lúc sai, căng thẳng, hồi hộp từng ngày từng giờ. Ở xã có chi bộ Đảng và chính quyền cấp cơ sở nhưng cách nghĩ, cách nói, cách làm của họ uyển chuyển, tươi mới, khó lòng đoán trước, việc xảy ra tới đâu ứng xử theo tới đó, nhìn thấy hiệu quả tức thì. Ngay từ năm ấy tôi đã cảm nhận những gì tôi viết dưới xã, cùng nghe cùng làm vớic án bộ dưỡi xã thì những trang viết ấy đều hay, được bạn đọc hoan nghênh, vì lý thuyết khi đã trở thành những chủ trương, chính sách cụ thể thì đã được Việt Nam hóa đến tám phần mười rồi. Lại còn cách làm, cách ứng dụng nó vào tưng địa phương, từng thời kỳ thì những gì là ngoại lai, là hão huyền gần như bị thực tế Việt Nam tước sạch. Nó tan vào trong văn chương như hơi thở tự nhiên, chả có chút gì là gượng gạp, gò ép. Một đời viết tôi chỉ trung thành với một nguyên tắc bất di bất dịch, trực tiếp gặp gỡ với những người cùng thời, lắng nghe họ cảm nhận họ, ngưỡng mộ họ rồi viết. Chả sai bao giờ!
Tôi đã viết, những người làm việc bằng trí tuệ thì miền đất nào hội tụ đủ điều kiện để họ có thể bắt đầu và hoàn tất mọi công trình sáng tạo của riêng họ thì nơi đó là tổ quốc. Ngoại trừ các nhà văn. Nhà văn dầu tài giỏi mấy cũng không thể viết được nếu họ xa rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mảnh đất của tuổi thơ, của bao gian khó cùng với những người thân của mình. Vì khoa học tự nhiên tuy phục vụ con người, vì con người nhưng là con người nói chung, con người nhân loại. Khoa học tự nhiên vốn bất vụ lợi, không có mục đích riêng, cũng không nhằm làm lợi cho riêng ai, và đặc biệt từ điểm xuất phát không bao giờ là của riêng của một hệ thống quyền lực nào. Nhưng văn chương thì khác hoàn toàn, rễ càng sâu thì văn chương càng hay, hoa trái trên cây vừa đẹp vừa lạ. Nhiều anh chị viết văn ở chế độ cũ đều là những cây bút rất có tài nhưng khi ra sống ở nước ngoài hầu như viết ít hẳn hoặc không viết nữa. Chỉ vì cái cuống nhau đã đứt, cái hồn vía Việt Nam, cái thế giới tâm linh không nhận được nguồn nuôi dưỡng mới sẽ khô héo dần, lợt lạt dần, ngay cả ký ức cũng lợt lạt. Tôi cũng được đọc một ít truyện ngắn của các cây bút mới nổi đang sống ở nước ngoài, văn Việt rất chuẩn, ý tưởng rất lạ, ngay cách kết cấu cũng có sự hấp dẫn riêng nhưng vẫn không thích. Ta viết chuyện Tây, Ta sống với Tây, Ta sống với Ta ở trời Tây không phải không có chuyện để viết, để ngẫm nghĩ nhưng cái vị mặn ngọt chua đắng thấm đẫm một thời, thấm đẫm một đời qua mỗi trang sách thì không thể có. Không có những cái đó thì đọc làm quái gì!
XII
Với một thể chế mở, linh hoạt chứa đựng nhiều yếu tố tích cực thì vẫn cứ phải đối mặt hàng giờ với nhiều sự phiền nhiễu vặt, nhiều sự xô xát vặt, kể cả những hỗn loạn nhỏ của một địa phương, một vùng. Nhưng không sao! Cái "phần mềm" của hệ thống điều hành vẫn có thể tự điều chỉnh để có những cách ứng xử thích hợp, có thể kéo dài sự ổn định cả trăm năm. Có điều, sau nhiều lần tự điều chỉnh để thay đổi rồi chính nó cũng biến dạng dần để trở thành đêm trước của một thiết chế xã hội hoàn toàn mới, vừa thừa kế phần tích cực vừa thải loại phần tiêu cực của những cơ cấu đã tan rữa vì không còn phù hợp. Cách thay đổi dần dần mà xưa kia ta thường gọi một cách châm biếm là "cải lương" hay nói theo cách bây giờ là "đổi mới" xem ra hiệu quả nó mang lại lớn hơn, vững chắc hơn là các cuộc Cách mạng xã hội nóng nảy, vội vã, ầm ĩ những diễn văn, đáp từ, những hoan hô, cờ đèn, kèn trống nhưng cái ruột bên trong, cái nguồn, cái nền tảng để tạo ra mọi sự thay đổi nào đã có gì thay đổi vì nó không thể và cũng không chịu thay đổi theo kiểu hành chính, kiểu cưỡng bức nên hội hè đã qua rồi mọi sự dần dần trở lại như cũ, dầu đã có cả một cuộc Cách mạng văn hóa tư tưởng hỗ trợ, với sự tham gia của toàn dân như một nước bạn vĩ đại đã làm thì khi cuộc cách mạng kết thúc, mọi sự vẫn i xì như cũ, còn tệ hơn cũ, hỗn loạn hơn cũ, chả ra cái thể thống gì, như một xã hội vô chính phủ.
Trong văn chương cũng thế, một người không thể bất thần hoặc do một bức xúc nhất thời mà có thể trở thành một người viết văn. Nhà văn phải có sự chuẩn bị tự nhiên, vô thức từ thuở ấu thơ. Anh ta phải là người dễ cảm động trước cái đẹp, nhận ra sớm hơn mọi người một vẻ đẹp, hay quan tâm và mau thông cảm với những số phận bất hạnh của nhiều người, thích quan sát, thích nghe người khác nói chuyện và tự mình cũng thích thuật chuyện, lúc thật lúc hư để có dịp bộc lộ những yêu ghét của chính mình. Bởi viết văn là công việc sáng tạo hoàn toàn cá nhân có cơ cấu tạo riêng từ thời còn thơ ấu với những nguồn gốc rất riêng biệt của nó nên không thể tôn ai làm thầy hoàn toàn được. Cũng như thiết chế một mô hình quản lý xã hội cũng là việc riêng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia bắt nguồn từ truyền thống văn hóa, tinh thần cả mấy trăm năm của quốc gia đó, không thể rập khuôn theo bất kỳ nước nào, dầu có hay đến mấy. Việc sau thế chiến thứ hai, một loạt nước từ Âu sang Á nhất loạt xây dựng thể chế chính trị theo mô hình chủ nghĩa xã hội trong thời gian ngắn, nghĩ là hay mà hóa ra rất dở. Phàm những cái hay của người, có khi chỉ mới là cái hay theo lý thuyết chứ chưa hẳn đã hay trong thực tế, đều không thể tồn tại lâu dài được. Nó là vật lạ, chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị đào thải.
Lại nói tiếp chuyện văn chương, vì văn là của mình, mình làm sao văn làm vậy nên nó không thể bất chợt thay đổi theo thời nếu tác giả chưa có gì thay đổi. Nó bắt buộc phải có cú hích đầu tiên, thường là một phát hiện làm đảo lộn mọi nhận thức đã có hay nói theo từ thời thượng bây giờ là "đại ngộ" hoặc đã vấp phải một tai họa gây thương tổn lớn khiến mình như bừng tỉnh, như chợt thức giấc sau một giấc ngủ dài, giương mắt nhìn ra xung quanh, nhìn vào lòng mình bỗng thấy mọi quang cảnh như đã thay đổi. Tất cả đều ẩn giấu những câu hỏi hết sức mới mẻ, hết sức lạ lùng, buộc mình phải có cách trả lời, có trả lời xuôi thì mình mới sống yên ổn được với xung quanh, với chính mình. Một nhà văn trong một đời viết chỉ nhận được một lần cái cú hích cứu mạng, mở nghề và tiếp tục khai thác nó đến hết đời. Và cũng có nhiều người may mắn hơn lại nhận được một cú hích lần hai do một vỉa sống mới đột nhiên xuất hiện, tràn ngập ánh sáng quyến rũ và họ đã đem hết tâm sức cống hiến cho sự tái sinh bất ngờ ấy. Như nhiều trường hợp nhiều nghệ sĩ nổi danh từ trước năm 1945, nhờ Cách mạng tháng Tám thành công mà trẻ lại, tràn đầy ý tưởng sáng tạo để có thể đi và viết suốt hai cuộc kháng chiến. Còn những nhà văn muốn viết theo thời chỉ bằng có lý thuyết, bằng đọc sách, rồi tranh luận với bạn bè, rồi ngẫm nghĩ so sánh, ham muốn thì nhiều nhưng điều kiện để thực hiện lại quá mỏng manh nên chỉ viết được những cuốn sách giả, chủ đề giả, ý tưởng giả, nhân vật, kết cấu, câu chữ cứ nhẹ phèo, bị cũ nát rất nhanh, bị bỏ quên rất nhanh. Biết là hàng giả nên không tự tin cho lắm, sách chưa viết xong đã làm quảng cáo rồi, rồi tặng sách những người viết có tên tuổi, rồi nhờ bạn bè làm phê bình văn học lên tiếng giới thiệu. Những cuốn sách được nâng niu một cách quá đáng vẫn cứ còi cọc, èo uột, chết non chết yểu lúc nào cũng chả ai hay. Có phần nào giống như nhiều nước Xã hội chủ nghĩa đã đồng loạt sụp đổ trong những năm 90 của thế kỷ trước. Đến các nước đó bên tai lúc nào cũng nghe có người nói: không cho khách được phép nghi ngờ bất cứ điều gì. Nhiều vấn đề ở các nước tư bản còn nhá nhem, nhập nhèm thì ở đây đã được giải quyết hết sức thỏa đáng, minh bạch. Vấn đề dân tộc là thế nào? Làm xòn từ lâu rồi. Vấn đề biên giới giữa các quốc gia thế nào? À, giữa các nước anh em cùng chung một lý tưởng thì chuyện ấy có gì là khó. Vấn đề tôn giáo, vấn đề giáo dục đại học đều được quan tâm đúng như nó cần phải có. Cuối cùng họ lại nói, ở nước họ mong muốn của cấp lãnh đạo và nguyện vọng của dân chúng luôn luôn nhất trí trăm phần trăm. Thế thì còn gì để nói nữa! Nhưng với tôi chỉ cần nghe một bản báo cáo của Hội nhà văn nước chủ nhà, nghe tiếp vài bài phát biểu nữa là tôi đã có thể xách cặp ra về, đi chơi, mua hàng, gặp bạn bè, chứ còn gì phải nghe thêm nữa. Mình với họ giống nhau quá mà!
XIII
Con người với các mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp, gia đình là hết sức đa dạng, phức tạp, khó lòng có ai cầm tay chỉ vẽ được, chỉ có thể tự mình chiêm nghiệm, dần dần rút ra những bài học nhỏ để trở thành một người có nhân cách riêng, có bản lĩnh riêng trong mọi cách tiến lui, ứng xử, dẫu rối rắm đến đâu vẫn được người thương hơn là ghét, được thông cảm, được giúp đỡ để mình vượt qua trở ngại hoàn tất sự nghiệp của mình. Tôi tự nhận là người thành công vì đã tìm được một lối đi riêng bằng cách lấy những cái dư thừa của người khác bù đắp cho cái phần còn thiếu hụt của mình. Cách đó rất dễ, dễ với tôi nhưng lại khó, rất khó với nhiều người. Tôi có một bước đầu thuận lợi là tôi chả có gì là báu vật của riêng mình cần phải gìn giữ. Tôi nhìn đồng đội thấy ai cũng hơn mình cả, mà đồng đội của tôi ngày ấy là người của mọi nghề, đã từng tự kiếm sống nuôi bố mẹ, nuôi vợ con, vượt qua một nạn đói khủng khiếp nên mỗi người đều có một cách tồn tại ở mức tối thiểu. Từ một đơn vị nhỏ cấp trung đội ở một thị xã, tôi về cơ quan tuyên huấn trung đoàn rồi từ đó được về làm báo quân khu, lên cao đến đâu tôi học theo đến đó, bao giờ tôi cũng là người chịu khó học, học thầy, học bạn là do tự tìm lấy cả. Sau này được về tạp chí Văn nghệ Quân đội tôi vẫn học vì ở tòa báo này đã tập hợp được nhiều cây bút nổi tiếng từ hồi đầu đánh Pháp. Họ có nhiều thứ để tôi phải học lắm, học đọc, học nói. học viết. Tôi là người viết rất dở trong mấy năm đầu nhưng tôi không nản, tôi nhẫn nại trong cái nghề viết khiến bạn bè vùa ghét vừa thương. Lâu dần cái việc học hổi người khác đã thành thói quen và đã cho tôi một cách chuyện trò, một các tranh luận rất dễ chịu, rất thoải mái. Tức là tôi không bác bỏ một ai, không phủ nhận một ai, mỗi người đều có cái uẩn khúc của riêng họ, đều có cái đáng trân trọng của riêng họ. Tôi không bao giờ tranh thắng, tranh cái đúng về mình. Không bao giờ!
Tôi còn nhớ năm tôi về tạp chí Văn nghệ Quân đội được vài tháng, tham gia một kỳ họp chi bộ xem xét mức độ sai lầm của một Đảng viên cấp Trung tá đã có khai báo khi bị Pháp bắt đưa ra Côn Đảo. Nhiều Đảng viên yêu cầu phải khai trừ anh ra khỏi Đảng vì anh đã không giữ được khí tiết trước kẻ thù. Tôi đã định không nói, tôi là kẻ hậu sinh làm sao dám đánh giá một việc làm của bậc đàn anh. Nhưng Chi bộ buộc từng người phải có ý kiến của mình. Tôi đành nói liều, nói cùng sợ nhưng chẳng lẽ không nói. Tôi nói rằng, tôi chưa bị Pháp bắt bao giờ, chưa bị tra tấn để lấy cung bao giờ, nếu tôi bị đánh đau không chừng tôi cũng phải khai. Cả mọi người nhìn tôi như hơi cười, không khí buổi họp như dịu hẳn. Người đàn anh đã có một lần phạm tội nhìn tôi bằng đôi mắt vừa thiện cảm, vừa ngạc nhiên. Một thằng thượng úy trẻ ranh lại nói được một câu chân tình đến thế.
Gần một đời người tôi không làm ai phải giận dữ sau khi đã tranh cãi với tôi. Tôi luôn biết thưởng thức những câu nói hay của họ, biết tự nhận những nhận xét còn nông nổi, độc đoán của mình. Tôi là người viết nhiều về các tu sĩ của các tôn giáo lớn: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài giáo, viết thành sách, viết đến nơi đến chốn nhưng xem ra rôi vẫn có nhiều bạn đọc là tín đồ các tôn giáo đó. Là vì trong những trang viết cũng như khi tiếp xúc trong công việc tôi rất tôn trọng niềm tin của những người khác. Tôi đã nghĩ mọi niềm tin hướng về sự cao thượng đều có giá trị như nhau, đều giúp cho con người sống nhẹ nhõm hơn, vui vẻ hơn vì đã có nhiều hi vọng hơn. Thế giới tâm linh của con người mênh mông, sự sống lại càng mênh mông hơn, cho tới tận hôm nay các nhà vật lý hàng đầu đã phải thú nhận rằng những quan điểm về một thế giới xác định và vững vàng không còn đúng nữa, cả trong thế giới vĩ mô cũng như vi mô. Cái câu hỏi lớn nhất: ta từ đâu tới rồi sẽ đi về đâu còn chưa được hoàn toàn khẳng định trong khoa học cũng như trong tôn giáo, huống hồ ở những lĩnh vực cực kỳ nhỏ bé, có sinh mạng hết sức ngắn ngủi lại có thể khẳng định một cách quyết liệt cái này và phủ nhận cái kia!
XIV
Ở các nước Xã hội chủ nghĩa, chân lý thuộc về hệ tư tưởng chính thống đang điều hành mọi sự mọi việc của quốc gia chứ không đứng riêng một mình. Cấp quyền lực cao thì nắm chân lý lớn và không bao giờ sai. Cấp quyền lực nhỏ thì nắm chân lý nhỏ, đôi lúc cũng sai, sai trong phương pháp, sai trong cách làm chứ không thể sai trong chủ trương, chính sách. Còn đám trí thức làm các việc nghiên cứu, tổng kết, đọc nhiều, biết nhiều, tiếp xúc với đủ loại người và những gì họ biết đều có căn cứ xác thực. Cái biết và cái nghĩ về những sự đã biết khiến họ run sợ về sự gian dối trong báo cáo, về sự cả tin của người cầm quyền và cái tính hay nghi ngờ nếu những thông tin mình cung cấp không phù hợp với những dự tính cao xa, lâu dài của người lãnh đạo.
Có một việc đã được giải quyết rất tốt ở một địa phương về cách quản lý ruộng đất hợp lý, dân no hơn, có tiền nhiều hơn nên dân rất vui, cán bọ xã huyện tỉnh cũng rất vui vì vợ con họ được sống dư dả hơn trước, lại không phải đối mặt với nhiều câu hỏi rất khó trả lời minh bạch, mà cái địa phương đó phải chịu thua, cán bộ chủ chốt bị đuổi việc, một chuyện thâm vô lý mà không ai dám nói lại. Vì nếu nói cách làm của Trung ương sai tức là hệ tư tưởng chính thống có thể sai, từ cái sai hiển nhiên này người ta sẽ nghĩ tới những cái có thể sai mơ hồ khác. Và sự hoài nghi ấy sẽ làm lung lay cái ghế của người cầm quyền. Dân chịu khổ lâu, chuyện đó sẽ có nhiều cách để đền bù, còn mọt chỗ ngồi đã phải thay không khéo phải thay cả nhân loại. Nó khó nói một cách minh bạch là thế nên cứ đành để mù mờ trong nhiều năm. Cả nước đã làm theo cách làm của ông bí thư quá nhạy bén, chạy trước vài bước nên bị tai nạn mà chả ai nghĩ tới phải xin lỗi người ta, trả lại vinh dự mà người đó xứng đáng phải có, mọi việc cứ tù mù trôi đi, may mà có công cuộc đổi mới đã kịp cứu vãn tất cả.
Nói đến chính trị của một thời, nghĩ lại vừa đau lòng vừa buồn cười. Mấy năm đầu kháng chiến chống Pháp chả mấy ai nói tới tính giai cấp, với số đông cũng chả biết cái cụm từ chính trị mới mẻ ấy định nói cái gì. Mãi tới năm có nhiều cố vấn Trung Quốc sang giúp đỡ Đảng ta trong sự nghiệp kháng chiến mới hay nói tới tính giai cấp. Một dân tộc bỗng nhiên bị chia ra thành năm bảy loại người, loại tích cực,, loại tiêu cực, loại được tin dùng và loại dùng thì dùng nhưng vẫn nghi, đâm ra người này nghi ngờ người nọ, đem cái ghét riêng thành quan điểm giai cấp lập trường giai cấp, cãi chửi nhau bằng ngôn ngữ xã hội học, thành thử mọi việc lý ra là sáng mà cứ rối mù, gây chán nản, gây phân tâm giữa những người kháng chiến. Thậm chí cái thành phần tiểu tư sản chả bóc lột ai, chả hà hiếp ai bỗng nhiên trở thành bảng hiệu của giới trí thức, cũng bị vướng vào nhiều chuyện oan khiên. Mặt trận Liên Việt tượng trưng cho khối đại đoàn kết toàn dân cứ mỏng dần, èo uột dần, có cơ quan, có người trực nhưng không có công việc vì cũng chả còn uy tín gì với nhân dân nữa. Mà hồi Cách mạng mới thành công là đoàn kết thật, vua quan, giám mục, linh mục, hòa thượng, các nhà trí thức cỡ bự vì được Cách mạng tin dùng cũng hết lòng phụng sự kháng chiến. Họ đều là những người tài trí, có làm thật họ mới tham gia chứ làm giả thì việc gì họ đến với mình.
Tôi nghĩ sức cảm hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là sự thành thật. Bác thành thật tôn trọng họ, thật sự muốn cộng tác với họ, bình đẳng về tư tưởng và lòng yêu nước nên số đông trong họ đã dám theo kháng chiến đến cùng. Tới cuộc đánh Mỹ ở miền Nam gian nan hơn nhiều, cái phần thắng xem ra cũng còn cần một thời gian, thời gian có thể ủng hộ ta mà cũng có thể phản bội ta nên ta không nói đấu tranh giai cấp nhiều để dốc toàn lực của dân tộc quyết một trận sống mái. Không những phải nói sức mạnh của toàn dân hôm nay đã từng có một Điện Biên Phủ mà còn phải nói nhiều sức mạnh của dân tộc chống lại mọi cuộc ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử. Không chỉ viện dẫn những nghĩa sĩ, anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh mà còn phải viện dẫn những minh quân, tướng sĩ của những vương triều đã có những chiến công oanh liệt.
Chỉ có một điều đáng tiếc là sau ngày đại thắng, cả dân tộc từ Bắc chí Nam được đoàn tụ một nhà thì ta lại giành mọi công lao về mình, tự khen mình không biết mệt mỏi, gần như quên ngay những người bạn đồng hành một thời đã dám buông bỏ tất cả để theo kháng chiến do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tất nhiên công sức của họ không nhiều bằng mình, thời gian cống hiến không dài bằng mình nhưng họ đã tình nguyện theo mình trong lúc kháng chiến gian nan nhất tức là đã có lòng lắm, nếu mình tin dùng họ chân thành, bình đẳng với họ về mọi phương diện, chắc chắn họ sẽ là một thành phần quan trọng trong đội quân chấn hưng lại giang sơn. Là vì mình cứ nhất nhất theo lời chỉ bảo của một học thuyết. Chả có học thuyết xã hội nào đúng được mọi lúc mọi nơi ở mọi thời. Học thuyết Mác Lê xui chúng ta cứ chia mãi ra, đến thời Mao Trạch Đông thì sự chia đã lên tới Bộ Chính trị. Tại sao phải bắt chước họ nhỉ? Vì truyền thống của dân tộc Việt Nam là tình cố kết dân tộc, một dân tộc nhỏ yếu không luôn luôn cố kết sinh tử có nhau thì đã thành một dân tộc ít người của Đại Hán từ ngàn năm trước rồi. Nói đi phải nói lại, sự đoàn kết trong lịch sử Việt Nam cũng phải nói rõ hơn. Khi hoạn nạn thì vua tôi một lòng, triều đình và dân chúng một lòng. Đến thời an bình lại đâm ra đổ đốn, vua ngờ tôi trung bày mưu giết hại các cựu thần, sợ con mình thì dại các đại thần lại quá khôn, ngôi vua của con e khó giữ. Cũng chả có chính sách nào để khôi phục sức dân, để dân được sống trong sung túc, được an nhàn, khỏi phải lo đói lo rách, lo bị kẻ cường quyền cướp bóc, hãm hại. Đuổi được địch ra khỏi biên giới là mặc kệ dân ngay. Còn địch mới sợ dân ghét mình không muốn đi trận, nước có thể mất, nhà vua và triều thần có thể bị cầm tù. Chứ đã hết địch còn biết sợ ai nữa.
XV
Lại nói tiếp về sự chia ra, chia nhỏ mãi ra, tới mức trong các cuộc chỉnh huấn tự mình cũng phải phân thân làm hai nửa, một nửa lạc hậu, một nửa tiến bộ, nửa này mắng nửa nọ suốt một khóa học. Càng theo Cách mạng càng thấy mình xấu dần đi, bạn bè cũng thế, sao họ có thể xấu đến thế! Là vì tất cả đều bị quyến rũ bởi một ảo tưởng tai hại, là mỗi chúng ta nếu được rèn luyện tốt sẽ trở thành một con người mới, con người của tương lai, con người của Chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng con người của tương lai ấy thế nào? Chịu! Các nhân vật tích cực biểu tượng cho con người tương lai trong các tác phẩm văn học chả quyến rũ được ai cả, nó không thật, những con người rất tốt mình đã từng tiếp xúc, từng ăn ở với nhau ít ngày, tất rất tốt nhưng không tốt theo kiểu tu sĩ tôn giáo, họ "người" hơn nhiều. Những con người mù mờ khó tin được hư cấu theo phương pháp hiện thực Xã hội chủ nghĩa, lại được các nhà lãnh đạo khen nên những cây bút bình luận chính thống khen liền theo ngay, rồi bạn đọc viết bài khen đăng đầy các trang báo của ngành nghề, chỉ duy có bạn bè trong giới là không khen ngợi. Họ nín lặng. Trong giới văn nghệ có một thời luôn luôn có những khoảng trống rất lặng lẽ, chỉ nhìn hoặc nói nhỏ mà vẫn liếc trộm xung quanh cứ như là người của các hội kín.
Vạn sự đều biến đổi không ngừng, trong đó có thời thế mà sự biến đổi nào cũng rất bất ngờ, các nhân vật nắm quyền điều khiển thế giới còn bị bất ngờ, huống gì là những người ở vào vị trí tầm thường như số đông chúng ta. Chủ nghĩa Mác là triết học tiến bộ nhất của Thế kỷ XIX. Nhưng sang đến thế kỷ XX đã có bao nhiêu phát minh khoa học làm đảo lộn những xác tín cổ xưa. Cơ học lượng tử (vật lý vi mô) đã xác lập giới hạn cho tính chắc chắn, thay thế giới xác định bằng thế giới xác suất. Thuyết tương đối (vật lý vĩ mô) chứng tỏ rằng thời gian và không gian không còn là cấu trúc tuyệt đối nữa. Và cuối cùng lý thuyết hỗn độn (chaos) đã cho thấy tính không tiên đoán được của vũ trụ. Và người ta cũng biết thế giới còn tồn tại bởi những bất đối xứng, không có cân bằng tuyệt đối, hoàn hảo tuyệt đối. Một vũ trụ tuyệt đối đồng đều sẽ là một vũ trụ khô cằn, vô sinh. Chỉ có tôn giáo mới mơ mộng một cõi trời tuyệt đối hoàn hảo, tuyệt đối hài hòa. Vì nó là lòng tin nên không cần những chứng nghiệm khoa học. Nó là cõi mơ mộng của con người để thoát ly mọi cảnh khổ. Nó vừa là niềm an ủi, vừa là sự trốn chạy. Bàn chuyện thực tế, chuyện thay đổi với một niềm tin tôn giáo là vô ích, mất công. Bởi vì tôn giáo không bao giờ chấp nhận những gì ngược lại với những tín điều của nó cả.
XVI
Tôi xin quay trở lại cái nghề chính của tôi là chuyện văn chương. Chính khách và nhà văn trong tư duy, trong công việc có nhiều điểm tương đồng. Làm chính trị cũng như làm văn chương phải luôn nhớ mình là người Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống lịch sử, tinh thần, tâm lý của nhiều tộc người từ bốn phương tám hướng trôi dạt đến vùng đất này đã từ vài ngàn năm trước, rễ cắm trong đất đã thành nhiều lớp, nhiều tầng, chỉ chấp nhận cho hạt nảy mầm nếu nó tự biết thay đổi cách cấu trúc bên trong cho phù hợp với thủy thổ, khí hậu của miền đất này, của tộc người này. Truyền thống nhưng phải kèm luôn theo với canh cải, với duy tân để giống cũ được thường xuyên bổ sung những nguồn sinh lực mới khỏi bị thoái hóa.
Đọc lịch sử của nước ta tôi thường rất tự hào về những võ công oanh liệt của ông cha, còn rất lấy làm buồn về cái tài văn trị của các cụ. Trong nhiều thế kỷ nối tiếp nhiều vương triều nhưng chả có một tí cải cách nào trong thuật trị nước, không có một chính sách hay ho nào để nuôi dân làm các nghề. Nhà vua và mưu thần chỉ có những ban ơn vặt với dân chúng mỗi lần đánh đuổi được giặc ngoại xâm. Không phải nước ta thuở ấy không có người nhìn xa nghĩ rộng. Riêng một triều Nguyễn cũng đã có đến mấy ông nhưng nhà vua và đình thần đều là môn sinh cửa Khổng sân Trình, nhất nhất đều phải giở cẩm nang Nho giáo ra tra cứu, người xưa không làm thế sao ta dám làm. Bỏ lỡ cả! Vận hội mới nhìn nước ta mà ngao ngán, rồi nó cũng bỏ luôn, bỏ một mạch cho tới tận năm 1945 mới quay lại. Tôi cũng buồn cho các cụ chọn đồng minh chiến lược, đời trước làm sao đời sau làm đúng vậy. chỉ bám vào một nước lớn mà không biết cố kết với các nước nhỏ là những xóm giềng thân thiết của mình, không chịu nhường nhịn họ, cũng đe dọa nài ép họ chuyện này chuyện kia khiến họ không còn cách nào khác là phải liều mạng chống chọi lại.
Sang thời bây giờ thì chúng ta đâu có quyền được lựa chọn những người bạn đáng tin cậy. Thời thế đã chọn giúp rồi. Thời thế chia làm hai phe, phe đế quốc và phe xã hội chủ nghĩa. Tôi cũng đoán, bằng những cảm nhận mơ hồ thôi chứ làm gì có văn bản, có nhân chứng. Tôi đoán là hồi đầu Cách mạng Bác rất muốn chúng ta thoát khỏi vĩnh viễn cái ách đô hộ hủ lậu của người Pháp. Mỹ đã đuổi tất Pháp phải ra đi một cách ngoan ngoãn vì Pháp là con nợ. Nước Mỹ dân chủ hơn, tự do hơn vì dân nước ấy có gốc gác từ các cựu lục địa tràn sang miền đất mới để có một cuộc sống công bằng hơn, dễ thở hơn. Dân chủ và tự do vốn chảy trong máu họ từ nhiều đời. Còn làm một đồng minh bé nhỏ của hai ông anh lớn thì hình như Bác có hơi phân vân thì phải, vì Bác đã có thời gian sống ở Anh, ở Mỹ, ở Pháp thì lâu hơn. Bác đến Matxcơva khi Lênin vừa mất. Bác là một nhà chính trị bẩm sinh, lại có rất nhiều bạn bè quốc tế đang làm việc cho nước họ tại Nga. Bác lại là người có tài thâu lượm tin tức vì Ông già cũng là một nhà báo từ trong máu. Về già sức yếu không đi được tới đâu, có muốn đi cũng không ai dám cho đi mà vẫn biết được mọi chuyện của Hà Nội và chuyện trong cả nước. Giấu cũng không được dầu đã bảo nhau là phải giấu. Những trẻ con làm sao giấu chuyện được người lớn nên chỉ sau một bữa cơm Bác đã biết tất cả từ gốc đến ngọn. Biết nhưng không nói, lại phải tùy nơi, tùy lúc, tùy người mới nói, nói ý tứ, nói nhẹ nhàng để họ tự biết mà sửa. Bác trước hết là một ông già Việt Nam từ trong căn cốt, sau đó mới là người Cộng sản Việt Nam, là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một người có tầm nhìn hơn người, có cách suy luận hơn người, chắc là Bác sẽ biết ngay đang có một cuộc chiến ở cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô để giành quyền lãnh đạo cao nhất sau khi Lênin mất. Và nhiều chuyện không vui đã nối tiếp xảy ra, nhiều chuyện gian dối đã được đơm đặt nhằm hãm hại những người trung thực, củng cố vị trí của người mới nắm quyền. Bác là người có quyết định độc lập từ trẻ, là hậu bối kề cận của các nhà yêu nước lớn Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Nhưng Bác vẫn tìm cho dân tộc mình một con đường phù hợp với khuynh hướng chính trị của một thế kỷ sẽ đầy sóng gió vừa mới bắt đầu. Thêm nữa Bác tuy chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng lại là người có tâm hồn dân chủ, dân chủ trong cách nghĩ, trong cách làm, trong những phản ứng có tính máu thịt. Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã nói ngay tới quyền được sống, được tạo hạnh phúc của con người Việt Nam, cái nhân quyền ấy, cái lẽ sống tự nhiên ấy không ai có thể vùi giập được, cướp đoạt được. Stalin ngờ vực Bác là người theo chủ nghĩa quốc gia là có căn cứ cả đấy. Tất nhiên Stalin phải chọn người khác trẻ hơn, rất yêu nước nhưng còn thơ ngây về chính trị và đặc biệt phải có lòng sùng tín người đã kế nghiệp Lênin. Vẫn là theo cách suy luận chủ quan của tôi, với Bác mà cả cuộc đời hoạt động của Người đã minh chứng rất rõ ràng, mục tiêu tối thượng là nước Việt Nam phải được độc lập, thống nhất, dân tộc Việt Nam phải được sống trong hạnh phúc và tự do. Lối đi nào hợp lý nhất, ít trở ngại nhất và nhanh nhất sẽ là lối đi Bác chọn. Chủ nghĩa Mác Lê, Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản chỉ là những phương tiện để đạt tới mục đích đó. Nếu những phương tiện này không thật sự hữu hiệu thì phải canh cải nó, Việt Nam hóa nó, tức là phải uyển chuyển hơn nhiều, phải biết tùy thời mà biến hóa để cái mục tiêu tối thượng không bị thiệt hại, không bị ngăn trở, không bỏ lỡ mất vận hội mà thời thế tạo ra cho nó.
Một đời Bác chỉ nghe theo mệnh lệnh của Tổ quốc, ý nguyện của nhân dân, tuyệt đối không làm theo một cách thụ động lời chỉ bảo của một thần tượng nào, một học thuyết nào. Đúng thì theo, không đúng thì lờ đi hoặc vẫn làm nhưng là làm theo cách của mình. Cách mạng tháng Tám nghe theo mệnh lệnh của ai? Những cuộc thương thuyết đầy sóng gió, lắt léo và cũng rất tài tình với Trung Hoa Quốc dân Đảng, với chính phủ Pháp trong suốt những năm 1946 thì phải nhờ mưu ai nhỉ? Rồi đến trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ có phải đợi ai gật đầu không đấy? Có một chuyện dầu không muốn theo mà buộc phải theo là hiệp định Genève chia đôi đất nước. Đánh dấn thêm vài năm có khi được cả nước vì róc tre đã được nửa chừng, lại là cái phần có nhiều mấu nhiều đốt nhất. Mà không thể làm được. Sức đã yếu, lực đã kiệt, không có phe đảng liệu có làm được gì thêm hay lại mất luôn cả chín năm đánh Pháp. Tôi nghĩ cái quyết định này còn quan trọng hơn, gat gắt hơn, có cả đau đớn nữa so với quyết định sẽ phải dồn hết lực lượng tinh nhuệ đánh một trận quyết thắng ở Điện Biên Phủ. Có lẽ Bác đã phải mất nhiều nước mắt để tính toán, để thuyết phục Bộ Chính trị đồng ý với cách giải quyết của những người bạn tốt bụng. Lại phải gò lưng thắt bụng làm nốt cái phần còn lại thêm hai chục năm nữa. Có thể người đã quyết nên giời cũng chiều lòng mới làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Chắc rằng mười năm cuối đời Bác buồn lắm. Mình thì sống chết với kẻ thù, họ thì sống chết với đồng chí anh em để giành ngôi vị giáo chủ một học thuyết. Trong vụ này, vẫn là theo xét đoán riêng của tôi, Bác đứng ngoài. Chúng tôi đang bận việc chiến tranh, làm gì còn tâm trí ngồi bàn chuyện lý luận của các vị. Họ muốn tên mình lên tiếng vì mình đang được cả thế giới tôn vinh là một dân tộc kiên cường, mình lại tránh là họ giận lắm. Bác chỉ kêu gọi thế giới cộng sản nên đoàn kết lại, hai nước lớn trong phe nên đoàn kết lại thì chúng tôi mới làm việc lớn được.
Hơn ba chục năm sau, nghĩ lại cuộc tranh luận học thuyết rùm beng của một thời mà kinh ngạc, tưởng đâu những cụm từ chính trị vô hồn kia có thể làm thay đổi diện mạo của thế giới. Hóa ra là chuyện giá cả với những bảng hiệu giả nhằm vào những cái đích cũng giả nốt, vì nó chả động chạm tí nào tơi bước đi của nền văn minh nhân loại. Bây giờ cả vô sản và tư bản, cả giáo điều lẫn xét lại, những kẻ thù không đội trời chung của một thời lại nắm tay nhau hoan hỉ bước vào thế kỷ XXI với những hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ Mỹ kim. Lần này thì là chuyện thật, có quan hệ tới cuộc sống hàng triệu con người của mỗi quốc gia. Lại càng tin cái tầm nhìn xa và tỉnh táo của Bác trong chuyện này vì ta vẫn được, cũng có vất vả thêm nhưng không bị thiệt hại vì chưa bao giờ ta rời xa cái đích đã nhắm tới.
XVII
Tôi còn nhớ mãi hai câu nói cuối cùng của đồng chí Lê Duẩn thời đánh Mỹ. Lần đầu vào cuối năm 1965, tháng nào tôi không còn nhớ. Không khí buổi gặp gỡ giữa Bí thư thứ nhất của Đảng với các cán bộ cao cấp trong quân đội rất trang nghiêm, có phần hơi căng thẳng. Đồng chí Lê Duẩn nói, giọng nói hơi rung vì lo lắng, vì xúc động: "Đảng ta đang phải đối mặt với những quyết định hết sức hệ trọng có quan hệ tới sự tồn vong của dân tộc, của quốc gia. Trung ương rất lo lắng và muốn các đồng chí cùng chia sẻ những lo lắng này với Trung ương". Một đời còn nhớ! Lần thứ hai vào năm 193, đất nước ở trong tình thế nửa chiến tranh nửa hòa bình, đồng chí Lê Duẩn lại tới nói chuyện với cán bộ cao cấp trong quân đội, đại ý là lúc này là lúc các nước lớn đang chia nhau khu vực ảnh hưởng, tức là có sự bàn giao chiến lược, phần này của tôi, phần kia của anh. Phải nhân lúc họ còn đang mặc cả để ngã giá mà xốc tới hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của mình, phải biết biến mưu họ thành vận hội mới của ta. Để muộn là hỏng, lỡ mất thời cơ là có tội với Tổ quốc. Theo tôi hiểu và nó một cách nôm na, các vị muốn biến nước tôi thành con tốt đen, muốn thí lúc nào thì thí, đừng có hòng, tôi đã có chủ đích của tôi, trong chuyện này các vị định chia lợi riêng với nhau, nhưng tôi sẽ phải giành đủ cái phần của tôi, vì tôi có quyền giành cái phần đó, chúng tôi đã nhắm nó từ ba chục năm về trước, từ non thế kỷ nay rồi. Đó là cách tính toán của người Việt Nam, của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
XVIII
Năm 1974, tôi có viết một loạt bài đăng trên báo Nhân dân bị phạm lỗi. Sau này tôi mới biết, thời gian ấy các vị lãnh đạo đang chuẩn bị ráo riết cho trận đánh cuối cùng để kết thúc chiến tranh. Thời cơ chỉ đến trong khoảng khắc, không chạy nhanh có khi phải đợi cả chục năm sau mới có cơ hội. Nào ai biết được chục năm tới thời thế sẽ thế nào, sẽ phải chuẩn bị ra sao? Nhiều chuyện phải lo lắm, được mất thành bại là vào cái lúc này. Đúng vào cái lúc ấy thì một thằng nhà văn lại đứng ra múa bút nói chuyện này chuyện nọ, cũng là chuyện hệ trọng cả, chuyện phải lưu tâm cả nhưng không phải lúc này. Lúc này là lúc phải dồn hết tâm trím sức lực để giải quyết việc khác, hệ trọng hơn nhiều. Nước đã mất nói gì đến chuyện con người mới, đạo đức mới. Tôi không cãi, tôi nhận lỗi dầu chưa biết rõ cái lỗi của tôi là ở đâu. Tôi không cãi nên cấp trên cũng bỏ qua luôn.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã tạo ra thời thế mới. Thời thế mới đã tặng tôi nhiều nhân vật mới. Nhiều số phận lạ lùng, nhiều cách nghĩ, nhiều hướng đi, một phong cảnh bao la, mênh mông với nhiều câu hỏi, nhiều cách trả lời đã bất chợt xuất hiện trong tầm nhìn của tôi. Và tôi đã không bỏ lỡ, đã bám chặt lấy nó tạo nên hai chục năm nghĩ và viết hào hứng, là thời kỳ có ý nghĩa nhất của một đời văn. Tức là tôi vẫn gặp thời, cái thời rất hợp với cách nghĩ cách viết của tôi. Nhìn lại tôi đã có một cách nghĩ đúng về cái nghề của mình kh gặp được cơ hội có thể tự làm mới mình và tỏa sáng một lần nữa. Có nghĩa là tôi đã gạt bỏ mọi cách nghĩ cũ, mọi định kiến cũ, kể cả những quan niệm chính thống để tôi được tụ do miêu tả những điều nhìn thấy, nghe được, cảm nhận được. Không tin vào thực tế chả lẽ lại tin vào lý thuyết sao? Tôi đâu dại dột đến thế! Bởi vậy tôi lấy làm tiếc khi nhìn cái cơ đồ mà chế độ cũ để lại, cả người cả của mà rồi tan nát cả. Mười năm sau ta lại phải làm lại những gì họ đã làm, được Mỹ giúp làm, là vì mình cứ tự buộc mình vào cái tư duy cũ, lý thuyết cũ, cách làm cũ, rồi lại chia mãi ra giữa người tốt kẻ xấu, người kháng chiến và những người đã từng cộng tác với địch hoặc xa hoặc gần. Kiểm tra để sàng lọc là chuyện phải có, nhưng phải kiểm tra, sàng lọc theo cách của mình, của người Việt Nam. Tức là phải giầu lòng độ lượng, phải tính công cho dân, công nhỏ tí cũng phải tính để động viên ho và gia đình họ. Phải xất phát từ truyền thống yêu nước, đoàn kết của người Việt Nam khi có giặc ngoại xâm. Phải cư xử công bằng người ở kháng chiến, ở rừng về và người kháng chiến tại chỗ, dầu họ không cầm súng nhưng đã từng có lời nói và hành động có tính phản kháng kẻ xâm lược là phải được đứng trong hàng ngũ những người góp phần giải phóng.
Nhiều người thoạt đầu rất phục mình, rất muốn cộng tác với mình, có người còn nói cho chúng tôi cơ hội được lập công chuộc tội. Họ nói khiêm nhường thế mà ta đâu có tin. Ở lại chịu khổ nhưng không được tin dùng, lại còn bị ngờ thì tôi xin đi luôn, ở cũng chết, đi cũng chết, thà chết sông chết biển còn hơn chết dần chết mòn trong sự nghi ngờ. Vào Sài Gòn vừa được giải phóng tôi nhìn vào đâu cũng thấy khẩu hiệu: "Chủ nghĩa Mác Lênin bách chiến bách thắng". Oan uổng quá! Nói một Đảng theo chủ nghĩa Mác Lê đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi, nghe phải hơn, có lý hơn. Chứ làm đúng in theo một học thuyết làm sao mà thắng được Mỹ. Tất nhiên trong những nền tảng để Đảng Cộng sản Việt Nam suy nghĩ, tính toán, quyết định có một phần đóng góp quan trọng của chủ nghĩa Mác. Học thuyết Mác đã cho người Việt Nam những cơ sở để nuôi lòng tự tin vào chính mình, rằng mình có thể san phẳng mọi trở ngại, mình có thể cầm quyền và có thể tạo dựng một xã hội như ông cha hằng mong ước. Nó dẹp bỏ mọi thói tự ti, lười biếng, ỷ lại để đón nhận kịp thời những vận hội mới mà thế kỷ XX mang lại. Nhưng điều quan trọng hơn cả là chủ nghĩa Mác đã khai mở cho các chiến sĩ Cách mạng đầu tiên của Việt Nam một lòng tự hào là người đã nắm chắc một học thuyết tiến bộ nhất nhân loại, có khả năng cải tạo xã hội, cả tạo con người, là kim chỉ nam cho mọi hành động, là lá cờ bách chiến bách thắng. Lá cờ công nông đó đã là quốc kỳ của nước Nga rộng tới một phần sáu trái đất. Giấc mộng về một thế giới không có người bóc lột người, tiến tới một thế giới đại đồng đã được bắt đầu từ đó. Lý tưởng cộng sản và nước Nga là biểu trưng của một lòng tin mãnh liệt dầu phong trào bị thất bại nhiều lần, nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú bị Pháp bắt xử án tù chung thân, xử bắn nhưng không một ai thối chí, lớp trước ngã xuống, lớp sau tiến lên thế vào chỗ trống cho tới ngày Cách mạng thành công.
Còn từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam non một thế kỷ nay, Đảng ta, dân ta làm những việc gì, làm ra sao đều do tư tưởng Việt Nam dẫn dắt, do kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của ông cha dẫn dắt; do bản tính rộng lượng, hiếu hòa, thích giao hảo kết luận chứ không thích mua thì chuốc oán dẫn dắt. Chủ trương "khép lại quá khứ nhìn về tương lai" là quá đỗi tài tình, các quốc gia lân bang đã nhìn chúng ta bằng con mắt thán phục và đầy thiện cảm, cũng được bắt nguồn từ cách xử sự của cha ông từ xa xưa. Cái tài sản tinh thần do ông cha để lại đâu có nhỏ, nó là bảo bối để dân tộc Việt Nam giữ được mọt khoảng trời riêng giữa bao nhiêu sóng gió của thời thế từ cả ngàn năm nay rồi.
XIX
Nhà chính trị, nhà văn, nhà khoa học, những người hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ điều cốt tử nhất là phải giữ được sự độc lập trong quan sát, suy nghĩ, tổng kết, không bị bó trong cái vòng kim cô nào cả, không là tín đồ trung thành của một học thuyết nào cả để có thể phát huy hết tiềm lực trí tuệ của riêng mình dấn bước vào những cuộc dò tìm mới. Họ phải có lòng tự tin là người mở đầu, người đặt nền móng, người phát quang tìm một lối đi cho một sự nghiệp dẫu còn mơ hồ nào đó trong tương lai. Đó là sự cống hiến lớn nhất, sức mạnh lớn nhất của Tự Do, vì trong từng cá nhân vẫn còn bao nhiêu năng lực chưa được khai mở, còn bao nhiêu báu vật chưa được khai thác, còn bao nhiêu yếu tố của cái phi thường chưa được nuôi dưỡng đúng như nó cần phải có. Tất cả tùy thuộc vào lòng can đảm ta có dám cởi trói cho chính ta không, ta có dám đối mặt với những thơ ngây, lầm lẫn của chính ta không? Trước hết hãy tự giải phóng mình ra khỏi những định kiến, những nguyên lý, những quy tắc từ lâu đã chả có tác dụng gì nhiều tới những hoạt động thực tiễn cả.
XX
Với một người viết văn cũng như những người làm nghề thuộc về trí tuệ, là lĩnh cực tự do nhất, dộc lập nhất trong xã hội thì bạn bè là tất cả. Tromg bạn bè sẽ tìm ra tri kỷ, trò chuyện với tri kỷ vừa là đối thoại, vừa là độc thoại để cân nhắc xem xét, lật trái lộn phải một nghi vấn, một cách trả lời, một khẳng định còn rụt rè, một kết luận còn chưa đủ tự tin. Xét cho cùng mỗi phát minh, mỗi công trình khoa học đều có sự đóng góp của một tập thể nhỏ, là bạn bè, người cùng nghề, bạn tri kỷ. Họ góp đóm, làm khô củi, tất cả đã sẵn sàng, người phát minh chỉ việc thổi bùng lên ngọn lửa sáng tạo. Ấy là nói về một thể chế không có độc quyền về tư tưởng, còn chỉ công nhận có hệ tư tưởng của người cầm quyền là chân lý thì mọi sáng tạo độc đáo, mới lạ sẽ lập tức biến mất. Cái sự độc quyền về tư tưởng sẽ sinh ra lắm sự kỳ quái mà cũng tất nhiên lắm.
Người nắm quyền lớn là người luôn luôn đúng, thậm chí có nói khác đi các nguyên lý cũng được xem là hợp pháp, là sáng tạo, là bổ sung, là làm mới... Còn kẻ dưới dầu có nói phải mười mươi, toàn chuyện nhỡn tiền, chuyện thường ngày vẫn bị xem là kẻ rất đáng ngờ, phải được giám sát, được uốn nắn. Sách hay nhưng người lãnh đạo chê thì không một ai dám khen. Sách viết dở nhưng lại được cấp trên khen là lập tức được các nhà bình luận văn chương khen ào ào. Vì người trên bao giờ cũng có lý. Trong thế giới độc quyền về tư tưởng thì sự trung thành với hệ tư tưởng chính thống còn được xem là "quà tặng" hay "đòn đe" của bạn bè. Chỉ cần được nghe một câu buông lửng của một người bạn nào đó: "cái truyện ấy của cậu hình như có vị không thích lắm", "Trong một buổi giao ban ông ấy có nhắc nhiều bài, hình như có cái bài của cậu". Chỉ nói buông thế thôi mà mình đã mất cà mọi sự yên tĩnh, nhìn mọi chuyện cứ tối đen như sắp dấn thân vào địa ngục. Tư tưởng đã thành một tiêu chuẩn để thưởng hay để phạt thì còn ai dám nói thật cái nghĩ của mình, cái cảm nhận hồn nhiên của mình ngay cả với những người bạn tâm đắc nhất. Đành chôn chặt trong lòng thôi. Cái gì đã phải chôn đi tức là đã giết chết nó rồi. Vô sinh ngay từ trong lòng mình, chỉ có một giống, một hệ, không có đối xứng, không có hao hụt, không có âm dương làm sao mà sinh. Viết mười năm như một năm, mười cuốn sách như một cuốn, chả phát triển biến hóa một tí nào. Chỉ khác nhau mấy chương đầu giới thiệu khung cảnh, nhân vật, câu chuyện rồi tất cả lại diễn ra như cũ. Cho nên mới sinh ra cái lối viết kỳ dị, những kết cấu kỳ dị, chả ăn nhập gì với truyền thống cảm nghĩ, truyền thống văn hóa, tinh thần của người Việt mình. Chẳng qua là những trò tiểu xảo vặt để quên đi nỗi buồn không được dồn hết tâm lực vào những sáng tạo lớn. Mỗi chúng tôi đều biết thế nên có ai nỡ trách đâu.
Nghĩ hời hợt thì một đất nước chẳng thể suy vong chỉ vì không có tác phẩm nghệ thuật lớn. Liên Xô, Trung Quốc trong một thời gian dài làm gì có tác phẩm nghệ thuật lớn mà chả ai dám coi thường mỗi khi họ cất tiếng nói. Nhưng về lâu về dài là có chuyện đấy! Văn chương là cái phong vũ biểu của một quốc gia. Nó bất động quá lâu, nhạt nhòa quá lâu là cái thể chế ấy có chuyện phải lo rồi. Chỉ một xã hội không còn sức sống, đã già nua, đã hủ lậu mới không còn năng lực tỏa hương thơm từ đất đai, từ con người, từ những ý tưởng kỳ vĩ để quyến rũ thiên hạ, đóng góp vào tài sản tinh thần của nhân loại. Nhưng chuyện văn chương là chuyện của trăm năm, còn chuyện con người tác động tức thời vào sự phát triển xã hội mới cần phải bàn thêm thôi. Tôi cứ nhìn những diễn biến quái đản của hai cường quốc Xã hội chủ nghĩa mà ớn lạnh cả người. Một Đảng cách mạng đã chiến đấu oanh liệt trên tám chục năm, là vật thiêng của một niềm tin, một lý tưởng, của một phe mà chỉ chỉ một câu nói: "Trò chơi đã chấm dứt, màn đã hạ, giải tán!" Thế là giải tán cái rụp. Một đất nước của triết học, của thi ca, của nhiều ngành nghệ thuật siêu tuyệt, là một cái nôi của nền văn minh nhân loại, bỗng dưng chỉ còn biết nghe theo lời chỉ bảo của một người, nói vớ nói vẩn những tư sản, vô sản, đường này hay lối nọ xấu, chả đâu vào đâu mà cả triệu người như bị ma ám cứ lăn xả vào nhau mà chém giết, phá tan tất cả những gì vừa tạo lập được để xây dựng một xã hội hết sức hoang đường. Là sao vậy? Thì ra các công dân của hai nước ấy đã bị ngắt mất đầu từ lâu rồi, chỉ còn biết làm theo lệnh, tuyệt đối không có xét đoán riêng, tình cảm riêng, và những nhu cầu tinh thần riêng.
XXI
Chiến tranh kết thúc lần thứ nhất, rồi lại chiến tranh lần thứ hai kéo dài những hai chục năm. Sau ba chục năm cầm súng mới thật sự có hòa bình trong cả nước. Nhưng một đất nước đã tắt mọi tiếng súng lại không được vui như mong đợi. Vì chiến tranh lại nổ ra trong từng gia đình, cuộc chiến giữa các ý thức hệ khác nhau. Vẫn phải chia ly, vẫn có người chết và biết bao thảm cảnh còn não lòng hơn cả cái chết. Con người Việt Nam như tắt dần mọi ánh sáng của thời Cách mạng và kháng chiến cứ tối dần, u ám dần với bao nhiêu tính toán, mưu mô ích kỷ, vụ lợi. Các tiêu chuẩn giá trị lại thay đổi thang bậc một lần nữa, cái danh cái lợi trở thành chuẩn mực tối thượng, cái đích nhắm tới tối thượng. Mọi cuộc Cách mạng xã hội trên hành tinh đều kết thúc như thế cả. Đó là sự rạn nứt giữa lời hứa với việc làm, giữa mộng mơ với hiện thực. Theo tôi, lúc này lúc khác có những thay đổi về thang bậc giá trị cũng là lẽ thường tình, thời thịnh có giá trị khác, thời suy có giá trị khác. Nhiều nước Xã hội chủ nghĩa trước khi thay đổi thể chế đã có những thay đổi về thang bậc giá trị trong mấy thập kỷ, nhưng chỉ có dân biết với nhau, giữa những người cầm quyền biết với nhau và không ai dám nói thật cái biết đáng buồn đó cả. Ai mà nói biết lập tức gặp tai họa ngay. Nói cho cùng học thuyết xã hội đã biến thành tôn giáo để yểm trợ cho quyền lực thì quyền lực trở nên chông chênh mà học thuyết hóa ra đáng ngờ, cả hai đều có số phận không lấy gì làm may mắn. Hãy trả học thuyết cho các nhà triết học, xã hội học, đó là công việc mê say một đời của họ. Và trả lại quyền lực cho Hiến pháp vì đó mới là nơi cư ngụ hợp pháp và an toàn của nó. Hiến pháp không thuộc riêng của một giai cấp nào, của một đảng phái chính trị nào, nó là của quốc gia, của toàn dân, do những đại diện ưu tú nhất soạn thảo, toàn dân đóng góp ý kiến và quốc hội thông qua.
XXII
Tại các nước tư bản chưa bao giờ có sự ổn định chính trị thật sự nhưng họ không xem là quan trọng vì họ luôn sẵn sàng đối mặt với mọi biến cố và mọi đổi thay. Thì họ vẫn đổi thay theo nhiệm kỳ bầu cử, lúc là lực lượng khuynh tả, lúc là lực lượng khuynh hữu, lúc lại là trung hữu. Chế độ tư bản không có lãnh tụ, chỉ có viên chức cao cấp nên họ ra đi cũng chả phải chuyện gì ghê gớm. Họ không làm nghề chính trị thì làm nghề giáo sư, hoặc nghề kinh doanh vì họ đều là nhà tư bản, họ vẫn có tiền, vẫn được trọng vọng, chả ai dám khinh người có tiền, lại là tiền của dòng họ từ nhiều đời. Nên người thì vẫn thay nhưng chế độ tư bản vẫn tồn tại sau mấy trăm năm có mặt ở hành tinh này. Xem ra còn lâu nó mới sụp đổ vì nó biết tự biến hóa, bộ mặt của nó hôm nay đã khác xa với chân dung gốc. Bây giờ nó còn biết liên kết giữa các nước tư bản với nhau trong kinh tế, trong tài chính, trong pháp luật, trong cả cơ chế chính trị, từng khu vực tiến tới cả toàn cầu. Vẫn hợp tác, vẫn mâu thuẫn, rồi lại tìm ra những hình thức hóa giải. Nó khôn hơn mình nhiều lắm. Mình đóng chặt cửa để ổn định, tức là ngưng mọi sự vận động, phát triển. Nó thì mở để không ngừng biến hóa theo luật của tự nhiên nên nó còn sống mãi mãi tới mức một ngày nào đó bừng con mắt dậy thì mọi điều kiện để chủ nghĩa xã hội (lần này là một xã hội mở, một xã hội dân chủ và văn minh) được ra đời đã sẵn sàng cả rồi. Tức là mọi hoạt động của giới tư bản lại đúng theo học thuyết Mác, chủ nghĩa tư bản là đêm trước của chủ nghĩa xã hội. Không thể khác được, rút ngắn thời đoạn, đổi người chuyển giao là sẽ bị lịch sử phủ nhận ngay. Mỗi nước xã hội chủ nghĩa đều đã nhận được bài học trừng phạt đó rồi!
Viết xong ngày 30 tháng 7 năm 2000,
tại khách sạn Khải Minh - TP. HCM
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường