Mười một cách để phát sanh tinh tấn
Chú giải có ghi rõ mười một cách để phát sanh tinh tấn...
.
1. Suy nghĩ đến sự khổ ở bốn ác đạo.
.
Khi bạn rơi vào sự lười biếng, hãy suy tư đến những cảnh đáng sợ ở bốn ác đạo, hay apaya. Apa- có nghĩa là thiếu, hay không có. Aya, có nghĩa là nghiệp tốt dẫn đến an vui hạnh phúc, đặc biệt chỉ những hạnh phúc an vui ở cõi người, cõi trời, cõi phạm thiên và Niết Bàn. Như vậy, apaya có nghĩa là nơi thiếu hạnh phúc, thiếu an vui.
.
Thế nên, nếu bạn không hành thiền, bạn sẽ rơi vào khổ cảnh. Nơi đó, bạn sẽ không có cơ hội để làm điều thiện. Có bốn cảnh khổ, nhưng cảnh dễ quán sát nhất và hiện rõ nhất trước mắt bạn là cảnh súc sanh. Hãy xét xem những sinh vật trên mặt đất, dưới biển cả và trên không. Chúng có thể làm được điều thiện không? Chúng có thể làm được những điều mà chẳng ai khiển trách không?
.
Súc sanh sống trong mờ tối của ảo tưởng. Chúng bị si mê che ám không hiểu rõ, không thấy rõ mọi sự. Côn trùng chẳng hạn. Chúng chẳng khác nào những bộ máy được hoạch định sẵn bởi những cơ cấu vật chất, làm những tác động không có được một chút khả năng lựa chọn, học hỏi, hay hiểu biết. Phần lớn súc sanh có tiến trình tâm hạn chế trong việc sinh tồn và truyền giống.
Súc sanh sống trong mờ tối của ảo tưởng. Chúng bị si mê che ám không hiểu rõ, không thấy rõ mọi sự. Côn trùng chẳng hạn. Chúng chẳng khác nào những bộ máy được hoạch định sẵn bởi những cơ cấu vật chất, làm những tác động không có được một chút khả năng lựa chọn, học hỏi, hay hiểu biết. Phần lớn súc sanh có tiến trình tâm hạn chế trong việc sinh tồn và truyền giống.
.
Trong thế giới của súc sanh, cá tánh riêng biệt thật đơn giản. Chúng vừa là kẻ sát hại, vừa là nạn nhân. Đó là một thế giới đầy hung bạo, cá lớn nuốt cá bé. Hãy nghĩ đến nỗi sợ hãi và vọng tưởng trong tâm của chúng sanh trong những điều kiện bất nhân, tàn nhẫn, thiếu tình thương này. Hãy tưởng tượng đến nỗi đau khổ và tuyệt vọng của chúng sanh bị chết dưới móng vuốt của chúng sanh khác. Chết trong đau đớn tận cùng. Làm sao súc sanh có thể tái sanh vào một kiếp sống tốt đẹp? Tâm lúc chết qui định cuộc sống tương lai, nhưng làm sao súc sanh có thể thoát khỏi sự sợ hãi luôn luôn có mặt trong chúng?
Súc sanh có thể làm việc nghĩa không? Chúng có thể giữ giới được không? Chúng có thể sống đời sống đạo đức không? Nói chi đến việc hành thiền, làm sao chúng có thể làm được? Làm thế nào chúng hiểu cách kiểm soát và phát triển tâm cho đến lúc thuần thục? Thật là hãi hùng, thật là đáng sợ, khi nghĩ đến một đời sống trong đó chỉ chứa toàn là sự bất thiện.
.
Suy tưởng như thế sẽ giúp cho bạn tinh tấn: "Bây giờ ta là một thiền sinh. Đây là cơ hội tốt. Tại sao ta lại phí thời giờ để lười biếng chế ngự? hãy tưởng tượng kiếp sau ta làm một con thú, ta sẽ không bao giờ phát triển được những yếu tố giác ngộ. Ta không được phung phí thì giờ. Đây là lúc ta phải cố gắng".
.
2. Suy nghĩ đến những lợi ích của tinh tấn
.
Một số lợi ích của sự tinh tấn đã được nói đến ở phần trên. Bạn có được cơ hội quí báu để gặp Giáo Pháp, những lời dạy của Đức Phật. Đã có Pháp bảo, một bảo vật quí giá không gì sánh kịp thì bạn không nên bỏ lỡ cơ hội để tiến bước trên con đường giúp bạn thâu nhận được phần tinh túy của Giáo Pháp. Bạn có thể tự mình chứng ngộ bốn thánh đạo, thánh quả và Niết Bàn.
.
Nhờ thực hành, bạn có thể chiến thắng khổ đau.Dầu bạn chưa hoàn toàn thoát khỏi mọi đau khổ trong kiếp sống này đi nữa, bạn cũng phải tận lực để đạt được quả nhập lưu để khỏi tái sanh vào bốn cảnh khổ. Bạn đã có duyên may gặp được Phật pháp, không phải người nào cũng có được cơ hội này. Người gặp được Phật Pháp là người có sự may mắn đặc biệt. Nếu không tận dụng cuộc sống này để thành tựu đạo quả, bạn đã đánh mất một cơ hội lớn lao. Bởi thế, bạn phải dũng cảm tinh tấn, vì không phải dễ dàng đi trên đường giải thoát này. Nếu nỗ lực kiên trì, bạn sẽ đạt được thành quả lớn lao. Đừng bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này.
.
Nếu bạn suy tư theo cách này, tinh tấn sẽ phát sinh và bạn sẽ nỗ lực cố gắng hành trì để đạt đến mục tiêu thấy rõ chân lý.
3. Suy nghĩ đến những Bậc Giác Ngộ đã đi trên con đường này
.
Đây là con đường trong sáng tốt đẹp. Chư Phật quá khứ và môn đệ của các Ngài, những vị A la hán và các vị thánh nhân tiếp theo đã đi trên con đường này. Nếu bạn muốn cùng đi trên con đường thánh thiện này thì hãy kiên trì tinh tấn với phẩm hạnh trang nghiêm và quyết tâm mạnh mẽ. Đây là đường đi của những vị anh hùng, những bậc vĩ nhân, không phải là của những tên vô lại, những kẻ biếng nhác, những kẻ trốn tránh thế gian để khỏi bị nợ nần lôi kéo, những kẻ thất tình thất chí.
.
Các bậc tiền bối đã đi trên con đường này có nhiều hạng. Có vị sinh từ nơi quyền quí cao sang, đầy đủ vật chất. Có vị sống trong bần hàn cơ cực, bị mọi điều áp bức. Thường chư Phật, chư Thánh, là những kẻ có đầy đủ sức khoẻ, có đầy đủ tiện nghi, sanh trưởng trong các gia đình giàu có sung túc. Nếu các ngài tiếp tục đời sống thế tục, thì các ngài cũng sẽ có một cuộc sống đầy đủ về phần vật chất, nhưng các ngài thấy được sự trống không vô vị của thế gian, và mang hoài bão thành tựu một hạnh phúc cao thượng hơn, vượt ra ngoài những lạc thú tầm thường thấp kém. Cũng có những người khác sinh trưởng từ một nơi khiêm nhường hơn. Họ ý thức được sự áp chế của xã hội, hay của người lãnh đạo, hoặc để chống lại những khổ đau trần thế. Họ có tầm nhìn xa hơn người bình thường. Họ muốn nhổ tận gốc rễ đau khổ chứ không muốn làm dịu bớt khổ đau hay chỉ để trả thù đời. Những người này đã mạnh dạn bước lên trên đường dẫn đến nơi thoát khổ.
.
Đức Phật dạy rằng sự cao thượng tùy thuộc vào sự trong sạch bên trong chứ không tùy thuộc vào giai cấp xã hội. Tất cả chư Phật và chư Thanh Văn đã có tinh thần cao thượng, mong muốn đạt được những hạnh phúc thanh cao lớn lao, vượt khỏi hạnh phúc chật hẹp và không vững bền của trần thế. Bởi vậy, các ngài đã rời bỏ gia đình, đi trên đạo dẫn đến Niết Bàn. Đó là con đường cao thượng, không phải là con đường dành cho những kẻ bướng bỉnh, những người bỏ cuộc.
.
Bạn hãy nhắc nhở mình: "Những bậc thanh cao lỗi lạc đã đi trên con đường này. Ta phải cố gắng theo chân các ngài. Ta không thể đờ đẫn, lười biếng chảy thây đứng ì một chỗ ở đây. Ta sẽ đi với tinh thần hết sức cẩn trọng và vô úy. Đây là cơ hội để ta trở thành người của một gia đình cao thượng, bao gồm những thành viên xuất chúng, đi trên con đường quí báu thanh cao. Ta nên tự chúc mừng mình vì đã có cơ hội làm việc này. Những người như ta đã đi trên con đường này đã giải thoát. Ta cũng vậy. Ta sẽ giải thoát, giác ngộ như họ".Nhờ suy tư như trên, tinh tấn sẽ phát sinh và đưa bạn đến mục đích Niết Bàn.
.
.
4. Nhớ Ơn người khác đã giúp đỡ ta
.
Phương tiện thứ tư giúp phát sinh tinh tấn là tôn trọng và biết ơn những kẻ đã để bát và những người đã ủng hộ tứ vật dụng cần thiết để ta có thể sống một đời sống thánh thiện. Đối với những nhà sư và các ni cô, điều này có nghĩa là tôn trọng, biết ơn những người đã hỗ trợ. Không phải chỉ biết ơn vào lúc được dâng cúng, mà phải luôn luôn ý thức rằng sự ủng hộ hay hỗ trợ của kẻ khác là để giúp chúng ta có thể tiếp tục việc hành trì một cách tốt đẹp.
.
Thiền sinh cư sĩ cũng tùy thuộc vào sự hỗ trợ của người khác bằng nhiều cách. Cha mẹ và bạn bè đã giúp ta, hoặc giúp tài chánh, hay thay ta coi sóc công việc của ta để ta rảnh rỗi đi hành thiền. Dù ta có phải trả tiền trong khi tham dự một khóa thiền đi nữa, ta cũng phải nhờ những sự hỗ trợ khác trong lúc hành thiền: Chỗ ở, điện nước, thực phẩm được nấu nướng bởi những người tình nguyện và những nhu cầu khác cũng được hỗ trợ chu đáo. Bạn phải có sự tôn trọng và biết ơn sâu xa về những dịch vụ mà những người khác đã hỗ trợ cho bạn. Những người hỗ trợ này là những kẻ có lòng tốt và có từ tâm rộng lớn.
.
Bạn có thể tự nhủ: "Ta nên hành thiền thật tinh tấn để đền ơn những người có thiện tâm đã hỗ trợ cho ta. Đây là cách đền đáp lòng tốt của những vị có đức tin nhiệt thành đã tận tâm giúp đỡ ta. Để những nghĩa cử của họ không bị phí phạm, ta sẽ xử dụng những gì ta được cung ứng một cách chánh niệm để phiền não của ta bị cắt đứt bớt dần và tận diệt hầu phước báu của những kẻ đã hỗ trợ ta mang lại kết quả tốt đẹp tương xứng".
.
Đức Phật qui định giới luật để giúp chư tăng ni sống trong tinh thần hòa ái hạnh phúc. Một trong những điều giới này cho phép chư tăng ni nhận lãnh các vật dụng do thí chủ dâng cúng. Cho phép chư tăng ni nhận lãnh của tín thí, không phải để chư tăng ni sống đời sống xa hoa. Tứ vật dụng do thí chủ dâng cúng gồm thức ăn, chỗ ở, thuốc men, y phục, nhằm mục đích giúp chư tăng ni có đủ thuận duyên tu hành để diệt bỏ phiền não. Bởi vậy, khi nhận lãnh của tín thí, chư tăng ni phải dành hết thì giờ vào việc tu trì giới định huệ để cuối cùng giải thoát khỏi đau khổ phiền lụy.
.
Bạn có thể suy tư rằng: "Chỉ có thể hành thiền tinh tấn ta mới có thể đền đáp lòng tốt của các vị hỗ trợ. Tích cực chánh niệm là cách thể hiện sự biết ơn của ta đối với tất cả những người đã giúp đỡ ta có đủ phương tiện để hành thiền."
.
5. Suy tư đến việc nhận lãnh Di Sản Cao Thượng
.
Di sản cao thượng gồm có bảy đức tính tinh thần sau đây: đức tin, giới luật, hổ thẹn tội lỗi, ghê sợ tội lỗi, hiểu biết giáo pháp, có sự dứt bỏ và trí tuệ. Có sự dứt bỏ bao gồm dứt bỏ phiền não và bố thí. Trí tuệ ám chỉ những tuệ minh sát và trí tuệ chứng ngộ Niết Bàn.
.
Những di sản tinh thần trên có điểm đặc biệt là những di sản mang đặc tính phi vật chất nên không bị luật vô thường chi phối. Di sản cao thượng này khác hẳn di sản vật chất mà ta có thể nhận được từ cha mẹ, vì là di sản vật chất nên có thể bị mất mát, biến đổi và hủy hoại. Hơn nữa, di sản vật chất, trong nhiều phương diện, có thể không làm cho chúng ta thỏa mãn. Một số người đã tiêu xài nhanh chóng những gì mình nhận được. Một số khác không thấy được giá trị của những di sản vật chất này. Trong khi đó, di sản tinh thần luôn luôn đem lại lợi ích cho ta. Di sản cao quí này luôn luôn bảo vệ ta, và tính chất thanh cao của di sản này không bao giờ thay đổi. Di sản này sẽ theo ta đến ngưỡng cửa tử thần, và sẽ theo sát cánh ta dù ta luân lưu đến nơi nào trong tam giới này.
.
Trong cuộc sống thế tục, nếu con cái ngỗ nghịch không nghe lời cha mẹ, cha mẹ có thể truất bãi quyền hưởng di sản của con. Cũng vậy, một người đã gặp giáo pháp nhưng lười biếng chảy thây trong việc thực hành, thì cũng bị truất bãi quyền hưởng bảy di sản tinh thần thanh cao. Chỉ những ai tinh tấn kiên trì với tâm bất thối trong việc thực hành mới xứng đáng nhận lãnh di sản quí báu này.
.
Tinh tấn chỉ được phát triển trọn vẹn khi ta đã xuyên thấu các tuệ giác nội quán và đạt đến thánh đạo tâm. Năng lực đã được phát triển hay đức tinh tấn hoàn hảo này là điều kiện tất yếu để được nhận lãnh thất bảo di sản, hay gia tài cao thượng, gồm bảy món bảo vật tinh thần quí báu này.
.
Nếu bạn tiếp tục kiện toàn đức tinh tấn trong khi thực hành, bảy đức tánh thanh cao trên luôn luôn có mặt trong bạn. Suy tư như vầy, bạn sẽ có nhiều hứng khởi để tinh tấn hành thiền.
.
6. Suy tưởng đến Ân Đức và Năng Lực của Đức Phật
.
Sự suy tưởng thứ sáu giúp phát triển tinh tấn, đó là nghĩ đến ân đức và năng lực lớn lao của Đức Phật, người đã khám phá và dạy cho chúng ta con đường giải thoát. Đức tính vĩ đại của Đức Phật được biểu thị qua bảy lần quả đất rung chuyển. Quả đất rung chuyển lần đầu tiên khi Bồ tát giáng sanh vào lòng Phật mẫu. Quả đất rung chuyển lần thứ hai khi thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện tìm đường cứu khổ. Quả đất rung động lần thứ ba khi Bồ tát cảm thắng ma vương. Quả đất rung động lần thứ tư khi Bồ tát chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Quả đất rung động lần thứ năm khi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên. Quả đất rung chuyển lần thứ sáu khi Đức Phật trở về trái đất sau ba tháng giảng dạy vi diệu pháp cho Phật mẫu tại cung trời Đao lợi. Quả đất rung chuyển lần thứ bảy khi Đức Phật Niết Bàn.
.
Hãy suy nghĩ đến trí tuệ thâm sâu và lòng từ bi vô lượng của Đức Phật. Biết bao nhiêu chuyện tiền thân nói đến ba la mật hoàn hảo của Ngài. Một vị Bồ tát phải trải qua biết bao thời gian để hoàn thành mục tiêu của mình. Biết bao ba la mật Ngài đã thực hiện. Biết bao tình thương Ngài đã ban trải để phục vụ nhân loại và chúng sanh.
.
Phải biết rằng nếu bạn tiếp tục cố gắng, bạn có thể thọ hưởng được những đức tánh cao quí của Đức Phật.
.
Trước khi Đức Phật thành đạo, chúng sinh bị mê mờ trong đám mây đen tối của si mê lầm lạc. Khi ánh sáng giải thoát chưa được tỏ rạng, chúng sanh mò mẫm trong bóng đêm. Trên thế gian này, người ta đã tìm đủ mọi cách để mong đạt được an vui hạnh phúc, từ ép xác khổ hạnh cho đến tận hưởng những lạc thú ngũ dục, nhưng không có con đường nào dẫn con người đi đến nơi an vui hạnh phúc thật sự. Chỉ có Đức Phật mới tìm ra con đường giải thoát khổ đau, đến nơi an lạc hạnh phúc trường cửu. Chúng ta là những kẻ đại phúc được đi trên con đường giải thoát của Ngài. Vậy thì chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không tiến bước!
.
Thệ Nguyện Giải Thoát Chúng Sanh
.
Trong một tiền kiếp của Đức Phật, Ngài là một đạo sĩ ẩn cư tên là Sumedha. Đây là chuyện xảy ra hằng a tăng kỳ vào thời Đức Phật Dipankara (Phật Nhiên Đăng).
.
Đạo sĩ Sumedha, thấy rõ sự đau khổ của chúng sanh trong vòng mê tối trông chờ sự xuất hiện của Đức Phật. Ngài thấy chúng sanh cần phải được hướng dẫn để qua bờ kia một cách an toàn. Thế nên đạo sĩ Sumedha đã từ bỏ sự đắc đạo mà Ngài có đủ khả năng để đạt được ngay trong kiếp sống ấy. Từ đấy, ngài phải trải qua bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp để kiện toàn ba la mật mà trở thành một bậc chánh đẳng chánh giác. Với năng lực của một bậc chánh đẳng chánh giác, Ngài sẽ hướng dẫn cho vô số chúng sanh giải thoát chứ không phải chỉ một mình Ngài. Khi công hạnh đầy đủ, đạo sĩ trở thành một vị Phật, một người phi thường, cao thượng hơn hẳn mọi người khác.
.
Muốn trở thành một vị Phật, Ngài đã kiện toàn ba sự thành tựu sau đây: thành tựu nhân, thành tựu quả, và thành tựu phục vụ. Nhờ đức hạnh, Ngài đã thành tựu nhân dẫn đến giác ngộ, đó là sự tinh tấn mà Ngài đã đào luyện trong nhiều kiếp sống để kiện toàn ba la mật, sức mạnh tinh thần của sự thanh tịnh tâm.
.
Rất nhiều câu chuyện thuật lại đức từ bi và giới hạnh của Đức Bồ tát. Từ kiếp này sang kiếp khác, ngài đã hi sinh chính mình cho hạnh phúc an vui của kẻ khác. Sự phát triển tâm thanh tịnh là nền tảng cho sự giác ngộ của Ngài dưới cội cây bồ đề. Sự giác ngộ này được gọi là thành tựu quả, vì đó là kết quả tự nhiên của thành tựu nhân hay sự khai triển năng lực mạnh mẽ của tâm thanh tịnh.
.
Thành tựu thứ ba của Đức Phật là thành tựu trong sự phụng sự kẻ khác qua nhiều năm giảng dạy. Sau khi thành đạo, Ngài không an hưởng hạnh phúc một mình, mà với tình thương rộng lớn, Ngài ban bố giáo pháp cho mọi người, giúp những người có duyên lành thấy rõ đạo giác ngộ. Ngài tích cực trong việc giáo hóa chúng sanh cho đến ngày Ngài Niết Bàn.
.
Suy tư đến những đức tính hoàn hảo của Đức Phật sẽ giúp bạn tinh tấn dũng mãnh trong việc hành thiền.
.
Lòng Bi Mẫn Dẫn Đến Hành Động
Lòng bi mẫn là động lực duy nhất đã khiến Bồ tát Sumedha hi sinh sự thành đạo của mình ngay trong kiếp sống đó để nỗ lực tinh tấn trở thành một vị Phật. Thấy chúng sanh đắm chìm trong đau khổ vì không được người hướng dẫn, Bồ tát, với tình thương bao la, thệ nguyện đạt thành trí tuệ cao cả để giải thoát chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi đau khổ triền miên này.
.
Lòng bi mẫn đưa đến hành động. Và hành động phải có trí tuệ lèo lái mới đem lại những lợi ích thiết thực. Trí tuệ giúp Ngài biết rõ hướng đi, biết đâu là chánh đạo, đâu là mê đồ. Tình thương giúp Ngài có can đảm và nghị lực để hoàn thành mục tiêu. Nếu có lòng bi mẫn mà không có trí tuệ, bạn có thể gây ra nhiều tai hại cho kẻ khác hơn là giúp đỡ. Nếu có trí tuệ mà không có lòng bi mẫn, bạn sẽ dửng dưng trước những đau khổ của kẻ khác.
.
Cả hai, trí tuệ và lòng bi mẫn phải được kiện toàn nơi một vị Phật. Nhờ có tình thương nên Bồ tát đã chịu luân lưu trong vòng luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, chịu biết bao khổ sở để kiện toàn ba la mật hầu có đủ năng lực giúp đỡ chúng sanh đang đắm chìm trong đau khổ. Ngài có đủ đức nhẫn nhục, sức chịu đựng kiên trì, để đương đầu với những lời nói khiếm nhã nhục mạ, những hành động thô bạo xâm phạm đến thân thể Ngài. Nhờ có trí tuệ Ngài đã có thái độ thích nghi trong mọi hoàn cảnh, có hành động hợp lý và sáng suốt, biết rõ những gì cần làm và những gì không nên làm, biết cách chế ngự và kiểm soát thân tâm mình và biết cách hướng dẫn người khác đi theo chánh đạo.
.
Tình thương của Đức Phật lớn lao hơn cả tình thương của tất cả những người mẹ trên thế gian cộng lại. Người mẹ có khả năng tha thứ lớn lao vì việc nuôi dưỡng một đứa trẻ không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều đứa trẻ có tánh tình hung bạo đã làm tổn thương tình cảm và gây nên thương tích cho mẹ. Dầu cho có bị tổn thương đến đâu, mẹ vẫn có thể sẵn sàng tha thứ. Đức tha thứ của Đức Phật còn to lớn hơn nhiều. Ngài tha thứ cho tất cả chứ không riêng cho những người thân yêu của mình. Đức tha thứ là một biểu hiện của lòng từ bi.
.
Kiếp nọ, Bồ tát sanh làm một con khỉ. Một hôm đang đi trong rừng, khỉ thấy một người bà la môn đang đau khổ tuyệt vọng dưới một cái hố sâu. Động lòng trắc ẩn, Bồ Tát tiến đến gần hố để cứu. Nhưng Ngài phân vân không biết mình có đủ sức mạnh để đưa người đàn ông ra khỏi hố sâu không. Trí tuệ phát sanh, Bồ tát bèn thử khả năng của mình bằng cách nâng một tảng đá gần đó và đặt lại chỗ cũ. Sau khi nâng thử tảng đá, thấy mình đủ sức, Bồ tát bèn lần xuống hố cứu người bà la môn.
.
Đưa được người bà la môn ra khỏi hố, Bồ tát mệt nhoài nằm dài dưới đất. Người bà la môn vô ơn, không nghĩ đến công lao của Bồ tát, bưng một tảng đá thật lớn đập vào đầu Ngài. Y muốn giết Bồ tát để lấy thịt. Bồ tát tỉnh dậy, thấy mình gần chết, Ngài hiểu biết mọi sự, nhưng vẫn không tức giận. Đây là sự biểu hiện đức tính tha thứ của Ngài. Ngài nói với người bà la môn trong từ ái: "Ta đã cứu ngươi, nhưng ngươi lại giết ta? Ngươi thử nghĩ xem như vậy có nên không?".
.
Nói xong, Bồ tát đuối sức muốn tắt thở. Thế nhưng Bồ tát chẳng hề oán giận người bà la môn mà lại lo ngại cho y. Bồ tát tự nhủ: "Không biết mình chết đi, người bà la môn có thể tìm ra đường để thoát khỏi khu rừng rậm này không?". Với tình thương tràn đầy, Bồ tát cắn răng chịu đựng đau nhức, dồn hết sức tàn đưa người bà la môn ra khỏi khu rừng dày đặc.
.
Gió dường như ngừng thổi, cây rừng im lìm bất động, chim chóc ngưng tiếng hót. Bồ tát kiên trì nặng nề lê bước. Máu từ vết thương của Ngài rơi từng giọt trên đường. Vừa đến được lối mòn dẫn ra khỏi khu rừng, Bồ tát trút hơi thở cuối cùng. Đất trời rung chuyển, thác nước đổ ầm ầm, mây mờ u ám tiếc thương.
.
Ngay khi là một con khỉ, tình thương của Bồ tát còn tràn đầy như vậy. Hãy tưởng tượng xem, cho đến lúc công hạnh viên mãn, trở thành một vị Phật tình thương của Ngài bao la đến đâu!
.
Hoàn Toàn Giác Ngộ
.
Trải qua vô số kiếp thực hiện lý tưởng Bồ tát, hoàn thành ba la mật, kiếp cuối cùng, Ngài là một vị thái tử sinh ra ở Trung Ấn Độ. Ngài đã chịu đựng nhiều thử thách trước khi khám phá ra con đường cao thượng. Nhờ con đường này, Ngài trực nhận sâu xa ba đặc tánh vô thường, khổ, và vô ngã của các hiện tượng giới. Nhờ thực hành thâm sâu, Ngài tuần tự vượt qua các tuệ giác, và cuối cùng giác ngộ quả vị A la hán hoàn toàn diệt trừ tham sân si, trở thành bậc Chánh Biến Tri, thông hiểu mọi sự. (Lúc Đấng Chánh Biến Tri muốn thông hiểu điều gì, Ngài chỉ cần hướng tâm đến điều đó, thì tức thời câu trả lời sẽ hiện ra trong tâm Ngài).
.
Khi thành đạo, Đức Phật được gọi là thành tựu quả. Sự thành tựu này là kết quả của sự hoàn thành những nguyên nhân và những điều kiện tiên khởi mà Ngài đã vun bồi từ nhiều kiếp trước.
.
Sau khi trở thành Phật, Ngài vẫn không quên lý tưởng mà Ngài đã quyết tâm theo đuổi và thực hiện qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp, kể từ lúc Ngài còn là đạo sĩ Sumedha. Mục đích chính yếu của hành trình gian khó và lâu dài của Ngài là để giúp chúng sanh vượt qua biển khổ. Cho đến khi thành đạo, biết bao công hạnh, từ bi và trí tuệ đã được Ngài vun bồi. Dựa trên hai đặc tính quan trọng, từ bi và trí tuệ, Đức Phật giảng giải giáo pháp suốt bốn mươi lăm năm cho đến khi Ngài nhập Niết Bàn. Mỗi ngày, Đức Phật chỉ nghỉ hai tiếng đồng hồ. Ngài dành thì giờ còn lại để phụng sự giáo pháp, giúp chúng sanh hưởng hạnh phúc an vui bằng nhiều cách. Trước giờ cuối cùng từ giã cuộc đời, Ngài còn độ cho một tu sĩ ngoại đạo là Subhadda giác ngộ giáo pháp cao thượng, trở thành một vị A la hán.
.
Công trình giáo hóa phục vụ của Ngài gọi là sự "thành tựu công đức phục vụ". Đây là kết quả đương nhiên của thành tựu nhân và thành tựu quả. Tại sao lúc còn là đạo sĩ Sumedha, Bồ tát đã có đủ khả năng để giác ngộ và hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não, mà Ngài lại khước từ để tiếp tục luân lưu trên thế gian này, sống chung đụng với mọi người? Câu trả lời là: bởi vì tình thương rộng lớn nên Ngài muốn giúp chúng sanh thoát khổ bằng cách chỉ cho họ thấy chánh đạo. Đây là tình thương rộng lớn nhất, trong sạch nhất, và là trí tuệ thâm sâu nhất.
.
Trí tuệ hoàn hảo giúp Đức Phật phân biệt rõ ràng đâu là lợi ích, đâu là tai hại. Nếu không có sự phân biệt tối quan trọng này, làm thế nào Ngài có thể giúp đỡ những chúng sanh khác? Cần phải có trí tuệ để thấy rõ con đường đi đến an vui hạnh phúc, và con đường dẫn đến đau khổ lầm than. Nhưng phải có tình thương để khỏi dửng dưng trước số phận của chúng sanh, để tích cực đưa chúng sanh đi trên đường an vui hạnh phúc. Với lòng từ bi, Đức Phật khuyên bảo, khích lệ chúng ta tránh xa những hành động làm tổn hại và gây đau khổ cho kẻ khác. Với trí tuệ, Đức Phật biết lựa chọn những lời giáo huấn thích hợp, chính xác và đầy hiệu quả để hướng dẫn chúng ta. Sự hài hoà trí tuệ và tình thương đã khiến Đức Phật đã trở thành một bậc đạo sư vô thượng. Đức Phật không hề có tư tưởng vị kỷ mong muốn được ca tụng vinh danh, hay được tín đồ tâng bốc nịnh hót. Ngài hòa với mọi người nhưng không đồng với họ. Ngài đến với chúng sanh nhằm mục đích chỉ ra chính đạo để chúng sanh tận dụng khả năng của chính mình giải thoát mọi khổ đau. Đó là tình thương cao cả của Ngài. Sau khi làm xong bổn phận, Ngài trở về tịnh cư trong rừng. Ngài không sống quần tụ, đùa cợt và không bị đồng hóa với đám đông như người thế. Ngài không tán tụng sự giàu có hay tri thức của thế tục. Ngài không bao giờ lấy làm hãnh diện có được những tín đồ giàu có hay học thức. Chẳng khi nào Ngài giới thiệu học trò mình với mọi người theo lối người thế tục: "Đây là học trò tôi, một thương gia giàu có. Đây là giáo sư nổi tiếng, v.v...". Rất khó để sống độc cư hay ẩn cư. Không một người bình thường nào có thể vui hưởng một đời sống cô tịch hoàn toàn ngoại trừ Đức Phật. Bởi thế, Ngài là một người phi thường.
.
Vài Hàng Nhắn Nhủ Các Vị Hướng Dẫn Tinh Thần
.
Đây là một điểm quan trọng cho những ai muốn trở thành một pháp sư hay một thiền sư. Cần phải thực hành một cách kín đáo, thận trọng đối với đệ tử của mình. Nếu có một sự liên hệ nào với họ, phải luôn luôn ghi nhớ rằng đây là một sự liên hệ trong tình thương lớn lao theo gương của Đức Phật. Quá thân thiết với thiện tín là một điều nguy hiểm, một sự tai hại lớn lao. Nếu thiền sư quá thân mật với thiền sinh, dần dần thiền sinh sẽ coi thường và mất lòng kính trọng.
Đây là một điểm quan trọng cho những ai muốn trở thành một pháp sư hay một thiền sư. Cần phải thực hành một cách kín đáo, thận trọng đối với đệ tử của mình. Nếu có một sự liên hệ nào với họ, phải luôn luôn ghi nhớ rằng đây là một sự liên hệ trong tình thương lớn lao theo gương của Đức Phật. Quá thân thiết với thiện tín là một điều nguy hiểm, một sự tai hại lớn lao. Nếu thiền sư quá thân mật với thiền sinh, dần dần thiền sinh sẽ coi thường và mất lòng kính trọng.
.
Thiền sư phải theo gương Đức Phật để có thái độ thích hợp trong khi chia xẻ giáo pháp với người khác. Đừng lấy làm tự mãn vì đã trở thành một người dạy đạo nổi tiếng và hiệu quả. Phải dạy đạo với lòng chân chính từ bi. Thiền sư phải cố gắng đem lại lợi ích cho thiền sinh qua cách trình bày kỹ thuật thực hành để điều phục thân, khẩu, ý hầu có được chân bình an hạnh phúc. Thiền sư phải liên tục xem xét mục đích của việc dạy đạo của mình để điều hướng hành động và tư tưởng mình đúng theo chánh đạo.
.
Một lần được hỏi: "Thế nào là phương cách dạy thiền có hiệu quả nhất?". Tôi đã trả lời: "Trước tiên và quan trọng hàng đầu là phải thực hành cho đến khi thiền của mình trở nên tinh luyện, xảo diệu. Thứ đến là phải học hỏi thâm sâu giáo pháp kinh điển. Cuối cùng là phải áp dụng hai khả năng trên một cách chân chánh từ bi để hướng dẫn người khác. Dạy đạo trên căn bản của ba yếu tố này chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tốt".
.
Nhiều người có danh tiếng, được thành công một cách kỳ lạ nhờ ở "dịp may" hay nghiệp của họ. Họ không cần phải thành tựu nhân như Đức Phật đã làm. Họ không cần phải cố gắng, nhưng họ vẫn được giàu có. Nhiều người cho là họ có vận hên. Những người này bị thiên hạ chỉ trích: "Tôi không hiểu vì sao ông ta, bà ta đạt được địa vị này, ông ta, bà ta làm biếng hết sức, lại thiếu học hành. Thật chẳng xứng đáng với sự may mắn này".
.
Một số khác làm việc chăm chỉ, hăng say, nhưng có lẽ họ chẳng có thông minh, hay chẳng có năng khiếu đặc biệt gì, nên nếu có đạt được mục đích, thì cũng đạt được một cách chậm trễ. Họ không thể thành tựu quả. Những người như thế cũng bị thiên hạ chỉ trích: "Đúng là ông già đau khổ. Ông ta làm việc cật lực, nhưng cũng chẳng được gì, vì đầu óc ông trống rỗng, đần độn, v.v..". Cũng có một số người thông minh, tài trí có thừa nhưng không gặp thời vận, thất bại liên miên, cũng không được thiên hạ trọng nể. Lại có một số khác làm việc rất chăm chỉ và thành công nhưng không giúp đỡ kẻ khác họ cũng bị thiên hạ chỉ trích là ích kỷ, bỏn xẻn, không có lòng nhân từ, v.v...
.
Trên thế gian này không ai là không bị chỉ trích. Những lời chỉ trích đôi khi đúng và đôi khi sai. Người ta thường có thói xấu là hay nói sau lưng người khác. Một số phê bình chỉ trích chỉ là những lời đồn đãi nhảm nhí, một số nói đến sự thật nhưng chỉ nói đến những lầm lạc và khiếm khuyết của người khác.
.
Những người thành công bằng bất cứ lý do nào, nhờ may mắn hay tài trí, sau khi thành đạt ước mơ của mình, họ an hưởng sự giàu sang phú quý và chẳng chia xẻ gì cho người khác. Đức Phật, trái lại, sau khi thành tựu viên mãn, Ngài bắt đầu phục vụ nhân loại, phục vụ chúng sanh, giúp họ thoát khỏi khổ đau đến nơi an vui hạnh phúc. Đức Phật là người đặc biệt, Ngài thành tựu cả ba: nhân, quả và phục vụ. Người ta có thể viết một quyển sách nói lên những sự vĩ đại, sự hoàn hảo của Đức Phật, người khám phá và bậc thầy của đạo giải thoát. ở đây tôi chỉ muốn mở một cánh cửa để các bạn chiêm nghiệm đức hạnh của Ngài hầu có thể khai triển tinh tấn trong việc hành thiền của các bạn. Chiêm nghiệm sự vĩ đại của Đức Phật, bạn sẽ hết lòng kính mộ và quí mến Ngài. Bạn sẽ cảm thấy rất sung sướng hân hoan có cơ hội kỳ diệu để đi trên con đường mà đấng cao thượng đã khám phá và dạy dỗ. Dĩ nhiên bạn hiểu rõ rằng, để đi trên một con đường như thế này, bạn không được nhu nhược, đần độn hay biếng nhác.
.
Cầu mong các bạn đầy hứng khởi, đầy can đảm, mạnh mẽ và kiên trì, và mong các bạn tiếp tục đi trên con đường này cho đến đích cuối cùng.
.
.
7. Suy Nghĩ Đến Sự Vĩ Đại Của Giòng Dõi Chúng Ta
.
Chúng ta hành thiền theo kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana sutta), bởi vậy chúng ta được coi như là người thuộc dòng dõi cao thượng của Đức Phật. Bạn có thể tự hào gọi mình là con trai hay con gái của Đức Phật.
.
Khi hành Thiền Minh Sát là bạn đã được tiếp huyết pháp bảo. Dù bạn có sanh sau thời kỳ Đức Phật bao lâu đi nữa, dù bạn có thuộc chủng tộc, tín ngưỡng, hay phong tục nào đi nữa, nếu thực hành giới, định, huệ, thì bạn là những thành viên của gia đình pháp bảo. Giáo pháp là máu huyết của chúng ta. Chúng ta có chung dòng máu với những kẻ cao thượng đã được đào luyện cùng một phương cách vào thời kỳ Đức Phật. Chúng ta hãy tinh tấn thực hành, biết vâng lời và tôn kính, sống theo lý tưởng cao cả và vĩ đại của dòng dõi này.
.
Anh chị của chúng ta trong thời kỳ Phật còn tại thế là những người có sự chăm chỉ và can đảm lớn lao. Họ không bao giờ thối bước hay đầu hàng. Họ luôn luôn cố gắng cho đến khi hoàn toàn thoát khỏi mọi đau khổ. Vì chúng ta là con cháu của giòng dõi vĩ đại cao quí này, nên chúng ta phải luôn luôn tận lực cố gắng hoàn thành lý tưởng, không chùn bước hay đầu hàng.
.
8. Suy Tưởng Đến Sự Cao Quí Của Bạn Đạo
Điều thứ tám làm gia tăng tinh tấn là sự suy tưởng đến sự cao quí của những người bạn đạo của chúng ta. Tiếng Pali gọi những pháp hữu cao quí này là brahmacariya, có nghĩa là những người sống một đời sống thánh thiện.
.
Đầu tiên, những người bạn đạo cao quí này là các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, sa di ni. Tỳ kheo ni đoàn của Phật Giáo Nguyên Thủy nay đã mất. Có thể nói vào thời đại của chúng ta chỉ có tỳ kheo và sa di thực hành theo giới luật của Đức Phật. Còn thiện nam tín nữ, tu nữ (silashin), dù giữ ít giới luật hơn, nhưng sống đời sống thánh thiện.
.
Dầu tại gia hay xuất gia, mọi thiền sinh đều thực hành giới, định, huệ. Là một thiền sinh, bạn giữ giới hạnh của những vị học trò của Đức Phật lúc Ngài còn tại tiền, đó là các Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất), Ngài Moggallana (Mục Kiền Liên), hai vị thượng thủ thinh văn của Phật, cũng như Ngài Ca Diếp. Về phía tỳ khưu ni, có trưởng lão ni Gotami và môn đệ, cùng rất nhiều vị tỳ kheo ni cao quí và dũng cảm, kiên trì để thành tựu giáo pháp. Tất cả những người cao quí ấy là bạn của chúng ta trong đời sống thánh thiện. Chúng ta có thể đọc tiểu sử của những vị này để chiêm nghiệm đức thanh cao, tính can đảm và lòng nhiệt thành của các ngài.
.
Khi suy tưởng đến điều này, chúng ta có thể tự hỏi: "Liệu chúng ta có thể sống một đời sống lý tưởng và tiêu chuẩn thanh cao như các ngài không?" Chúng ta cũng có thể lấy làm hãnh diện và đầy hứng khởi để nghĩ rằng chúng ta đang có được sự hỗ trợ của tất cả các bằng hữu cao thượng trên trong khi nỗ lực tinh tấn hằng ngày.
.
Câu Chuyện Về Trưởng Lão Ni Sona: Không Muốn, Không Yêu Thương
Trưởng lão ni Sona trước khi xuất gia là một người mẹ của mười đứa con. Chúng lớn lên, dần dần thành lập gia đình và ở riêng. Khi đứa con cuối cùng thành gia thất, chồng bà quyết định xuất gia tu hành. Một thời gian sau, Sona gom góp tất cả tài sản chia cho các con và bảo chúng tuần tự nuôi dưỡng mình.
.
Lúc đầu bà rất hạnh phúc. Bà lần lượt đến thăm hết đứa này đến đứa khác. Lúc ấy bà cũng đã già rồi. Nhưng dần dần về sau, các con của bà cảm thấy mệt mỏi khi bà đến ở với họ, vì họ phải bận rộn với gia đình của chính họ. Các con dâu và con rể thường than vãn, tỏ vẻ khó chịu và miễn cưỡng mỗi khi bà đến thăm.
.
Thấy mình bị hất hủi, bị đối xử thiếu tình thương, bà đâm ra buồn nản và nhận ra rằng mình đang có một đời sống không thoải mái thanh cao chút nào. Có lúc bà nghĩ đến cái chết, nhưng bà thấy đây là giải pháp không thỏa đáng. Thế là bà quyết định đến chùa xin xuất gia.
.
Sau khi xuất gia, bà không thể đi khất thực hay làm các công việc khác trong chùa vì quá già. Hằng ngày bà chỉ giữ nhiệm vụ nấu nước cho các ni sư. Dầu đã già yếu, nhưng Sona rất thông minh. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình, bà tự nhủ: "Ta chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ta phải lợi dụng cơ hội này để tích cực hành thiền, không để mất một giây phút nào".
.
Vì quá già yếu nên lúc kinh hành, ni sư Sona phải vịn vào tường, đi vòng quanh chùa. Lúc kinh hành trong rừng, Sona chọn nơi có cây mọc gần nhau rồi từ từ đi từ cây này sang cây khác. Nhờ chuyên cần tinh tấn với tâm quyết định dũng mãnh, chẳng bao lâu ni sư Sona đắc quả A la hán.
.
Chúng ta có thể thấy rằng sự vô ơn của đám con bà Sona là cơ duyên tốt để bà Sona giác ngộ. Sau khi thành đạo, ni sư Sona thường nói: "Hãy nhìn trong thế gian. Con người bị dính mắc vào đời sống gia đình và muốn hưởng hạnh phúc thế tục. Nhưng vì bị con cái hất hủi, nên ta đã từ bỏ gia đình, sống đời sống không nhà. Nhờ thế mà bây giờ ta đã đạt được chân lý giải thoát".
.
Vào thời ni sư Sona, rất dễ vào chùa để xin xuất gia và trở thành một ni sư. Ngày nay, phái nữ không có cơ hội để xuất gia thành một tỳ khưu ni vì ni đoàn đã mất, nhưng đừng lấy thế làm thất vọng. Nếu một phụ nữ muốn từ bỏ đời sống thế tục vẫn có thể vào chùa xin tu.
>
Mặc dầu một cách tinh xác theo giới luật, thì phụ nữ ngày nay không thể thành tỳ khưu ni, nhưng theo kinh tạng, thì phụ nữ hiện nay vẫn có thể trở thành tỳ khưu hay tỳ khưu ni theo lời dạy của Đức Phật. Vì theo kinh tạng, điều kiện đòi hỏi để một người trở thành tỳ khưu, tỳ khưu ni, là phải thực tâm thanh lọc tâm ý đúng theo bát chánh đạo. Như vậy, phụ nữ không bị mất đặc quyền trở thành một tỳ khưu ni trong thời đại này mà họ có thể trở thành một tỳ khưu nữa.
.
9. Tránh Xa Người Biếng Nhác
Cách thứ chín làm phát sanh tinh tấn là tránh xa người biếng nhác. Có những người không thích mở mang tâm trí. Họ chẳng muốn tự thanh lọc tâm mình. Họ chỉ muốn ăn, ngủ và vui chơi theo ý họ. Họ chẳng khác nào con trăn sau khi nuốt mồi nằm bất động hằng giờ. Làm sao bạn có hứng khởi đẩy mạnh tinh tấn khi thân cận với những hạng người này? Bạn cần phải tránh xa việc nhập bọn với những kẻ biếng nhác chảy thây này. Có tránh xa hạng người này thì bạn mới có thể bước được một bước tích cực để triển khai hạnh tinh tấn.
.
10. Làm Bạn Với Người Siêng Năng Tinh Tấn
Bây giờ, bạn hãy bước thêm một bước nữa để thân cận với các thiền sinh tinh tấn kiên trì trong việc đào luyện tinh thần qua việc nỗ lực hành thiền. Đây là cách thứ mười để làm phát sanh tinh tấn.
.
Người bạn siêng năng tinh tấn ở đây đặc biệt được đề cập đến là những thiền sinh trong khóa thiền, nhưng thực ra, bạn có thể thân cận với những người có nhiệt tâm với giáo pháp, kiên nhẫn, chịu đựng và quyết tâm tinh cần chánh niệm từng giây phút một và kiên trì tinh tấn ở mức độ cao. Một người để hết tâm trí vào việc phát triển tinh thần, chú trọng đến sức khỏe của tâm, là người bạn tốt nhất của thiền sinh.
.
Trong khóa thiền, bạn có thể noi theo gương của những thiền sinh gương mẫu. Bạn có thể nhìn cung cách và việc thực hành của họ mà cố bắt chước theo cho bằng hay vượt hơn họ. Điều này sẽ giúp bạn phát triển chính mình. Bạn sẽ tập nhiễm theo thói quen tinh cần của họ. Hãy theo gương các người siêng năng tinh tấn để tạo sự siêng năng tinh tấn cho chính mình.
.
11. Kiên Trì Hướng Tâm Vào Việc Phát Triển Đức Tinh Tấn
.
Cách cuối cùng và tốt nhất để làm phát sanh tinh tấn là kiên trì hướng tâm vào việc phát triển đức tinh tấn. Chìa khoá của việc thực hành này là phải đề ra một quyết tâm. "Tôi sẽ cố gắng chánh niệm trong từng giây từng phút. Tôi không để tâm phiêu bồng trượt khỏi đề mục trong khi ngồi, đứng, đi, di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tôi không để một phút giây chánh niệm nào bị vất bỏ". Nếu bạn không tinh cần mà lại bất cẩn, thiếu thận trọng, hoặc có tinh thần chủ bại, thì việc hành thiền của bạn sẽ bị tan rã ngay từ phút đầu.
Cách cuối cùng và tốt nhất để làm phát sanh tinh tấn là kiên trì hướng tâm vào việc phát triển đức tinh tấn. Chìa khoá của việc thực hành này là phải đề ra một quyết tâm. "Tôi sẽ cố gắng chánh niệm trong từng giây từng phút. Tôi không để tâm phiêu bồng trượt khỏi đề mục trong khi ngồi, đứng, đi, di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tôi không để một phút giây chánh niệm nào bị vất bỏ". Nếu bạn không tinh cần mà lại bất cẩn, thiếu thận trọng, hoặc có tinh thần chủ bại, thì việc hành thiền của bạn sẽ bị tan rã ngay từ phút đầu.
.
Mỗi phút giây phải được vun bồi bằng sự dũng cảm tinh tấn này. Phải có nỗ lực tinh cần bền bỉ. Mỗi khi lười biếng lẻn vào, dù chỉ trong phút giây, bạn phải chụp lấy ngay và đẩy ra ngoài. "Kosajja", hay lười biếng, là một trong những yếu tố phá hoại lớn lao nhất trong việc hành thiền. Bạn có thể loại trừ nó bằng đức tinh tấn bao gồm can đảm, bền chí, kiên nhẫn, chịu đựng.
.
Hy vọng tinh tấn sẽ phát sinh trong bạn qua mỗi một hay toàn thể mười một cách trên, để bạn có thể tiến nhanh trên đạo giải thoát và cuối cùng nhổ tận gốc rễ mọi phiền não trói buộc.
.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015