Một con tàu và những con người
Mấy ngày qua, dư luận thế giới đang dành sự quan tâm đến một tai nạn được coi là vụ Titanic ở đầu thế kỷ XXI, đó là chuyến đi định mệnh của con tàu Al Salam Boccaccio 98 vào đêm 3.2.2006 trên Biển Đỏ và sự mất tích của hàng nghìn con người. Trong nhiều vấn để có thể bàn luận từ tai nạn này, người ta không thể không chú ý đến một chi tiết mà một hành khách sống sót kể lại: “Thuyền trưởng leo lên cái thuyền đầu tiên, trong khi đáng ra ông ta phải là kẻ cuối cùng rời con tàu đắm”. Vị thuyền trưởng đã ra đi, bỏ mặc đằng sau tính mạng của bao nhiêu con người, đáng phê phán hơn là bằng hành động của mình, người đàn ông ấy đã không chỉ vô trách nhiệm mà còn từ bỏ luôn cả đạo đức thuyền trưởng và tinh thần nghiêm ngặt của luật hàng hải.
Lại nhớ gần chục năm trước, từng có một sự kiện hy hữu xảy ra với một chuyến xe khách trên đèo Hải Vân. Xe mất phanh, lao phăng phăng xuống dốc. Vào lúc hiểm nghèo như thế, người lái xe lại bỏ xe nhảy xuống đường, phó mặc hành khách cho sự may rủi. Rất may, một hành khách đã cầm lấy vô-lăng, khéo léo tạt xe vào ta-luy làm giảm tốc độ và cuối cùng thì mấy chục người trên xe đã được cứu sống, chỉ có anh lái xe đã nhảy xuống kia là bị gãy tay (!). Lại nhớ cách đây không lâu, người dân nước Anh đã bầu một vị hành khách là anh hùng của năm, vì vào lúc phi công gặp sự cố, vị hành khách này đã bình tĩnh ngồi vào ghế phi công, thao tác theo sự chỉ dẫn từ mặt đất để hạ cánh an toàn, bảo toàn tính mạng của mấy trăm con người. Câu chuyện về sau đã được khai thác để cấu tứ nên một tác phẩm điện ảnh khá hay… Thế đấy, cuộc sống với những mối liên hệ phức tạp của nó, luôn luôn có khả năng xuất hiện những tình huống, nhiều khi là tình huống hiểm nghèo, nằm ngoài dự kiến của con người. Chính vào lúc lằn ranh giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh thì tinh thần trách nhiệm với đồng loại thật sự trở thành thước đo phẩm giá của mỗi con người. Vì trách nhiệm, người ta có dám hy sinh vì đồng loại hay không (?) thật sự là câu hỏi mà chỉ có những ai ý thức được vị trí, vai trò của mình mới có khả năng tìm ra một lựa chọn đúng. Trách nhiệm - với bất kỳ cá nhân nào, không chỉ là những yêu cầu nghề nghiệp thuần túy mà còn chuyển tải cả ý nghĩa đạo đức. Từ trách nhiệm với chính mình, với gia đình mình đến trách nhiệm xã hội, với đồng loại là một quá trình tự ý thức và được thể hiện qua hành vi cụ thể. Mong sao trong cuộc sống, ngày càng nhiều lên những con người như những vị hành khách nói trên và càng ít đi những con người như vị thuyền trưởng của con tàu Al Salam Boccaccio 99 xấu số kia!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường