Một đất nước đầy rác thì đừng nói chuyện bốn chấm

09:49 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Giêng, 2018

Sau đêm đón giao thừa 2018, phố đi bộ Nguyễn Huệ - TPHCM là một phố rác. Chuyện này không mới, bởi vì ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, cứ sau một buổi sinh hoạt ở nơi công cộng hay lễ hội, cái còn lại là một núi rác. Chung quanh khu vực Hà Nội đêm qua cũng như vậy, hình như rác là một đặc sản của lễ hội thì phải.


Rác lại ngập mặt phố Sài Gòn khi Giao thừa trôi qua. Ảnh: VietQ.

.

Những hình ảnh, clip mà phóng viên ghi lại trên phố Nguyễn Huệ gợi cho chúng ta sự xót xa về thái độ ứng xử của con người với cộng đồng, con người với môi trường thiên nhiên. Các loại thức ăn, nước uống và vật phẩm khác sử dụng xong được các nam thanh nữ tú vứt xuống đường. Không chỉ làm dơ bẩn đường phố, mà còn gây nguy hiểm bởi có nhiều chai thủy tinh bị gãy vỡ.

Nhiều trẻ em nghèo đi thu gom chai nhựa để bán kiếm tiền.

Trong khi các em dọn rác, nhiều đôi tình nhân khoác vai nhau đi ngang qua, không thèm nhìn, không vướng bận. Những đôi giày Tây đạp trên rác mà đi, không ai cúi xuống để nhặt một cọng rác.

Có lẽ họ nghĩ rằng, xả rác là việc của mình, dọn rác là việc của người khác. Có ai ngờ trong những bạn trẻ ấy, nhiều người có học hành tử tế, nhưng họ không biết xấu hổ vì mình đã có hành động thiếu văn minh, một thái độ sống quá ích kỷ.

May thay, còn có một nhóm các bạn học sinh, sinh viên đã tự nguyện ở lại dọn rác. Họ không có sự chuẩn bị cho việc này, chỉ thấy rác nhiều quá thì phải nhặt, thu gom giúp các cô chú lao công để họ bớt vất vả. Họ làm trong lặng lẽ, có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường sống của thành phố.

Nhưng đáng tiếc, số bạn trẻ sẵn lòng đưa tay làm sạch thành phố quá ít so với người xả rác.

Ai cũng có thể chê bai, lên án, phê phán thành phố dơ bẩn, đầy rác, nhưng không ai nghĩ rằng, chính mình cũng là “nhân tố tích cực” trong việc phá hoại môi trường. Hằng ngày ra đường vẫn vứt rác bừa bãi, một mẩu bánh, một tàn thuốc, một túi ni lon, cứ một người vứt một thứ thì nước mình thành bãi rác.

Ngay cả với những người không xả rác, thì họ cũng chỉ lo cho mình, chưa cúi xuống để nhặt những cọng rác, chưa vận động hay tham gia các phong trào làm sạch môi trường. Không cùng với các tổ chức thực hiện các chương trình hành động để thay đổi nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Bay vào vũ trụ hay lặn xuống biển sâu còn khó, nhưng không xả rác thì bất cứ ai cũng có thể làm ngay được. Vậy mà VN vẫn là đất nước nhiều rác là vì sao? Thật không thể hiểu nổi.

Một đất nước đầy rác mà cứ đòi bàn chuyện bốn chấm.

Nguồn:Lao Động
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói hư tật xấu của người Việt: thô tục, vô duyên, luộm thuộm

    30/09/2015Vương Trí NhànNói tục, nói bẩn chắc hẳn không người nước nào bằng người An Nam ta. Lắm câu chửi rủa của ta không tiếng nước nào dịch nổi, giả sử những người nói ra có nghĩ đến nghĩa từng tiếng thì đứa nặc nô(1) cũng phải đỏ mặt đến lòng trắng mắt. Thử ngẫm mà xem, những câu ấy có nghĩa lý gì đâu...
  • Hốt rác và xả rác

    08/09/2005Trần Bạch Đằng...tôi nhớ anh Hai Xô và nhớ câu nói của bậc lão thành: "Không còn sức để hốt rác thì đừng xả rác!”...