Khế ước xã hội, đọc và hỏi

11:08 SA @ Thứ Tư - 30 Tháng Mười, 2013

“Kẻ mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để luôn làm người chủ, nếu y không biết chuyển sức mạnh thành quyền và chuyển sự vâng lời thành bổn phận” [trích chương 3, quyển 1].

Rousseau đã viết như thế trong phần mở đầu của tác phẩm quan trọng nhất của mình: Khế ước xã hội (1762). “Chuyển sức mạnh thành quyền” và “sự vâng lời thành bổn phận”, một ngụ ý và một niềm tin tưởng vào nhà nước pháp quyền.

Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), triết gia và văn hào Pháp, một đại diện tiêu biểu của thời kỳ Khai sáng. Con người “duy ý” và “lãng mạn chủ nghĩa” ấy - như cách gọi của Nietzsche - đã “đưa khuynh hướng lãng mạn lên thành một phong trào tư tưởng mãnh liệt tại Pháp, đồng thời biến nó từ một phong trào thơ văn thành một thái độ chính trị áp đảo”.

Khế ước xã hội là một trong những tác phẩm thuộc tủ sách Omega của Công ty sách Alpha nhằm giới thiệu tác phẩm kinh điển được xem là tinh hoa của nhân loại. Trong loạt sách kinh điển do Alpha xuất bản này còn có Cộng hòa - Plato, Chính trị luận - Aristotle, sử thi Iliad và sử thi Odyssey - Homer...

Nếu như trong các trước tác của mình, Rousseau đã khẳng định văn minh là một tiến trình tha hóa từ trạng thái tự nhiên, thì với Khế ước xã hội, tác giả đã dấn thêm những bước mạnh bạo khi chỉ trích trạng thái bất bình đẳng trong quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa người với người, đồng thời phác thảo nên một trật tự chính trị lý tưởng theo hướng dân chủ trực tiếp.

“Chính bởi sức mạnh của hoàn cảnh luôn có khuynh hướng phá hủy sự bình đẳng, [cho nên] sức mạnh của luật pháp nên luôn thiên về sự bảo tồn nó” - Rousseau nói. “Đó là học thuyết bình đẳng được bao quanh bởi những biến cố ghê tởm khủng khiếp và đẫm máu, rằng đã đem cho “ý tưởng hiện đại” thượng hảo hạng này một thứ vinh quang và hào quang bốc lửa, để cách mạng như thể một cảnh tượng trình diễn đã quyến rũ ngay cả những đầu óc cao thượng nhất” - Nietzsche phản bác.

Rất khó để quy kết Khế ước xã hội trong một vài tóm lược giản đơn, bởi sự tản mạn của đề tài và bởi có quá nhiều những biệt lệ.

Quyển 1 là những dẫn nhập vào bản khế ước xã hội. Trong đó, tác giả đưa ra những nhận định đầu tiên, điều mà đã được đưa vào bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp rằng: “chúng ta được sinh ra là những người tự do”, rằng hành động bán mình cho một ông vua chuyên chế dưới bất kỳ hình thức nào đều là một hành động “bất hợp pháp” của những kẻ xuẩn trí. Và rằng một dân tộc sẽ chẳng còn là một dân tộc sau cái cuộc dâng hiến đó.

Rousseau tin tưởng vào sự công bằng của một bản khế ước mà trong đó nguyện vọng tập thể và quyền lợi cá nhân là không xung đột.


Quyển 2 tạm gọi là bàn về luật và sự phân chia luật lệ. Việc xét lại tính ưu thắng của lá phiếu số đông, cùng phân định ý chí tối thượng (dân chúng) và ý chí đoàn thể (quan chức) có lẽ là những điểm đáng lưu ý nhất của phần này. Quyển 3 và quyển 4 là sự thác triển bản khế ước xã hội thành những hình thái chính trị và tản mạn về tính khả dĩ của chúng đối với các quốc gia.

Rousseau cũng mang nhiều nét tương đồng với Montesquieu khi cho rằng sự đa dạng của các hình thức chính trị phụ thuộc vào hoàn cảnh địa lý.

J. Rousseau đã tạo ra xung quanh Khế ước xã hội những tranh luận sâu xa ngoài tầm mức của bài viết này, về tầm ảnh hưởng sâu rộng tới triết học phương Tây, về những cuộc bạo động cách mạng của quần chúng và về ý thức hệ. Cách mạng Pháp (1789) theo nghĩa nào đó là sự hiện thực hóa những mong muốn của Rousseau.

Người ta sẽ không thể nhắc đến cuộc cách mạng đó mà không nhắc tới Khế ước xã hội. Thế nhưng, bất chấp tất cả những điều ấy, Khế ước xã hội vẫn được liệt vào một trong những kiệt tác triết học chính trị thế giới bởi những ý tưởng cách tân xã hội so với bối cảnh hiện thời. Rousseau, “con người hiện đại đầu tiên”.

Đọc Khế ước xã hội nói riêng, không phải là để hoài niệm cùng những con chữ đã ngả màu vàng úa. Chừng nào người ta còn có thể đặt dấu chấm hỏi cho những vấn đề mới nảy sinh, thì chừng ấy những kinh điển phẩm vẫn còn nguyên giá trị. Tấm bản đồ của những hình thức chính trị chưa bao giờ thôi loang lổ. Cuối cùng, xin được trích dẫn ngẫu hứng vài lời có liên can đến chủ đề, của thi hào J.W. Goethe:

“Loài người là một quần thể đồng nhất và đơn điệu thay! Họ dành phần lớn thời gian để kiếm ăn, còn chút xíu tự do được hưởng lại làm họ sợ hãi, đến nỗi họ phải tìm mọi cách để tống khứ nó đi. Ôi chao, thân phận con người!”.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vì hạnh phúc Người Việt: Cần cam kết một “khế ước văn minh”

    08/06/2014Võ Thị HảoSau một phần tư thế kỷ thực hiện chủ trương Đổi mới, thực hiện mở cửa, thể chế quản lý xã hội và sự đa phương hóa của chúng ta đã được cải thiện. Sự thay đổi này cũng có thể đánh giá như một hành vi khai sáng ban đầu được áp dụng ở tầm quốc gia...
  • Tư tưởng chủ quyền nhân dân trong tác phẩm khế ước xã hội của J.J.Rousseau

    20/04/2007Phạm Thế LựcCho đến ngày nay, nhiều nội dung trong tác phẩm Khế ước xã hội của J. J. Rousseau vẫn được kế thừa đã được nêu trong các văn kiện chính trị quan trọng như một tinh thần cách mạng đối với nhân loại. Trong Khế ước và xã hội, chủquyền nhân dân là tư tưởng xuyên suốt tác phẩm...
  • Sách "Bàn về khế ước xã hội"

    06/07/2005Bàn về khế ước xã hội” cũng đề cập những vấn đề nêu trên nhưng đi theo hướng tư duy hoàn toàn khác: Nếu như Montesquieu muốn khám phá cái “trật tự, cái quy luật trong mớ hỗn độn các luật pháp ở mọi xứ sở và mọi thời đại” thì Rousseau lại cố gắng tìm kiếm trong cái “trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người”;