GS. Hoàng Ngọc Hiến vừa tạ thế

09:55 SA @ Thứ Ba - 25 Tháng Giêng, 2011

Tin buồn:

GS Hoàng Ngọc Hiến - lý luận phê bình, dịch giả văn học Việt Nam đương đại, người nằm trong danh sách Tác giả được chungta.com giới thiệu, do lâm trọng bệnh lại tuổi cao nên vừa tạ thế vào hồi 23 giờ ngày 24/1/2011 tại bệnh viện Hữu nghị, hưởng thọ 82 tuổi.

Thật buồn khi những nhà văn hóa, trí thức Việt lớn, những khuôn mặt đã âm thầm góp sức cho dân tộc Việt vĩnh hằng với thời gian, dẫn dắt tinh thần cho nhiều thế hệ người Việt vươn lên... mà tuổi tác của chính mình lại không vượt qua giới hạn thời gian nghiệt ngã, từng người một đã đi xa và thưa dần.

Không gian, môi trường văn hóa dường như cô quạnh do thiếu những đầu tàu đủ mạnh để đưa dân tộc tiến hóa đến tương lai. Rồi không biết bao năm nữa, từ những thế hệ sau mới xuất hiện lại những nhà văn hóa lớn một cách hiển nhiên, không cần ai cấp phát bằng cấp, bằng khen, giấy khen... như vậy! Mong cho danh sách Tác giả chungta.com không phải toàn người đã khuất mà có nhiều nhà văn hóa của thế hệ sau hơn nữa...

(Chungta.com)


Thăm thầy Hoàng Ngọc Hiến - Chờ đôi mắt mở

(Văn Giá,Thể thao Văn hóa)

Như TT&VH số ra ngày 16/1 đã phản ánh; nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đang phải đối mặt với thách thức lớn của số phận khi phát hiện bị ung thư và vừa phải trải qua cuộc đại phẫu. Hơn một tuần nay, giới văn nghệ hết sức lo lắng cho sức khỏe của ông. Sau ngày vào thăm thầy Hoàng Ngọc Hiến, nhà phê bình Văn Giá, Trưởng khoa Lý luận - Sáng tác - Phê bình (ĐH Văn hóa) đã có bài viết về ông.

1. Tôi đang công tác ở miền Tây Nam Bộ, anh Lương Bá Hùng, người thân của GS Hoàng Ngọc Hiến gọi điện cho tôi báo tin GS Hiến vừa trải qua cuộc đại phẫu, hiện giờ nằm ở phòng hậu phẫu hồi sức tại Bệnh viện Hữu nghị. Hỏi thăm tình hình, lại nhận được thông tin từ cô con gái cả của GS, tôi biết ông đang trải qua những giờ phút hiểm nghèo... Tết này, thầy tôi, GS Hoàng Ngọc Hiến sẽ bước sang tuổi 82 ta.

Việc đầu tiên, tôi nhắn tin thông báo cho tất cả những bạn bè của thầy, học trò của thầy mà tôi quen biết và bạn bè của tôi có đi lại thân tình với thầy. Nhận tin, có người còn gọi điện hỏi thăm tôi xem cụ thể tình hình bệnh của cụ thế nào. Đến khổ, tôi thưa, nào tôi có ở Hà Nội đâu, tôi đang đi công tác miền Tây Nam Bộ, đến hết tuần sau mới về. Bệnh tình đại loại như thế, địa chỉ như thế, các vị thử thu xếp đến thăm xem sao... Lòng tôi cũng bồn chồn, lo lắng. Thôi thì mình ở xa, không về được thì nhờ người ở gần đến thăm cụ vậy. Ngày hôm sau, một nhóm các thầy cô và sinh viên khoa Viết văn nơi tôi công tác đã kịp thời đến bệnh viện thăm thầy, và vấn an cô Nga (phu nhân của thầy đang ở đó chăm thầy). Các đồng nghiệp của tôi điện lại, nói tình hình nghiêm trọng lắm... Tôi dặn, nếu có chuyện gì, báo tin cho tôi biết ngay lập tức.

Trong suốt những ngày còn lại ở miền Tây Nam Bộ, qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, được biết thầy cùng gia đình và đội ngũ các y bác sĩ bệnh viện đang kiên cường chống lại bệnh tật từng giờ từng phút một.

Cô Nga ở đầu dây bên kia giọng cố nén: “Em cứ yên tâm hoàn thành công việc ở trong ấy đi. Ông ấy chưa chết được đâu. Mệnh ông ấy chưa đi được. Ông ấy vẫn đang hô hấp bằng máy. Rút ống thở ra là đi luôn. Những người em thông báo, họ đã vào thăm ông ấy cả rồi. Nhiều lắm. Cả ông Nguyễn Đăng Mạnh cũng vào. Khổ, ông ấy yếu lắm. Vào cứ đứng nhìn ông Hiến thôi. Giục ông Mạnh bảo anh về đi, về đi, ở đây nhìn nhau thế thì tội lắm...”. Cô Nga cứ thế, kể lể qua cái giọng mếu máo một hồi. Tôi thoáng nghĩ, cứ để cho cô kể, kể ra được cũng vơi bớt lo buồn...

Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21/7/1930 tại Nam Định, trong một gia đình truyền thống Nho học kết hợp với Tây học. Ông học ở Liên Xô và bảo vệ thành công Tiến sĩ Văn học chuyên ngành lý luận, phê bình tại Đại học Tổng hợp Moskva (1959). Ông có nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du.


2. Đêm thứ Sáu về tới Hà Nội. Chiều hôm sau tôi cùng nhà thơ Vi Thùy Linh, hẹn được cả vợ chồng nhà văn Chu Văn Sơn đến thăm thầy. Tội quá. GS Hoàng Ngọc Hiến nằm đó với bao nhiêu dây nhợ ống dẫn lằng nhằng khắp người. Gọi thầy ơi, không thấy gì. Cầm tay thầy không thấy có biểu hiện nhận biết gì. Khuôn mặt bị đầy lên như người phù nề. Tất cả đứng nhìn thầy một hồi lâu. Tất cả thở dài... Lúc bấy giờ, chỉ có cô giúp việc ở bên người bệnh. Mấy người con của GS Hiến vừa mới về chốc lát để thay phiên nhau đến trực. Tôi gọi điện cho cô Nga. Cô hỏi: “Ông Hiến đã mở mắt chưa em? Tôi bảo không thấy gì cả”. Cô bảo: “Ông ấy đang bị hôn mê sâu. Do sức yếu. Mổ đến 3 tiếng đồng hồ, cắt đến hơn 40 phân ruột thì đã tỉnh ngay làm sao được, mất sức nhiều lắm...”. Cô nhờ tôi cảm ơn giúp mọi người đã đến thăm. Ra đến cửa thang máy tầng 1, gặp GS Trần Đình Sử. Ông đi bộ đến. Chúng tôi lại quay ngược trở lại, dẫn GS Trần vào thăm. Khi ra, không ai nói với ai. Lúc bấy giờ, trời đã chập choạng tối...

3. Sáng hôm sau, tôi lên cơ quan, tranh thủ xuống nhà thăm cô Nga (nhà thầy cô sát ngay sau khoa Viết văn). Cô bảo: “Cái đứa giúp việc trông ông Hiến, nó có biết gì đâu. Cứ như cái đứa ngơ ấy. Thỉnh thoảng nó lại gọi điện về bảo bà ơi, ông mở mắt rồi. Cô lại chống gậy, bổ đi gọi taxi vào. Đến nơi, hóa ra ông ấy mắt cứ he hé không khép được, chứ có phải đã mở được rồi đâu. Khổ thế chứ...”. Bà lại kể cho tôi biết nguồn giúp đỡ chính cho thầy chữa bệnh là những ai. Có người mang cho 10 triệu, cô không dám nhận cả, cô chỉ nhận 2 triệu thôi, nhưng rồi cứ đùn đẩy mãi, cô phải nhận một nửa. Các cụ tổ dân phố đến thăm, quý lắm, các cụ làm gì ra tiền, nhưng cái tình là quý. Cô phải ghi hết vào sổ đấy. Để biết những lúc thế này, ai đến thăm nom cũng là quý lắm...

Những người thân gần với gia đình thầy Hiến đều biết cô Nga là người mỗi khi nói về chồng mình bao giờ cũng theo cái cách “mắng mỏ” than phiền, kể xấu về chồng đến độ. Nhưng ai cũng hiểu rằng, chớ có dại mồm phụ họa với bà, thì có ngày bà cầm tay mời ra khỏi cổng. Cũng là cái sự yêu chồng trước người khác theo cái cách thật... ngược đời. Cô khoe mấy hôm nay có một ông thầy chữa bệnh bằng năng lượng sinh học, đang chữa cho ông Hiến, thấy ông ấy đã chuyển, cái quan trọng là cơ thể đã tiếp nhận thuốc truyền vào người. Cô nhắc lại lời bác sĩ tại bệnh viện nói trực tiếp với cô: “Ông nhà bà là trường hợp rất hi hữu, cơ thể như thế này mà vẫn tiếp nhận được thuốc đấy”.

Tôi nhìn thấy trên gương mặt nhiều ưu tư của cô ánh lên vầng sáng hy vọng.

Tôi thấy cô loay hoay với cái ví đựng tiền. Cô lấy ra một xấp tiền 50 nghìn đồng. Cô chọn một tờ rồi bảo: “Con số trên tờ này hợp với em, tuổi Hợi. Em cầm để lấy may”. Tôi không ngạc nhiên lắm, vì thi thoảng đến nhà, tôi vẫn hay nhận được những đồng tiền như thế. Tôi cầm đồng tiền ra về, lòng ngẫm nghĩ, giá đồng tiền may mắn này có sức mạnh kỳ diệu giúp thầy tôi ngay bây giờ mở mắt...

4. Mấy ngày hôm nay, trên một số website của Hội Nhà văn, của các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Trần Nhương... đồng loạt đưa tin về cơn nguy kịch của GS. Hoàng Ngọc Hiếnvới tất cả tấm lòng âu lo trìu mến.

Khoa Viết văn, nơi tôi đang công tác, không chỉ riêng tôi, mà nhiều thầy cô giáo trong khoa vốn là đồng nghiệp lứa sau hoặc học trò của GS cùng nhiều học viên nơi đây cũng đang từng ngày mong cho GS mở được mắt và mỉm cười. Vâng, đôi mắt tinh anh, sắc sảo và hóm hỉnh ấy chỉ cần mở ra và một tiếng nói đầu môi thì thào thôi, lúc ấy nghĩa là ông đã chiến thắng được cơn bệnh hiểm nghèo... Tất cả những ai từng đọc ông, học ông, cảm tình và yêu mến ông đang hy vọng và trông chờ vào cái chớp mắt kỳ diệu ấy...

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiếp cận Hoàng Ngọc Hiến ngoài văn bản

    25/01/2011Xin được thanh minh trước, cái đầu đề văn vẻ này thực ra là để che dấu sự ít học, ít đọc của tác giả. Tròn 60 năm về trước, để thoát vùng bị chiếm của Pháp ở quê nhà Quảng Trị, lũ trẻ con em cán bộ kháng chiến được đưa ra vùng tự do khu Bốn Thanh Nghệ Tĩnh để khỏi thất học...