GS Vũ Hà Văn: 'Yêu thì chưa, chán thì không'

11:30 SA @ Thứ Bảy - 27 Tháng Ba, 2021

Sau khi "vượt tường Covid” từ Mỹ về Việt Nam, với dự định ban đầu là lưu lại vài tháng, nhưng giờ là ăn Tết tại quê nhà, GS Vũ Hà Văn chia sẻ: "Được sống và làm việc tại Việt Nam suốt gần một năm qua quả là vui...".

Về nước 5 tháng sau khi đại dịch bùng phát, nhà toán học nổi tiếng đã có gần một năm làm việc hiệu quả trên cương vị Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Big Data, nơi anh vẫn có thể đến văn phòng làm việc hàng ngày, gặp gỡ cộng sự, thỉnh thoảng thả bộ bên hồ Gươm, ngồi cà phê ngắm phố phường… – những niềm vui mà anh không thể có nếu như "mắc kẹt" tại ổ dịch lớn nhất thế giới.

"Nếu ở Mỹ năm rồi thì buồn lắm"

Vị GS tên tuổi của ĐH Yale (Mỹ) cho rằng, với cá nhân anh, 2020 dù sao cũng vẫn là một năm may mắn khi anh đã được sống ở một nơi mà dịch Covid đã được kiểm soát tốt nhất có thể.

"Được sống và làm việc tại Việt Nam trong suốt gần một năm qua quả là vui và làm việc năng suất, hiệu quả hơn rất nhiều, chứ ở Mỹ như năm rồi thì buồn lắm, mọi người ở nhà hết, không có cửa hàng cửa hiệu nào mở cửa, chỉ có thể làm việc, mua bán online…".

Mặt khác, dù suốt 25 năm nay, không năm nào là GS Vũ Hà Văn không gặp bố mẹ, lại cũng kết nối liên lạc thường xuyên qua Facebook, điện thoại…, nhưng con trai nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, việc được gần song thân trong bối cảnh này, được ăn cơm cùng nhau, giờ lại còn được ăn Tết nữa, khi các cụ đã già yếu và mấy năm gần đây không thể sang Mỹ gặp con cháu được nữa, thì quả thật là một hạnh phúc…

Rời Việt Nam năm 17 tuổi, 26 năm sống tại Mỹ, nhưng GS Vũ Hà Văn vẫn lưu giữ trong mình những ký ức thật đẹp về ngày Tết ở quê nhà.

Ấn tượng Tết ngày đó là sự háo hức từ trước Tết, gói và luộc bánh chưng. Pháo và mừng tuổi. Ai cũng ăn mặc đẹp hơn ngày thường rất nhiều. Vui lắm...”.

GS Vũ Hà Văn

Còn nếu ở Mỹ thì vào những dịp này, GS Vũ Hà Văn sẽ cùng gia đình nhỏ của mình đón Tết cổ truyền theo một cách khác: "Ở Mỹ thì chúng tôi cũng cố tổ chức một buổi họp mặt đầm ấm, có bánh chưng, măng miến, nem, các món cổ truyền, để gặp gỡ bạn bè, và các em sinh viên từ Việt Nam đang học trong vùng. Chương trình vui và nhiều thành tựu nhất là chụp ảnh áo dài cho các bà các cô, mà nhờ đó tay nghề của tôi đã lên rất cao. Tuyệt đẹp! Số lượng ảnh này, nếu in ra, có thể phủ hết diện tích một sân vận động loại nhỡ…”.

Được gần bố mẹ, gặp gỡ cộng sự, chứng kiến những dự án lớn dần thành hình ở Viện Big Data - đến nay đã mở rộng quy mô hoạt động đáng kể sau hơn 2 năm thành lập, được tận hưởng những niềm vui thường nhật không dễ gì có được…, nhưng đổi lại, là gần một năm GS Vũ Hà Văn phải sống xa gia đình nhỏ.

"Tôi sống trong ngôi nhà ở Mỹ cũng đã 10 năm, một ngôi nhà ở trong rừng, hết sức bình yên, có những góc rất thân quen với cả gia đình. Vợ chồng tôi hay ngồi nghe bé con đánh đàn (gọi là bé con vì nó là út, và thỉnh thoảng vẫn làm nũng, nhưng nó cao… 1m 90 và có thể bế bố mẹ bằng một tay rồi). Vừa rồi, trẻ con nghỉ học nhiều ở nhà cũng hay nói chuyện với bố. Nhớ chúng nó. Cũng may nhờ có internet mà có thể nói chuyện và nhìn thấy nhau bất kỳ lúc nào…

GS Vũ Hà Văn và hai cậu con trai

Tự nhận mình là mẫu người đơn giản, con trai của nhà thơ từng "đa tình" tới độ "đứng một ngày đất lạ thành quen/ đứng một đời đất quen thành lạ" và có thể "cháy thành tro vì một màu áo đỏ" thậm chí còn thú nhận rằng, ngay cả thời yêu đương sôi nổi nhất, anh cũng chịu, không thể "nấu cháo điện thoại" với ngay cả người phụ nữ mình yêu.

"Như thế, có thể bị cho là... "lỗi gene" không?".

"Chắc chắn là thế rồi. Chuyện sao chép gene từ bố mẹ sang con bao giờ cũng có những đoạn bị mất hay bị lỗi. Ở trường hợp tôi có lẽ là đoạn gene liên quan đến kỹ năng gọi điện thoại, và rất có thể là tương đối nhiều đoạn khác nữa...”.

"Nhắm mắt chính là lúc mở to mắt nhất"

Năm 2020, không lâu sau khi chuyển hướng quan tâm từ toán tổ hợp (với vô số thành tựu) sang toán thống kê, GS Vũ Hà Văn đã được Hiệp hội Toán thống kê thế giới bình chọn là Hội viên danh dự.

“Thật ra, các hướng nghiên cứu của tôi từ trước đến nay, trong bất kỳ ngành toán nào đều ít nhiều liên quan đến xác suất, và cách suy nghĩ của tôi cũng thường nhìn vấn đề, cả trong khoa học và cuộc sống hàng ngày dưới con mắt xác suất thống kê. Điều này thật ra cũng rất tự nhiên, vì một trong nhưng mục đích chính của toán học là viết ra một cách tường minh các quy luật của tự nhiên, mà các quy luật này ít nhiều đều có sự ảnh hưởng của tính ngẫu nhiên.

Ngay cả việc nhìn sự việc hàng ngày dưới con mắt thống kê, cũng không phải điều gì cao siêu, mà thật ra là cần thiết với tất cả mọi người. Chẳng hạn gần đây tôi hay nghe nói "vaccine này chưa tốt đâu, vẫn có người tiêm xong vẫn mắc bệnh".  Nếu nhìn đúng vấn đề, thì cái ta cần quan tâm là tỷ lệ người mắc sau khi tiêm như vậy, bởi thực tế không vaccine nào, hay bất kỳ loại thuốc nào, có tác dụng 100/100 cả. Nếu tỷ lệ này đủ nhỏ, thì đó đã là một tin rất tốt lành rồi".

Hai bố con nhà thơ Vũ Quần Phương - Vũ Hà Văn

Có một gia đình yên ổn, một sự nghiệp vững chãi, sự trọng thị nhận được trên nhiều mặt… - Nhà toán học thành danh nghĩ gì về những thứ mình có được vào những năm tháng mà nhiều giá trị sống bỗng được nhận chân lại, kể từ khi con virus tai quái xuất hiện và làm đảo tung mọi thứ? Về “cái giản đơn sâu sắc như đời” như trong câu thơ bố anh từng viết?

"Cuộc sống thì thật nhiều ngõ ngách, nhiều thứ cần phải làm chủ, phải tìm hiểu, phải nghiên cứu, thúc đẩy. Chúng ta đều mong mỏi muốn tiến lên, muốn có thành tựu, rạng danh, giàu có... Và biết bao công sức đã đổ vào công cuộc đó. Đến một ngày, ta sẽ hỏi, điều gì thực sự là đáng kể, điều gì đã làm ta thực sự hài lòng, và như thế nào là hạnh phúc. Những điều tưởng chừng như cơ bản nhất này, hoá ra ta chưa bao giờ hiểu cả…".

Nhà toán học thật ra không thuộc nhiều thơ của bố mình. Nhưng bài “Nói với em” thì anh nhớ, nhiều người nhớ: “Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió/ Sẽ được nghe thấy tiếng chim hay/ Tiếng lích chích chim sâu trong lá/ Con chìa vôi vừa hót vừa bay…”

Vậy, “nếu nhắm mắt” lúc này, khi mà Covid - như ai đó đã nói, một mặt cũng chính là chiếc phanh giúp chúng ta đứng lại, giữa những guồng quay thường vẫn kéo ta đi, để nhìn sâu hơn vào những gì ta còn, ta có?

- Nếu nhắm mắt (thật ra chính là lúc mở to mắt nhất), cái người ta muốn cảm nhận nhất lúc này, tôi nghĩ chính là bản thân họ, nội tâm của họ, hơi thở… - những điều mà bình thường, ta rất dễ lơ đãng hoặc tặc lưỡi bỏ qua.

Nửa thế kỷ tuổi đời, liệu đã là lúc anh tìm thấy nhiều đồng cảm trong những vần thơ này của bố: "Anh còn gì cho em/ Những tháng ngày gẫy nát/ Tuổi thanh xuân qua rồi/ Dăm câu thơ nhòa nhạt/... Cánh đồng sau vụ gặt/ Phiên chợ khi vãn người/ Ngọn đèn vừa cạn bấc/ Bãi biển ngày nước lui..."?. Chính xác là anh "còn gì", giờ này?

- Cũng sau nửa thế kỷ, tôi mới bắt đầu thấy được, chẳng phải giờ này ta "còn gì", mà tất cả những gì ta có, ở trong khoảnh khắc này.

Đã bao giờ anh thấy chán bản thân mình?

- Tôi thì chưa phải là người biết yêu bản thân, vì thường thì người yêu bản thân, họ sẽ không tự gán cho mình nhiều việc đến thế, đôi khi còn là quá sức. Nhưng chán bản thân thì chưa bao giờ, có chăng là có lúc nghĩ, có những việc mình có thể làm tốt hơn, có thể sống khác... Nhưng kể mà, nếu được cho trở lại tuổi đôi mươi, nếu được cho làm lại, chắc là đa phần chọn lựa của tôi, vẫn thế.

Tôi không muốn sống nhiều với quá khứ. Cái gì xảy ra thì nó đã xảy ra rồi, không ai thay đổi được. Một việc xảy ra, thường cũng không biết nó có thực sự đáng tiếc hay không, cái này phụ thuộc theo từng góc độ nhìn và giai đoạn cuộc đời mà thôi. Nên tôi không có cái "giá như" đáng tiếc nhất nào cả, và cũng không muốn có...

Nguồn:Vietnamnet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Đại dịch cô đơn": Đây là cách chúng ta tự giam cầm mình trong chiếc lồng thời đại WiFi

    08/04/2020Trang LyChúng ta tự nhốt mình trong chiếc lồng KẾT NỐI đầy đủ với WiFi, Internet, Smartphone nhưng lại NGẮT KẾT NỐI với những con người bằng xương, bằng thịt...
  • Tại sao nước Mỹ khủng hoảng với đại dịch Covid-19

    31/03/2020Chi NguyễnTôi quyết định bài viết này cần được đăng để người Việt ở trong nước và thế giới hiểu sâu hơn về tình hình nước Mỹ; và điều gì chúng ta có thể học được (cho tới thời điểm này) để bảo vệ cho bản thân, gia đình, và cộng đồng trước đại dịch...
  • Sống chung với tin đồn thất thiệt thời dịch corona

    03/02/2020Dũng NguyễnCó thể nói, tin tức giả mạo và không đúng sự thật đang cản trở những nỗ lực về phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lan rộng thành đại dịch này...
  • Hãy lạc quan, bình tĩnh trước cơn đại dịch

    03/02/2020Bác sĩ Nguyễn Thanh SangNói gì chứ về dập dịch thì người Việt Nam mình đồng lòng lắm. Dịch SARS 17 năm trước, Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố dập dịch thành công.
  • Đại học đi về đâu?

    19/03/2010Cao Huy ThuầnĐại học bất cứ ở đâu đều chịu ảnh hưởng của những biến chuyển ấy và dù muốn dù không đều sẽ bị lôi cuốn theo chiều hướng ấy. Đại học Việt Nam e cũng sẽ thế mà thôi. Tuy nhiên, đại học, văn hóa của một nước, không dễ gì để đánh mất bản sắc quốc gia của mình. Văn hóa Việt Nam, nếu nói theo Khổng thì là trung dung, nếu nói theo Phật thì là trung đạo. Tôi hy vọng tinh thần đó sẽ hướng chúng ta trả lời câu hỏi chung đặt ra cho mọi đại học: đại học là gì ? Từ câu trả lời đó, ta sẽ biết đi về đâu vào thế kỷ mới.