Đọc sách self-help: đánh mất chính mình để thành người khác?
Cuộc tranh luận về sách self-help vẫn sôi nổi. "Đọc cũng không thay đổi được cuộc đời mình" "Không đọc thì thôi đừng nói ai đọc là nhảm"...Tuổi Trẻ Online xin tiếp tục trích đăng những ý kiến xoay quanh bài Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú” tác giả Đặng Hoàng Giang.
Mang hơi hướng của sự tuyệt đối, bài viết của tác giả Đặng Hoàng Giang “Sự khốn cùng của tư duy triệu phú” chứa trong đó sự phản biện sắc lạnh và hơi giễu cợt, là góc nhìn thú vị về loại sách self-help đang chiếm lĩnh thị trường.
Giả sử ứng dụng được những điều sách dạy làm giàu chia sẻ và nhờ đó trở nên giàu có, thì sự giàu có này có đem lại sự kính trọng không, đây là câu hỏi lớn nhất sau khi tôi đọc những quyển sách dạng self-help.
Hay bạn đã đánh mất nó từ khi cố thành một con người khác chứ chưa nói đến khi bạn kiếm được tiền?
Một ông chủ cửa hàng bách hóa xuất thân nghèo khổ bày tỏ suy nghĩ khi đã giàu có là “Tôi phát hiện ra lúc mình mới giàu chẳng ai coi ra gì, nhưng từ khi con tôi đậu vào trường danh tiếng và tôi chia sẻ sự giàu có của mình cho mọi người, tôi nhận về niềm vui và sự kính trọng”. Cả cuộc đời ông chưa từng đọc một cuốn sách dạy làm giàu nào. Điều ông cần là làm việc chăm chỉ, buôn bán thật thà và khéo léo chọn mặt hàng uy tín.
Vậy nếu không có những cuốn sách dạng này, cuộc sống có thay đổi gì không? Xin thưa, không!.
YouTube ngày nay không thiếu những video quay cảnh một diễn giả nổi tiếng nói về sự thành công của mình, và lý giải rằng đó là do họ đã bỏ gia đình, thú vui riêng qua một bên để chạy theo sự thành công.
Họ không nói về sự cô đơn mà dẫn ra con số thu nhập thú vị. Họ cũng không đề cập việc cha mẹ và các em đã mong ngóng họ trở về vào mỗi buổi tối thế nào và chỉ muốn họ ngồi ăn bữa cơm thay vì quẳng ra một cục tiền.
Có ai không cần tiền, nhưng từ bỏ tất cả để kiếm tiền lại là chuyện khác.
Đọc sách self-help đôi khi giống như đứng trong một lớp học của công ty đa cấp. Tôi từng cầm trên tay tờ giấy có dòng chữ “Tôi nhất định sẽ thành công!” và lặp lại cùng mọi người 5-6 lần, để sau đó tự thấy vẳng lại lời mình là tiếng mỉa mai xuất phát từ việc tự kỷ ám thị.
Nuông chiều giấc mơ của mình bằng cách bỏ thời giờ đọc cách trở nên khôn khéo, tư duy giỏi giang…rồi sau đó mọi sự đâu vào đấy - đó đúng là một kiểu ru ngủ nguy hiểm.
Nhiều người, là bạn tôi, đã đi theo những công ty ấy, đã làm theo những cuốn sách self-help ấy và trở thành những con người hoàn toàn xa lạ.
Họ giao tiếp hoàn hảo, thuyết phục rất hay, chỉ có điều họ không còn là người mà tôi tin tưởng nữa. Nếu không có kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh thì có đọc cả trăm cuốn sách dạy cách câu đồng loại mình như những con cá, cũng vậy thôi.
Cũng có loại sách về ngôn ngữ cơ thể dạy ta cách biểu lộ cảm xúc, lúc nào nên chắp tay hình tháp chuông tỏ ý lắng nghe, cả cách nhận biết thái độ và ý nghĩ thật sự của người đối diện…
Tôi nhớ mình từng rất hào hứng đọc quyển Cuốn sách hoàn hảo về ngôn ngữ cơ thể(Allan & Barbara Pease) rồi tìm dịp ứng dụng. Ngó nghiêng cô bạn thân, người thầy, cha mẹ, và cả ông bán báo gần nhà đến một lúc thì tôi nhận ra: Mình hoàn toàn không cần luyện tập trước những phản ứng tự nhiên, bản năng của đồng loại mình, “đọc vị” người khác để đánh mất đi cảm xúc chân thật.
Đọc để học người khác chứ để làm gì?! Cá nhân tôi đang là chủ, thi thoảng tôi vẫn đọc những quyển sách làm giàu. Để làm gì ư? Để học bài học của người khác, để có động lực khi tôi thực hiện thay đổi, để có thêm niềm tin, ... hoặc đâu đó biết được một vài thông tin hữu ích. Cuối cùng, người ta kiếm tiền dựa vào những gì mình làm, không phải những thứ mình biết. Đọc sách cũng chỉ giới hạn ở chữ biết thôi. Nhưng không đọc thì thôi đừng nói người ta nói nhảm. Chả lẽ dân học văn lại chê hết sách toán à. Ha's cafe |
Đọc Đắc nhân tâm tôi cũng cảm giác vậy. Thay vì thương yêu và sống thật thà một cách tự nhiên, thì tại sao phải gọi tên sự chân thành bằng những nguyên tắc?
Điều mà một cuốn sách có phẩm giá hướng tới là sự khai sáng và minh triết. Tôi sẽ không bao giờ gối đầu giường bằng những cuốn self-help để biến đời mình thành một trò chơi được sắp xếp. Và, người bán sách, với lợi nhuận đong đếm được sau mỗi “best seller”, mới chính là những gã đã vứt minh triết ngoài cửa sổ, cười trên giá trị và niềm tin của con người về lẽ sống, tình thương và sự giàu có trong tâm hồn.
NGUYỄN HOÀNG
* Đừng nói chi đến sách "Dạy làm giàu" mà đến một số bài viết "làm giàu" nhanh chóng nhờ bán trà chanh, trà đá... ven đường thu bạc chục triệu mỗi tháng hay nuôi trùn, nuôi dế, heo rừng, nhím, tắc kè... mà thành tỉ phú làm tôi phát cười rơi nước mắt! Dễ ăn quá?! Cái giàu nhờ "thời" ấy liệu tồn tại bao lâu trong thời buổi kinh tế hiện nay quá bấp bênh?! Nhiều người cả tin lao vào và kết quả là... bán nhà, trốn nợ sao không ai nói đến?
Năm An Nhứt
* Tôi là sinh viên tốt nghiệp được hai năm. Việc gì tôi cũng làm nhưng không phạm pháp, tiếp xúc với nhiều loại người, giới tính. Tôi thấy bao nhiêu đó còn chưa thấm thía là bao cái kinh nghiệm... thực tế của cuộc đời. Huống chi mấy cuốn sách dạy lý thuyết chết, cứng ngắc đầy mơ mộng. Thực tế là biển rộng, sách này chỉ là giọt nước nhỏ nhoi.
Trọng Tường
* Lý do sách seft-help "đắt khách" vì đánh trúng tâm lý của những người đang chán nản và tìm kiếm giá trị bản thân do chính bản ngã mình tạo ra qua tự kỉ ám thị. Điều nữa là họ muốn nhanh... giàu, có nhiều tiền với thời gian nhanh nhất và tốn ít công sức nhất. Tiết kiệm thời gian và sức lực không sai. Tuy nhiên, nó có thuận theo quy luật của tạo hóa không là một chuyện khác!
Tấn Đạt
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn