Qua truân chuyên tìm chút “hồn nhiên”

06:55 SA @ Thứ Sáu - 26 Tháng Bảy, 2019

Nổi tiếng, thành đạt trong nhiều lĩnh vực, tính tình thoải mái, vui vẻ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thu hút người đối diện bằng sự thân thiện, bằng ấn tượng về một người luôn may mắn. Nhưng để có chút “hồn nhiên” ở ngưỡng tuổi 70 ấy, anh đã trải qua không ít truân chuyên, mang hết tâm mình để hiểu người.

Viết văn chương là một cái nghiệp

Gọi anh là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì đúng nhưng không đủ vì anh còn là một nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà tư vấn tâm lý. Bây giờ anh thích danh xưng thế nào?

(cười) Cứ gọi Đỗ Hồng Ngọc là đủ rồi. Tên là do cha mẹ đặt cho mà! Đặt từ hồi còn trong bụng mẹ. Thời đó đâu có siêu âm như bây giờ để biết con trai con gái, nên con trai “đàng hoàng” như tôi mà có cái tên rất con gái đó thôi! Đến nỗi sau này các cháu tuổi mới lớn đọc báo Mực Tím thường viết cho tôi: “Con có điều này rất bí mật, không dám nói với ai, chỉ nói riêng với cô thôi…”. Rồi mấy ông sồn sồn đến nghe tôi nói chuyện cứ ngỡ sẽ được gặp một nữ bác sĩ trẻ đẹp, nào ngờ gặp một ông vừa già vừa xí…

Phải chăng anh chọn nghề y cho cuộc mưu sinh còn văn chương nghệ thuật chỉ để vun đắp cho tâm hồn? Hay là chỉ khi có vị trí trong khoa học rồi, anh mới tìm đến nghệ thuật để trả nợ cho đam mê thời trai trẻ?

Không! Với tôi, y là một “nghề” như các nghề khác, còn văn chương là một cái “nghiệp”. Tôi viết văn, làm thơ... từ hồi còn nhỏ, còn học trung học. Thuở mười tám đôi mươi đã có thơ văn trên Bách Khoa, Mai... ở Sài Gòn. Cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ là thầy thuốc đó chứ. Họ đều đã bị cái “nghiệp” nó “báo” như vậy, không phải cứ muốn hay không muốn mà được. Tsekhov, Lỗ Tấn, Cronin, Som- merset Maugham… vốn là những thầy thuốc. Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng là một bác sĩ đó thôi...

Với anh, y khoa làm cảm hứng cho nghệ thuật hay nghệ thuật trợ giúp cho y học phát huy tác dụng?

Nó bổ sung cho nhau rất tốt đó chứ! Nhờ có tâm hồn nghệ thuật mà hành nghề y dễ thành công hơn, nhờ biết quan tâm đến nỗi đau và nỗi khổ của con người mà nhìn con người một cách toàn diện hơn trong môi trường sống của họ. Y khoa vốn là một khoa học mà cũng là một nghệ thuật. Rồi hành nghề y nhiều năm sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, thấy được nhiều cảnh đời, có thể trở thành chất liệu quý cho văn chương… Vừa là bác sĩ chữa bệnh lại là bác sĩ tâm lý và luôn có những biện pháp để “nhẹ hóa” những ngột ngạt thăng trầm cho nhiều lứa tuổi. Đời thường, đã bao giờ anh thấy bế tắc? Lúc đó anh hành xử thế nào?

Sao lại nói là “nhẹ hóa” ở đây? Tôi không tin người ta có thể làm “nhẹ hóa” được, trái lại người ta dễ làm trầm trọng hóa mà thôi! Vấn đề ở đây là thái độ, là cách nhìn, là lối sống. Tôi tiếp cận với độc giả từng lứa tuổi không qua lý thuyết suông mà qua sự trải nghiệm, thể nghiệm của bản thân mình. Nhờ đó khi đọc bài của tôi, người đọc cảm thấy được chia sẻ. Cho nên nó gần gũi, thân tình hơn. Tôi hoàn toàn không có khả năng viết tiểu thuyết, tạo ra những tình huống hư cấu, éo le...

Anh có bí quyết nào để hài hòa những khác biệt về tuổi tác với các lớp độc giả khác nhau?

Có lẽ nhờ khi viết, tôi không nghĩ mình là bác sĩ đang nói với bệnh nhân mà như một người thân nói với một người thân trong gia đình. Sự tôn trọng và thấu cảm ở đây rất quan trọng. Khi viết cho các em, tôi luôn tưởng tượng đang có các em ngồi trước mặt mình, đang trực tiếp trò chuyện với mình, và để hiểu các em tôi nhớ lại cái hồi còn nhỏ của tôi đã băn khoăn thắc mắc khổ sở ra sao. Khi viết cho các bà mẹ, thì lúc đó tôi đã có mấy nhóc trong nhà rồi, đã trải nghiệm những nỗi khó khăn, vất vả nên cũng dễ dàng chia sẻ. Còn khi bước qua tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, tôi mới viết “Gió heo may đã về”, rồi già hơn chút nữa thì mới dám viết “Già ơi... chào bạn!”. Đó là những cảm xúc, những trải nghiệm của tôi. Vậy thôi. Không có màu mè, văn chương chữ nghĩa gì ở đây!

Sống: Tôi đang sống với bốn người đàn bà

Chân dung

Thầy thuốc ưu tú Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại La Gi, Hàm Tân, Bình Thuận.

  • Nguyên bác sĩ Khoa nhi, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Tp.HCM.
  • Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM.
  • Từ năm 1960, anh là hội viên Hội nhà văn T.PHCM với bút danh Đỗ Nghê.

Một số tác phẩm đã xuất bản:

  • Thơ: Thơ Đỗ Nghê, Giữa hoàng hôn xưa...
  • Sách cho tuổi mới lớn: Bác sĩ và những câu hỏi tuổi mới lớn, Khi người ta lớn…
  • Sách cho các bà mẹ: Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc...
  • Sách cho tuổi chớm già và già: Gió heo may đã về, Già ơi... chào bạn, Cành mai sân trước...
  • Tạp văn cho những người trẻ: Thư gửi người bận rộn, Người trẻ lạ lùng.
  • Nghiên cứu Phật giáo: Nghĩ từ trái tim, Như thị, Gươm báu trao tay...

Hiện nay anh viết bài cho nhiều báo và tạp chí.

“Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho người ta thú vị”, đó lời nhận xét của dịch giả Nguyễn Hiến Lê viết về bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Xin anh chia sẻ đôi điều về cuộc sống gia đình hiện tại?

Hiện nay, các con của tôi đều đã… ra riêng. Nay tôi đang chung sống với bốn người “đàn bà” thân thiết. Đó là mẹ tôi, đã ngoài 90, vợ tôi hơn 60, con gái út 30 và cháu nội gái mới hơn 3 tuổi. Tứ đại đồng đường mà!

Có lúc nào anh “được” nghe vợ và con kêu thiếu vắng vai trò của anh trong một số việc gia đình?

Sao không!? Đâu có gì toàn vẹn được Tôi bị “kêu ca” luôn đó chứ! Lúc còn làm trưởng khoa cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, tôi cứ suốt ngày sống với bệnh nhi trong bệnh viện, quên ăn, quên ngủ cùng các đồng nghiệp. Có lần tôi bị loét dạ dày, chảy máu bao tử phải đi cấp cứu. Sau này khi về phụ trách Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe, tôi cũng bị một vố bệnh nặng - tai biến mạch máu não- lại phải đi mổ cấp cứu đó chứ. Tôi thường dễ say mê công việc quá mà quên chuyện nhà. Có điều mọi người quen dần đi và đành chấp nhận vậy.

Ai là người đóng góp lớn nhất đến sự thành công của anh?

Tôi mồ côi cha lúc mới 12 tuổi. Về sống với cô tôi ở trong một ngôi chùa nhỏ ở Phan Thiết. Mẹ tôi buôn gánh bán bưng nuôi đàn con. Cậu tôi - nhà văn Nguyễn Ngu Í - dẫn tôi đi học. Tôi có nhiều thầy lắm. Có những vị thầy trực tiếp, thầy gián tiếp, thầy xưa, thầy nay. Lúc nào cũng thấy cần học... Với Nguyễn Hiến Lê, tôi học viết; với Nguyễn Khắc Viện tôi học thở, rồi với Lâm Ngữ Đường, André Maurois... và đức Phật... ai cũng là thầy tôi cả.

Ngày xưa anh đi học thế nào?

Tôi tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn, năm 1969, đã 40 năm rồi còn gì! Thời tôi, ở Sài Gòn, y khoa phải học 7 năm (sau khi có Tú tài II), ra trường với học vị tiến sĩ y khoa quốc gia. Thi vào cũng khó, đậu chừng 10% và thi cũng lạ: đó là ngoài các môn lý, hóa, sinh, sinh ngữ còn có 20 câu hỏi về kiến thức tổng quát. Tôi còn nhớ những câu hỏi như ông tổ nghề y thế giới tên gì? ông tổ nghề y Việt Nam tên gì? Thời Tam quốc, thời Đông chu liệt quốc ai là thầy thuốc nổi tiếng? Rồi còn hỏi giá gạo trên thị trường bao nhiêu một ký? Giá than bao nhiêu một ký?”. Ấy là vì người ta muốn biết người bác sĩ tương lai có quan tâm đến đời sống xã hội không, có văn hóa rộng không?

Về lớp học trò của mình, những người kế tiếp con đường y nghiệp, anh kỳ vọng gì và chưa hài lòng gì ở họ?

Tôi luôn tin tưởng ở thế hệ trẻ, đàn em, học trò mình. Họ giỏi chứ, lại có cơ hội học tập hơn xưa. Công nghệ thông tin cho phép họ tiếp cận dễ dàng với những kiến thức mới. Còn chuyện y đức của người thầy thuốc hôm nay - đang bị xã hội ca thán - thì không phải lỗi ở họ.

Hưu: Chấp nhận và tùy thuận

Từ khi về hưu, anh dành khá nhiều thời gian cho văn chương nghệ thuật, còn mối quan tâm đến nghề y, đến y học nước nhà thì sao?

Tôi vẫn còn phụ trách Bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, vẫn tiếp tục giảng dạy về Y đức; về Quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân; về Chăm sóc sức khỏe ban đầu; Giáo dục sức khỏe và Nâng cao sức khỏe... Tôi vẫn rất quan tâm đến ngành y của mình đó chứ. Tình hình bệnh tật ngày càng gia tăng, bệnh viện mở thêm liên tục mà vẫn không đủ chỗ chứa, tại sao? Bây giờ y tế nặng về điều trị, về kỹ thuật cao, chuyên sâu mà nhẹ về dự phòng, trong đào tạo thì còn nhiều bất cập. Rồi những vấn đề như công bằng trong y tế bảo hiểm y tế, mạng lưới cơ sở, chế độ chính sách...

Không ai tránh được những thay đổi theo quy luật tự nhiên, nhưng tuổi xế chiều chắc hẳn với anh là rất nhẹ nhàng? Anh có lời khuyên gì với những người ở tuổi anh nhưng không chuyên môn y khoa và tâm lý như anh?

Không “nhẹ nhàng” cũng không được! Ở miền Nam có cụm từ “sống chung với lũ”, bởi vì khi lũ rút đi, thì Đồng bằng sông Cửu Long đầy phù sa, đầy tôm cá, lúa gạo… Phải học “chấp nhận” và “tùy thuận” vậy. Không phải cứ có chuyên môn y khoa và tâm lý thì người ta mới dễ chấp nhận đâu. Tùy mỗi người và tùy cách chọn lựa sao cho phù hợp với mình.

Bây giờ anh còn nghiên cứu Phật học. Có phải vì đến tuổi “gió heo may” mới thấm? Anh thấy kinh sách có tác dụng thế nào đến sức khỏe, tinh thần?

Trong thời gian nằm dưỡng bệnh sau khi mổ tai biến mạch máu não- cách đây cũng đã hơn mười năm-tôi dành nhiều thì giờ nghiền ngẫm những lời Phật dạy để đưa vào cuộc sống, cải thiện sức khỏe của mình. Là nhà khoa học, tôi không mê tín dị đoan. Phải thực nghiệm và thể nghiệm mới có được sự tự tin. Và từ đó, tôi nghĩ có thể chia sẻ với những bạn bè “đồng bệnh tương lân”. Đó chính là lúc tôi viết cuốn “Nghĩ từ trái tim” về Tâm kinh bát nhã và sau này viết thêm “Gươm báu trao tay” về Kim Cang bát nhã.

Theo tôi, đây thực chất là một khoa học, khoa học của đời sống, cả thể chất lẫn tinh thần, rất đáng được quan tâm trong thời đại đầy căng thẳng, bất trắc, khủng hoảng ngày nay. Bài học “thiểu dục, tri túc” chẳng hạn, thời nào cũng cần thiết!

Có duyên và thành công ở nhiều lĩnh vực như thế, anh thấy điều gì ý nghĩa nhất với mình?

Đó là hạnh phúc. Chia phúc là nhân lên hạnh phúc. Người ta hỏi Phật vậy chia sẻ cái “phước” cho nhiều người thì phước đó có bớt đi không? Phật mỉm cười bảo: “Như lửa ở một ngọn đuốc, hàng trăm hàng ngàn người đến lấy lửa từ ngọn đuốc đó để soi sáng, để nấu ăn, thì lửa nơi ngọn đuốc kia vẫn y như cũ!”

Anh vẫn tham gia viết bài cho nhiều tạp chí, sáng tác, viết sách, làm thơ, vẽ tranh. Vậy anh dành thời gian thế nào cho những lúc đi bộ, các môn thể thao, các thú chơi tao nhã của ngưỡng tuổi 70?

Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp nên chỉ viết khi có hứng. Khi có hứng thì viết ào ào rồi để đó đợi năm ba ngày cho nó “hoài” đi đã rồi mới chỉnh sửa lại. Sáng “ngồi thiền” một chút, tập thể dục một chút, đi bộ một chút thế thôi. Tôi mê đá banh (chỉ xem mà không biết chơi!). Không rượu, không thuốc lá, nhưng hơi nghiền… trà và cà phê. Sống đạm bạc. Ghét kiểu cách. Thích ngồi với bạn bè bên ly cà phê ở bờ sông, bờ hồ, công viên, dưới những tàng cây…

Anh nghĩ thế nào về tình bạn, những cuộc gặp gỡ bạn bè nhất là khi tuổi về chiều?

Chưa lúc nào người ta cần tình bạn như lúc tuổi đã về chiều. Nhiều người cao tuổi ưa tìm lại những người bạn cũ thuở thiếu thời của mình cũng vì thế. Tình bạn qua thời gian lại càng được chắt lọc hơn, càng được thăng hoa...

Sự “đa năng” khiến cuộc sống thú vị, thoải mái nhẹ nhàng. Điều đó được quyết định bởi thiên bẩm hay nhờ rèn luyện?

Có lẽ cả hai! Nhiều người bảo tôi sống có vẻ “hồn nhiên” quá! Cái đó có lẽ do bản chất nó vậy, không thay đổi được. Nhưng rõ ràng cũng do tích lũy kinh nghiệm sống, do rèn tập nữa. Cũng phải trải qua nhiều nỗi truân chuyên rồi dần dần mới có thể tìm được chút “hồn nhiên” nào đó chứ phải không?

Và anh có kế hoạch gì mới muốn chia sẻ với mọi người. Liệu có thêm một “danh xưng” mới nào về Đỗ Hồng Ngọc?

Một người bạn trẻ mới đây tình nguyện làm giúp tôi một trang web: http://www.dohongngoc.com/. Tôi thấy cũng “có lý”, mình càng già càng ít đi lại, nhưng nhờ Internet mà nối kết được bạn bè, cũng chẳng khoái ru? Chỉ sợ lại đâm ra “nghiền” mà trở thành người bận rộn!

Chúc anh “kết nối” nhiều hơn với bạn bè qua Internet!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: "Biết tự tại để sống hạnh phúc"

    13/05/2018Nhật Lệ (thực hiện)Không chỉ giỏi chữa bệnh, viết sách, làm thơ, vẽ tranh, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn được biết đến như một nhà tâm lý tài tình, hóm hỉnh... Những cuốn sách của ông gần như là những tạp bút ý vị, giàu tính triết lý mà dí dỏm, đầy tính nhân văn
  • Nghệ thuật sống hay sống nghệ thuật?

    14/12/2017Thảo HươngTrong cuộc sống hàng ngày, việc cư xử với nhau sao cho khéo léo, tế nhị là rất cần thiết. Tuy nhiên, có những người lại “cư xử” quá khéo léo , đến mức trở thành “nghệ thuật”.
  • "Sống là dâng hiến"

    06/05/2017Hồng TháiTập thơ nổi tiếng một thời “Cửa mở” của ông thì có thể đóng thành tập. Nhưng chất xám và tình dâng hiến đã biến thành cuộc sống hữu ích kia rồi. Đó là gì nếu không phải là lẽ sống của Việt Phương, của những người thế hệ ông đã miệt mài hy sinh cho thế hệ sau!
  • Triết lý sống

    08/02/2009Nguyễn Tất ThịnhTriết lý: là những điều được rút tỉa bởi trải nghiệm, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi trên cơ sở nhìn nhận điều gì là (nguồn cội tâm thế/ giá trị tinh thần/ sức mạnh ứng xử) được phát biểu ngắn gọn, xúc tích...
  • Hãy quay về nương tựa chính mình

    25/01/2009BS Đỗ Hồng NgọcNói đến thiền là nói đến hơi thở. Rõ ràng hơi thở là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Âu Mỹ mới đi sâu nghiên cứu về thiền chừng khoảng nửa thế kỷ nay và những năm gần đây, thiền đã chính thức được coi như là một phương pháp trị liệu...
  • Nghĩ từ trái tim

    23/02/2008Bác sĩ Đỗ Hồng NgọcTrái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được. Thời đại của chúng ta, con người dùng khối óc nhiều quá, nhiều đến nỗi người ta luôn ở trong tình trạng muốn "điên cái đầu"...
  • Hạnh phúc rất đơn sơ…

    01/01/1900BS. Đỗ Hồng NgọcBuổi sáng, mở tờ báo, mọi người chưng hửng, rồi tủm tỉm cười: Việt Nam mình hạnh phúc nhất Châu Á, xếp thứ 12 trên thế giới. Trong khi đó, Singapore - một "thần tượng” của mình lâu nay lại đứng hạng bét Châu Á và hạng thứ 131 của thế giới! Mỹ còn tệ hơn, hạng 150, rồi Anh 109, Pháp 129, Nhật 95 và Đức 85...Ai đó lên tiếng bên tách cà phê sáng vỉa hè Sài Gòn, giữa những ngày bão rớt, với dồn dập những tin động đất, lũ lụt, sóng thần, núi lửa, dịch bệnh, chiến tranh...
  • Sống có ích là gì?

    07/07/2006Bùi ThanhCuộc đời mỗi người dường như đều bắt đầu bằng những câu hỏi. Có câu hỏi đưa người ta đi đến những con đường, có câu hỏi chỉ dẫn người ta vào vũng lầy tăm tối...
  • xem toàn bộ