Định nghĩa của thiên thu

02:16 CH @ Thứ Bảy - 26 Tháng Chín, 2009

Có tới trên dưới 20% dân số Việt Nam từng có dấu hiệu của các chứng tâm thần ở một lúc nào đó trong đời. Và chứng trầm cảm thì là chuyện thường ngày. Có điều người Việt không, hay chưa, có thói quen và nhu cầu chữa trị với bác sĩ tâm thần. Nhiều người lại đi tìm thầy về làm lễ cúng.

Một anh bạn tôi đề nghị đừng đi gặp bác sĩ hay uống thuốc an thần. Theo kinh nghiệm của anh, cách hay hơn cả là vào nghĩa trang, đọc những lời khắc trên bia mộ, thắp vài nén hương cho những người quen, và cả những người không quen, thì sẽ thấy những nỗi khổ hiện thời cũng giống như nỗi khổ của một đứa bé loay hoay mãi mà không xây được ngôi nhà bằng cát theo đúng ý mình. Chẳng có gì đáng phải mất ngủ. Tỉnh dậy, có khi chỉ muốn nằm lại nơi quạnh hiu nhưng mát mẻ ấy, mãi mãi.

Tôi nghĩ bạn cũng có khi gặp những kinh nghiệm như vậy, nhất là khi gặp phải khó khăn, bế tắc trong đời sống hàng ngày, hoặc có khi không vì lý do nào cả. Vậy mà chúng ta chỉ muốn nằm xuống, muốn rũ bỏ tất cả những khúc mắc, hệ luỵ trên đời này. Rũ sạch nợ đời. Một lần, cho xong, cho khoẻ.

Tuy nhiên, thật là sai lầm khi nghĩ rằng chết là hết chuyện. Không dễ vậy đâu. Nếu không nằm vừa một quan tài cho xuống mộ huyệt trang trọng thì cho tôi khiêm tốn nằm trong một cái lọ bằng nắm tay sau khi hoả thiêu cũng là toại nguyện rồi. Hay lãng mạn thì hãy mang cái-lọ-từng-là-tôi ném ra biển. Trong trường hợp biển ở xa thì ném ra suối, ra sông vậy, cũng đẹp lòng.

Thật ra, chẳng mấy ai muốn người thân yêu của mình chết mất xác. Nghĩa tử là nghĩa tận, thuở xưa con vượn người đã cố cào cho được cái huyệt sơ sài rồi nhặt đá vùi xác đồng loại cho tươm tất. Trừ những hoàn cảnh quá khắc nghiệt, không có đất để chôn, thì người ta đành phải bó xác người qua đời lại rồi neo xuống nước theo kiểu thuỷ táng cho qua mùa nước nổi, như nhà văn Sơn Nam tả trong một truyện ngắn mà sau này đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh dựng lại trong phim Mùa len trâu. Hay vì lý do tập tục, tôn giáo mà người ta mang xác người thân lên núi phơi làm thức ăn cho chim trời theo kiểu điểu táng ở vùng sơn cước Tây Tạng. Phải làm mồ yên mả đẹp để còn giỗ tết khói hương thì người sống mới yên lòng, và nhất là tránh được cảnh: Tìm nhau như goá phụ tìm mộ bia…(*).

Người ta còn tin rằng kẻ nào chăm lo mộ phần cha ông sẽ ăn nên làm ra, phát tài lộc. Các thầy địa lý dạy rằng: Nếu người chết được chôn vào “long mạch” thì con cháu sau này sẽ làm vua chúa, không được long mạch thì cũng phải trông nhắm hướng, nhắm thế đất, mà chôn. Dã sử kể rằng: Một người Tàu mang hài cốt cha mình sang Việt Nam tìm long mạch. Ông ta tìm thấy long mạch ở đáy sông. Ông nhờ một cậu chăn trâu lặn xuống bỏ gói hài cốt vào đó. Cậu bé khôn ngoan, đánh tráo gói hài cốt, bỏ vào long mạch nắm xương tàn của cha mình. Về sau, cậu dẹp yên loạn mười hai sứ quân làm nên nghiệp lớn…

Có lẽ ta cũng sai lầm khi nghĩ sự chết là “nơi yên nghỉ đời đời”. Không đơn giản vậy đâu. Ngày nay có khi hồn không còn, nhưng xác vẫn phải tranh đấu với những kẻ lấn đất. Dĩ nhiên trong cuộc chiến này người chết luôn là những kẻ thiệt thòi, và nắm phần thất bại. Chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy, hay nghe kể người ta bắt gặp mồ mả trong khuôn viên các công ty, xí nghiệp, hay dưới nền nhà tư nhân. Nếu chưa thì một hôm nào có dịp đi ngang qua các nghĩa trang, ghé vào dăm phút, bạn sẽ thấy cuộc tương tranh dai dẳng nhưng khốc liệt giữa người sống và người chết.

Ngược lại, có lần đi ngang khu nghĩa trang tư nhân ở huyện Bình Chánh, tôi thấy một tấm bảng ghi: “Cấm chôn lén nơi này”. Tấm bảng cảnh cáo tiết lộ cho chúng ta biết ở đây có những cuộc chôn cất lén lút xảy ra, người chết lấn đất người chết, và người sống phải lên tiếng.

Có lần, trong bữa nhậu ở nơi trước kia là một nghĩa trang, bất giác tôi cố gắng xua đuổi ý nghĩ rằng ngay dưới chỗ mình đang ngồi, từng có những bộ xương xám đen mục rữa, những bộ xương đã từng là con người. Tôi nói ra ý nghĩ này, thì anh bạn chủ nhà lè nhè: “Vớ vẩn, mày có biết đất ở đây bây giờ một thước vuông giá bao nhiêu cây vàng không?”. Tất nhiên là tôi không biết chính xác một thước vuông bao nhiêu cây vàng, cũng như làm sao biết được có bao nhiêu vong hồn đang vất vơ trong buổi trưa đó. Các nhà văn có khi cho rằng nghĩa trang là “thành phố của yên lặng”. Nghĩa trang ngày nay không yên lặng đâu. Bạn thử vào nghĩa trang vào ban đêm xem, sẽ nghe tiếng thì thầm than thở tình duyên trắc trở, tiếng cười rúc rích âu yếm, tiếng xe máy rú nổ, tiếng cầu xin người khuất mặt đôi điều may mắn. Người ta đang tâm tình, đang toan tính, đang chia chác... Và dân đánh đề đang tổ chức cầu cơ, hay lên đồng, để xin các cô các cậu một con số cơ may đổi đời. Nhịp đời ở nơi âm dương chạm mạch này rất sôi động, bí ẩn và hấp dẫn.

Vậy nghĩa trang là gì? Tôi tra Từ điển tiếng Việt của viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên: Nghĩa trang: Nghĩa địa. Tôi lại tra tiếp. Nghĩa địa: Khu đất chung làm nơi chôn người chết. Có vẻ các định nghĩa khá đơn giản và chưa ổn, cần cập nhật cho thích hợp với cuộc sống hiện đại. Tôi rón rén đề nghị bổ sung: là nơi an nghỉ nghìn thu của người chết, chốn ăn nằm tạm thời hay vĩnh viễn của người sống, nơi hẹn hò tình tự của người đang yêu, nơi tiêm chích ma tuý của kẻ nghiện, nơi cầu cơ cầu hồn của kẻ mê đề, và mai đây, có khi là nơi mỗi mét vuông trị giá đến mấy cây vàng của người khôn ngoan nhìn xa trông rộng; tiếc thay, kẻ ấy chẳng là tôi.

(*)Ca từ của Phạm Duy

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về cái thời chúng ta đang sống

    14/07/2017Phong LêCái thời ấy thế mà cũng đã hơn 20 năm, trong tên gọi Đổi mới. Dài hơn hai lần chống Pháp. Dài hơn hai lần cả nước chống Mỹ. Hơn hai thập niên đất nước chia cắt... Những thời ấy, có lúc là ngàn cân treo sợi tóc - nhưng cả dân tộc cùng chung lo, cùng chịu đựng, cùng nhất tề xông lên, nhất tề đồng khởi... Còn bây giờ - là trăm mối lo toan. Mỗi biến động lớn nhỏ của đời diễn ra ở quanh ta, hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới là trực tiếp đến với từng ngôi nhà, từng căn hộ, từng cá nhân riêng lẻ. Không bom đạn trên đầu, mà bối rối trong óc và bồn chồn trong lòng. Một cuộc sống sôi sục, cựa quậy trong những chuyển đổi.
  • Con tàu cuộc đời

    14/03/2016Bùi Quang MinhGiữa hai bờ sinh tử ta sinh ra trên đời. Đời ta bắt đầu khi Con Tàu cập bến, đón ta lên. Tinh thần ta cùng giá đỡ thân thể lúc vừa chào đời, nhẹ bước lên chuyến hành trình định mệnh. Đời ta kết thúc khi thân thể nhẹ bước đưa tinh thần ta rời con tàu như một tất yếu định sẵn, không đáng sợ hãi...
  • Người lắng âm vọng nhân sinh

    01/04/2014Trân KhanhTận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị, không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX...
  • Siêu hình tình yêu - Siêu hình sự chết

    22/09/2009Arthur SchopenhauerSchopenhauer thường hay nói: "Tôi không phải là ông thánh". Và lời tuyên bố này chả có gì là tự hạ. Sự mâu thuẫn giữa nhân cách và tác phẩm do đó được bù đắp bằng sự hòa hợp giữa tác phẩm với đặc tính tri thức của tác giả, với đường nét của thiên tài của ông. Và, đối với Schopenhauer, sự hòa hợp này là điều thiết yếu, vì theo ông, nhân cách tri thức, chứ không phải nhân cách đạo đức, tạo ra con người hơn người.
  • Buổi hoàng hôn của những thần tượng

    18/02/2009Friedrich NietzscheCuốn sách là một trong những di chúc triết học Nietzsche để lại cho hậu thế. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này với những ai đang vấp phải những trở ngại trên con đường tìm lại chính mình, để “trở thành chủ nhân cho hạnh phúc và bất hạnh của chính mình” như lời Nietzsche nói...
  • Con đường đến vô cùng

    28/12/2008Linh LinhKhông phải đường quốc lộ mà là đường đời, cuộc sống của chúng ta. Chính vì thế nên ai cũng muốn con đường trần gian của tranh kéo mãi đến vô cùng, càng dài càng tốt, nhưng mọi cố gắng vẫn vô vọng...
  • Cái chết là sự sáng tạo của sự sống?

    28/07/2007Hồng Hiệp (theo Economic Times)Có thể tìm thấy động lực sáng tạo trong mối quan hệ giữa sự sống và cái chết. Trong đó, giá trị tinh thần cao cả nhất của cuộc sống có thể bắt nguồn từ những ý nghĩ và nghiên cứu về cái chết...
  • xem toàn bộ