Đằng sau sự vắng dần bữa cơm gia đình
Trên Google+, một bậc phụ huynh thuật lại câu chuyện có lẽ cũng là nỗi ưu tư của không ít người nhưng lại thường bị khỏa lấp, lãng quên trong cuộc vật lộn hàng ngày để mưu sinh hoặc do mải miết chạy theo công việc, chạy theo sự thành đạt hay làm giàu...
“Chiều nay con gái, học lớp 5, kể: “Lớp con học về chủ đề hạnh phúc. Cô hỏi bạn nào thường xuyên ăn cơm tối cả gia đình có đầy đủ ba mẹ, anh/chị em? Chỉ có 3 bạn trong 38 bạn giơ tay”. Rồi con kể tiếp, cô đưa ra 4 lựa chọn để các em xem điều gì là hạnh phúc, gồm: a. Giàu có, b. Con cái học giỏi, c. Mọi người sống hòa thuận, d. Bố mẹ có chức vụ cao. Con cho biết cả lớp các bạn đều chọn a, b và d, rất ít người chọn c.
Những thông tin này dù chỉ trong một lớp học, ở một trường, trong một quận, của một thành phố nhưng cũng đáng suy ngẫm và giật mình. Bản thân cũng phải xem lại mình mà điều chỉnh. Một thực tế nữa là có nhiều học sinh hầu như không có những buổi cơm gia đình trong những ngày thường. Sáng ba mẹ vội vã cho ăn đâu đó ngoài đường hoặc căng tin trường, trưa ăn ở trường, chiều tạt ngang ăn đỡ cái gì đó để còn đi học thêm, tối mịt về nhà có khi chỉ ăn một mình.
Một bữa cơm gia đình, một khoảng thời gian đưa đón con đến trường/về nhà, một ít thời gian đọc sách cho con ngủ, một đôi điều tâm sự với con trước khi ngủ... tất cả những điều này giá trị biết bao nhiêu nhưng dễ bị sao nhãng, quên lãng trong cuộc sống đầy bận rộn này. Loay hoay, tất bật với những điều này, trong một cuộc sống như vậy, cuối cùng để làm gì?” (Ngan Nguyen Tran).
Những thở than và âu lo ấy không phải mới xuất hiện. Và “cuối cùng để làm gì” thì người ta cũng không biết nữa. Đó là câu hỏi không dễ trả lời khi người ta ở giữa vòng xoáy lo toan, lo cho cuộc sống, lo cho tương lai, và thậm chí ngay cả lo cho chính đứa con đang không có bữa cơm gia đình. Đó là sự câu thúc của cuộc sống hôm nay, nhất là ở các đô thị.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu thì “bữa ăn gia đình chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau, là nơi các thành viên gia đình chia sẻ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Mỗi thành viên gia đình là một người riêng lẻ, họ có thế giới riêng nhưng thế giới riêng đó nếu không có sự kết nối với nhau thì họ sẽ như những người xa lạ ngoài xã hội. Từ đó dẫn đến chuyện họ là những người sống chung một ngôi nhà chứ không phải là một gia đình. Nếu không có bữa cơm, ít thấu hiểu nhau, dây liên kết lỏng ra, dễ bị đứt”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục thành phố Hà Nội, thì cho rằng “bữa cơm gia đình là hình ảnh biểu trưng của hơi ấm gia đình, là nơi để chia sẻ chứ không phải đơn thuần là chúng ta ngồi ăn với nhau một bữa cơm. Nếu cứ suốt ngày đi rồi tối ai về phòng nấy thì chỉ là duy trì sự tồn tại của gia đình chứ không phải xây dựng một gia đình theo đúng nghĩa”.
Nói bữa cơm gia đình thực ra không chỉ là nói về bữa cơm. Đằng sau sự thưa hiếm dần, thậm chí sự thiếu vắng hẳn bữa cơm gia đình là sự chăng kéo của các lực hút khác nhau đối với từng thành viên trong gia đình, là sự rạn vỡ của gia đình - tế bào của xã hội, một thiết chế thiết yếu cho sự ổn định xã hội và trao truyền đạo đức xã hội - dưới áp lực của cuộc sống hiện đại và do sự yếu kém của những thiết chế khác như nhà trường, hệ thống công quyền, luật pháp và xã hội công dân.
Nhưng trước hết, đó là sự thay đổi trong quan niệm về thang giá trị trong xã hội mà ngay chính những trẻ em mới học lớp 5 cũng bị ảnh hưởng. Như trong câu chuyện của Ngan Nguyen Tran kể lại, đa số học sinh trong lớp đã chọn hạnh phúc là giàu có, học giỏi và bố mẹ có chức vụ cao; rất ít em chọn gia đình hòa thuận là hạnh phúc. Đó thực ra là sự phản ánh, sự phóng chiếu quan niệm, mong muốn, hy vọng của người lớn vào các em.
Chẳng trách được từ đó sẽ nảy sinh ra những người trẻ tìm mọi cách để có tiền, kể cả giết người không ghê tay như Lê Văn Luyện, như những kẻ lừa bán và giết người yêu, giết ông bà, anh em để cướp của hòng thỏa mãn nhu cầu vật chất của mình. Chính sự thay đổi trong thang giá trị của xã hội, bên cạnh áp lực của cuộc sống hiện đại và cuộc mưu sinh, là đòn trí mạng đánh vào gia đình, giá trị của gia đình và mối dây liên kết giữa các thành viên.
Trong bối cảnh đó, sự yếu kém của nền giáo dục trong việc dạy làm người, sự kém hiệu quả của hệ thống công quyền và luật pháp trong việc ngăn ngừa bạo lực và những tội phạm liên quan đến gia đình càng làm cho những khó khăn mà thiết chế gia đình gặp phải trở nên trầm trọng hơn. Còn lại xã hội công dân - mà lịch sử đã từng cho thấy vai trò của nó trong việc bảo vệ các giá trị được xã hội thừa nhận, mỗi khi xã hội rơi vào cảnh nhiễu nhương - lẽ ra đã có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đề cao và gìn giữ giềng mối gia đình cũng như những giá trị xã hội khác nhưng đã gặp phải nhiều hạn chế.
Bảo sao đa số học sinh lớp 5, lứa tuổi cần biết bao tình yêu gia đình để lớn lên thành người, đã không chọn câu c - mọi người trong gia đình sống hòa thuận là điều hạnh phúc.
Vậy lối ra là ở đâu? Chờ cho cuộc cải cách giáo dục đi đến đích? Chờ hệ thống công quyền và bảo vệ luật pháp cải thiện hiệu quả hoạt động? Chờ thì cứ chờ, nhưng trong khi chờ, xã hội không thể ngồi im mà không làm gì để tự cứu lấy mình. Từng cá nhân, từng gia đình, từng nhóm xã hội cần và có thể đốt lên một que diêm, nhen lên một ngọn lửa nhằm cứu lấy những giá trị của gia đình, của cộng đồng, của xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn