Đáng lo... môi trường xã hội

06:27 CH @ Thứ Năm - 21 Tháng Hai, 2019

Đó là sự trăn trở, đau xót, tiếc nuối, phẫn nộ... và đáng lo của nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình (ảnh) trong cuộc trao đổi với Báo Văn Hóa xung quanh vụ án giết nữ sinh đi giao gà ở Điện Biên...

.
“Những kẻ thủ ác đã bị bắt, vụ án dần được đưa ra ánh sáng nhưng tôi vẫn thấy day dứt, trong đầu óc luôn hiển hiện 2 từ “giá như”...”, ông Bình nói. “Giá như hôm đó cháu D đừng đi giao gà, giá như cháu nghi ngờ khi người lạ là nam giới, lại yêu cầu giao hàng vào buổi tối, giá như các cơ quan chức năng “nhanh tay” hơn nữa để tìm ra cháu trước thời điểm những kẻ ác ra tay tàn độc... Thế nhưng những điều “giá như” đó đã không xảy ra và cháu D đã mất mạng một cách tức tưởi. Đành rằng những kẻ thủ ác rồi đây phải đền tội trước pháp luật, nhưng không gì có thể bù đắp được sự mất mát lớn lao này của gia đình cháu, không ai có thể đem cháu lại cuộc sống này...

Trước tiên đây là một vụ án giết người man rợ, có âm mưu, có kế hoạch tỉ mỉ từ trước, kể cả kế hoạch đối phó với cơ quan công an khi vụ việc bị bại lộ, không phải là một vụ việc xảy ra khi đối tượng phạm tội trong trạng thái kích động... Tôi đánh giá theo một hướng khác là có lẽ lúc đầu những đối tượng này có kế hoạch bắt cóc cô bé chỉ để hiếp dâm, nhưng dần tới một giai đoạn mà những kẻ thủ ác buộc phải giết người. Đúng như nhận định của cơ quan chức năng là cô bé bị giết vào ngày mùng 2 Tết. Trong thời gian trước đó, với nhiều kỹ thuật hiện đại về định vị, xác định chủ số điện thoại, với những nguồn tin quý giá từ nhân dân, tôi tin rằng nếu cố gắng thì các cơ quan chức năng còn làm được hơn thế. Giá như trong khoảng thời gian đó, mọi người tìm thấy cô bé thì có thể ngăn chặn được hậu quả khốc liệt như đã từng xảy ra... Và tôi rất tiếc về điều đó.

Tôi không đánh giá về công tác quản lý đối tượng của cơ quan công an, nhưng ít ra khi vụ việc xảy ra, những người có trách nhiệm không mấy khó khăn để khoanh vùng, giới hạn đối tượng và tập trung rà soát những khu vực khả nghi... Cần phải nói thêm rằng, không thể đánh giá nhóm thủ phạm thiếu hiểu biết về pháp luật. Các đối tượng này cư trú trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, có nhiều cơ hội tiếp xúc với cộng đồng, với các phương tiện thông tin đại chúng nên họ hiểu được mức độ hậu quả của vụ việc. Một số tên từng có tiền án tiền sự và hiểu được được hậu quả của việc vi phạm pháp luật. Đồng thời đây là một nhóm người rất có kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng, bằng chứng là các đối tượng Hùng và Công chỉ khai nhỏ giọt những gì mà cơ quan công án đã xác định. Sau này khi đồng bọn đã khai hết, bọn chúng mới thay đổi lời khai và tới khi đó mới tạm xác định được kẻ chủ mưu.

Về phía người bị hại, tôi cho rằng cháu D thiếu cảnh giác và thiếu nhạy cảm giới tính khi mang đồ cho một người đàn ông không quen biết vào buổi tối. Cũng có thể cháu chưa được tiếp xúc nhiều với những kiến thức nhận diện nguy cơ gặp phải đối với một người phụ nữ, những kiến thức đối phó với tội phạm... Cần phải nói thêm là lâu nay các vụ trọng án đều dính dáng đến yếu tố tài chính. Ở vụ này, những tên thủ ác đã dụ cô bé mang hơn chục con gà cho chúng. Dưới góc độ của một người bán hàng, một khách hàng mua hơn chục con gà với giá cao trong dịp Tết là khá khó gặp”.

Về tình trạng những năm gần đây có những vụ án mà những kẻ thủ ác mất hết nhân tính, giết người tàn độc, giết nhiều người, giết trẻ em..., tôi cho rằng trong nhiều nguyên nhân có cả nguyên nhân xuống cấp đạo đức xã hội. Nhìn chung, có những lí do để cho hành động tàn bạo xảy ra như áp lực cuộc sống; môi trường giáo dục của người Việt Nam hiện đại hiện nay có thể nói đang có vấn đề, giá trị con người ta tôn thờ đang bị đứt gẫy… Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi xã hội, đầy rẫy các thách thức. Con người bị dồn nén dưới rất nhiều áp lực. Bên cạnh đó, phải thừa nhận là kiến thức về luật pháp của chúng ta còn thiếu. Quá trình giáo dục luật pháp của chúng ta cũng có vấn đề. Nhiều người thiếu trưởng thành nhưng thậm chí đã phải cầm cân nảy mực. Liên quan đến cả những người có uy tín trong xã hội, có đôi khi họ hành xử không gương mẫu. Gia đình chính là môi trường đầu tiên và nhỏ nhất mà con người tiếp cận. Đương nhiên xã hội như thế nào thì gia đình như thế ấy. Ở đây có vấn đề của xã hội, của gia đình, nhà trường. Và giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội, ba môi trường giáo dục này có hạn chế. Nhưng nên nhớ nguồn gốc sâu xa vẫn là môi trường xã hội. Một xã hội đang cho thấy xu hướng tôn thờ đồng tiền lên ngôi, kẻ mạnh thì thắng…


Chiều 4/2 (30 Tết), Cao Mỹ Duyên lái xe máy mang 10 con gà đến bán cho một người đàn ông mua hàng qua điện thoại. Tối hôm đó, gia đình không thể liên lạc với nữ sinh đang theo học trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nên trình báo cảnh sát.
Sáng 7/2, thi thể cô gái được phát hiện tại khu vực chăn nuôi của một gia đình vắng chủ ở huyện Điện Biên. Khi đó, nạn nhân chỉ mặc áo thu đông, toàn bộ tài sản bị mất.
Kết quả khám nghiệm xác định nữ sinh 22 tuổi tử vong do bị siết cổ. Ngày 10/2, sau 72 giờ, Công an tỉnh Điện Biên bắt Vương Văn Hùng. Ban đầu, Hùng khai gây án một mình. Tuy nhiên, nhiều ngày đấu tranh, nghi phạm khai thêm đồng phạm Bùi Văn Công.
.
Ngày 17/2, do phát sinh tình tiết mới nên Công an tỉnh Điện Biên cùng VKSND và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khai quật tử thi Cao Mỹ Duyên để tái khám nghiệm. Tối cùng ngày, cơ quan điều tra bắt thêm 3 người liên quan vụ án là Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng và Lường Văn Lả.
Ngày 18/2, công an khởi tố 5 bị can về các tội Giết người, Cướp tài sản, Hiếp dâm, Bắt giữ người trái pháp luật và Tàng trữ trái phép chất ma túy: các đối tượng: Vương Văn Hùng (35 tuổi, trú tại khối Tân Thủy, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên); Bùi Văn Công (ở đội 16, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên); Phạm Văn Nhiệm (SN 1972), Lường Văn Lả (cùng trú ở đội 16, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên); và Lường Văn Hùng (ở xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) để điều tra vụ án.

Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng khai nhận vào ngày 1.2 (ngày 27 Tết), Bùi Văn Công đã chủ mưu và bàn bạc với Vương Văn Hùng sẽ cùng nhau đi cướp tài sản và chỉ cướp của chị Cao Mỹ Duyên. Đến ngày 3.2 (29 Tết), Công hẹn Hùng ra chợ Mường Thanh để chỉ mặt chị Duyên cho Hùng biết và bảo Hùng lấy số điện thoại của chị Duyên sau đó hẹn nạn nhân mang gà ra địa điểm đã chọn để thực hiện hành vi cướp tài sản và giết nạn nhân.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khi cái ác trở nên phổ biến: Liều thuốc nào cho người Việt?

    09/04/2019Phạm Tường VânAleksandr Solzhenitsyn - nhà văn của lương tâm Nga ắt hẳn đã trải qua nhiều giằng xé nội tâm để viết ra một câu ứa máu: “Đường biên thiện - ác chạy qua trái tim mỗi người. Và ai sẵn sàng phá hủy một phần trái tim của chính mình?”
  • Trình độ sống của người Việt còn thấp!

    21/10/2018Minh Phương (thực hiện)"Bạo lực nằm sâu trong di sản văn hoá cộng đồng. Người Việt chúng ta không có niềm tin đủ mạnh vào cái thiện, đủ để làm cho họ tránh phạm điều ác. Bạo lực chứng tỏ trình độ làm người thấp của cả cộng đồng. Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều để vượt lên một trình độ sống khác".
  • Nâng trình độ sống để thích nghi - phát triển

    14/10/2015Phương Loan (thực hiện)Lịch sử ngoại xâm liên miên, người Việt quen sống co lại, ít có khao khát ra với thế giới, hiểu thế giới. Càng co lại ta càng đánh mất đi khả năng phát triển, càng không đủ bản lĩnh để ra với thế giới và hiểu thế giới - nhà văn hoá Vương Trí Nhàn luận giải quá trình phát triển của Việt Nam trong hội nhập dưới góc độ văn hoá.
  • Khi cái ác lên ngôi

    23/05/2014Yên Trang (thực hiện)Cái ác hành hoành, người tốt, người có đạo đức, vốn là rường cột của xã hội họ lại phải lui về thúc thủ, bàn quan. Bởi vì nếu can thiệp họ sẽ gặp tai họa, gặp rắc rối. Chúng ta vẫn biết những câu chuyện về những nhà báo viết về chống tiêu cực phải vào tù, chúng ta biết những người viết ca khúc chống Trung Quốc bị bắt. Còn những người làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng chẳng bị sao cả, có chăng cũng chỉ đi tù sơ sơ. Điều đó làm xã hội đang đi xuống chứ không phải đi lên...
  • Cái ác sinh ra từ Games online?

    15/07/2009Nguyên Cẩn (Theo VHPG)Làm sao giáo dục tính THIỆN trong nhà trường và nhất là trong gia đình? Không ở đâu mà lòng yêu thương con người, quý trọng mạng sống được dạy dỗ tốt và có hiệu quả cho bằng trong gia đình vì ở đó con trẻ học được ý nghĩa và niềm vui trong tình yêu.