Cuối năm dọn sách

01:29 CH @ Thứ Tư - 22 Tháng Giêng, 2020
- Anh xuống ăn cơm!
- Được rồi, cứ ăn trước đi, tẹo nữa!

Lúc sau, giọng người vợ có vẻ gắt gỏng:
- Không xuống ăn đi, nguội hết thức ăn rồi. Cả nhà chờ.
- Rồi, xong rồi, xuống đây.
Nói là thế nhưng hắn còn đọc nuối thêm già trang nữa. Thôi đành vậy. Phải xuống thôi. Hắn tiếc rẻ đứng dậy. Cả buổi sáng nay hắn ngồi giãi nẻ trên nền nhà để dọn sách báo trong phòng…
.

Sách báo nơi thư phòng. Ảnh: Văn Giá
.
Chẳng biết người khác thế nào, chứ thường vào những ngày cuối năm sát Tết, hắn dành một vài buổi cho việc dọn sách báo. Cả năm, nào sách, báo, tạp chí, có cái mua về, có cái được tặng, trong đó lẫn những cái mình viết ra cứ xếp chất đống trong phòng làm việc. Nào là trên mặt bàn. Nào là trong ngăn tủ sách. Nào chất thành cột dưới nền nhà. Nhất là dưới nền nhà, từng chồng sách báo, mặt trên đã bị phủ một lớp bụi mỏng, bầy la bầy liệt. Thôi thì ngày thường thế nào cũng được. Nhưng Tết nhất đến nơi rồi cũng phải dọn dẹp căn phòng làm việc cho nó tinh tươm lên một chút.
.
Có lần, người giúp việc dọn nhà theo định kỳ thấy phòng làm việc của hắn bề bộn quá, chị đã xếp lại vuông vức từng chồng một, sách ra sách, báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, giấy viết ra giấy viết. Tối hôm đó lên phòng làm việc, thấy mọi thứ sáng trưng. Lòng thầm cảm ơn chị giúp việc đã cảm thông với cái thứ lao động chữ nghĩa của mình. Cái thứ lao động này cũng vất vả chẳng kém gì với công việc của chị đâu chị ạ. Ngồi viết một lúc, liên quan đến cuốn sách cần tra cứu, phải dừng lại đi tìm. Rõ ràng mình vẫn để trên mặt bàn ở chỗ này. Không thấy đâu. Khốn nạn rồi đây. Bây giờ nó ở cột sách nào đang bày giăng hàng thẳng lối này đây. Đầu tiên hắn cúi xuống sát mặt đất để đọc chữ trên gáy sách. Không thấy. Hắn nương nhẹ lật giở chồng sách thứ nhất. Không thấy. Hắn lại cố lật giở cột thứ hai. Cũng không thấy. Mồ hôi đã rịn trên mặt trên lưng. Ối giời ơi, ai khiến bà ta xếp ngăn nắp cơ chứ. Mà ngăn nắp nghĩa là thế nào. Tôi bày ra khắp bàn khắp nền nhà, ấy thế mà khi cần quyển nào là tôi thấy ngay tắp lự. Đấy cũng là một kiểu ngăn nắp của tôi. Ngăn nắp có nghĩa là khi cần tìm một quyển sách nào có thể thấy liền. Chị nhìn thấy bề bộn. Tôi nhìn lại thấy không. Chị xếp lại cho nó ngăn nắp theo kiểu của chị. Tôi lại thấy nó lộn xộn. Giời ạ, tức mình chả thèm xếp lại nữa. Thế là hắn bới tung lên. Bới hết chồng này đến chồng khác. Bới rồi vứt. Vứt rồi lại bới. Mệt nhoài. Sau một hồi cũng thấy. Nhẹ hết cả người. Lưng mỏi nhừ. Mồ hôi tháo ra đầm đìa.Thôi, từ nay xin cạch đến già. Hắn đề nghị chị giúp việc tuyệt đối không can thiệp vào cái trật tự sách vở của hắn nữa.
.

.
.
Chả biết người khác thế nào, chứ hắn dọn sách tốn thời giờ lắm. Có phải chỉ độc cái việc xếp cho ngay hàng thẳng lối đâu. Hắn lại giở từng tờ báo ra xem có bài nào hay không. Nếu hay hắn cắt lại, đưa vào từng túi như túi hồ sơ. Gặp bài hay, hắn lại ngồi đọc lại chút. Hắn đọc. Rồi hắn lại tủm tỉm cười một mình. Nhất là mấy bài của hắn. Đọc lại mà đến tận bây giờ hắn vẫn tự thấy…khâm phục mình quá. Sao lúc ấy lại có thể thần bút được như vậy nhỉ. Cái tờ báo này đăng bài này của mình cũng là làm sang cho báo chứ không à? Hắn lại ngồi nhớ từng đận đi lĩnh nhuận bút. Nhuận bút ấy mua nịnh vợ được cái đôi giầy. Nhuận bút này rủ mấy đứa ấy đi uống trận rượu say chí chết. Nhuận bút nọ to ghê, mua được cả một cành đào Tết không đến nỗi còi. Mà năm vừa rồi giá đào trên trời. Chả là trước Tết có một đợt nắng kéo dài, đào không hãm được nở bung ra hết. Thế là đến những ngày chính Tết, đào hiếm, giá lên vù vù. Xót cả ruột…Đấy, hắn ngồi một mình trên phòng làm việc, xung quanh là tủ sách. Dưới nhà trên bàn là sách. Hắn đeo mục kỉnh nhòm vào sách. Hắn đăm đăm chiêu chiêu cùng sách. Lắm lúc hắn lại cười khùng khục như một kẻ dở hơi. Ôi, sách được tặng thì nhiều, nhưng bảo đã đọc kỹ tất cả thì là nói dối. Người ta quý mình, hoặc vì lẽ này lẽ nọ tặng mình, ít nhất cũng phải đọc qua một cái, nếu thấy hay, hoặc có thì giờ tự nhủ mình nên đọc kỹ. Có quyển hay thật. Có quyển phải thật lòng mà nói rằng không hay, thậm chí kém. Thế nhưng người ta có lòng với mình. Cũng cố đọc để biết xem sao. Phải học theo phương châm của cụ Tô Hoài. Nhớ lần nói chuyện với cụ, cụ bảo: “Tớ đọc tất, cả cái hay lẫn cái dở. Đọc cái dở để biết xem người ta dở đến mức nào”. Cụ quái thật!
.
Hắn định khi nào rảnh sẽ tiến hành tổng soát lại mấy tủ sách nhà hắn. Có thể phải thanh lý bớt. Hắn chỉ giữ những sách hay thôi. Còn lại hắn tính. Bán ư? Không. Sợ nhất là những quyển sách được bạn văn đề tặng, chữ ký còn tươi rói, bây giờ lại thấy trôi nổi trên các hàng sách cũ thì nguy. Có chuyện kể rằng, ông nhà văn nọ ra hiệu sách cũ thấy sách của mình, bèn xem. Ôi thôi, vừa tặng nó chưa đầy năm, thế mà nó đang tâm bán cho hàng đồng nát. Thật quá đáng. Từ nay thừa sách cũng không đời nào tặng cho ngữ ấy…Hắn lại tính: hay là mang về quê cho các cháu ở nhà? Không được. Với các cháu ở quê, đã không cho sách thì thôi, không thể cho những thứ tầm tầm hoặc kém chất lượng như thế này được. Chúng là những đứa trẻ. Ngay từ tuổi thơ chúng cần được tiếp xúc với những thứ tinh hoa. Với sách càng phải thế. Những tâm hồn què quặt chẳng phải do ngay từ bé đã tiếp xúc với những thứ nhảm nhí đó sao.
.
Tính đi tính lại. Bán không dám bán. Cho không dám cho. Thôi thì hắn lại lặng lẽ chất đống trên nền nhà, trên nóc tủ, trên mặt bàn, trên chiếc ghế nào còn bỏ trống…Nghĩa là sách vẫn cứ lại chồng chất nguyên như cũ.
.
.

Thư phòng sau khi dọn dẹp. Ảnh: Internet
.
Xử lý cái đám báo là khổ nhất. Báo để lâu bắt bụi. Tốt nhất là đeo cái khẩu trang vào. Ấy thế mà đụng vào đống báo vẫn hắt hơi liên tục. Mùi ẩm mốc xộc lên mũi. Trông bộ dạng dọn sách của hắn không thể…thương được. Ban đầu mặc bộ thể thao. Sau toát mồ hôi. Hắn lột dần. Còn lại trên người mỗi cái quần đùi và áo may ô. Mắt đeo mục kỉnh dày cộp. Mặt đeo khẩu trang. Tóc tai bơ phờ. Lưng thì mỏi. Dáng đi còng còng. Mắt thì gí sát vào mặt báo. Trông chắc hẳn dị mọ lắm. Đã thế lại thỉnh thoảng cau cau có có. Có lúc lại tự bật cười. Hắn nghĩ, có lẽ nếu vẽ hình ảnh một anh làm nghề trí thức trí ngủ không gì có thể hí họa hơn cái lúc anh ta đánh trần dọn sách như hắn lúc này.
Bảo dọn sách có vất vả không? Vất lắm chứ. Nhưng bảo có thú không? Cũng thú lắm chứ, sao không. Một năm trời sách báo tùm lum tha lôi về nhà như con chim tha rơm về làm tổ. Và đến cuối năm hắn làm cái công việc dọn tổ của mình. Mỗi quyển sách như những cọng rơm vàng xây nên tổ ấy.
.
Sớm mai thức dậy, mở cửa phòng. Vài tia nắng đã kịp ghé bên cửa sổ. Một làn bụi mỏng bay bay. Sách vẫn chất đống trên bàn, dưới nền nhà, trên mấy chiếc đôn chiếc ghế linh tinh. Tuy nhiên, nó đã được thẳng hàng thẳng lối. Thằng cu bé lên phòng làm việc của bố, rồi tủm tỉm cười, chạy xuống bảo: “Mẹ ơi, con thấy bố dọn sách mấy hôm rồi mà vẫn lung tung như chưa dọn ấy”. Ô, bố xếp thế là có cái trật tự của bố chứ sao lại bảo lung tung được!...
Những ngày áp Tết, Văn Giá
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Nhiều giáo sư ở Việt Nam chỉ có giá trị trong thư viện"

    30/12/2016Khánh NgọcTrước trào lưu học hàm học vị hiện nay, bác sĩ Lê Thị Kim Dung thẳng thắn nhìn nhận: Việt Nam có quá nhiều giáo sư nhưng công trình của họ đi vào thực tế quá ít ỏi mà chỉ có giá trị trong thư viện...
  • Khám phá những thư viện -nơi bạn không đến để đọc sách

    07/01/2015Phan HạnhĐịnh nghĩa về thư viện đang dần thay đổi khi các nhà quản lý loại bỏ sách và thay thế chúng bằng các cuốn sách điện tử, máy tính bảng và cả một bộ sưu tập tài nguyên được số hóa...
  • Mang “thư viện” sách ra phố đãi mọi người

    30/10/2014Khánh HồngMặc dù rất bận với công việc mưu sinh nhưng hàng tuần, chàng trai Nguyễn Văn Hoan (sinh 1990, sống tại Đà Nẵng) vẫn duy trì hai dự án của mình là: đọc sách đường phố miễn phí và dạy kỹ năng sống miễn phí...
  • Thư viện thời Ebook

    30/03/2006Phạm Xuân Nguyên“Ngày nay ít người còn chịu đọc sách”, “Sách giờ ai đọc mấy đâu”, “Văn hóa nghe nhìn đang lấn lướt văn hóa đọc”, vân vân và vân vân, những tiếng thốt lên như một cám cảnh, và như một báo động. Nhưng có thật chăng văn hóa đọc đang đi xuống?
  • Ước mơ về một thư viện online khổng lồ

    05/02/2006GS. Ngô Quang HưngThành lập một nguồn tài nguyên phong phú cho nền học thuật nước nhà, từ cấp vỡ lòng đến chuyên sâu. Từ đó, làm cho Internet hữu ích hơn là một cỗ máy game và chat. Dưới đây là một ước mơ của GS Ngô Quang Hưng (khoa Khoa học máy tính, Đại học bang New York ở Buffalo - Mỹ)...