Xã hội mở và Những kẻ thù của nó (Tập 1- Plato)

Người dịch: Nguyễn Quang A
09:41 SA @ Thứ Bảy - 21 Tháng Ba, 2009

>> Tải file:(Download .PDF file, 3.10 Mbytes)


Lời giới thiệu

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ mười* của tủ sách SOS2, tập I của cuốn Xã hội Mở và những Kẻ thù của nócủa Karl Popper.

Có thể nói cuốn sách này là minh hoạ về ảnh hưởng dai dẳng và nguy hại của các tư tưởng lịch sử chủ nghĩa được phân tích kĩ [về lí thuyết] trong Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử của ông bằng các sự kiện và tư liệu lịch sử từ Plato đến Hegel và Marx. Cuốn sách này cũng có xuất xứ từ các năm 1930 và lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1943. Tập I này bàn về triết học cổ Hy Lạp và chủ yếu về Plato.

Cuốn sách đã có tiếng vang lớn, và gây ra sự phẫn nộ dữ dội từ phía các nhà Platonist. Tôi nghĩ nó cũng sẽ gây tranh luận trong giới học giả Việt Nam nữa, nhưng có lẽ Tập I không nhiều như Tập II, tập bàn đến Hegel và Marx, các tác giả được nhiều học giả Việt Nam biết đến.

Khi dịch xong phần văn bản và một phần chú thích của tập I, tôi được anh Nguyễn Đức Mậu ở Viện Văn học cho biết cuốn sách này và cuốn Logic of Scientific Discovery đã được dịch ra tiếng Việt, và anh đã vui lòng cho tôi một bản sao.

Nhìn bề ngoài có thể thấy sách đã được dịch từ lâu, không rõ ai dịch hay cơ quan nào tổ chức dịch. Theo anh Mậu có lẽ nhóm nghiên cứu của Nguyễn Hồng Phong đã dịch. Tuy vậy
không thấy có bản dịch của Tập I. Sau khi dịch hai chương đầu của tập II (từ bản tiếng Anh) và so với bản dịch đó (chắc từ bản tiếng Pháp) tôi đã quyết định tự mình dịch nốt cả tập II. Ít nhất nó cũng mang lại thêm một sự lựa chọn khác cho bạn đọc. Và đánh giá cuối cùng là của bạn đọc.

Plato là triết gia vĩ đại nhất trong các triết gia từ trước đến nay, như chính Popper thừa nhận. Song chính vì ảnh hưởng to lớn của ông đến sự phát triển của nhân loại nên càng quan trọng hơn đi chỉ ra các ảnh hưởng xấu của ông, một công việc khó khăn và thường được coi là "phạm thượng” mà Popper đã dũng cảm đảm đương.

Cuốn sách không dễ đọc. Soros cũng thấy văn Popper lủng củng với các “chủ nghĩa” và “thuyết” [Soros, Xã hội Mở p. 122]. Người dịch đã cố hết sức để làm cho bản dịch được chính xác và dễ đọc hơn, song do hiểu biết có hạn nên khó thể tránh khỏi sai sót. Phần chỉ mục nội dung, ở mỗi mục chính, có kèm theo thuật ngữ tiếng Anh để bạn đọc tiện tham khảo.

Tên các tác phẩm mà tôi không chắc đã được dịch ra tiếng Việt được để nguyên như nguyên bản để bạn đọc tiện tham khảo. Tên người cũng được để nguyên, không phiên âm, riêng Plato cũng được nhiều người gọi là Platon, theo cách dùng trong tiếng Pháp, bản dịch này dùng Plato như trong tiếng Anh. Một số tính từ được tạo ra từ các tên riêng như Marx – Marxian, Pythagoras –Pythagorean, Athens –Athenian, Socrates-Socratic, Plato-Platonic, v.v. được để nguyên như trong tiếng Anh. Bạn đọc lưu ý để phân biệt tên người riêng như Gorgias với Gorgias là một tác phẩm đối thoại của Plato.

Tên tác phẩm luôn được in nghiêng. Mọi chú thích của tác giả được đánh bằng số. Tất cả các chú thích đánh dấu sao (*) là của người dịch [Dấu * còn được tác giả sử dụng trong phần chú thích, song sẽ không bị lẫn với chú thích được đánh dấu sao]. Bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm, lượng thứ, và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ Tạp chí Tin học và Đời sống, 54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội [25/B7 Nam Thành Công], hoặc qua điện thư [email protected] hay [email protected]

Hà Nội 11-2004
Nguyễn Quang A


Dẫn nhập

Tôi không muốn che dấu sự thực rằng tôi chỉ có thể nhìn với mối ác cảm… lên tính kiêu căng dương dương tự đắc của tất cả các tập sách được nhồi đầy sự uyên thâm, như đang là mốt thời thượng hiện nay. Vì tôi hoàn toàn tin rằng…các phương pháp được chấp nhận hẳn làm tăng vô hạn những điều nực cười và ngớ ngẩn này, và rằng ngay cả sự thủ tiêu hoàn toàn tất cả những thành tựu kì cục này có lẽ có thể không tai hại như khoa học hư cấu này với sự màu mỡ đáng ghét của nó.

KANT.

Cuốn sách này nêu ra các vấn đề có thể không hiển nhiên từ bảng mục lục.
Nó phác hoạ một số khó khăn đối mặt với nền văn minh của chúng ta- một nền văn minh có lẽ có thể được mô tả như hướng đến tính nhân đạo và tính hợp lí, đến sự bình đẳng và quyền tự do; một nền văn minh, có thể nói, vẫn còn phôi thai và tiếp tục phát triển bất chấp sự thực là nó đã rất thường xuyên bị rất nhiều lãnh tụ trí tuệ của nhân loại phản bội. Nó cố gắng chỉ ra rằng nền văn minh này vẫn chưa hồi phục từ cú sốc sinh thành của nó- quá độ từ xã hội bộ lạc hay ‘xã hội đóng’, với sự qui phục trước các lực lượng ma thuật, sang ‘xã hội mở’ giải phóng năng lực phê phán của con người. Nó cố gắng chứng tỏ rằng cú sốc của quá độ này là một trong những nhân tố đã làm cho sự nổi lên của các phong trào phản động- đã cố, và vẫn cố, đạp đổ nền văn minh và để quay lại với tập quán bộ lạc- là có thể.

Và nó gợi ý rằng cái ngày nay chúng ta gọi là chủ nghĩa toàn trị thuộc về một truyền thống, đúng là cổ xưa hay đúng là non trẻ như bản thân nền văn minh của chúng ta.

Nó cố gắng bằng cách ấy đóng góp cho sự hiểu biết của chúng ta về chủ nghĩa toàn trị, và về tầm quan trọng của cuộc chiến muôn thủa chống lại nó.

Nó cố khảo sát thêm việc áp dụng các phương pháp phê phán và duy lí của khoa học vào các vấn đề của xã hội mở. Nó phân tích các nguyên lí của sự tái thiết xã hội dân chủ, các nguyên lí của cái tôi có thể gọi là ‘cải biến xã hội từng phần- piecemeal social engineering’ đối lập với ‘cải biến xã hội Không tưởng –Utopian social engineering (như được giải thích ở Chương 9). Và nó cố dọn đi một số trở ngại ngăn cản cách tiếp cận duy lí đến các vấn đề tái thiết xã hội. Nó làm như vậy bằng cách phê phán các triết lí xã hội, triết lí chịu trách nhiệm về định kiến phổ biến chống lại các khả năng của cải cách dân chủ. Hùng mạnh nhất trong các triết lí này là triết lí mà tôi đã gọi là chủ nghĩa lịch sử. Câu chuyện về sự nổi lên và ảnh hưởng của một số dạng quan trọng của chủ nghĩa lịch sử là một trong những đề tài chính của cuốn sách, những cái có thể thậm chí được mô tả như một sưu tập các ghi chú bên lề về sự phát triển của các triết lí lịch sử chủ nghĩa nào đó. Vài nhận xét về xuất xứ của cuốn sách sẽ trình bày ngắn gọn chủ nghĩa lịch sử có nghĩa là gì và nó liên hệ ra sao với các vấn đề khác được nhắc tới.

Mặc dù tôi chủ yếu quan tâm đến các phương pháp của vật lí học (và vì vậy đến các vấn đề kĩ thuật nhất định, rất xa các vấn đề được thảo luận ở cuốn sách này), tôi cũng đã quan tâm trong nhiều năm đến vấn đề về tình trạng không được thoả mãn lắm của một số khoa học xã hội và đặc biệt của triết học xã hội. Điều này, tất nhiên, làm nảy sinh vấn đề về các phương pháp của chúng. Sự quan tâm của tôi đến vấn đề này được kích thích mạnh bởi sự nổi lên của chủ nghĩa toàn trị và bởi sự thất bại của các khoa học xã hội và triết học xã hội khác nhau để làm cho nó có ý nghĩa.

Về điều này, một điểm nổi lên đặc biệt cấp bách đối với tôi.

Ta nghe quá thường xuyên về gợi ý rằng dạng này hay dạng kia của chủ nghĩa toàn trị là không thể tránh khỏi. Nhiều người, do trí thông minh và sự đào tạo của họ, phải chịu trách nhiệm về cái mà họ nói, tuyên bố rằng không có lối thoát nào khỏi nó. Họ hỏi liệu chúng ta có thật đủ ấu trĩ để tin rằng dân chủ có thể là vĩnh cửu hay không; liệu chúng ta không thấy rằng nó chỉ là một trong nhiều dạng của chính phủ đến và đi trong tiến trình lịch sử hay không. Họ lí lẽ rằng dân chủ, để chống lại chủ nghĩa toàn trị, buộc phải sao chép các phương pháp của nó và như vậy tự trở thành toàn trị. Hoặc họ khẳng định rằng hệ thống công nghiệp của chúng ta không thể tiếp tục hoạt động mà không chấp nhận các phương pháp kế hoạch hoá tập thể, và họ suy ra từ tính không thể tránh khỏi của một hệ thống kinh tế tập thể rằng sự chấp thuận các hình thức toàn trị của cuộc sống xã hội là cũng không thể tránh khỏi.

Các lí lẽ như vậy nghe có vẻ khá hợp lí. Song vẻ hợp lí không phải là một chỉ dẫn tin cậy trong những vấn đề như vậy. Thực ra, không nên đi thảo luận các lí lẽ chỉ có vẻ hợp lí này trước khi xét vấn đề sau về phương pháp: Liệu có trong phạm vi năng lực của bất kể khoa học xã hội nào để đưa ra các lời tiên tri lịch sử bao quát đến vậy không? Chúng ta có thể mong đợi để có được trả lời nhiều hơn trả lời vô trách nhiệm của thầy bói nếu chúng ta hỏi một người: tương lai dự trù cái gì cho nhân loại?

Đây là một câu hỏi về phương pháp của các khoa học xã hội. Nó rõ ràng là căn bản hơn bất kể phê phán nào của bất kể lí lẽ nào được viện dẫn để ủng hộ bất kể lời tiên tri lịch sử nào.
Khảo sát tỉ mỉ câu hỏi này đã dẫn tôi đến niềm tin chắc chắn rằng các lời tiên tri lịch sử bao quát như vậy là hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của phương pháp khoa học. Tương lai phụ thuộc vào bản thân chúng ta, và chúng ta không phụ thuộc vào bất kể tất yếu lịch sử nào. Tuy vậy, có các triết lí xã hội có ảnh hưởng giữ quan điểm ngược lại. Họ cho rằng mỗi người cố dùng đầu óc của mình để tiên đoán các sự kiện sắp xảy ra; rằng dĩ nhiên là chính đáng cho một nhà chiến lược để cố gắng thấy trước kết quả của một cuộc chiến; và rằng các đường ranh giới giữa một dự đoán như vậy và các lời tiên tri lịch sử bao quát là dễ thay đổi. Họ khẳng định rằng nhiệm vụ của khoa học nói chung là để đưa ra các tiên đoán, hay đúng hơn, để cải thiện các dự đoán hàng ngày của chúng ta, và để đặt chúng trên những cơ sở chắc chắn hơn; và rằng, đặc biệt, chính nhiệm vụ của các khoa học xã hội là cho chúng ta những lời tiên tri lịch sử dài hạn. Họ cũng tin rằng họ đã khám phá ra các qui luật của lịch sử, các qui luật cho phép họ tiên tri diễn tiến của các sự kiện lịch sử. Các triết lí xã hội khác nhau nêu ra các đòi hỏi loại này, được tôi nhóm lại với nhau dưới cái tên chủ nghĩa lịch sử. Ở nơi khác, trong Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử, tôi đã thử lí lẽ chống lại các đòi hỏi này, và chứng tỏ rằng bất chấp vẻ hợp lí của chúng, chúng dựa vào sự hiểu sai thô thiển về phương pháp khoa học, và đặc biệt vào sự bỏ qua sự phân biệt giữa tiên đoán khoa học và tiên tri lịch sử. Trong khi bận phân tích và phê phán một cách có hệ thống các đòi hỏi của chủ nghĩa lịch sử, tôi cũng đã cố thu thập một số tài liệu để minh hoạ sự phát triển của nó. Những nghi chú được thu thập cho mục đích đó trở thành cơ sở cho cuốn sách này.

Phân tích có hệ thống chủ nghĩa lịch sử nhắm tới cái gì đó giống địa vị khoa học. Cuốn sách này thì không. Nhiều ý kiến được bày tỏ mang tính cá nhân. Cái nó hàm ơn phương pháp khoa học chủ yếu là ý thức về các hạn chế của nó: nó không cho các chứng minh nơi chẳng gì có thể được chứng minh, nó cũng không làm ra vẻ là khoa học nơi nó không thể đem lại nhiều hơn một quan điểm cá nhân. Nó không cố thay các hệ thống triết học cũ bằng một hệ thống mới. Nó không cố đưa thêm vào tất cả các tập sách nhồi đầy sự uyên thâm này, vào siêu hình học về lịch sử và vận mệnh, như đang thời thượng hiện nay. Đúng hơn nó cố chứng tỏ rằng sự uyên thâm tiên tri này là có hại, rằng siêu hình học về lịch sử cản trở việc áp dụng các phương pháp từng phần của khoa học vào các vấn đề cải cách. Và nó cố hơn để chứng tỏ, chúng ta có thể là người kiến tạo số phận của mình khi thôi làm bộ như các nhà tiên tri về nó.

Lần theo sự phát triển của chủ nghĩa lịch sử, tôi thấy rằng tập quán nguy hiểm của tiên tri lịch sử, rất phổ biến giữa các lãnh tụ trí tuệ của chúng ta, có các chức năng khác nhau. Luôn là sự hãnh diện để thuộc về nội giới của những người biết bí mật riêng, và để có quyền năng đột xuất về tiên đoán diễn tiến của lịch sử. Ngoài ra, có một truyền thống là các thủ lĩnh trí tuệ được phú cho các quyền năng như vậy, và không chiếm đoạt chúng có thể dẫn đến mất địa vị xã hội. Mặt khác, mối nguy hiểm bị lột mặt nạ của họ như những kẻ bịp bợm là rất nhỏ, vì họ luôn có thể chỉ ra là chắc chắn có thể cho phép đưa ra các tiên đoán ít bao quát hơn; và ranh giới giữa những cái này và lời bói dựa vào điềm báo là dễ thay đổi.

Nhưng đôi khi có các động cơ thêm và có lẽ sâu hơn để giữ các niềm tin lịch sử chủ nghĩa. Các nhà tiên tri, người đoán trước sự đến của một thời đại hoàng kim, có thể biểu lộ tình cảm sâu sắc về sự bất mãn; và các ước mơ của họ thực ra có thể cho một số người niềm hi vọng và niềm cổ vũ, những người khó có thể hoạt động mà không có chúng. Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra là ảnh hưởng của họ có thể ngăn cản chúng ta đối mặt với các nhiệm vụ hàng ngày của đời sống xã hội. Và các nhà tiên tri thứ yếu, người tuyên bố rằng các sự kiện nào đó, thí dụ một sự sa ngã vào chủ nghĩa toàn trị (hay có lẽ ‘chủ nghĩa quản lí’), nhất thiết xảy ra, có thể, dù họ có thích hay không, là công cụ gây ra các sự kiện này. Câu chuyện của họ rằng dân chủ không kéo dài mãi mãi là cũng đúng, và cũng chẳng quan trọng, như khẳng định rằng lí trí con người không kéo dài mãi mãi, vì chỉ dân chủ mới cung cấp một khung khổ định chế cho phép cải cách mà không có bạo lực, và việc sử dụng lí trí trong các vấn đề chính trị cũng vậy. Nhưng câu chuyện của họ có xu hướng làm nản lòng những người chiến đấu chống chủ nghĩa toàn trị; động cơ của nó là ủng hộ sự nổi loạn chống nền văn minh. Dường như có thể thấy một động cơ nữa nếu xem xét rằng siêu hình học lịch sử chủ nghĩa là hợp để làm nhẹ bớt cho con người khỏi sự căng thẳng của các trách nhiệm của họ. Nếu biết rằng các sự vật nhất thiết xảy ra bất kể chúng ta làm gì, thì có thể cảm thấy thoải mái để từ bỏ đấu tranh chống lại chúng. Đặc biệt, ta có thể từ bỏ nỗ lực để kiểm soát những thứ mà hầu hết người dân thống nhất coi là các tệ nạn xã hội, như chiến tranh; hoặc, để nhắc đến một thứ nhỏ hơn tuy nhiên quan trọng, sự chuyên quyền của công chức nhỏ.

Tôi không muốn gợi ý là chủ nghĩa lịch sử phải luôn có các tác động như vậy. Có các nhà lịch sử chủ nghĩa- đặc biệt các nhà Marxist- những người không muốn làm nhẹ bớt cho con người khỏi các trách nhiệm của họ. Mặc khác, có một số triết lí xã hội, có thể là hay có thể không là lịch sử chủ nghĩa, nhưng chúng biện hộ sự bất lực của lí trí trong đời sống xã hội, và bằng phản chủ nghĩa duy lí này chúng tuyên truyền thái độ: ‘hoặc đi theo Lãnh tụ, Chính khách Vĩ đại, hay tự trở thành một Lãnh tụ’; một thái đội, đối với hầu hết người dân, hẳn có nghĩa là sự phục tùng thụ động các lực lượng, cá nhân hoặc ẩn danh, các lực lượng cai trị xã hội.

Lí thú để thấy rằng một vài trong những người lên án lí trí, và thậm chí trách móc nó vì các tệ nạn xã hội của thời đại chúng ta, làm vậy một mặt vì họ nhận ra sự thực rằng tiên tri lịch sử vượt quá năng lực của lí trí, và mặt khác vì họ không thể hình dung về một khoa học xã hội, hay về lí trí trong xã hội, có chức năng khác ngoài chức năng tiên tri lịch sử. Nói cách khác, họ là các nhà lịch sử chủ nghĩa bất mãn; họ là những người, bất chấp việc thừa nhận sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử, không ý thức được rằng họ vẫn có định kiến lịch sử chủ nghĩa căn bản- học thuyết rằng các khoa học xã hội, nếu chúng nói chung có bất kể sự hữu dụng nào, phải mang tính tiên tri. Rõ ràng là thái độ này hẳn dẫn tới từ chối áp dụng khoa học hay lí trí cho các vấn đề của đời sống xã hội- và cuối cùng, dẫn tới học thuyết về quyền lực, về thống trị và qui phục.

Vì sao tất cả các triết lí xã hội này ủng hộ nổi loạn chống nền văn minh? Và bí mật về sự ưa thích của nhân dân đối với chúng là gì? Vì sao chúng hấp dẫn và quyến rũ nhiều trí thức đến vậy? Tôi thiên về nghĩ rằng lí do là, chúng biểu lộ một sự bất mãn sâu sắc với một thế giới, thế giới không, và không thể, thực hiện các lí tưởng đạo đức và các ước mơ hoàn mĩ của chúng ta. Xu hướng của chủ nghĩa lịch sử (và các quan điểm liên quan) để ủng hộ nổi dậy chống lại nền văn minh có thể do sự thực là bản thân chủ nghĩa lịch sử, chủ yếu, là một phản ứng chống lại căng thẳng của nền văn minh của chúng ta và đòi hỏi của nó về trách nhiệm cá nhân.

Những ám chỉ cuối cùng là hơi mơ hồ, nhưng chúng phải đủ cho dẫn nhập này. Muộn hơn chúng sẽ được tài liệu lịch sử chứng minh, đặc biệt trong chương ‘Xã hội Mở và Những Kẻ thù của Nó’. Tôi bị cám dỗ đưa chương này lên đầu cuốn sách; với sự quan tâm đang nói đến nó có thể chắc chắn làm cho dẫn nhập lí thú hơn. Nhưng tôi thấy rằng toàn bộ trọng lượng của diễn giải lịch sử này không thể được cảm nhận trừ phi nó đi sau tài liệu được thảo luận sớm hơn trong cuốn sách. Dường như đầu tiên ta bị bối rối bởi sự giống nhau giữa lí thuyết của Plato về công lí và lí thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa toàn trị hiện đại trước khi ta có thể cảm nhận việc diễn giải các vấn đề này là cấp bách đến thế nào.


Lời nói đầu cho Lần xuất bản đầu tiên

Nếu trong cuốn sách này có những lời ác nghiệt về một vài bậc vĩ đại nhất trong số các lãnh tụ trí thức của nhân loại, động cơ của tôi không phải, tôi hi vọng, là để hạ thấp họ. Nó xuất phát đúng hơn từ niềm tin chắc chắn của tôi là, nếu muốn nền văn minh của chúng ta sống sót, chúng ta phải đoạn tuyệt với tập quán tôn kính những người vĩ đại. Những người vĩ đại có thể phạm các sai lầm to lớn; và như cuốn sách cố gắng cho thấy một số lãnh tụ vĩ đại nhất của quá khứ đã ủng hộ sự tấn công muôn thủa vào tự do và lí trí. Ảnh hưởng của họ, quá hiếm khi bị thách thức, vẫn tiếp tục làm lạc lối và chia rẽ những người mà sự bảo vệ nền văn minh phụ thuộc vào. Trách nhiệm vì sự chia rẽ bi thảm và có lẽ tai hoạ này trở thành trách nhiệm của chúng ta nếu chúng ta do dự nói thẳng trong phê phán của chúng ta đối với cái phải thừa nhận là một phần di sản trí tuệ của chúng ta. Bằng cách không sẵn lòng phê phán một vài trong số đó, chúng ta có thể giúp phá huỷ nó hoàn toàn.

Cuốn sách là một nhập môn phê phán triết học về chính trị và lịch sử, và một khảo sát một vài nguyên lí về xây dựng lại xã hội. Mục tiêu và cách tiếp cận của nó được trình bày trong Dẫn nhập. Ngay cả nơi nó nhìn lại quá khứ, các vấn đề của nó là các vấn đề của thời đại chúng ta; và tôi đã cố gắng hết sức để phát biểu chúng đơn giản ở mức tôi có thể, với hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến tất cả chúng ta.

Mặc dù cuốn sách không đặt bất kể điều kiện trước nào ngoài tính phóng khoáng của độc giả, mục tiêu của nó không phải là truyền bá các vấn đề được đề cập mà là để giải quyết chúng. Tuy vậy, trong một nỗ lực để phục vụ cả hai mục tiêu này, tôi đã để những nội dung chuyên sâu hơn vào phần Chú thích được tập hợp ở cuối cuốn sách.

1943


Lời nói đầu cho Lần xuất bản thứ hai

Mặc dù phần lớn nội dung của cuốn sách này đã được hình thành sớm hơn, quyết định cuối cùng để viết nó được đưa ra vào tháng Ba 1938, vào ngày tôi nhận được tin về sự xâm chiếm Áo. Việc viết kéo dài đến 1943; và sự thực rằng hầu hết cuốn sách được viết trong các năm trầm trọng khi kết quả của cuộc chiến tranh còn chưa chắc chắn, có thể giúp giải thích vì sao bây giờ tôi thấy phê phán của nó mang tính xúc cảm hơn và có dọng cay nghiệt hơn là tôi đã có thể muốn. Nhưng đó là lúc để nói chẻ hoe ra- hay chí ít, tôi đã cảm thấy điều này. Cả chiến tranh lẫn bất kể sự kiện đương thời nào khác đều không được nhắc đến một cách tường minh trong cuốn sách; nhưng nó đã là một nỗ lực để hiểu các sự kiện đó và bối cảnh của chúng, và một vài vấn đề chắc sẽ nảy sinh sau chiến thắng chiến tranh. Dự tính rằng chủ nghĩa Marx sẽ trở thành một vấn đề lớn đã là lí do để đề cập đến nó với một số chi tiết.

Nhìn tình hình thế giới hiện thời đen tối, sự phê phán chủ nghĩa Marx, mà cuốn sách nỗ lực, có thể nổi bật lên như điểm chính của nó. Quan điểm này không hoàn toàn sai và có lẽ không thể tránh khỏi, cho dù các mục tiêu của cuốn sách rộng hơn nhiều. Chủ nghĩa Marx chỉ là một phần - một trong nhiều sai lầm mà chúng ta đã mắc trong cuộc chiến đấu muôn thủa và nguy hiểm để xây dựng một thế giới tốt đẹp và tự do hơn.

Không bất ngờ, tôi đã bị một số người quở trách vì đã quá gay gắt trong luận bàn của tôi về Marx, còn những người khác lại đối sánh tính hiền hậu của tôi với ông, với sự tấn công dữ tợn của tôi vào Plato. Nhưng tôi vẫn cảm thấy cần nhìn nhận Plato với con mắt rất phê phán, chính vì sự tôn sùng chung về ‘triết gia siêu phàm’ đã có một nền tảng thật sự trong thành tựu trí tuệ áp đảo của ông. Marx, mặt khác, đã bị tấn công quá nhiều vì lí do cá nhân và đạo đức, cho nên ở đây, đúng hơn, cần đến một phê phán dựa trên lí trí khắt khe đối với các lí thuyết của ông kết hợp với một sự hiểu biết đồng cảm về sức quyến rũ đạo đức và trí tuệ đáng kinh ngạc của chúng. Đúng hay sai, tôi cảm thấy phê phán của mình là tàn phá, và vì thế tôi có thể có khả năng tìm những cống hiến thật sự của Marx, và để các động cơ của ông được lợi của sự nghi ngờ. Trong mọi trường hợp, hiển nhiên chúng ta phải cố gắng đánh giá cao sức mạnh của đối thủ nếu chúng ta muốn đánh thắng ông. (Năm 1965 tôi đã đưa một chú giải mới về đề tài này như Phụ lục II của tập hai của tôi).

Chẳng cuốn sách nào từng có thể hoàn tất. Trong khi viết nó chúng ta học vừa đủ để thấy nó chưa chín chắn tại thời khắc chúng ta bỏ đi. Về phê phán của tôi đối với Plato và Marx, kinh nghiệm không tránh khỏi này không gây bối rối hơn thông thường. Nhưng hầu hết gợi ý tích cực của tôi và, trước hết, cảm nghĩ lạc quan mạnh mẽ tràn khắp cuốn sách, với tôi, càng ngày ngày càng tỏ ra ấu trĩ, khi năm tháng sau chiến tranh trôi qua. Lời nói riêng của tôi bắt đầu nghe cứ như nó đến từ quá khứ xa xôi- giống như lời nói của một trong các nhà cải cách xã hội đầy hi vọng của thế kỉ mười tám hay thậm chí thế kỉ mười bảy.

Song tâm trạng sầu muộn của tôi đã qua, chủ yếu như kết quả của một cuộc viếng thăm Hoa Kì; và giờ đây, trong lúc sửa lại cuốn sách, tôi vui mừng là, tôi giới hạn mình để đưa thêm tài liệu mới và sửa các lỗi về nội dung và phong cách, và tôi đã cưỡng lại cám dỗ để hạ bớt đặc tính của nó. Vì bất chấp tình hình thế giới hiện tại, tôi cảm thấy đầy hi vọng như chưa từng bao giờ.

Bây giờ tôi thấy rõ hơn bao giờ rằng cả những phiền muộn lớn nhất của chúng ta bắt nguồn từ cái gì đó tuyệt vời và lành mạnh ngang như nguy hiểm - từ tính nôn nóng của chúng ta để cải thiện số phận của đồng bào chúng ta. Vì những phiền toái này là các sản phẩm phụ của cái, có lẽ là vĩ đại nhất trong mọi cuộc cách mạng đạo đức và tinh thần của lịch sử, một phong trào bắt đầu ba thế kỉ trước. Đó là niềm khát khao của vô số những người vô danh để tự giải phóng họ và tâm trí của họ khỏi sự giám hộ của uy quyền và định kiến. Đó là nỗ lực của họ để xây dựng một xã hội mở, xã hội từ chối uy quyền tuyệt đối được thiết lập đơn thuần và mang tính truyền thống đơn thuần, trong khi cố gắng để duy trì, để phát triển, và để thiết lập các truyền thống, cũ hay mới, hợp với các chuẩn mực của họ về tự do, về tính nhân bản, và về phê phán duy lí. Đó là sự không sẵn lòng của họ để ngồi yên và để giao toàn bộ trách nhiệm cai trị thế giới cho uy quyền con người hay siêu phàm, và sự sẵn sàng của họ để chia sẻ gánh nặng trách nhiệm vì sự đau khổ có thể tránh, và để hành động nhằm tránh nó. Cuộc cách mạng này đã tạo ra những quyền lực có sức tàn phá kinh khủng; song chúng vẫn có thể bị chinh phục.

1950

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Liên minh Xã hội Mở

    13/11/2007SorosTiến từ cái đặc thù sang cái chung, bây giờ tôi muốn tạo dựng sự biện hộ cho một xã hội mở toàn cầu. Tôi đã kiến nghị một liên minh của các nước dân chủ với mục tiêu kép: cổ vũ sự phát triển của xã hội mở trên khắp thế giới, và thiết lập một số qui tắc nền tảng để chi phối hành vi của các quốc gia đối với công dân của chúng và giữa chúng với nhau. Liên minh Xã hội Mở sẽ phải được các nền dân chủ phát triển lãnh đạo...
  • Xã hội Mở như một Lí tưởng

    12/11/2007SorosNếu chúng ta chịu một thiếu sót về các giá trị xã hội được chia sẻ là đúng, thì thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta là đi xác lập một tập các giá trị căn bản áp dụng cho một xã hội toàn cầu, chủ yếu mang tính giao dịch. Tôi muốn bàn đến thách thức đó. Tôi đề xuất khái niệm xã hội mở như một lí tưởng mà xã hội toàn cầu của chúng ta nên khao khát...
  • Xã hội mở: Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu

    08/06/2007George SorosNếu chỉ dựa vào cơ chế thị trường và nhấn mạnh thái quá đến các giá trị thị trường, chủ nghĩa tư bản không thể đảm bảo tự do, dân chủ, và pháp trị; có thể, và nó đã dẫn đến những thảm hoạ như hai cuộc Chiến tranh Thế giới, các cuộc khủng hoảng tài chính. Vì sao chúng xảy ra? Làm sao có thể tránh được những thảm hoạ như vậy, hay chí ít làm nhẹ bớt tác động tai hoạ của chúng? Đó là những vấn đề Soros quan tâm.