Có nên đổ lỗi cho tư duy nhiệm kì?

10:06 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Năm, 2009

Không nên đổ lỗi cho tư duy nhiệm kỳ mà cần nhìn nhận đúng vai trò của yếu tố con người cũng như hiệu quả cơ chế giám sát, đánh giá và điều chỉnh của xã hội đối với những gì mà một cá nhân hay tập thể thực hiện trong nhiệm kỳ được giao phó trọng trách - Ts. Phạm Gia Minh.

Tư duy nhiệm kỳ

Chế độ nắm quyền theo nhiệm kỳ về bản chất là một hình thức quản lý dân chủ và tiến bộ. Nó đem lại luồng gió tươi mát và bầu không khí thi đua, cạnh tranh để nhờ đó mà tính đa dạng, tính trội của nhân tố mới có thể khẳng định xu thế chủ đạo trong quá trình phát triển.

Mấu chốt của hình thức quản lý này là bất kỳ ứng viên nào trước khi được lựa chọn vào vị trí dù cao hay thấp đều phải đưa ra những chương trình hành động cho tương lai mang tính thuyết phục để tập thể (hay quần chúng) đánh giá và bỏ phiếu.

Sự lựa chọn càng rộng rãi và cơ chế sát hạch càng chặt chẽ, khách quan thì khả năng tìm được người tài giỏi, có uy tín, phù hợp cho công việc cũng sẽ càng cao.

Nhưng đấy mới chỉ là vòng sơ tuyển. Kỳ thi thực sự chính là nhiệm kỳ công tác sau đó, đòi hỏi người vừa ngồi vào chiếc ghế của quyền lực và trách nhiệm phải hoàn thành tốt chương trình tranh cử với những hứa hẹn trước quần chúng.

Và cũng giống lối suy nghĩ thông thường rất hợp lý của thí sinh khi bước vào phòng thi, đó là trong khoảng thời gian 180 phút (tương tự một nhiệm kỳ công tác ) vừa phải tìm hiểu cặn kẽ đề thi để làm bài sao cho chính xác, đầy đủ và nếu có thể còn phải độc đáo nữa để giành điểm cao trước sự giám sát chặt chẽ của các giám thị và đánh giá khách quan của hội đồng thi. Đó cũng là một dạng của tư duy nhiệm kỳ trong đời sống thường nhật.

Vì sao tư duy nhiệm kỳ gây phản cảm?

Vậy tại sao ngày nay xã hội Việt Nam lại có thái độ không hào hứng đối với tư duy nhiệm kỳ đến mức độ cụm từ đó ngày càng trở nên có ý nghĩa phản cảm? Câu trả lời nằm ở chính những gì đang diễn ra trong thực tiễn cuộc sống mọi mặt của xã hội .

Vòng sơ tuyển để lựa chọn ứng viên xứng đáng tại nhiều nơi, nhiều chỗ diễn ra theo những tiêu chí chưa khách quan và minh bạch, dân chủ. Tiếp đó, vai trò của giám thị và hội đồng chấm thi cũng còn nhiều điều phải suy nghĩ. Trong hoàn cảnh này thí sinh không trung thực có thể quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, nhờ thi hộ và thậm chí mua điểm từ những người chấm bài.

Với cách thức thi cử như vậy thì chắc chắn giữa kiến thức và điểm số sẽ có khoảng cách vời vợi. Trong cuộc sống, điều này thể hiện ở sự chênh nhau "một trời một vực" giữa lời hứa khi nhậm chức với kết quả công việc sau một nhiệm kỳ công tác.

Những gian lận trong thi cử nếu chuyển sang ngôn ngữ của đời thường sẽ là muôn vàn tiêu cực ở nhiều mức độ khác nhau: nhẹ là "dĩ hòa vi quý", làm ngơ trước cái xấu cốt để được yên thân, án binh bất động, lảng tránh những vấn đề gai góc đang cản trở bước tiến của xã hội…; nặng là tham nhũng, lãng phí của công, mua bán chức quyền, bè phái, trù dập người ngay thẳng, dối trên lừa dưới… có nguy cơ làm băng hoại đạo đức xã hội và xói mòn lòng tin của quần chúng, có thể dẫn tới suy yếu nền tảng của chế độ.

Ở các quốc gia có nền dân chủ và pháp trị phát triển cao, ngoài quy trình tuyển chọn công khai, minh bạch những vị trí quan trọng trong cơ quan công quyền, luật pháp còn quy định nhiều điều khoản nhằm ngăn chặn các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội gây ảnh hưởng để thao túng những nhân sự chủ chốt đó trong nhiệm kỳ công tác.

Để phục hồi lại ý nghĩa tích cực vốn thuộc về bản chất của hình thức quản lý, nắm quyền theo nhiệm kỳ không có cách nào khác hiệu quả hơn là phải làm tốt toàn bộ quy trình: tuyển chọn nhân sự, giám sát thực hiện và đánh giá kết quả công việc trên một cơ sở khoa học hơn (khách quan hơn).

Đặc biệt, cần thiết phải xây dựng những điều luật cụ thể và chặt chẽ, những biện pháp chế tài mạnh và thiết thực hơn, buộc những người không xứng đáng với sự lựa chọn của quần chúng phải nhận lỗi, thậm chí phải rời vị trí ngay cả khi nhiệm kỳ chưa kết thúc. Không để tình trạng "bao che và nể nang nhau" vì những lợi ích cục bộ trở thành môi trường nuôi dưỡng những khối u ác tính làm băng hoại và tê liệt cơ thể xã hội.

Những yêu cầu này cần được thực hiện không chỉ trong nội bộ các cơ quan công quyền và doanh nghiệp Nhà nước mà quan trọng hơn là phải thiết lập nên những định chế cho phép các tổ chức của quần chúng, đại diện các nhóm dân cư và công luận tham gia giám sát và có tiếng nói của mình một cách đầy đủ và tự nguyện về những gì đang diễn ra.

Không nên đổ lỗi cho tư duy nhiệm kỳ

Trên thế giới ngày nay, mô hình xã hội văn minh, ổn định và thịnh vượng phải là một sự kết hợp hài hòa giữa Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường có điều tiết và các hình thức tham gia quản trị xã hội phong phú của mọi tầng lớp nhân dân.

Mục tiêu này là phù hợp với những khẩu hiệu mà chúng ta đã nêu như: “Nhà nước do Dân và vì Dân” hay “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Có điều là từ khẩu hiệu đến thực tế cuộc sống sẽ là một chặng đường gai góc và xa thăm thẳm nếu như chúng ta thiếu quyết tâm và sáng kiến cũng như lòng kiên trì và dũng cảm hành động.

Thử hỏi nếu có một vị lãnh đạo ở quê hương bạn trong nhiệm kỳ của mình đã đẩy lùi nạn tham nhũng, nâng cao đáng kể đời sống nhân dân, làm khởi sắc văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập và luôn đi sâu đi sát lắng nghe quần chúng theo tinh thần "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" mà Bác Hồ đã nêu thì liệu quần chúng sẽ nghĩ tích cực về tư duy “hết mình vì dân” trong nhiệm kỳ công tác của người công bộc đó không nhỉ ? Tôi dám chắc câu trả lời của đại đa số nhân dân là “có” .

Và như vậy không nên đổ lỗi cho tư duy nhiệm kỳ mà cần nhìn nhận đúng vai trò của yếu tố con người cũng như hiệu quả cơ chế giám sát, đánh giá và điều chỉnh của xã hội đối với những gì mà một cá nhân hay tập thể thực hiện trong nhiệm kỳ được giao phó trọng trách.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thử liệt kê những cách tham nhũng

    15/12/2008Nguyễn Tất ThịnhỞ đâu có chính quyền, có quyền lực, ở đó có nguy cơ tham nhũng, lạm quyền vì tư lợi. Đó là thách đố muôn thuở với các xã hội văn minh. Nhưng điều quan trọng là cách mà người ta xử sự với những vấn đề, vụ việc đã và đang xảy ra để xây dựng lòng tin về một xã hội tươi đẹp hơn mà mọi người đều yên tâm, yên ổn, yên vui trong một cuộc sống có nhiều khó khăn...
  • Suy ngẫm mỗi ngày

    05/12/2008Nguyễn Tất ThịnhTrong bài ngắn này tôi đưa ra suy nghĩ, quan sát từ thực tiễn tư vấn của mình trong 5 năm gần đây. Ngõ hầu sửa chữa tư duy của rất nhiều nhà quản lí chưa có thói quen hay nhận thức đầy đủ, và tính được mức độ tác động của yếu tố vĩ mô đến hoạt động của doanh nghiệp mình, đồng thời trợ giúp các nhà quản lí tổ chức vĩ mô hay vĩ mô tham khảo định hình bài toán hoạch định tương lai của tổ chức mình...
  • Suy ngẫm về Tầm Nhìn

    26/11/2008Nguyễn Tất ThịnhMột khái niệm rất cơ bản mà các Nhà Quản lí Vĩ mô hay Vi mô đều phải đối mặt và nhận trách nhiệm về chính mình trong sự nghiệp đảm trách dẫn dắt tổ chức mình trên con đường phát triển, đó là Tầm Nhìn. Vậy tại sao phải xác định Tầm Nhìn và Tầm Nhìn là gì ?