Chuyện về người Sài Gòn làm phi công trong thế chiến thứ nhất

10:42 SA @ Thứ Hai - 19 Tháng Ba, 2018

Lái máy bay chiến đấu trong quân đội Pháp tham gia Thế chiến thứ nhất, Đỗ Hữu Vị là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay phục vụ trong quân đội Pháp hơn 100 năm trước...

Đại úy Đổ Hữu Vị và sổ quân bạ mang số 107.924

Đỗ Hữu Vị sinh ngày 17/2/1883 tại Chợ Lớn, là con út của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, điền chủ lừng lẫy ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Cha của ông được người Sài Gòn xưa xếp hàng thứ hai ở Sài Gòn về độ giàu có.

Đỗ Hữu Vị đứng thứ 2 từ trái qua khi huấn luyện bay. Ảnh: Tư liệu

Theo Tràng An báosố 856 hiện lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, từ nhỏ, ông Vị theo học trường Trung học La San Taberd (Sài Gòn) rồi được cha gửi sang Pháp học tại trường Lycée Janson de Sailly (Paris). Sau khi tốt nghiệp, ông theo học trường dự bị Lycée Louis le Grand nhưng cuối năm 1904 dự thi và trúng tuyển vào trường võ bị Saint Cyr. Năm 1906, ông tốt nghiệp với quân hàm thiếu úy.

Ra trường, ông Vị gia nhập lực lượng quân đội Pháp, phục vụ cho trung đoàn Lê dương số 1 chiến đấu tại Casablanca của Maroc (châu Phi). Giữa năm 1908, ông về Pháp, tham gia đội phi hành của Louis Charles Joseph Blériot bay qua biển Manche rồi thích nghề bay. Thời gian này, ông kết bạn với một phi công trẻ là Victor Ménard.

Giai đoạn 1908-1910, Đỗ Hữu Vị tình nguyện chiến đấu tại biên giới Maroc và Algérie. Sau đó, ông lại về Pháp để theo học phi công quân sự và được Câu lạc bộ Hàng không Pháp cấp bằng cơ phó. Cuối năm 1911, ông cùng Ménard thực hiện chuyến bay vòng quanh nước Pháp.

Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ngành không quân chỉ mới phôi thai nên những phi công đầu tiên rất được thán phục. Năm 1909, Blériot là người đầu tiên lái máy bay cánh quạt vượt biển Manche. Bốn năm sau Rolland Garros vượt biển Địa Trung Hải bằng máy bay nên sự kiện Đỗ Hữu Vị - người Việt Nam có bằng lái máy bay từ năm 1911 là điều rất mới mẻ trong lịch sử không quân Pháp.

Năm 1914, Pháp chế tạo máy bay cánh quạt quân đội và sử dụng ngay trong đại chiến thứ nhất, Đỗ Hữu Vị là một trong những phi công đầu tiên của Pháp có được vinh dự này.


Đỗ Hữu Vị và đồng đội bên chiếc "chiến đấu cơ" của mình.


Đỗ Hữu Vị ngồi sau khi chuẩn bị một chuyến bay. Ảnh: Tư liệu

Tháng 12/1912, ông trở lại Maroc, tham gia phi đội trinh sát của tướng Brulard, được thăng trung úy. Cuối năm 1913, ông nghỉ phép ở Đông Dương, được Toàn quyền Pháp bấy giờ là Albert Sarraut nhờ giúp đỡ để xây dựng những cơ sở cho cơ quan hàng không thuộc địa.

Ông cũng tham gia thử nghiệm một loại thuyền lướt trên mặt nước, chạy bởi động cơ cánh quạt máy bay do Charles de Lambert chế tạo trên sông Mekong và sông Hồng. Các cuộc biểu diễn máy bay của ông ở Sài Gòn và Hà Nội làm dân chúng bàn tán sôi nổi một thời.

Tháng 8/1914, ông tình nguyện trở lại Pháp để tham chiến. Khi Toàn quyền Albert Sarraut giữ lại, ông cho rằng “Tôi vừa là người Pháp, vừa là người Nam; bổn phận của tôi lại nặng gấp đôi ngài”.

Về Pháp, tham gia lực lượng hàng không trinh sát trong Thế chiến thứ nhất, ông lập nhiều công tích và được chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh ngũ đẳng.


Đỗ Hữu Vĩ cùng đồng đội khi tham gia thế chiến thứ nhất.

Ông thường xuyên nhận nhiệm vụ lái máy bay oanh tạc Ludwigshafen, một thành phố ở miền Rhineland, tây nam nước Đức, đại bản doanh của tập đoàn hóa chất BASF SE hàng đầu thế giới. Nơi đây sản xuất khí độc cho quân Đức dùng trong thế chiến 1 trên mặt trận phía Tây.

Năm 1915, trên đường trở về đơn vị sau một trận đánh, máy bay gặp bão cuốn và bị rơi tại làng Laffaux (vùng Picardie, Pháp), ông bị thương nặng gãy cánh tay trái, hàm mặt và phần sọ bên dưới, hôn mê chín ngày nhưng sống sót.

Sau khi được chữa trị, Đỗ Hữu Vị tiếp tục ra trận. Vì không đủ sức điều khiển máy bay, ông giữ vị trí quan sát trên không trong đội phi hành với phi công Marc Bannin.

Năm 1916, do sức khỏe không cho phép, ông buộc phải từ bỏ sự nghiệp phi công, chuyển sang bộ binh, được thăng hàm đại úy và bổ nhiệm làm chỉ huy Đại đội 7 thuộc Trung đoàn Lê dương thứ 1, chiến đấu tại mặt trận sông Somme.

Ngày 9/7/1916, trong một cuộc tấn công quân Đức, ông dẫn đơn vị xung phong, bị trúng nhiều phát đạn, chết ngay trên trận tuyến. Thi hài của ông được an táng tại làng Dompierre thuộc vùng Somme. Năm 1921, người anh cả Đỗ Hữu Chấn đã cho chuyển hài cốt của ông về an táng trong phần mộ gia đình tại Việt Nam.


Đường Đỗ Hữu Vĩ tại ngôi làng bên Pháp. Ảnh: Mathilde Tuyet Tran

Trong số những phi công đầu tiên của Pháp xuất xứ từ Đông Dương được ghi nhận có Phan Tat Tao, Cao Đắc Minh, Felix Xuân Nha (Nguyen Xuan Nha) nhưng Đỗ Hữu Vị được xem là nổi tiếng nhất. Vì vậy, chính phủ Pháp cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học, đường phố ở các nước thuộc địa và ngay tại Pháp.

Trước năm 1945, phố Cửa Bắc ở Hà Nội có tên là phố Đỗ Hữu Vị. Ở Sài Gòn trước kia cũng có một con đường mang tên Đỗ Hữu Vị, nay được đổi tên thành đường Huỳnh Thúc Kháng (quận 1). Đà Nẵng có đường Đỗ Hữu Vị mà bây giờ là đường Hoàng Diệu.

Ngày nay, tại làng Laffaux vùng Picardie, Pháp, nơi ông bị rơi máy bay có con đường mang tên Do Huu Vi. Con đường nằm trong một khu vực dân cư, đường ngắn, băng qua khu đồi với địa đạo, các lô cốt cũ bên cạnh.

Do Đỗ Hữu Vị dành phần lớn thời gian sinh sống, hoạt động ở Pháp nên các tài liệu về ông chỉ được ghi lại qua báo chí thời bấy giờ như Tràng An, Nam Phong. Trong cuốn Một số vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam của học giả Lê Quốc Sử được nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành, cái tên Đỗ Hữu Vị được nhắc đến như người được Pháp huấn luyện làm phi công và có nhiều chiến tích trong Thế chiến thứ nhất.

Với những công lao đóng góp thành công như một nhà tiền phong cho không quân tại Maroc (1912-1913), ông đã được đặt tên cho một con đường tại Casablanca – thành phố được coi là thủ đô kinh tế ở miền tây Maroc, nằm trên bờ Đại Tây Dương. Trang này cũng nhắc lại câu nói của ông lúc sinh thời: “Il me faut être doublement courageux, car je suis à la fois Français et Annamite”. (“Sự can đảm của tôi phải cần gấp đôi người thường, vì tôi vừa là dân Pháp, vừa là dân Việt”.


Pháp cho in hình ông trên con tem Đông Dương.


Giấy báo tử của ông Vị khi hy sinh trên mặt trận.

Nguồn:Vnexpress
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến châu Mỹ

    23/05/2017Nguyễn Hiến LêTừ một người đi tìm vàng ở California, ông đã trở thành ký giả người Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Ông là Trần Trọng Khiêm, người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, Phú Thọ...
  • Con đường thiên lý

    21/01/2016Đặng Thiều QuangChúng ta hẳn có lần trong đời từng băn khoăn, rằng tại sao chúng ta lại sinh ra trên đời vào cái thời điểm này, thời đại này, dưới thân phận này. Tại sao không phải khác đi?
  • Cuốn tiểu thuyết lịch sử về thép và súng của người Việt

    05/11/2015Nguyên HảiSau nhiều năm đi tìm lời giải cho mấy chữ Kim-Thiếp Vũ Môn, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép về hai sáng tạo tuyệt vời của tổ tiên ta...
  • Phi công Nguyễn Thành Trung nói về việc báo Nga đưa tin sốc về MH370

    09/04/2014Hôm qua, tờ báo Nga 'Cả thế giới' phiên bản online nói là dẫn nguồn Cơ quan tình báo Nga đưa tin chiếc máy bay xấu số Malaysia mang số hiệu MH370 bị những kẻ khủng bố khống chế và đang ở khu vực Đông Nam Kandahar (Afghanistan), gần biên giới Pakistan...