Chỉ là một con người và một số phận
Gần nhà có một quán cóc nhỏ gọi là quán bà Trường, dân tình ngồi ở đấy thường là mấy tay xe ôm, mấy thằng sinh viên trong khu, và thỉnh thoảng có cả mấy ông công an phường.
Tuy nhiên, người đi đường có thể nghĩ rằng quán cóc này còn có những vị khách thường xuyên khác. Đó là ba bốn ông lão về hưu, toàn cỡ 70 tuổi trở lên, thường ngồi uống chè và bàn luận chuyện thiên hạ. Chuyện thiên hạ chứ không phải chuyện mình, giống như những người ngồi ngoài đường biên ngó nghiêng bình luận cái bọn đang đá bóng trên sân. Thực ra mấy ông ấy không ngồi quán cóc, mà ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ, thuộc sở hữu của một ông cụ xương xẩu da mồi, tay run rẩy và nụ cười ngây ngô.
Trước đây, khu vực này là một dãy kiốt. Sân vận động được xây lại, kiốt bị phá đi, đợi bao giờ xong sân sẽ dựng trở lại. Quán nước của bà Trường trở thành quán cóc bên lề đường, dựng quán để giữ đất là chính. Ông lão cũng mang một chiếc bàn ra kê bên cạnh để chứng tỏ quyền sở hữu của mình, rồi dần dần có những người bạn già đến ngồi với ông. Thường thì chỉ có các bạn ông nói chuyện với nhau, toàn những chuyện đao to búa lớn, ông chỉ rót nước mời bạn và mỉm cười lành hiền ngây ngô.
Có những nụ cười cứ đọng mãi trong tâm trí người ta. Không phải vì nó đẹp, không phải vì nó rạng rỡ hay chứa đựng một điều gì đó sâu xa, đơn giản vì bản thân sự tồn tại của nó đã là điều khiến ta ngạc nhiên.
Ông lão vốn làm nghề thợ xây. Tôi nhớ hồi xưa, chính tay ông đã xây cho nhà tôi một bức tường. Bức tường cũ quá rệu rã đến nỗi một hôm gió thổi nó ngã rạp xuống đường. Bố tôi gọi ông đến để xây lại. Hồi đó tôi đã ấn tượng về nụ cười hiền lành của ông. Nhận phần tiền công ít ỏi, ngồi vào mâm ăn một bữa cơm gọi là thân mật với gia đình, thế thôi mà sao trông ông cứ ngượng ngượng nghịu nghịu. Hình như ông lão ngượng nghịu với tất cả. Ông ngại ngùng ngay cả với sự tồn tại của mình, về số phận của mình. Tôi cứ nghĩ rằng, bất kỳ ai trong chúng ta, mỗi người đều có một niềm tự hào cho riêng mình, dù to dù nhỏ. Nhưng mỗi khi ra quán cóc gần nhà ngồi uống nước, nhìn sang cái bàn ọp ẹp của ông lão, tôi lại phân vân không biết điều đó có thật đúng vậy chăng?
Sát nhà tôi là một con đường nhỏ, ngày trước nó vắng vẻ lắm. Vào những buổi trưa hè, hầu như không có ai qua lại trên con đường đó cả. Chỉ có một tay thanh niên bước đi thất thểu, cứ thế đi qua đi lại trên con đường dài khoảng trăm mét, đến hết đầu này lại quay lại đầu kia. Quần áo bẩn thỉu, tóc tai rối bù, nét mặt man dại. Nhìn vào gương mặt đó, người này sẽ cảm thấy kinh sợ, người khác thì không. Hắn ta cứ đi đi lại lại như thế, trên tay luôn luôn là một điếu thuốc bị bóp chặt bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ. Đôi khi để tâm quan sát hắn, lúc thì tôi thấy hắn giống như Chí Phèo đang mơ màng minh triết, lúc thì tôi thấy hắn như một con thú hoang dại đang đờ đẫn trong một liều thuốc mê. Cứ để mặc hắn và đừng động đến hắn thì tốt hơn. Người lớn bảo hồi trước hắn học giỏi lắm, học nhiều đến nỗi khi lên năm thứ 3 đại học BK thì phát điên. Hắn là con trai của ông lão.
Ông lão sinh sống ở khu này từ trước gia đình tôi rất lâu. Chả ai biết hồi trước ông thế nào. Chỉ biết là gia đình vợ ông có máu điên. Vợ ông thì bình thường, chỉ là một người đàn bà lưng còng và khó tính. Nhưng mẹ vợ ông (đã chết từ rất lâu rồi) là một người điên. Người ta bảo bệnh điên có tính di truyền. Cô con gái của ông không điên hẳn nhưng cũng dở dở, với một đứa con hoang và một người chồng hờ, thường xuyên mắng chửi cãi cọ bố mẹ. Con trai ông thì đi lại trên đường với điếu thuốc và nét mặt của một con thú bị đánh thuốc mê. Có phải vì thế mà không bao giờ thấy ông cãi cọ tranh chấp với ai, chỉ có nụ cười ngây ngô hiền lành. Ông đi xây thuê những bức tường vụn vặt, chẻ củi để bán, nhiều nhiều những việc khác nữa… Có một dạo ông lão mang một cái bơm ra đầu đường. Thỉnh thoảng tôi vẫn dừng lại với cái bơm của ông. Nhìn ông lão tay chân run rẩy thở hồng hộc bơm xe cho mình thì không thấy tự nhiên lắm. Mà cầm lấy cái bơm để tự bơm, lại chẳng có lý do gì để trả tiền cả. Sau rồi thôi.
Bẵng đi một thời gian. Không thấy con trai của ông lão đi dạo trên đường nữa. Thấy bảo là hắn nổi xung, đánh bố, nên phải đi trại tâm thần. Bẵng thêm một thời gian nữa, thấy nhà ông lão có đám cưới. Ông lão cưới vợ cho con trai. Hắn đi trại điên về, hiền lành ngu ngơ vô hại. Vợ hắn là một người đàn bà cô độc lỡ thì, từ quê lên lấy một thằng chồng điên để chạy trốn cảnh đói nghèo. Dù sao thì vẫn là có một tấm chồng, vẫn là có hai người nào đó để gọi là cha mẹ, vẫn có được một kiốt nhỏ để làm ăn buôn bán.
Cô ta khoảng hơn 30 tuổi, xấu xí quê mùa nhưng tốt tính. Nhìn cô, ta sẽ hiểu vì sao người phụ nữ lại đáng được ca ngợi vì lòng dũng cảm đối đầu với cuộc sống. Kiốt của cô bán từ dưa cà mắm muối cho đến ô mai thuốc lá, và cả dây chun lẫn bi ve cho bọn trẻ con. Tất cả những gì có thể mua được ở kiốt của cô, không bao giờ tôi đi mua ở chỗ khác. Không phải vì muốn giúp gì cho cô, mà chỉ vì sự quý mến thông thường mà thôi. Tôi thường thấy anh chồng điên của cô hay ra đó giúp đỡ cô việc vặt, quen đi tôi cũng thấy hắn rất hiền lành như mọi người. Tôi cũng hay thấy ông lão ra đó giúp đỡ cô bưng bê khuân vác, hoặc đến để lấy bữa cơm trưa cô nấu cho và đựng trong một cái cạp lồng. Cô vui vẻ và hài lòng lắm với cuộc sống của mình. Thì mọi người cũng chỉ thấy thế thôi, đôi khi còn có cảm tưởng rằng cô thật may mắn.
Rồi ông lão bế trên tay một đứa bé trai, cháu nội của ông. Đứa bé rất đẹp với đôi mắt to tròn và sáng như sao. Ít khi thấy một đứa bé có đôi mắt sáng như vậy. Ai cũng mừng cho ông lão và con dâu của ông. Ông lão vẫn cặm cụi, vẫn ngượng nghịu với tất cả mọi người, nhưng dù sao người ta vẫn có thể thấy là ông hạnh phúc…
Hai giờ đêm, cả khu náo loạn, ầm ĩ tiếng kêu khóc hoảng loạn. Hắn lại phát điên, và trong cơn điên, hắn đã giết vợ. Ông lão không làm cách nào để phá nổi cửa, khi hàng xóm đến giúp ông thì đã muộn. Kẻ điên đang vật vã giữa nhà, mê sảng hoàn toàn thú tính. Người đàn bà đáng thương ấy đã chết vì bị bóp cổ và bị vật nặng đập vào đầu. Đứa bé con thì không sao.
Chỉ nhìn thấy ở ông lão vẻ cam chịu cố hữu mà thôi. Kiốt nhỏ, không còn cô con dâu, không ai có thể đảm đương được, đành cho người ta thuê. Thỉnh thoảng vẫn thấy ông lão dẫn đứa cháu nội đi ra đó. Từ sau khi mẹ nó chết, cứ nhìn nó tôi lại thấy một cảm giác là lạ lành lạnh dọc sống lưng. Mắt nó sáng quá, thông minh quá, mà cứ như đã chứa trong lòng mầm mống của sự điên dại. Về sau không thấy đứa bé đâu nữa. Khi tôi hỏi ông lão, ông trả lời là gửi nó ở đâu đó nhờ người ta nuôi hộ. Gửi ai? Họ hàng, bạn bè, người thân,… hay trại trẻ mồ côi? Nếu đứa bé ấy không có gì khác thường, có lẽ tôi đã quên mất nó rồi. Nhưng nó lại có đôi mắt sáng vô cùng, thông minh vô cùng, và rồi cả cái ý nghĩ về mầm mống điên dại nữa… Mấy năm trôi qua rồi, chẳng bao giờ tôi nói chuyện với ông lão nữa, cũng không biết là vì sao lại thế. Kiốt đã bị phá, không còn tiền cho thuê, không còn sức để làm việc, chả hiểu ông lão sống bằng cái gì.
Ngày đông lạnh giá, tôi ngồi đợi bạn ở quán nước bà Trường. Nhìn sang bên cạnh, thấy ông lão đang ngồi bó gối trên ghế. Tờ báo phủ lên đùi, đầu gục xuống trong một giấc ngủ lơ mơ. Bộ ấm chén đặt trên bàn, phích nước bên cạnh ghế. Chắc ông lão đang đợi những người bạn già của mình. Chiều mát họ mới đến, nhưng ông ngồi đợi từ bây giờ. Còn việc gì để làm đâu, ngoài việc đợi những người bạn đến bàn chuyện thế giới với nhau. Họ chỉ nói chuyện với nhau thôi, họ là những công chức về hưu và am hiểu nhiều điều. Điều mà ông lão cần, chắc chỉ là sự có mặt của họ vào mỗi buổi chiều tà.
Ông lão đợi họ đến. Để ông sẽ được mời họ ngồi, rót nước mời họ, lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối. Và thỉnh thoảng mỉm cười một nụ cười hiền lành và ngây ngô.
Một lần tôi nghe thấy bạn của ông lão vung tay khoát lên trời và nói với mấy ông còn lại: “Mỗi người có một số phận, vùng vẫy làm gì, chạy đâu cho thoát!” Rồi tôi thấy ông lão lại cười ngây ngô theo cách cố hữu. Đằng sau nụ cười ấy là ý nghĩ gì?
Chắc là chẳng có gì cả đâu.
Mệt mỏi và mong muốn sự bình yên.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005