Chân lý là cụ thể
Ta hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai. Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người...”. Những câu này trong tập thơ ra đời từ 1969 đã khiến cho tác giả lao đao một dạo. Thế rồi ba mươi sáu năm sau, tình cờ trong một lần chỉ hai anh em trên đường công tác, tác giả kể với tôi một chuyện xúc động về câu thơ ấy.
Chuyện là, có hai dịch giả, một người Pháp và một người Mỹ cùng dịch bài thơ đó để in trong một tập sách tham khảo cho bậc học phổ thông của nước họ. Họ không biết nhau, do vậy cũng không hề trao đổi với nhau và cũng chẳng trao đổi với tác giả bài thơ, cả hai người dịch đều đảo lại trật từ của hai cụm từ “chất người” và “cộng sản” trong câu thứ hai như sau:
“Và chấtcộng sản trong tangườithêm chút nữa”.
Khi ngẫu nhiên đọc được câu thơ dịch đó, tác giả bàng hoàng xúc động vì sự thâm thuý trong ý tứ của các dịch giả người Pháp và người Mỹ nọ. Chính họ đã làm cho câu thơ hay hơn, sâu hơn và giàu tính nhân văn hơn. Và cũng do đó, có sức lay động lòng người hơn.
Thế rồi, miên man suy ngẫm, tôi lại vỡ thêm ra rằng, khi cùng hướng theo những khát vọng của con người, khát vọng tự do, và trên tầm tư duy của sự tìm tòi chân lý, người ta dù đứng ở đâu trên trái đất này vẫn rất dễ gặp nhau.
Nhớ lại chỉ hơn một thập kỷ trước đây, khi chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI, các tác giả của “Các xu thế lớn năm 2000”, khi nghĩ về thế kỷ XXI đã viết rằng: “Suốt bao thế kỷ, cái thời điểm biểu trưng vĩ đại này đã tượng trưng cho tương lai và những gì chúng ta sẽ nghĩ về nó, trong vòng vài năm nữa, cái tương lai đó sẽ tới. Chúng ta đang nằm dưới sự chi phối của nó... Nó đang khuyếch đại những cảm xúc, gia tốc những đổi thay, nâng cao tầm ý thức và buộc chúng ta phải xem xét lại chính mình, các giá trị và các định chế của mình”.Ấy thế mà giờ đây, thời đại chúng ta đang sống đã “khuyếch đại những cảm xúc, gia tốc những đổi thay”, và rõ ràng là những điều ấy “buộc chúng ta phải xem xét lại chính mình, các giá trị của mình”.Đột nhiên, tôi nhớ lại một câu của M. Gorky một thời chiếm lĩnh tâm trí tôi: “mùi chân lý bay đi rất xa vì đâu cũng là mùi mồ hôi của người lao động”. Tôi biết được rằng, có nhiều tác phẩm của M.Gorki thấm đượm tính nhân văn, diễn đạt sâu sắc khát vọng tự do, khát vọng giải phóng con người. Nhưng có một thời, người ta lại chỉ thích dẫn ra đại loại những“mồ hôi người lao động” kia thôi, vì như vậy “hiện thực xã hội chủ nghĩa” hơn! Bằng “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” ấy, nếu không gạt bỏ thì người ta cũng xếp vào hạng hai những tác phẩm văn chương, nghệ thuật không thuộc dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa kia.
Và rồi người ta vui vẻ và hào hứng tự giam mình trong một cái khuôn quá chật chội đó, để rồi tự mình vênh váo với mình theo phép “thắng lợi tinh thần” kiểu A Q. của Lỗ Tấn “nhà tao xưa kia có bề có thế bằng mấy mày kia! Thứ mày thấm vào đâu” hoặc giương giương tự đắc theo kiểu “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng tao” như nhân vật nổi tiếng của Nam Cao! Cái khung chật hẹp không chỉ trói buộc những tìm tòi, khám phá của người nghệ sĩ, nó còn là cái mũ kim cô thít chặt đầu óc của con người dám nhìn vượt ra ngoài những gì mà những người nắm chìa khóa của cánh cổng mở ra với thế giới không muốn! Có biết điều đó mới hiểu được cái lôgic của chuyện nhấn mạnh đến “mồ hôi chân lý” kia đấy. Đúng ra, sự tìm tòi chân lý lại đòi hỏi sự vận động và thao tác của bộ óc nhiều hơn là cơ bắp. Sự cố tình đưa đẩy cách chọn, cách hiểu rằng lao động trí óc không nằm trong phạm trù của “mùi chân lý” rất súc tích và giàu sức biểu cảm kia chỉ là sự ấu trĩ của một thời?
Những người thích phóng đại tinh thần cách mạng, xét thật kỹ, lại là một người khiếp nhược không dám hành động vì vừa không đủ sự hiểu biết, vừa không có sự tỉnh táo và quyết đoán cần thiết để chọn lựa giải pháp tối ưu. Đúng hơn, đó là thiếu bản lĩnh, không dám tự khẳng định mình. Chỉ ngặt một điều, có một thời ở ta, mà thật ra thời đó chưa lùi hẳn về dĩ vãng đâu, những người thích “phóng đại tinh thần cách mạng” ấy, mà gọi nôm na là “tả khuynh”, lại thường được xem là “vững vàng” là “kiên định”, dễ được trọng dụng!
V.I Lenin gọi hạng người “cách mạng đầu lưỡi” này là loại “thích ngoạm một miếng rồi chuồn” vào những lúc cách mạng đứng trước những thử thách. Bác Hồ thì chỉ ra sự nguy hại của loại người thích phóng đại tinh thần cách mạng đó. Người đã từng nhắc nhở: “Các đồng chí mắc phải cái bệnh thiên về thợ thuyền lao động quá, có khi chỉ biết những người ấy mà quên hết cả quyền lợi của các tầng lớp, các giai cấp khác, quyền lợi chung của dân tộc cần phải bênh vực”... Hoặc “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào cho đúng”.
Chân lý thì luôn luôn đơn giản vì chân lý là cụ thể, song hiểu được chân lý, đến được với chân lý thì thường lại cực kỳ gian truân. Gian truân nhất là phải phân biệt cho được chân lý với cái na ná như chân lý khiến đôi khi người ta ngộ nhận một cách chân thành và đầy sự sùng kính!
Sự vận động của cuộc sống với những minh chứng nghiệt ngã và sòng phẳng đã giải tỏa bớt đi những ngộ nhận đó. Cuộc sống đang sải những bước đi táo bạo và quyết đoán trong thời đại của những biến động dồn dập càng đòi hỏi phải nhanh chóng giải tỏa quyết liệt những ngộ nhận, những giáo điều đã từng bít mắt bịt tai để người ta không nhận rõ chân lý. Mà chân lý là cụ thể. Phải biết vén cái màn sương hư ảo bao phủ quá dày đặc khiến cho tầm mắt không đến được với ánh sáng của chân lý thời đại.
Đó là đòi hỏi trước tiên để có thể chủ động đón nhận sự thách thức mới trong quá trình hội nhập quốc tế. Tính chất gay gắt và chưa có tiền lệ của những thách thức ấy đang đòi hỏi một bản lĩnh mới của những người đang gánh trên vai mình trách nhiệm nặng nề của lịch sử. Bản lĩnh ấy, xét đến cùng, lại cũng được quyết định bởi tầm nhìn mới, bởi “đôi mắt mới nhìn vào thế giới”, một thế giới đã thay đổi và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến. Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước.
Sáng tạo và linh hoạt trong tư duy cũng như trong hành động phải là phẩm chất hàng đầu của con người Việt Nam đang sống trong thế kỷ XXI. Chỉ với một bản lĩnh được tạo ra bởi những phẩm chất đó mới giúp ta xua tan được màn sương hư ảo vẫn còn cố vương vấn, để cho tầm mắt của ta nhận rõ được chân lý.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt