Khi nàng là sinh viên
Cẩm nang này không phải “sách đen”, càng không phải chân lý. Nó chỉ cung cấp một số thủ pháp dễ thương, dễ áp dụng dành cho các chàng có tính tình mạnh dạn nhưng tâm hồn lóng ngóng. Cẩm nang này cấm cụ già trên bẩy mươi, cấm phổ nhạc, quay phim hoặc phát hành băng đĩa dưới mọi hình thức…
Về mặt luật pháp, nếu ta là một thầy giáo trẻ và nàng, một cô sinh viên xinh xắn, tìm hiểu nhau thì chẳng có gì sai trái cả. Điều tếnhị ở đây là nàng “dưới quyền” thầy, và phải xử sự sao cho đừng lạm dụng chuyện ấy.
Môn học này cũng có cái hay của nó, nhưng phải thú thực rằng thuận lợi nhất khi ta là giáo viên văn, khó khăn nhất khi ta là giáo viên thể dục hoặc giáo viên quân sự.
Thử tưởng tượng, một buổi sáng bước vào lớp học yên bình, đèn nến sáng choang, quạt trần quay vù vù, chim hót líu lo, ta, một nam giáo viên trẻ mới vào nghề, yêu đời, đẹp trai, đang say sứa nói về Nguyễn Bính hoặc Hàn Mặc Tử thì phát hiện ra ở góc lớp có đôi mắt đen với hàng mi cong đang chăm chú nhìn mình.
Trong nháy mắt, ta bủn rủn, quên sạch cả thơ. Lúc ấy, thậm chí ai cũng có thể nhầm là Xuân Diệu phát minh ra đại bác không giật chứ chẳng phải giáo sư Trần Đại Nghĩa.
Nhưng cảm giác đó chỉ nên cho phép thoáng qua trong vài giây. Ta hơi lảo đảo như người bị xúc cảm mãnh liệt của văn học ùa vào song lại hiên ngang đứng vững.
Ta tiếp tục ngân nga cho cả lớp nghe những vần thơ, kiểu như:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”
Rồi đột ngộtdừng lại hỏi một sinh viên: Nguyễn Bính là ai? Ông ta làm thơ vì lý do gì? Ông ta có đẹp trai không?
Tiếp theo, hỏi một sinh viên khác: Nguyễn Bính yêu bao nhiêu người? Có hạnh phúc không? Có tặng hoa cho vợ ngày 8-3 không?
Tất nhiên là không! Nhưng chả hề quan trọng. Ta có để ý làm gì tới thơ nữa đâu. Cái cần dồn tâm trí, là nàng.
Làm ra vẻ hết sức vô tình, hết sức thờ ơ, hơi cáu gắt, ta vẩy tay ra hiệu cho nàng đứng lên rồi hỏi:
- Em hãy cho biết Mồng Tơi là ai?
Nếu nàng trả lời đấy là một loại lá thì ta bảo sai, Mồng Tơi là người. Nếu nàng đáp Mồng Tơi là người ta sẽ cười và tuyên bố Mồng Tơi là… lá!
Nàng sẽ mở to mắt ngạc nhiên cùng với các sinh viên khác. Ta cần tranh thủ nhìn vòa mắt nàng, xem độ đen, độ sáng và độ cong để hiểu rằng mình đã “chết”. Rồi với vẻ nghiêm khắc cố hữu của một ông thầy giáo giỏi, giao cho nàng việc sưu tầm khoảng chục câu thơ, trong ấy người là lá, lá là người của Việt Nam và… quốc tế. Tuần sau phải nộp!
Nàng sẽ hoảng hốt, ấp úng xin hoãn. Ta cau có nói việc đó hoàn toàn không thể được. Tiết học kết thúc.
Ta lao về nhà, úp mặt lên gối hồi lâu. Rồi vùng dậy tìm những câu thơ về lá, nếu bí quá thì về quả hoặc về hoa kiểu như:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”
Ta cứ lẩm nhẩm các câu ấy như nhẩm kinh, thuộc đến độ có thể đọc xuôi hay đọc ngược đều được cả.