Cái gì quý giá hơn?

09:59 SA @ Thứ Hai - 04 Tháng Ba, 2019

Giá trị của đồ vật có lúc tăng lúc giảm, nhưng giá trị của không gian không bao giờ giảm. Nếu cần mua một cái ly để uống nước thì bạn mua cái không gian (sức chứa) bên trong cái ly hay là chất thủy tinh bên ngoài? Có bao giờ bạn nghĩ về điều này không?

Nếu ai đưa cho bạn một đống thủy tinh vụn thì bạn có thấy giá trị gì không?

Nhưng khi đống thủy tinh vụn đó được nấu chảy và đúc thành một cái ly thì bạn sẽ mua ngay. Bạn mua vì nó có ích lợi, và ích lợi của nó nằm ở đâu? Nằm ở sức chứa tức là khoảng không và rỗng của nó, nhờ đó bạn mới có thể rót nước vào mà uống. Vậy thì giá trị thật sự của cái ly chính là khoảng không gian bên trong nó. Cho dù cái ly được làm bằng sắt, bằng vàng, bằng bạc, hay bằng sứ thì giá trị thật sự của nó vẫn là cái không gian (sức chứa) bên trong nó.

Nhưng nếu ai hỏi bạn cái ly nào quý giá nhất? Chắc chắn bạn sẽ trả lời là cái ly bằng vàng. Tại sao người ta xem vàng, bạc, kim cương là đồ quý và đắt tiền? Bởi vì mọi người đều quan niệm những thứ gì hiếm có thì phải quý giá. Nhưng những thứ hiếm có này kể ra chẳng có công dụng gì nhiều.

Hãy lấy thí dụ giữa vàng và sắt. Vàng đương nhiên đắt hơn sắt, nhưng sắt rất cần thiết và có nhiều công dụng hơn. Trong cơ thể con người rất cần chất sắt (vì đó là một yếu tố tạo nên máu đỏ) nếu thiếu chất sắt thì sẽ chết. Nhưng nếu thiếu chất vàng thì chẳng bị sao cả. Những gì cần thiết cho sự sống và có nhiều công dụng thì đáng lý ra phải có giá trị hơn như nước và không khí, nhưng chúng ta lại xem thường bởi vì nó đầy dẫy. Nếu thiếu nước vài ngày, thiếu không khí vài phút thì không ai sống nổi. Nhưng nếu hỏi giữa nước, không khí và vàng thì cái gì quý giá hơn? Một lần nữa chắc chắn bạn sẽ nói vàng quý giá hơn.

Con người đã tạo ra một sự đánh giá sai lầm về vật chất. Đó là cho những thứ hiếm có một giá trị quá lớn, mà không kể đến sự ích lợi của nó. Những viên đá trong, xanh, vàng, đỏ nào càng hiếm thì giá càng đắt. Nhiều người sẵn sàng đem tiền dành dụm cả đời để mua cho được một viên kim cương, một vòng cẩm thạch, mã não, hay ngọc bích. Đeo những thứ đó vào không làm cho người hồng hào, khỏe mạnh hơn. Muốn có những thứ này, con người phải giật mìn, phá núi, đào hầm, đào mỏ, làm ô nhiễm môi trường để tìm ra nó. Người muốn có nó thì phải cong lưng đi làm ngày đêm kiếm tiền. Giữa những viên đá (mà người đời gọi là quý) và sức khỏe của bạn thì cái nào quý giá hơn?

Chưa kể có người vì quá ham muốn những thứ đá "quý" mà phạm tội trộm cướp, buôn lậu và phải bị tù tội. Giữa những đá quý và sự tự do của bạn thì cái nào quý giá hơn?

Và lỡ nếu không có những thứ đá quý thì bạn có chết không?

Có những cụ già trên 70 tuổi, da thịt nhăn nheo, ngón tay co quắp mà vẫn còn sai con cháu chở đến tiệm vàng để mua hột xoàn đeo. Có lẽ các cụ này nghĩ đeo hột xoàn vào thì mình sẽ trẻ lại mười tuổi hoặc sống lâu hơn mười năm?

Trở lại sự đánh giá vật chất, chúng ta cần phải đổi lại quan niệm xưa nay, cứ cho những gì hiếm có là quý giá, đắt tiền mà quên đi giá trị thật sự của những thứ cần thiết cho sự sống.

Hãy tự hỏi lại, trên đời này cái gì quý giá nhất? Đó là sự sống! Sự sống của chính mình và muôn loài. Cái gì quý nhất trong sự sống? Đó là sức khỏe! Muốn có sức khỏe thì cần những gì? Cần không gian, không khí, nước, thức ăn, nghỉ ngơi, vận động, thể dục, v.v...

Những điều trên thuộc về vật chất (material). Ngoài ra còn phần tình cảm (sentimental) tinh thần (mental) và tâm linh (spiritual).

Về tình cảm, quý nhất là tình thương. Ai cũng muốn được mọi người thương yêu. Theo luật nhân quả thì những gì mình làm cho kẻ khác sẽ xảy ra lại cho mình. Vậy nếu muốn được mọi người thương yêu thì mình phải biết thương yêu người trước đã. Nhiều người hay than khổ, cô đơn, vì không có được ai thương. Những người này hãy nhìn lại xem mình có biết thương yêu giúp đỡ kẻ khác không?

Về tinh thần, quý nhất là sự hiểu biết. Hiểu biết ở đây không phải là thông minh, lanh lợi làm giàu, kiếm tiền mà là hiểu biết thiện ác, nhân quả. Biết làm việc lành, lánh điều ác. Biết làm ăn chân chánh, không rượu bia, cờ bạc, nhậu nhẹt, hút sách, buôn lậu, hối lộ, tham nhũng.

Về tâm linh, quý nhất là sự dẹp bỏ ngã chấp, cầu giải thoát sinh tử luân hồi. Muốn vậy thì phải siêng năng tu học Phật pháp.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đạo Phật & cuộc đời

    11/05/2019PGS. TS. Hà Vĩnh TânĐạo Phật dạy rằng, không phải khi con người đạt được mọi thứ mình mong muốn là ta đã có sự thành đạt hạnh phúc. Hạnh phúc chân thực chỉ đạt được khi ta được giải thoát khỏi mọi sự đau khổ phiền não trong tâm trí. Và chỉ khi thấy được sự thật và chân lý của cuộc đời, tức là giác ngộ, ta mới đạt được giải thoát hoàn toàn...
  • Từ đạo Phật nghĩ về cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa

    13/05/2018Thái Nam ThắngKể từ khi khái niệm "toàn cầu hóa" ra đời, thế giới đã chuyển sự chú ý vào văn hoá. Và chỉ trong một thời gian ngắn, văn hóa truyền thống đã trở thành nền tảng cho mọi sự phát triển bền vững, toàn diện, trong khi trước đó không xa, người ta chỉ xem nó như một nét viền mờ nhạt của kinh tế. Lẽ ra thế giới phải nhận thức về vai trò quan trọng của văn hoá truyền thống từ lâu rồi mới phải. Nhưng vì sao lại có sự chậm trễ này?
  • Tại Minh Minh Đức

    16/07/2015Thuỷ ThiênNhiều vấn đề bức xúc, nhiều chuyện vướng mắc, nhiều lệch lạc... Đó là những gì có thể thấy qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chung quy lại là chuyện quản lý. Quản lý kém hay không biết quản lý? Nguyên nhân ở đâu? Tại không biết quản lý, tại không có kiến thức, hay tại không có ý thức?
  • Những bậc thầy của muôn đời

    29/07/2010GS.BS Nguyễn Chấn HùngBị nhà cầm quyền thành phố Athens kết tội chối bỏ các vị thần, dạy dỗ làm hư hỏng lớp trẻ, Socrates phải chọn lựa hoặc từ bỏ những niềm tin của mình hoặc bị xử lưu đày hay là chết. Ông chọn cái chết bằng thuốc độc.
  • Đạo Phật giúp giới trẻ tiến thân có nhân cách

    31/05/2010Thanh Tùng (Thực hiện)Tiến sĩ Thái Kim Lan là một Phật tử, chuyên dạy so sánh triết học Đông
    - Tây, từng dấn thân trong cuộc vận động mùa Phật Đản 1963. Đã hơn 40
    năm, mỗi khi có việc có thể làm Phật sự chị đều tự nguyện góp sức. Và
    lần này, trong chương trình của 'Tuần Văn hóa Phật giáo' có một cuộc
    đối thoại với thế hệ trẻ, chị đã nhận lời chủ trì. Sau buổi tọa đàm, PV
    Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Kim Lan.