Các nước tư bản quốc hữu hoá ngân hàng?
Trong khủng hoảng hiện thời có xuất xứ từ Mỹ, các nước phát triển đã có những can thiệp mạnh mẽ vào nền kinh tế, từ cứu trợ các ngân hàng, các công ty đến việc quốc hữu hoá.
Có không ít người nghĩ chủ nghĩa tư bản đã ở vào... "giai đoạn cuối" và tận dụng các hiện tượng can thiệp đó để lý giải hay đòi sự ưu ái cho khu vực kinh tế nhà nước, thậm chí cho việc quốc hữu hoá nhiều ngành kinh tế để xây dựng "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21". Có thực thế không?
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa xuống đến đáy. Trong cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ ngày 24.2.2009, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hy vọng suy thoái sẽ chấm dứt vào cuối năm nay, nhưng ông cảnh báo rằng sự phục hồi hoàn toàn có thể mất hơn vài ba năm. Ông gạt bỏ ý nghĩ rằng Chính phủ Hoa Kỳ cần phải quốc hữu hoá các ngân hàng lớn gặp rắc rối như Citigroup và Bank of America. Đây là 2 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đã được chính phủ cứu giúp.
Tháng 10.2008 Citigroup đã nhận khoản cứu trợ 25 tỉ USD, một tháng sau lại phải bơm tiếp cho ngân hàng này 20 tỉ USD nữa bên cạnh việc bảo lãnh cho khoản tài sản cỡ 300 tỉ USD trong danh mục đầu tư của nó. Ngoài hai ngân hàng này, Chính phủ Mỹ đã cứu giúp hãng bảo hiểm AIG, các hãng bảo lãnh tín dụng nhà đất Fannie Mae và Freddie Mac (thực sự nhà nước đã kiểm soát 2 hãng này), hai công ty ôtô lớn nhất Hoa Kỳ, v.v...
Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 700 tỉ USD, vừa qua lại thông qua gói kích thích kinh tế 787 tỉ USD và được tổng thống ký thành luật ngày 17.2.2009.
Ngày 18.2.2008 Đức đã thông qua luật cho phép chính phủ quốc hữu hoá các tổ chức tài chính ốm yếu nếu cần. Chính phủ Anh đã quốc hữu hoá vài ngân hàng trong năm 2007 và 2008.
Tất cả các nước đều có những gói cứu trợ, kích thích với tổng giá trị hàng ngàn tỉ USD ngõ hầu ngăn chặn sự tàn phá thêm của cuộc khủng hoảng hay/và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Người ta nhắc rất nhiều đến những chính sách theo kiểu Keynes, nhà kinh tế học Anh đã có công đúc kết những bài học trước đó của chủ nghĩa tư bản "tự do vô độ" mà nổi bật là của đại suy thoái để cải tổ chủ nghĩa tư bản.
Cuộc đại suy thoái 1929-1934 cũng có xuất xứ từ Mỹ. Có nhiều cách lý giải về những nguyên nhân của cuộc đại suy thoái này. Trong nhiều cách lý giải, lý giải của nhà kinh tế học Mỹ Irving Fisher, người được Keynes coi là bậc thầy, gần với lý giải của nhiều người về cuộc khủng hoảng hiện nay. Fisher cho rằng nhân tố chủ chốt gây ra đại suy thoái là tín dụng dễ dãi dẫn đến sự nợ nần quá đáng, gây ra nạn đầu cơ và các bong bóng tài sản, và khi bong bóng vỡ dẫn đến tài sản giảm giá trị, đóng băng tín dụng, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, dẫn đến giảm phát.
Với các chính sách can thiệp nhiều hơn của nhà nước theo gợi ý của Keynes, chủ nghĩa tư bản đã có thời kỳ phát triển mạnh mẽ sau Chiến tranh Thế giới II. Từ các năm 1980 trường phái kinh tế tân tự do chiếm ưu thế và người ta bắt đầu nới lỏng sự can thiệp của nhà nước: thu hẹp sự điều tiết của nhà nước, mở rộng thị trường tự do ngay cả cho khu vực tài chính ngân hàng.
Nền kinh tế thế giới đã có những bước phát triển ngoạn mục trong hơn 20 năm qua. Rồi khủng hoảng tài chính xảy ra tại Mỹ, nhanh chóng lan ra toàn thế giới và biến thành khủng hoảng kinh tế. Cuộc khủng hoảng hiện thời được cho là mốc đánh dấu sự chấm dứt của tư tưởng kinh tế tân tự do. Có nhiều nét tương đồng giữa đại suy thoái và cuộc khủng hoảng hiện thời.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay cũng khác xưa khá nhiều: sự hội nhập, kết nối giữa các nền kinh tế cao hơn, sự phát triển công nghệ cũng giúp đẩy nhanh những tác động lẫn nhau, các chính phủ can thiệp mạnh hơn và cũng có cơ hội hợp tác, phối hợp nhiều hơn so với 80 năm trước.
Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng khủng hoảng, suy thoái, các biện pháp can thiệp ít hay nhiều đều là những sự tự điều chỉnh của bản thân chủ nghĩa tư bản. Và sau mỗi lần tự điều chỉnh nó lại có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn.
Các nền kinh tế thị trường với sở hữu tư nhân chủ đạo là đặc trưng cơ bản nhất của chủ nghĩa tư bản. Không có nền kinh tế thị trường không có sự quản lý hay can thiệp của nhà nước. Nói cách khác chủ nghĩa tư bản rất "dễ uốn nắn", có năng lực to lớn để tự đổi mới.
Và việc quốc hữu hoá một số ngân hàng hay một số doanh nghiệp chỉ là một trong những biện pháp can thiệp như vậy của nhà nước, chứ hoàn toàn không có nghĩa rằng các nhà nước nước này đi theo công thức cứng nhắc của ai đó hay đi theo con đường "xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21"!
Thực ra, Thụy Điển là nước đã nêu gương tốt về việc quốc hữu hoá một số ngân hàng lớn yếu kém khi khủng hoảng xảy ra đầu các năm 1990. Khi đó các ngân hàng lớn ở Thụy Điển thực sự đã phá sản và chính phủ trung hữu (chứ không phải chính phủ cánh tả có thiên hướng xã hội) đã quốc hữu hoá chúng, vực chúng dậy và sau đó lại thoái các khoản đầu tư của nhà nước bằng cách bán cổ phần của mình cho các nhà đầu tư tư nhân khi ngân hàng đã lành mạnh trở lại. Nói cách khác quốc hữu hoá chỉ là quốc hữu hoá "tạm thời". Mục tiêu tối thượng là cải tổ hệ thống và bảo vệ tiền của dân chúng đóng thuế. Các cổ đông cũ, các nhà điều hành cũ của ngân hàng này phải trả giá cho những yếu kém của họ. Thế mới công bằng.
Các nước EU chắc đã học được kinh nghiệm Thụy Điển dễ dàng hơn. Nhiều học giả và thậm chí các "nhà đầu cơ" tại Mỹ, như Soros, cũng khuyên chính phủ Mỹ học cách làm của Thụy Điển. Và thực ra, chính phủ Mỹ cũng đã nghe theo một phần. Từ chính sách mua lại các tài sản xấu của ngân hàng họ đã chuyển dần sang "góp vốn" cho các ngân hàng này. Nói cách khác họ đã hầu như "quốc hữu hoá" chúng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh cụ thể của Mỹ họ vẫn e ngại nói trực tiếp đến "quốc hữu hoá".
Tóm lại, việc "quốc hữu hoá" chỉ là quốc hữu hoá tạm thời, là một trong nhiều biện pháp can thiệp của nhà nước trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường hiện đại. Không hề có chuyện các nước này đi theo con đường "xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21".
Không nhận rõ điều này và vô tình hay cố ý không nhận ra những yếu kém về cơ cấu kinh tế của mình để chần chừ hay trì hoãn cải cách có thể dẫn đến sự thụt lùi vô cùng nghiêm trọng. Khi mà nền kinh tế thế giới phục hồi, các nền kinh tế khác đã được cải tổ và bước vào một giai đoạn phát triển mới, còn nền kinh tế của chúng ta vẫn y nguyên hay thụt lùi, thì đó là một viễn cảnh tai hoạ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh