Bức tâm thư gửi ngành giáo dục

11:40 SA @ Thứ Hai - 25 Tháng Giêng, 2010

Vậy nên, dạy làm người đầu tiên là ở gia dình. Dạy làm người mới khó làm sao. Dạy làm người cũng phải có thế chân kiềng: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Và dạy làm người phải có kế sách và chiến lược. Không phải cứ nhồi nhét mà thành.

Vâng, học làm người là câu chuyện đầu tiên, muôn thuở, và quan trọng nhất của sự học. Từ lâu, cha ông ta đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng của sự học là: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Con đường tiếp nhận tri thức có thể có nhiều cách, trong trường học, trong sách vở, ngoài cuộc sống, và cũng tùy thuộc vào khả năng nhận thức của mỗi con người.

Nhưng văn hóa, nhân cách, tình yêu thương, sự cảm thông, tính năng động, trách nhiệm trước cuộc sống, ý chí vươn lên… mới là mấu chốt trong việc xây dựng con người. Có người tốt mới có xã hội tốt. Một xã hội phát triển và văn minh, nhất định không thể có trên một lãnh thổ của những con người lười nhác, dốt nát, ích kỉ, vô trách nhiệm.

Đã vài thập kỉ nay, tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, và sự gia tăng bạo lực, tội phạm… trong nhà trường đã được báo động. Nhưng xem ra, ngành giáo dục, và cả xã hội vẫn loay hoay trong cái mớ bòng bong, không biết gỡ rối bằng cách nào, từ đâu cho có hiệu quả?

Tình trạng học sinh lười học, đua đòi chơi bời, ăn diện, chơi game bạo lực, trộm cắp, phe nhóm, nghiện hút, đánh lộn, đua xe, chém nhau bằng hung khí, đánh lại thầy cô, thậm chí giết người… vẫn xảy ra một cách đáng lo ngại. Trường hợp mới nhất mà báo chí đưa tin là Nguyễn Hồng Tín, học sinh lớp 7A, trường THCS An Châu, Châu Thành, An Giang đã đánh gục thầy Cao Hữu Phục tại bục giảng vào ngày 12/1/2010, chỉ vì thầy nhắc nhở, không được chơi cờ caro trong lớp.

Tình trạng thầy cô không gương mẫu, kinh doanh giáo dục bằng các “lò” luyện thi, các lớp học thêm. Hiện tượng gạ tình cho điểm, thích nhận “bao thơ” hơn thích hoa, nhận hối lộ của việc chạy trường, trái tuyến một cách khá bạo tay, thuần thục. Chẳng hạn, giá đầu vào một học sinh tiểu học ở trường được cho là có “thương hiệu” ở Hà Nội, có thể từ 1.000 USD đến vài ngàn USD. Thương thay cho những nhà nghèo!

Mà nạn “bao thơ” bây giờ lan ra toàn xã hội, ngành nào cũng thấy xì xào (vì vấn nạn này khó “bắt sống”) việc xin việc, chuyển chỗ, cất nhắc đều có vé (đô la), có cây (vàng) cả. Thậm chí người ta dùng cả thuật ngữ “đấu thầu” để ám chỉ việc mua quan bán chức. Thế mới kinh sợ! Thôi thì, muôn hình vạn trạng cái xấu của xã hội. Đạo đức người thầy cũng bị hoen ố trong một bộ phận nhà giáo, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh người thầy.

Không ít người cho rằng, những thói xấu của xã hội tác động không nhỏ vào trường học. Điều này thì rõ rồi. Nhưng giáo dục dường như đã đánh mất cái “nền” vốn được xây dựng từ truyền thống tôn sư trọng đạo từ nhiều thập kỉ trước. Giáo dục thiếu nhạy cảm trước những thay đổi của xã hội để có những điều chỉnh trong phương châm, kĩ năng và kiến thức đào tạo cho phù hợp.

Đào tạo mải miết với việc chỉ chú trọng, nhồi nhét kiến thức, nhồi nhét lấy được, đến nỗi một đứa trẻ học tiểu học phải khoác những ba lô sách nặng tới năm, sáu kí lô và những bài đạo đức sáo rỗng, to tát mà quên những cái cụ thể, gần gũi, thân thương nhất của đời mỗi con người. Nghĩa là chưa thực sự coi giáo dục phổ thông, trước hết là dạy làm người. Thầy giáo, hơn ai hết phải là người yêu trẻ, yêu nghề, quý trọng những tinh hoa giáo dục mà cha ông để lại.

Tôi có đọc một số tài liệu về giáo dục của những nước phát triển, như là ở Singapore láng giềng Đông Nam Á. Người Sing dạy học trò trước hết là dạy làm người, dạy nhân cách và tư cách công dân. Mỗi người sống có trách nhiệm, trước hết là với bản thân mình, gia đình mình, rồi đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước.

Nhưng người ta cũng dạy học trò biết tự chủ, độc lập và khuyến khích sáng tạo. Dạy kĩ năng sống, kĩ năng tác nghiệp nhóm. Tôn trọng cá tính và chủ kiến của học sinh. Học sinh không bị trù úm nếu có ý kiến ngược với thầy giáo. Đấy cũng chính là tinh thần dân chủ.

Đạo đức, lối sống của học sinh xuống cấp, tức cái nền đang có vấn đề và phải làm lại, căn chỉnh lại. Điều này thực ra khó và hao tổn trí lực biết bao! Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tự nhận trách nhiệm lớn nhất trước xã hội về đạo đức, lối sống của học sinh. Đó là một thái độ trung thực và được cộng đồng chia sẻ.

Nhưng không thể không nói trách nhiệm lớn của sự xuống cấp đạo đức, lối sống mà không có vai trò phụ huynh và cộng đồng xã hội. Bởi trước hết, con em mình là máu thịt của mình. Mọi sự thay đổi của con trẻ có tác động trực tiếp đến tổ chức gia đình. Một đứa con hư, nghiện hút có thể làm tan nát gia đình mình trước khi cái xấu tác động vào xã hội. Những ông bố bà mẹ là những người ruột thịt, gần gũi, trước hết phải là tấm gương về lối sống, là người thầy đầu tiên trong việc thổi vào tâm hồn những đứa con tình cảm, lòng vị tha, nhân cách, khát vọng, niềm tin, trách nhiệm sống.

Những ông bố bà mẹ chỉ mải làm ăn, hay vì những lí do gì khác mà bỏ mặc con cái cho nhà trường, thường nhận những hậu quả không mấy tốt đẹp về con cái mình. Vì thế, không ít phụ nữ ngày nay quan niệm rằng, trong gia đình, người mẹ nên làm công việc tại gia và lo chăm sóc con cái, thay vì phải bám vào công sở, tổ chức này nọ. Việc đó có khi lại có ích cho xã hội hơn là cả vợ chồng phải làm công chức hoặc cùng theo đuổi kinh doanh, làm ăn. Ngay cả nhu cầu này, ngành giáo dục cũng có thể phối hợp với các tổ chức xã hội, cần có lớp, có sách dạy kĩ năng sống, kĩ năng chăm sóc con cái cho các cặp vợ chồng, đặc biết là vợ chồng trẻ.

Cơ quan tôi có hai nhà văn, và hai người có cách chăm sóc con cũng khá đặc biệt. Ông thứ nhất có ô tô và sáng nào cũng đến cơ quan vào lúc 7h10. Người ta tưởng ông mẫn cán lắm, hóa ra không phải. Là vì sáng nào ông cũng phải đưa thằng con lớp 8 đi học, dù nhà không xa trường. Tiện thể, ông vào cơ quan luôn cho khỏi đi đi lại lại tốn xăng.

Ông thứ hai thì trưa nào cũng phải căn giờ để nhanh nhanh mà vù ra phố đón “vua”. Bạn bè, khách khứa mời cỗ to đến mấy cũng chịu. “Vua” của ông là cậu quý tử học lớp 9, cao trên 1m70, hoàn toàn có thể độc lập đi học bằng xe đạp. Hỏi ông sao không để cho cháu tự đi cho chúng có tư duy tự chủ, người Tây vẫn dạy con thế? Ông bảo: “Sợ lắm ông ơi, quanh nó nhiều bạn bè con ông nọ bà kia, con nhà giàu có, hay đua đòi chơi bời, mà giao thông cũng lộn xộn thế này, không an toàn đâu…”. Thôi thì, cứ đến giờ là ông phải nhanh đi gặp “vua”.

Thấy thương cho ông bố “cha già con cọc”. Nhưng cái nỗi lo của ông nhà văn ở cơ quan tôi không phải không có cơ sở. Và nó cũng ngẫu nhiên cho thấy, những đứa bạn học của con trai ông mà ông lo bị ảnh hưởng, đều có yếu tố môi trường gia đình. Vậy nên, dạy làm người đầu tiên là ở gia đình. Dạy làm người mới khó làm sao. Dạy làm người cũng phải có thế chân kiềng: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Và dạy làm người phải có kế sách và chiến lược. Không phải cứ nhồi nhét mà thành.

Nguồn:Bee.net
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: