Biểu tượng con Dê trong văn hóa, văn học Phương Tây
Con dê có lẽ là một trong những loài vật gắn bó sớm nhất với cuộc sống của con người. Từ xa xưa, trong nền văn hóa săn bắt và hái lượm, dê đã được thuần dưỡng để lấy sữa, thịt,… như những thực phẩm thiết yếu nhất. Điều này được phản ảnh trung thực qua hình ảnh Robinson[1] một mình ngoài đảo hoang như hình ảnh con người tiền sử: bắt dê, thuần dưỡng dê, thức ăn từ con dê, trang phục từ đầu tới chân làm bằng da dê, sống với dê như bầu bạn…
Với khả năng thích nghi tốt trên nhiều địa hình, con dê đi vào đời sống, văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau, để lại hệ thống huyền thoại, biểu tượng mang ý nghĩa vô cùng phong phú và đa dạng.Từ bản năng sinh sản cường tráng đến độ trơ trẽn, dê (đặc biệt là dê đực) trở thành biểu tượng của thói dâm đãng[2]. Từ chiều dài lịch sử gắn bó với đời sống con người, dê trở thành cống phẩm để chuộc tội/dâng hiến thần linh, và đó là lý do khởi nguyên con dê trở thành biểu tượng cho sự hiến tế ở cả hai nền văn hóa Đông-Tây.
Engels đã khẳngđịnh: “không có cơ sở văn minh Hy Lạp và đế quốc La Mã cổ đại thì không có Châu Âu hiện đại”. Sự xác quyết về suối nguồn văn hóa Phương Tây ấy của Engels gặp gỡ với quan điểm của Francois Jullien - nhà nghiên cứu văn hóa Đông - Tây đương đại, khi ông xác minh thêm rằng:“tâm điểm văn hóa (Phương Tây) là triết học Hy Lạp và tư tưởng Kinh thánh”[3]. Vì vậy, ở đây chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng con dê trong giới hạn ấy (Thần thoại Hy Lạp và Thánh kinh).
Trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọng thống kê những ý nghĩa, nhân loại đã dồn nén trong biểu tượng(con dê),mà như một cách nhìn thế giới từ bên trong, một kiểu diễn giải thuần túy biểu tượng, hay nói cách khác giải biểu tượng bằng biểu tượng.
Biểu tượng của cung Ma Kết
Hoàng đạo (Zodiac) là biểu tượng mang ý nghĩa phổ biến ở nhiều nền văn hóa, và đều mang nét nghĩa thể hiện sự thống nhất ở tên gọi là vòng tròn của thời gian, bánh xe của sự sống. Trong Chiêm tinh học, Hoàng đạo là tên của một dải các chòm sao, mà tên của nó được đặt theo ý nghĩa những biểu tượng và những huyền thoại.
Vòng Hoàng đạo được chia theo con số 12 hoàn hảo, tương ứng với 12 chòm sao (12 cung), cung Ma Kết hay còn có tên khác là Nam Dương là cung thứ 10. Ma Kết (Capricorn, Latinh Capricornus) được hình thành từ các yếu tố: “Caper có nghĩa là con dê,Cornu có nghĩa là sừng; vì vậy, Capricorn có nghĩa là sừng của con dê”[4]. Như vậy, con dê hay sừng dê trở thành biểu tượng của cung Ma Kết.
Huyền thoại về cung Ma Kết cũng rất phong phú, song câu chuyện về thần Pan được nhiều người biết đến nhất. Bán thần Pan trong Thần thoại Hy Lạp, thường được cho là con của thần Hermes và một nữĐiền dã (Nymph). Khi được sinh ra với hình hài quái dị, nửa trên là người với những chiếc sừng dê, nửa dưới là dê, nữ thần khiếp sợ đến phát điên, thương con thần Hermes đưa Pan về Olympus, và trở thành vị thần của các mục đồng và gia súc, của lễ hội, rượu nho. Trong một lần chiến đấu chống lại con quái vật Typhon, Pan đã nhảy xuống dòng sông Nil (Nile), biến thành con vật nửa cá nửa dê. Huyền thoài này có sự gặp gỡ với truyền thuyết về dê biển (Seagoat) ở Babylon, thần Ea: nửa dưới cơ thể thần là cá, đầu và mình là dê; ban đêm, vị thần sống trong đại dương nhưng mỗi ngày đều ngoi lên để canh giữ đất liền.
Dê biển là biểu tượng biên giới của các cảnh giới, nơi tâm thức của trái đất bên dưới tiếp xúc với các cao ý thức, hay giác ngộ, của trời ở trên. Điều này cũng được J. E. Cirlot khẳng định, trong ý nghĩa của cung hoàng đạo thứ mười này, đề cập đến những khuynh hướng kép của cuộc sống, một mặt, nó hướng tới vực thẳm (hoặc nước) và mặt khác làđỉnh cao (hay núi)[5].Ý thức cao hơn (tâm trí cao hơn) mong muốn lên và chinh phục, như hình ảnh con dê xinh đẹp, thông minh của ông Seguin[6]bị quyến rũ bởi vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn núi như một quyết tâm vượt thoát những giới hạn. Bản tính luôn kiên định, bền bỉ, năng lượng bất khuất và lòng dũng cảm đối mặt với mọi khó khăn, lắm lúc đến độ bướng bỉnh và mù quáng như hình ảnh hai con dê qua cầu trong truyện ngụ ngôn Aesop[7].
Mang nét nghĩa về sự vận động của thời gian, cung Ma kết (từngày 21/12 đến ngày 20/1) là thời điểm đông chí, được gọi là “cổng phía Nam của Mặt trời” (Southern Gate of the Sun). Gọi như vậy bởi vì đây là giới hạn cuối cùng của chu kỳ Mặt trời. Ngày Đông chí (ngày 21 hoặc ngày 22/12) là ngày ngắn nhất trong năm, thời điểm mà Mặt trời xuống tới điểm thấp nhất về phía nam trên bầu trời để sau đó bắt đầu cuộc hành trình trở lại với miền cực bắc. Việc tới giới hạn, và vượt thoát bằng sự đảo ngược tiến trình của Mặt trời tương ứng với vòng tuần hoàn của cuộc sống, từcõi chết của thế giới vật chất đến sự hồi sinh của vạn vật, chứa đựng một năng lượng siêu thăng. Đó là khoảnh khắc Tái sinh của Mặt trời tương ứng với sự Giáng sinh của Người mang ánh sáng trên Trái đất (Chúa Jesus), và sự ra đời của năm mới.
Bản thân biểu tượng Sừng dê cũng chứa đựng những ý nghĩa thiêng liêng: những bản nguyên sơ khởi của vũ trụ. Theo huyền thoại, đó là sừng của con dê cái Amalthea, con dê đã nuôi thần Zeus bằng sữa của mình. Thủa hài đồng, trong lúc vui chơi, Zeus đã bẻ gãy một chiếc sừng của nó và đem tặng cho tiên nữ Adamanthea người sẽ nuôi dưỡng thần sau này, với lời hứa: “nó (chiếc sừng) sẽ luôn đầy ắp những hoa quả mà nàng (Adamanthea) thèm muốn”[8] và như một biểu tượng bổng lộc của thần linh, nó trở thành Sừng sung mãn (Horn of Plenty). Vĩnh viễn phong phú,sừng cũng được sử dụng như một vật uống rượu trong thời cổ đại, và là một biểu tượng kép nam và nữ, đực và cái: khi hướng trở lên, sừng thể hiện mặt nam tính(thâm nhập và quyết đoán), biểu tượng của dương vật; khi chỉ xuống dưới, là biểu hiện nữ tính(dễ tiếp thu hoặc bình chứa), biểu tượng của dạ con. Với ý nghĩa kép ấy, sừng tượng trưng cho năng lượng âm dương, lưỡng tính của vũ trụ.
Sừng cũng là biểu tượng của uy lực và quyền bính nên nó trở thành biểu hiệu của các thần (như Dionysos), noi gương thần linh, các thánh nhân (như Alexandre Đại đế) cũng tạc hình mình với chiếc sừng như khát vọng về sự phồn thịnh của đế chế ông, hoặc một chiếc mũ có sừng là một “nghệ thuật chiến tranh” của bọn hải tặc. Song, sự rẽ nhánh của cặp sừng cũng là biểu tượng của sự suy thoái của uy lực và quyền bính: quỷ dữ cũng luôn được hình dung là có sừng.
Để tỏ lòng kính trọng, biết ơn hoặc để tẩy uế, chuộc tội, xa xưa, con người đã dâng lên thần linh những con vật đầu lòng, tốt nhất, khỏe nhất, thậm chí còn cung hiến cả con mình như Abraham đã hiến sinh Issac[9]. Có bao nhiêu tôn giáo, tín ngưỡng thì có bấy nhiêu nghi lễ hiến sinh, song chiên (cừu non), chó, dê, bò mộng,… vẫn là những động vật hiến sinh phổ biến nhất. Tuy khác nhau về cách thức, lễ vật nhưng mọi hành động hiến sinh đều quy tụ ở mục đích: vượt thoát tội lỗi, hướng tới cái đẹp, cái thiện.
Thừa nhận quyền lực tối cao của thần linh, hiến tế - hành động chuộc tội hay cầu phúc, như một sự trao đổi năng lượng: một sự biếu tặng và đền bồi; hơn nữa, hiến tế còn là hành động tự nhận thức.
Theo Kinh thánh viết về một lễ hiến sinh hai con dê đực, một trong hai con dê sẽ không bị hiến sinh nhưng nóbị kết tội và chồng chất mọi lầm lạc, thầy đại tư tế “đặt hai tay lên đầu con dê còn sống mà xưng thú hết mọi sai lầm, hết mọi phản nghịch, nghĩa là hết mọi tội lỗi của con dân Israel, như thể trút tất cả lên đầu nó, rồi dùng tay một người đang chờ sẵn mà đuổi nó vào sa mạc. Con dê sẽ mang trên mình mọi lỗi lầm của họ vào hoang địa”. Con dê đã mang đi những tội lỗi của người dân vào hoang địa cho Azazel[10]như một sự trừng phạt, lưu đày, do đó giải phóng họ khỏi mọi hậu quả. Như Chúa Christ đã khổ nạn trên thập giá để cứu chuộc tất cả tội lỗi của nhân loại (như một hành động cứu rỗi), con dê đực trở thành thánh thể được kén chọn như Thiên chúađã chọn con mình.
Vượt lên trên ý nghĩa biếu tặng và đền bồi, hiến tế còn là sự“ca ngợi chiến thắng bên trong, như là một biểu tượng chiến thắng của bản chất tinh thần đối với bản chất sinh vật”[11]; cho nên, “yếu tính của sự hiến sinh chínhlà cái đẹp”[12]. Con người thuần dưỡng động vật là quá trình thoát ra khỏi khỏi thú tính, hướng về nhân tính. Muốn chế ngự và vượt thoát thú tính thì trước tiên phải ý thức về thú tính đó, và sự hiến sinh là biểu hiện cho năng lực tự nhận thức ấy. Bởi thân xác con người được biểu thị bằng động vật, và lễ hiến sinh động vật là một hình thức chỉ sự hiến sinh con người: “con vật hiến sinh là con vật thay thế người dâng hiến”[13]. Như vậy, hiến sinh là hành động tự thanh lọc và vượt qua những bản năng thú tính vì chúng ta đã ý thức và chế ngự được nó.
Khác biệt với sự vượt thoát bằng sự hiến sinh, trong câu chuyện của Artemis, sự tác động của con dê lạitheo chiềuđảo ngược. Con dê hoang dã là con vật thánh thiêng đối với Artemis[14] - nữ thần thiện xạ. Theo một số huyền thoại nàng được xem là trinh nữ suốt đời, bảo vệ sự trong trắng theo hướng khắc kỷ, yêu chuộng sự hoang dã khởi nguyên, màđiển hình là huyền thoại về hoàng tử Acteon xấu số, xứ Thebes, bị đàn chó săn rượt đuổi và xé xác vì chàngbắt gặp nữ thần đang tắm,đã xúc phạm đến sự trong trắng thuần khiết của nữ thần. Tuy nhiên, một số truyện lại thừa nhận sự quy phục của “trinh nữ thợ săn” trước vẻ cường tráng quyến rũ của thần Pan, dưới dạng một con dê đực màu trắng[15]. Ở đây, dê đực (tính dương) là năng lực sinh sản của thiên nhiên làm thay đổi (chuyển hóa) sự đơn nhất khởi thủy (tínhâm - Artemis), từđó, vạn vậtnảy nụ, vũ trụ sinh sôi.
Thuộc tính của thần Rượu nho
Dionysos (Dionysus), trong thần thoại Hy Lạp, là vị thần Rượu nho, con trai của thần Zeus với Semele, một người trần xinh đẹp. Bị nữ thần Hera ghen tuông hãm hại, Semele bị thiêu cháy bởi ánh sáng chói lòa, tiếng sấmkinh thiên động địa của vịchúa tể, Zeus kịp thời đưa đứa bé ra khỏi bụng nàng, rồi khâu vào đùi của mình. Vì vậy, Dionysos còn có những tên khác như hai lần mang thai hay hai lần sinh hạ. Nhưng điều này cũng tương ứng với vòng tròn của lễ thụ pháp, của sự sống như chúa Jesus: sinh ra - chết đi - tái sinh, vượt thoát mọi giới hạn. Điều này còn được thể hiện trong suốt tuổi thơ nhiều bi kịch: bị Hera liên tục truy đuổi giết hại, “Dionysos biến thành con dê”[16] để tránh tai mắt của nữ thần. Sự kiệt sức và bị giết chết bởi các thế lực hắc ám nhưng thần vẫn chiến thắng qua phong thái tinh thần lạc quan của mình, thần vẫn hồi sinh vào mùa xuân bằng chất nhựa của những mầm nho, như chính sự chuyển hóa từ quả nho thành rượu nho thơm lừng, và đến lượt nó, rượu nho đem đến cho người thưởng thức sự lôi cuốn đầy hứng khởi, mê say…
Theo F. Nietzsche[17], bi kịch bắt nguồn từ những bài hoan ca về thần rượu nho, thần của sự giải phóng, sự xóa bỏ những cấm kỵ, tượng trưng cho sức mạnh sự sống muốn vươn lên mọi gò bó, vượt thoát mọi giới hạn. Bi kịch, (tragedie có gốc từ tiếng Hy Lạp, kết hợp tragos(con dê) và ode (bài ca)),là tiếng hát của con dê đực[18], khởi thủy là những bài hát trong lễ hội Dionysos, kèm theo lễ hiến sinh con dê đực. Và như trên đã phân tích, lễ hiến sinh bao hàm quá trình đồng hóa, bởi dê đực là một thuộc tính, một hiện thân của Dionysos, ca ngợi thần rượu nho là ca ngơi tinh thần lạc quan, bất chấp mọi sức mạnh ngoại giới, như chính cuộc đời nhiều đau đớn của thần. Có lẽ, vì vậy mà Aristotle xem bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật (trước hết là bi kịch) là sự thanh lọc (Katharsis), bằng việc gợi lên lòng thương cảm và nỗi sợ hãi.
Là vị thần địa ngục, và làmột biểu tượng của sự phóng túng, của nỗi đam mê khao khát bất tận,…theo Carl Jung, huyền thoại Dionysos là vực thẳm của sự “giải thể những say mê” của mỗi cá nhân, như là kết quả của cảm xúc mang đến những thái cực: khoái cảm và đau đớn, vẻ đẹp và sự tàn bạo, thần khải và sa đọa, trác táng và siêu thoát… như bản chất sự thôi thúc của vô thức được biểu đạt bằng hình ảnh con dê.
Vượt thoát những giới hạn trong biểu tượng con dê là sự chuyển mùa từ cái chết sang hồi sinh trong vòng hoàng đạo, là sự chế ngự thú tính, hướng đến cái đẹp trong lễ hiến sinh, là nỗ lực tinh thần hóa mọi sinh thể, từ cỏ cây sang trạng thái xuất thần, từnhững đau đớn bi kịch đến sự cao cả trong nhân cách và sự thanh lọc trong tâm hồn… Tuy nhiên, những lực làm tiêu tán nhân tính cũng là một vectơ trong biểu tượng con dê: sự thoái bộ trở về trạng thái nguyên thủy hỗn mang của sự sống, sự sa đọa của Satan, sự thoái hóa của bản năng, dục tính, và quyền lực. Những mặt lấp lửng lưỡng nan của biểu tượng cũng chính là khuôn mặt của sự sống như ý nghĩa tên gọi của thần Pan[19] trong nhận thức của người Hy Lạp cổ đại. Nhờ cái đối lập, ta nhận thức được cái đối lập; nhận thức và lựa chọn tiến hóa hay thoái hóa nằm ở sự sâu sắc của sự nhận thức ấy!
Năm 2015 (Ất Mùi), hy vọng Dê Vàng sẽ đến sự Cát tường, Thịnh vượng, An vui. Năm mới mở ra nhiều cơ hội và thách thức, vượt qua được thách thức và mở rộng chiều kích mọi giới hạn là khát vọng muôn đời của mỗi con người. Nhưng vượt thoát chỉ là những khoảnh khắc mang tính bước ngoặt, điều căn cốt là tạo dựng được thế cân bằng, ổn định trong hòa bình thì mới mong có cơ may vượt thoát thành công./.
Tài liệu tham khảo
- Chevalier J., Gheerbrant A. (Phạm Vĩnh Cư chủ biên, 2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng Trường viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng.
- Francois Froger J., Pierre Durand J. (Lê Thành dịch, 2012), Biểu tượng và ý nghĩa các loài thú trong Kinh thánh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
- Joseph “Joe” Panek, The Sea Goat [Goat Fish] and Capricorn(Symbolism, Mythology and Astrology), http://www.aseekersthoughts.com/2013/01/the-sea-goat-goat-fish-and capricorn.html, Tuesday, January 1, 2013.
- Francois Jullien (Hoàng Ngọc Hiến dịch) (2009), Nghiên cứu so sánh văn hóa Đông - Tây, Nxb Lao động, Hà Nội.
- J. E. Cirlot (2001), A Dictionary Of Symbols, published in the Taylor & Francis e-Library.
- Janua Coeli: Heaven's Gates, http://www.mother-god.com/heavens-gates.html
- Kinh thánh(Cựu ước và Tân ước, 2008), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Khỏa (2007), Thần thoại Hy Lạp, Nxb Văn học, Hà Nội.
Scott Littleton C., (Chương Ngọc dịch, 2006), Huyền thoại thế giới, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
[1]Nhân vật trong tiểu thuyết Robinson Crusoecủa nhà văn Anh Daniel Defoe (1660-1731).
[2]Dê trong biểu tượng văn hóa,http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%AA_trong_bi%E1%BB%83u_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_v%C4%83n_h%C3%B3a.
[3]Francois Jullien (Hoàng Ngọc Hiến dịch) (2009), Nghiên cứu so sánh văn hóa Đông - Tây, Nxb Lao động, Hà Nội, tr. 53.
[4]Joseph “Joe” Panek, The Sea Goat [Goat Fish] and Capricorn (Symbolism, Mythology and Astrology), http://www.aseekersthoughts.com/2013/01/the-sea-goat-goat-fish-and-capricorn.html, Tuesday, January 1, 2013.
[5]“refers to the dual tendencies of life towards the abyss (or water) on the one hand, and the heights (or mountains) on the other”, J. E. Cirlot (2001), A Dictionary Of Symbols, published in the Taylor & Francis e-Library, tr.38.
[6]Con dê của ông Seguin của nhà văn Pháp, Alphonse Daudet (1840-1897).
[7]Aesop là con người tài năng mà bất hạnh, sống ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên. Ông bị giết hại nhưng tác phẩm của ông sống mãi với những bài học sâu sắc về luân lý, đạo đức và cách sống đẹp.
[8]Chevalier J., Gheerbrant A. (Phạm Vĩnh Cư chủ biên, 2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng Trường viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng, tr.840.
[9]Theo Kinh Thánh, để chứng minh lòng tôn kính Thiên chúa Abraham đã nghe theo lời Người hiến tế đứa con duy nhất của mình là Issac. Song, Chúa chỉ muốn thử thách đức tin của Abraham.
[10]Tên một con quỷ sống trong hoang mạc, bị Chúa trời nguyền rủa.
[11]Chevalier J., Gheerbrant A., sđd, tr.398.
[12]Francois Froger J., Pierre Durand J. (Lê Thành dịch, 2012), Biểu tượng và ý nghĩa các loài thú trong Kinh thánh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.135.
[13]Chevalier J., Gheerbrant A., sđd, tr.397.
[14]Là một trong mười hai vị thần bất tử trên đỉnh Olympus, nàng là con gái của Zeus với Leto, là chị song sinh với thần ánh sáng Apollon.
[15]Scott Littleton C., (Chương Ngọc dịch, 2006), Huyền thoại thế giới, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, tr.183.
[16]Nguyễn Văn Khỏa (2007), Thần thoại Hy Lạp, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.284.
[17]Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), triết gia người Đức, trong tác phẩmThe Birth of Tragedy (1967), ông chỉ ra nguồn gốc ra đời của Bi kịch.
[18]Chevalier J., Gheerbrant A., sđd, tr.253.
[19]Pan, trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là tất cả, Pan là hiện thân cho xu hướng vốn có của vũ trụ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn