Bàn về chữ “Lễ” và Lễ phép

09:26 CH @ Thứ Bảy - 04 Tháng Mười Hai, 2021

Bài trước:

Trong tiếng Việt, chữ Lễ thường đi liền với Lễ phép và Lễ Pháp. Đây đều là những từ thông dụng, chữ thì ai cũng biết nhưng nghĩa thì không mấy người hiểu. Điều này vẫn thường gặp ở Việt Nam, dẫu chúng ta vẫn tự hào là 95% dân số biết chữ.

Chữ “Lễ” hay lễ phép không phải là độc quyền của người Việt Nam. Đây là những nguyên tắc giao tiếp căn bản của mọi nơi trên thế giới. Từ đông sang tây, từ bắc chí nam đều có nguyên tắc riêng của lễ.

Tại trường Thorplands, Northampton ở Anh, có tấm bảng in 10 câu:

Use polite language
Help others when you can
Share and queue, 
Listen to others, 
Be honest and sincere,
Think before you speak, 
Remember how to behave, 
Control anger 
Care about the plight of others 
Do not cheat when playing and working.

Tạm dịch: 

Dùng lời lẽ nhã nhặn; 
Giúp đỡ người khác khi có thể; 
Chia sẻ và xếp hàng; 
Lắng nghe người khác; 
Trung thực và thật thà; 
Suy nghĩ trước khi phát biểu; 
Ghi nhớ cách ứng xử; 
Biết kìm nén sự nóng giận; 
Quan tâm đến hoàn cảnh của người khác; 
Không gian lận khi chơi và làm việc.

Thomas Fuller (1608- 1661) giáo sĩ, nhà sử học nổi tiếng người Anh có câu: “Let thy child's first lesson the be obedience and the second may be what thou wilt”, tạm dịch: “Hãy để bài học đầu tiên cho con bạn là sự vâng lời và bài học thứ hai là điều bạn muốn”.

“Hãy để bài học đầu tiên cho con bạn là sự vâng lời và bài học thứ hai là điều bạn muốn”.


Những điều răn như vậy có thể bắt gặp rất nhiều ở nước ngoài. Đây chính là nội hàm của chữ lễ mà mỗi nước quan niệm.
Giờ bàn một chút về chữ Lễ trong Luận ngữ, một cuốn trong bốn cuốn gọi là Tứ Thư.

Ngoài Luận Ngữ, Tứ Thư còn bao gồm Đại Học, Mạnh tử và Trung Dung. Khổng Tử là người nghiên cứu di sản văn hoá của người xưa để lại rồi truyền cho học trò. Sau khi Khổng tử mất, các môn sinh thu thập lời dạy của thầy, truyền cho nhau, một số người chép lại dùng để dạy học. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nhắc rất nhiều đến chữ Lễ (禮). Có thể nói, trong mỗi chương đều có nhiều đoạn bàn về lễ, có khi chủ động giảng giải, có khi thụ động trả lời câu hỏi của các đồ đệ liên quan tới lễ.

Chữ Lễ viết theo lối cổ

Theo đó, ý nghĩa của lễ có thể hiểu theo những phạm trù sau:

- Thứ nhất, lễ là một phương cách biểu tả hòa khí, có thể giúp tề gia, trị quốc.

- Thứ hai, lễ biểu hiện chính nền đạo đức. Theo Khổng Tử, căn bản của lễ là nền đạo đức. Ðạo nhân, đạo nghĩa, đạo tín… là những đức tính căn bản của lễ. Một người thiếu lễ, không thể là người quân tử. Trung, hiếu chỉ là những quy tắc tất yếu xây dựng trên nhân, nghĩa, và tín, trong khi lễ là một phương thế biểu hiện những đức tính trên.

- Thứ ba, lễ là những nghi thức mà ta phải theo, tùy theo nơi chốn, tùy theo địa vị, tùy theo tương quan giữa chúng ta với những người ta gặp. Trong Thuật Nhi, Khổng Tử nhấn mạnh tới nghi thức cũng như thái độ ta phải có khi cúng tế, khi thụ tang, khi gặp thiên tai, vân vân. Đa số nho gia đã hiểu lễ như là nghi lễ, nghi thức, hay quy luật ta phải theo khi cúng tế, khi tổ chức hôn lễ, khi tham gia vào việc công (làm quan, triều yết), khi sinh con đẻ cái, khi có tang…

- Thứ tư là Lễ pháp, tới thời Tuân Tử, nhất là thời Pháp gia, nho gia thường gắn lễ liền với pháp, như chúng ta thấy từ ngữ hay dùng: "lễ pháp" (tiếng Việt gọi trại đi là "lễ phép"), tức quy tắc mà ta bắt buộc phải theo.

- Thứ năm, lễ là cả một lối sống toàn diện, tức lối sống mà ta phải theo để có thể bảo tồn sự sống bền vững và ổn định xã hội. Theo lễ, tức là theo cái lẽ phải, hợp lễ là hợp với bản tính ta vốn có. Khổng tử từng nói: "Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỉ, dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo."

Trong Luận Ngữ, Lễ mang hai bản chất: Lễ chi bản và lễ chi dụng. Lễ chi bản là bản chất biểu tả một cách trung thực bản tính con người, trong khi lễ chi dụng là tính chất công dụng của lễ trong công việc giữ gìn trật tự, cũng như giữ được sự cân bằng trong cuộc sống, trong những giao tiếp của con người.


Khẩu hiệu quen thuộc với các thế hệ học trò

Mỗi bậc làm cha làm mẹ hàng ngày vẫn dạy con cái “lễ phép” nếu ngẫm kỹ sẽ thấy nội hàm của chữ Lễ có chiều sâu và rất thú vị. Giải thích cho con trẻ hiểu được chữ lễ cũng là cách rất tốt giáo dục nhân cách và hoàn toàn không phải là tăm tối, khó hiểu như quan niệm của Gs Trần Ngọc Thêm.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đề xuất của GS. Trần Ngọc Thêm là phản giáo dục

    04/12/2021Nhà báo Phan Thế HảiTuần trước, Gs Trần Ngọc Thêm có đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”. Ý kiến này đã gây sốt trong cộng đồng mạng theo hai xu hướng đối nghịch...
  • Tiên học lễ, hậu học văn

    17/12/2010V. HKhẩu hiệu trên thường được treo trang trọng tại khắp các trường học trên cả nước, song việc triển khai, áp dụng cụ thể vào chương trình học tập thì dường như ít nơi để ý tới...
  • Học “lễ”?

    03/10/2009Nguyễn Ngọc LanhNhiều lý do khiến cần bỏ “tiên học lễ”, nhưng lý do bao trùm và cơ bản là nó thể hiện một triết lý giáo dục quá cũ kỹ, lạc hậu. Cần minh định rằng, bản thân “tiên học lễ” không có lỗi gì (cũng như cái cối xay lúa thời xưa không có lỗi gì), nhưng nó không còn vai trò tích cực như dưới thời phong kiến và văn minh nông nghiệp nữa. Trong khi đó xã hội cần những con người có suy nghĩ độc lập. Xã hội, dù ở thế kỷ XXI nếu còn nặng căn phong kiến, thì “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn được luyến tiếc.
  • Bàn về cách xử thế và phép lịch sự trong quan hệ giao tiếp của người Việt Nam hiện nay

    31/03/2007Lê ThiChúng ta hay bàn nhiều về đạo đức, nhân cách con người Việt Nam nhưng có lẽ còn ít nói đến phép lịch sự, cách xử thế của họ trong các quan hệ giao tiếp diễn ra hàng ngày trong gia đình, ngoài cộng đồng. Cũng có người nghĩ rằng phép lịch sự là cái gì xã giao bề ngoài, hình thức làm mất tính đặc thù cá nhân. Họ muốn sống một cách "tự nhiên", riêng biệt, không giống người khác. Điều đó có đúng không?