Anh Tạch anh Đoành

09:37 SA @ Chủ Nhật - 19 Tháng Sáu, 2011

Xem thêm: Hiểu biết & thức tỉnh...

Cuối cùng thì Toyota Việt Nam với những ông chủ đến từ một xứ sở văn minh bậc nhất thế giới, cũng không thể vượt qua được lề thói ứng xử rất … Việt Nam. Đó là tìm cách buộc kỹ sư Lê Văn Tạch – người tố cáo hàng loạt những lỗi trong quá trình lắp ráp xe ô tô của hãng này phải ngừng việc.

Công đoàn của công ty đó, một bộ phận tất nhiên toàn người Việt, thay vì đứng ra bảo vệ quyền lợi người lao động, thì lại nhiệt tình ủng hộ ông chủ. Cũng chẳng có gì khó hiểu với động thái này.

Tự dưng liên tưởng đến nhân vật Trạch Văn Đoành trong truyện ngắn “Đôi móng giò” của nhà văn Nam Cao. Liên tưởng, bởi hai cái tên đầy tượng thanh độc đáo và những việc làm độc đáo, dù sự so sánh giữa văn chương và đời thực đôi chỗ hơi chênh chao.

Anh Tạch không xấu xí, khác đời, hay gây sự khiến các chức sắc, bậc tiên chỉ hủ lậu trong làng tức phát điên lên như anh chàng Đoành. Nhưng cái sự không giống ai, dám đương đầu với lề luật làng xã đầy giả dối, ao tù nước đọng trong suy nghĩ, việc làm thì có gì đó gần gũi.

Đỉnh điểm của câu chuyện là anh Đoành thản nhiên thó đôi móng giò quý giá của các cụ bày giữa mâm đình chưa kịp xơi để ban thưởng cho anh kép cô đào, khiến các cụ tức sùi mép, cãi nhau ngậu xị, còn dân làng được bữa cười hả hê.

Hơn 73 ngàn xe ô tô của hãng này tại Việt Nam buộc phải triệu hồi để sửa chữa, người được nhờ và hả hê nhất là khách hàng. Riêng anh Tạch thì bị tạm đình chỉ công việc. Nhưng dù bị treo việc, thì suy cho cùng, phần thắng cuối cùng vẫn thuộc về anh Tạch, hay đúng hơn là thuộc về những người thẳng thắn, trung thực, dám bất chấp vượt qua lệ làng, thói đời…

Có nhiều cái bị đánh mất qua vụ việc này. Trước tiên là hình ảnh gây dựng bấy lâu của hãng đã suy suyển nghiêm trọng. Có bạn đọc hỏi, tại sao khách hàng ở ta hiền thế, không đứng ra kiện về việc gây nguy hiểm cho khách hàng. Nếu ở Mỹ chẳng hạn, chắc chắn mọi ứng xử sẽ khác.

Nhưng cái mất lớn hơn, biết đâu đã và đang âm thầm xảy ra. Đó là rất nhiều người trung thực như anh Tạch phải suy nghĩ lại, hoặc dè dặt chùn tay khi đối diện với điều xấu đang bị bưng bít. Tất thảy đều dĩ hòa vi quý lặn ngụp mãi trong cái ao làng của sự giả dối. Có thể về phương pháp đấu tranh anh Tạch chưa thật bài bản. Nhưng sự trung thực, dám nói ra sự thật, đó mới là tài sản tinh thần vô giá của mỗi công dân đóng góp cho đất nước

Đôi móng giò bày giữa mâm làng hay hàng vạn chiếc xe bị lỗi được che lấp âm thầm, rốt cuộc cũng chỉ một vài hình ảnh cụ thể trong vô vàn biến động phức tạp của đời sống xã hội qua từng thời đại. Chỉ mong trên đời đừng hiếm dần, mất đi dần những người như Lê Văn Tạch …


Hiểu biết & thức tỉnh

(Đình Thắng,báo Tiền Phong)

Có một bức tranh con mèo nhỏ nhắn ngồi bình thản bên một con chó ngao hung dữ. Mèo không chút sợ sệt vì nó biết con chó dữ dằn kia đã bị xích (và sợi xích không đủ dài) nên không thể gây hấn.

Người ta chú thích cho bức tranh này là sức mạnh của sự hiểu biết. Một người có thân hình mảnh mai, không muốn nói là tiều tuỵ, gương mặt chất phác kiểu nho sinh như kỹ sư Lê Văn Tạch lại dám đương đầu với công ty lắp ráp xe ô tô danh tiếng hàng đầu ở Việt Nam (Toyota VN-TMV).

Bởi vì, kỹ sư Tạch hiểu biết. Không những thế, trên cả sự hiểu biết là sự thức tỉnh của một cá nhân với cộng đồng. Một phẩm chất đặc trưng của những người Nhật Bản-nơi đóng đại bản doanh của Toyota toàn cầu (do người Nhật điều hành).

Có lẽ trong suất gần 10 năm công tác tại phòng Kỹ thuật thuộc TMV, kỹ sư Tạch đã học được những phẩm chất tốt đẹp của người Nhật Bản. Không hồ đồ, vội vã, ngay từ khi phát hiện ra hàng loạt xe mắc lỗi, kỹ sư Tạch đã lần lượt thông báo cho các cấp có thẩm quyền trong công ty. Thay vì nhận được sự tán thưởng hay lời cám ơn; lần lượt những người kia đã bỏ qua các kiến nghị của anh.

Cực chẳng đã, kỹ sư Tạch mới tố giác lên Cục Đăng kiểm Việt Nam và báo chí. Tuy nhiên để TMV nhận lỗi và triệu hồi xe cũng không đơn giản. Chỉ khi Cục ĐKVN và các cơ quan khác tuyên bố vào cuộc, TMV mới rầm rộ triệu hồi sửa chữa lỗi nhiều dòng xe ô tô. Thời điểm đó, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã xem kỹ sư Tạch như người hùng.

Diễn tiến câu chuyện kỹ sư Tạch nếu theo nghĩa thông thường, cá nhân người có công sẽ được tôn vinh, hay tặng thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, anh đã bị lãnh đạo công ty tạm đình chỉ công tác 3 tháng để điều tra mối quan hệ cá nhân với đồng nghiệp khác.

Thực ra, TMV có thể giải quyết sự việc một cách ít tổn hại (uy tín và tiền bạc...) nhất nếu hành xử đúng thay vì cứ loay hoay và bị một kỹ sư dũng cảm dẫn dắt diễn biến sự việc.

Điều lạ lùng, chưa thấy TMV xử lý những cá nhân liên quan để xảy ra lỗi hàng loạt ô tô dẫn tới chiến dịch sửa chữa xe miễn phí kia; cũng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý TMV vì bán các sản phẩm mắc lỗi cho người dân. Chỉ có kỹ sư Tạch bị tạm đình chỉ 3 tháng, hưởng 50% tiền lương và sự xa lánh hoặc e ngại không dám ngồi cùng bàn của đồng nghiệp trong bữa trưa ở công ty.

Ai đó sẽ nói, kỹ sư Tạch là điển hình của người chống tiêu cực thái quá. Nhiều người không nghĩ như vậy. Bằng chứng là cách đấu tranh của anh tuần tự, theo từng nấc thẩm quyền. Với ai đó, hành động của kỹ sư là dại dột, nhưng nếu phải làm việc trong môi trường không thừa nhận cái đúng, phải sống khác mình liệu kỹ sư Tạch có thanh thản nổi không.

Tiếc là, hiện nay, những người như kỹ sư Tạch chỉ được người đời thầm tôn xưng, thầm ngưỡng mộ. Ít ai dám dùng hoặc công khai cổ vũ người có ý kiến trái chiều. Điều này khác nào người hùng ra trận đấu giáp la cà đầy gươm giáo mà không mang áo giáp, và như thế khác gì sự hiến thân. Thế mới thấy, chỉ có sức mạnh của sự hiểu biết không thôi chưa đủ.

Nguồn:Tiền Phong
LinkedInPinterestCập nhật lúc: