Ăn - Học

Giám đốc Vườn Ươm Doanh nghiệp Tâm Việt
10:59 SA @ Thứ Năm - 30 Tháng Mười, 2014

Tiếng Việt của ta có cụm từ “Ăn học”, ăn đi đôi với học. Vậy sự “học” và sự “ăn” liên quan gì đến nhau? Nếu ta để ý một chút, sẽ thấy sự “Học” cũng hệt như sự “Ăn”. Kiến thức chính là một loại thức ăn cho tinh thần, bộ máy xử lí kiến thức của bộ não tương ứng với bộ máy tiêu hóa của cơ thể .

Ngày nay, “ăn” không còn để no nữa mà “ăn” để ngon, “ăn” là cần tinh tế đến mức ẩm thực, chọn đồ ngon nhất, bổ nhất để ăn. Nếu như “ăn” là để bổ cho mình, thì “học” cũng là để tốt cho mình. Nhưng giờ đây ta đã lạc hậu hơn các nước khác, lại có tinh thần học tập kém, không muốn Học, chẳng khác gì đã đói lại không muốn Ăn. Ta quan niệm ngồi trên ghế nhà trường mới gọi là học, qua tuổi ngồi trên ghế nhà trường là nghiễm nhiên không cần học tập gì thêm. Bố mẹ yêu cầu con cái đi học trong khi mình ngồi xem phim, bố mẹ đầu tư tiền của cho con cái đi học nhưng quên mất dành một phần để chính mình đi học. Kết quả là khả năng học tập của ta giảm dần và chuyển từ mù chữ sang “mù học”.

“Học” cũng như “Ăn”, truyền thống học tập của mỗi gia đình cũng giống như “Khẩu vị ăn” của riêng gia đình đó. “Ăn” là tất cả cùng ăn thì “Học” cũng cần tất cả cùng học. Bộ máy tiêu hóa của cơ thể đang tự vận hành, tự hoạt động từ việc đưa thức ăn vào đến việc tiêu hóa thức ăn đó rồi cho ra kết quả từ quá trình đó. Thì “bộ máy tiêu hóa” của trí não tuy tinh vi nhưng lại cần có những tác động từ bên ngoài mới chịu vận hành.

Đầu tiên, có người Ăn phải có người Nấu. Người Nấu giỏi thì người Ăn mới thấy ngon. Việc Nấu trong Ăn, giống như việc Nói trong Học. Nấu ngon không phải do ta có đầy đủ nguyên liệu mà quan trọng là cách nấu, cách pha chế gia vị và phối hợp những nguyên liệu đó thành món ăn ngon. Cũng như vậy, quan trọng không phải là “Nói cái gì” mà là “Nói như thế nào”, nói hay, điều đó không nhờ vào lượng kiến thức ta có mà chủ yếu dựa vào cách ta nói. Ta cần học cách nói, chứ không học về nội dung ta định nói.

Có người nấu cho ta ăn đó là điều rất tốt. Thế nên, đừng nhìn thức ăn rồi vội khen chê ngay nó ngon hay dở, phải cho thức ăn vào mồm hay đơn giản là “Ngậm” mới bắt đầu có những đánh giá đầu tiên về món ăn đó. “Ngậm” cũng giống như “Nghe”, có người nói, thì mình phải Nghe đã, trước khi biết Nghe, đừng vội đánh giá người nói hay hay dở. Muốn làm người nấu ăn ngon trước tiên phải là người biết ăn giỏi. Muốn nói tốt thì cần biết nghe tốt, những người biết Nghe, sẽ biết lúc nào không nên Nói và biết lúc nào thì cần nói cái gì.

“Ngậm” rồi thì việc tiếp theo là “Nhai”. “Ngậm” mà không nhai thì món ăn có ngon có bổ đến mấy cũng mất đi vị riêng của nó. Nghe mà chẳng chịu Nghĩ thì không thể thấy được hết cái hay, cái dở của bài nói, không thể thấy hết bài học nhận được từ đó. Việc “Nghe thấy” thì không hề khó, nhưng. “Lắng nghe” được thì là chuyện không hề đơn giản. Lắng nghe là phải Nghĩ, phải nghiền ngẫm, phải tư duy, quan trọng nhất, là cảm nhận. Đa số ta Nghe rồi tư duy, chẳng bao giờ Nghe rồi chỉ cảm nhận. “Nhai” cũng cần nhai cho kĩ mới thấy hết vị ngon của món ăn. Nghĩ cần nghĩ thật kĩ, cảm nhận thật sâu sắc mới nhận ra cái hay của bài nói. Trong Ăn thì Nhai là quan trọng nhất. Trong Học thì Nghĩ cũng là quan trọng nhất. Nhai không tốt thì chết hóc, Nghĩ không tốt thì chết ngu.

“Nhai” tốt rồi, thì sau đó ta cần “Nuốt”, nuốt và để thức ăn ở dạ dày. Tương ứng với “Nuốt” là “Nhớ”, “Nghĩ” rồi thì phải Nhớ, phải để những gì mình nghe lại trong đầu. Đa số ta nghe xong bỏ đấy, chẳng nhớ gì hết, điều đó có khác gì ăn xong nhổ đi, chẳng nuốt vào bụng. Nếu những thức ăn kia ôi thiu, nhạt nhẽo, nhổ đi đã đành. Nhưng thức ăn ngon mà nhổ đi, thì đó là sự phung phí, thiếu tôn trọng không thể chấp nhận được. Và trong sự “học” cũng vậy, bao nhiêu thứ hay người ta nói, mà anh không nhớ, thì có nghĩa là ta lãng phí nguồn lực của chính mình và thiếu tôn trọng cả người nói lẫn người nghe, đó cũng là một dạng của mù học. Đã “Ăn” thì phải “Nuốt” cũng như đã “Học” thì phải “Nhớ” thì cái hay của người nói mới được lưu giữ lại.

Cuối cùng: Không phải ta lớn lên nhờ những gì ăn vào, mà vì những gì ta tiêu hóa được. Nghĩa là mục đích cuối cùng của Ăn, là để Nuôi người. Học cũng vậy, mục đích cuối cùng của Học không phải là nhồi nhét kiến thức vào đầu, mà là phải dùng được, phải gia tăng giá trị cho mình, gia tăng giá trị cho xã hội, nghĩa là Nuôi đời.

Cơ thể ta, may thay đã có đầy bộ lọc, lục phủ ngũ tạng đủ cả, để thức ăn đi vào, được nghiền nhỏ, được chuyển hóa, được sàng lọc, được tiêu hóa, được luân chuyển, được đào thải. Còn đầu óc ta, không may mắn như thế, cái việc thu nhận Thông tin đã khó, nghiền ngẫm để nó thành Tri thức còn khó hơn, trải nghiệm và thấu hiểu để thấy nó là Trí tuệ thì cực kỳ khó. Chừng nào ta chưa ứng dụng được những gì đã học, thì nghĩa là chúng ta đang giữ trong đầu toàn thông tin, chứ không phải là tri thức.

Tóm lại, chỉ có 10 chữ N, nói về cái sự Ăn Học:

- Ăn: Nấu - Ngậm - Nhai - Nuốt - Nuôi người

- Học: Nói - Nghe - Nghĩ - Nhớ - Nuôi đời

Logic của sự Ăn, cũng đúng với logic của sự Học. Có điều, nó không hiển nhiên đúng. Nấu chưa chắc Ngậm, Ngậm chưa chắc Nhai, Nhai chưa chắc Nuốt, Nuốt chưa chắc Nuôi người. Tương tự, Nói chưa chắc Nghe, Nghe chưa chắc Nghĩ, Nghĩ chưa chắc Nhớ, Nhớ chưa chắc đã dùng để Nuôi đời.

Và hiện tại ai cũng muốn phải cải cách giáo dục, trò muốn các thầy dạy khác, các thầy cũng muốn trò phải học khác. Tốt nhất là tự điều chỉnh chính mình trước khi điều chỉnh người khác. Làm trò tốt phải biết học thế nào, làm thầy tốt phải biết học trò mình học thế nào. Muốn là Thầy tốt trước tiên phải làm Trò tốt. Làm trò tốt sẽ hiểu làm sao để làm Thầy tốt. Cũng như người Nấu cần hiểu khẩu vị người Ăn để nấu cho ngon cho hợp nhưng người Ăn cũng cần phải biết thưởng thức món ăn đó mới thấy được hết cái ngon của món ăn. Học cũng vậy, Hiệu quả học tập là do Thầy biết giảng và trò biết học. Sao cho, Ăn để nuôi người và Học để nuôi đời.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tôi học được rằng...

    15/09/2019Tôi học được rằng:
    Có những điều dù ta chỉ làm trong khoảnh khắc nhưng lại làm ta đau lòng cả đời.
    Tôi học được rằng: Mỗi khi xa rời người thân yêu, hãy luôn nói lời thương yêu nhất, bởi có thể đó là lần cuối ta gặp họ.
  • Nghĩ về tự học

    21/07/2016Đại tá, NGƯT Nguyễn Xuân QuỳnhTrước kia ta có thể ỷ vào số lượng kiến thức do nhà trường trang bị để dùng trong 15-20 năm. Nhưng ngày nay chỉ sau vào năm một nửa số kiến thức cũ đã lỗi thời. Ai cũng thấy tự học là cần thiết nhưng nhiều người chưa có ý thức, chưa biết cách tự học tốt...