100 người giàu nhất
Tuần trước danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán được công bố gây xôn xao dư luận. Tính với giá cổ phiếu cuối ngày 29.12.2006, người giàu nhất sở hữu số cổ phiếu có giá trị 2.354 tỉ đồng (đầu tuần này số cổ phiếu ấy đã có giá 3.096 tỉ), cổ phiếu của người đứng thứ 100 có giá trị 43,8 tỉ đồng.
Tại nhiều nước việc công bố danh sách những người giàu nhất là việc bình thường, ở Việt Nam vẫn là chuyện lạ. Phản ứng của những người được nêu tên cũng hỗn hợp, có người thanh minh số liệu chưa chính xác, có người lấy làm tự hào, đa số yên lặng.
Nhìn nhận những con số này thế nào? Doanh nghiệp là một cỗ máy làm ra lợi nhuận (hay gây ra lỗ, tức lợi nhuận âm). Các cổ đông là những người chủ của cỗ máy làm ra (hay ngốn) tiền ấy, phần sở hữu của họ được ghi nhận bằng các cổ phiếu mà họ nắm giữ. Cổ phiếu như vậy là cái đại diện cho quyền sở hữu, nó là một giấy chứng nhận (hay chỉ là sự ghi nhận trên sổ sách), xét cho cùng nó là thông tin biểu thị quyền sở hữu.
Một khi quyền sở hữu được diễn đạt ở tầng thông tin (như cổ phiếu hay sổ đỏ đối với đất đai chẳng hạn), nó có thể được chia nhỏ (mà không phải chia bản thân tài sản), dễ luân chuyển bằng cách chuyển nhượng cho người khác.
Đấy là cơ chế biến quyền sở hữu tài sản thành vốn, thành tư bản. Do chưa quen với cơ chế tạo vốn của quyền sở hữu, chúng ta thường chỉ nhìn thấy hay cảm thấy giá trị sổ sách của tài sản. Giá trị sổ sách của một công ty là giá trị của toàn bộ tài sản (tiền, nhà xưởng, trang thiết bị, vật liệu, v.v...) được thể hiện trên sổ kế toán trừ đi tất cả các khoản nợ.
Giá trị sổ sách rất dễ tính nếu công việc kế toán nghiêm chỉnh. Nhưng giá trị thị trường của một công ty không phải là giá trị sổ sách của nó. Thị giá của công ty đã niêm yết được xác định bằng giá cổ phiếu nhân với tổng số cổ phiếu đã phát hành (có khi lên đến cả trăm lần, nhưng cũng có thể thấp hơn giá trị sổ sách). Giá thị trường phụ thuộc vào giá trị sổ sách, tính sinh lời, thị phần, mạng lưới của doanh nghiệp, vào triển vọng tăng trưởng của nó, vào uy tín của những người lãnh đạo v.v... Giá cổ phiếu biến động hàng ngày (thậm chí hàng phút).
Danh mục 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán nêu trên được xếp loại theo tổng giá trị cổ phiếu mà họ nắm giữ tại một thời điểm nhất định. Đó là một số đo về thành công tài chính của họ. Nếu họ được quyền bán thì họ có thể bán cho người khác để lấy tiền. Như thế đấy là tài sản thật chứ không phải ảo. Nếu họ bán ra nhiều thì giá thị trường sẽ xuống.
Tuyệt đại bộ phận các công ty đã cổ phần hoá đến nay chủ yếu được định giá trên cơ sở giá trị sổ sách. Điều này lý giải vì sao có một số người bỗng trở nên giàu có một cách đột ngột, do họ đã mua được cổ phần thấp hơn giá trị thực khi cổ phần hoá, tức là Nhà nước bị thiệt còn họ được lợi. Ngay cả trong trường hợp này họ cũng không đáng bị lên án vì lỗi là cách cổ phần hoá của Nhà nước.
Điều cần lên án là sự thông đồng cấu kết để mua rẻ khi cổ phần hoá. Đối với các công ty tư nhân từ đầu, hay với những công ty đã được cổ phần hoá từ lâu một cách công khai, minh bạch, thì giá trị thị trường hiện nay chủ yếu phản ánh thành quả của công ty, của các cán bộ lãnh đạo công ty và đáng được xã hội trân trọng. Họ giàu vì họ có năng lực, họ sáng tạo, lao tâm khổ tứ vì doanh nghiệp, họ lao động cật lực. Cơ hội làm giàu mở ra cho tất cả mọi người, song không phải ai cũng thành công, và nếu có thì mức độ thành công và sự may mắn cũng không giống nhau.
Những người được nêu danh chắc chưa phải là 100 người giàu nhất nước, vì còn nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết và những tài sản khác như nhà đất, đá quý, vàng, cổ vật, v.v... của họ và các khoản nợ cũng chưa được tính đến. Chúng ta nên quen dần với việc xếp hạng nhằm tôn vinh những người thành công và có thể để lộ ra những trường hợp bất thường. Cổ phần hoá công khai, minh bạch làm cho các trường hợp bất thường ít đi. Nhận thức rõ giá trị công ty, tôn vinh những người làm giàu chân chính bằng cách bình chọn có thể tạo động lực to lớn để kích thích thế hệ trẻ học tập, khuyến khích tinh thần kinh doanh, tạo dựng công ty để làm giàu.
Có càng nhiều người được đánh giá là giàu, và càng đông những người trung lưu càng tốt. Báo giới nên tránh cách so sánh thiếu cân nhắc có thể gây cảm giác méo mó về sự chênh lệch giàu nghèo, gây ác cảm với những người thành công. Để người dân hiểu đúng những người giàu cũng nên đầu tư khôn khéo để càng giàu hơn, tạo ra càng nhiều việc làm hơn, đóng góp từ thiện nhiều hơn và tránh khoa trương, chi tiêu lố lăng, hoang phí có thể gây phản cảm đối với dư luận. Làm được như vậy có thể tạo ra động lực to lớn để phát triển đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường