- Sinh năm 1936 và lớn lên tại Hà Tĩnh. - Năm 1954, ông vào học trường Đại học Sư phạm Khoa học, khoa toán. - Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. - Năm 1962, ông được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Khoa Toán học tính toán và Điều khiển học, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow MGU. - Năm 1965, ông hoàn thành luận án tiến sĩ, và làm tiếp luận án tiến sĩ khoa học. Đến năm 1967, ông về nước với học vị Tiến sĩ Khoa học. - Ông được cử đến công tác tại Uỷ ban Khoa học Nhà nước, bộ phận máy tính, và thành lập phòng Toán học tính toán. - Năm 1975, sau khi đi thực tại Pháp, ông đã được tiếp xúc và say mê tìm hiểu các thành tựu hiện đại của ngành tin học trên thế giới như vi tin học, viễn tin học. Từ đó đến nay, ông là một trong những người được ghi nhận là có công đầu trong kế hoạch đào tạo và phát triển ngành tin học tại Việt Nam. - Đầu năm 1977, Viện Khoa học tính toán và điều khiển được chính thức thành lập, và ông được phân công làm viện trưởng. Năm 1977 đến 1985, xây dựng được một số hướng nghiên cứu chính về tin học. Ông làm Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó trưởng thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (1993-1997), Thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (từ năm 1992). - Ông còn là người sáng lập và chủ tịch đầu tiên Hội Tin học Việt nam. - Ông giảng dạy các môn học: độ phức tạp tính toán, lý thuyết mật mã và an toàn thông tin, lập luận logic trong các hệ tri thức cho sinh viên và học viên sau đại học tại Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. - Ông là thành viên của Đoàn chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có nhiều suy nghĩ sâu sắc, có cơ sở khoa học để phát triển đất nước.
Quan điểm viết bài
Những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ qua đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản. Cách nhìn, cách hiểu quy giản và cơ giới trước kia được bổ sung bằng những cách nhìn mới, cách hiểu mới dựa trên các ngành khoa học mới như điều khiển học, khoa học hệ thống, khoa học tổ chức và quản lý, khoa học hệ thống phức tạp, hệ hỗn độn... phù hợp hơn với những hiện tượng, vấn đề, hệ thống phức tạp. Điều đó hình thành nên những nhận thức mới, khung mẫu tư duy mới, phối hợp cùng các tri thức dạng trưc cảm, kinh nghiệm... để giải quyết các vấn đề chung của đất nước và vô số vấn đề của từng con người, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp... hiệu quả hơn, ít sai lầm hơn.
Đổi mới tư duy để có một cách nhìn, một cách hiểu, và từ đó những quyết định thích hợp, là yêu cầu không riêng của một tầng lớp nào, mà trở thành yêu cầu chung của xã hội và có thể coi tư duy hệ thống, tư duy phức hợp như là nguồn sức sống mới cho công cuộc đổi mới tư duy của chúng ta. Không nuối tiếc những kiểu tư duy cũ, không còn phù hợp với điều kiện hiện đại là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng kinh tế xã hội ở nước ta.