Tổng kết chuyên mục “Chia sẻ 4 câu hỏi cuộc đời quan trọng“

12:27 CH @ Thứ Bảy - 02 Tháng Giêng, 2010

Nhân dịp bước sang năm mới 2010, Ban biên tập chungta.com xin gửi đến các bạn đọc, bạn bè và người thân những lời chúc mừng, tình yêu thương, cầu mong một năm mới hạnh phúc, thành công…

Trong năm qua, chungta.com đã mở chuyên mục “Chia sẻ 4 câu hỏi cuộc đời quan trọng” với mục đích cùng chia sẻ, hiểu cách sống, giá trị sống của nhau, để mỗi người có thêm những lựa chọn cho nền tảng cuộc sống của bản thân. Đó cũng là quyền và nghĩa vụ trong đời sống tự do của các bạn, khi mà ít ai có thể một mình đủ tỉnh táo để nhận thức toàn diện hành trình cuộc sống của mình.

Ngày đầu năm mới này, chungta.com xin tổng kết chuyên mục này dựa theo hơn 90 ý kiến tham gia. Từ những bài đã được gửi tới nay, chúng ta thấy tất cả có những nền tảng rất đa dạng xuất phát từ những kinh nghiệm sống, trải nghiệm khác nhau. Từ đó cuộc đời này trở nên phong phú và nhiều số phận riêng biệt, rất đáng học hỏi.

4 câu hỏi đã được nêu ra là những câu hỏi khó, quyết định định mệnh mỗi người và như được biết, nhiều người đến cuối đời vẫn chưa thể trả lời 4 câu hỏi trên rõ ràng, thậm chí chưa từng đặt ra câu hỏi hay dành thời gian để trả lời nó. Có những người lại chưa hiểu rõ giá trị của việc trả lời đúng những câu hỏi nền tảng này, ví dụ như không biết rằng việc quan niệm như thế nào là hạnh phúc có thể giúp cho đời mình có thêm hạnh phúc đích thực và tránh mắc vào những chuỗi bất hạnh.

Sự chia sẻ của các bạn tham gia đều không sa đà vào vấn đề câu chữ mà thực sự là thời gian để mỗi bạn đào xới lại kinh nghiệm sống của bản thân, nhìn lại những gì hình thành nên cách sống của mình. Từng ý kiến tham gia, chúng tôi đều thấy trải từ tính cụ thể đến tính trừu tượng, từ quan điểm gắn trực tiếp với cá nhân (bản ngã) đến thông qua tính khách quan của cộng đồng (tha nhân).

Qua những trình bày khác nhau, với những diễn đạt ngôn ngữ khác nhau của các bạn, chúng tôi xin phép được làm rõ ý, sắp xếp các quan điểm vào một Tổng kết cho từng câu hỏi.

1. Câu hỏi: Theo bạn, hạnh phúc là gì?

Bất cứ ai cũng cần quan tâm đến vấn đề hạnh phúc, như Đạt La Lạt Ma đã phát biểu: “Tôi tin rằng mục đích tối hậu của cuộc sống là tìm kiếm hạnh phúc. Đó là một chân lý vững chắc. Bất kể chúng ta có tinh thần tôn giáo hay không, và bất kể chúng ta theo tôn giáo nào, tất cả chúng ta đều tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Vì vậy, tôi tin rằng xúc cảm mạnh mẽ nhất trong cuộc đời chính là xúc cảm đến hạnh phúc”.

Trả lời câu hỏi này sẽ giúp bạn tìm được hạnh phúc đích thực là gì, từ đó thấy được cuộc đời này là đáng sống, nỗ lực hơn để sống, để có được điều hạnh phúc đích thực ấy.

- Một số ít bạn đã cho rằng: hạnh phúc không là gì cả, là một thứ ảo ảnh, mờ hồ và không nên tìm kiếm. Còn chúng tôi cho rằng có Hạnh phúc cá nhân. Hạnh phúc ấy người khác cũng có thể nhận ra và tán thành như thế là có hạnh phúc. Có những hạnh phúc đơn giản, dễ đạt và có những hạnh phúc lớn lao có được bằng sự đấu tranh, hy sinh. Có một sự dịch chuyển so le giữa hiểu biết và hành động về hạnh phúc trong hành trình đến hạnh phúc đích thực (Xem: Hạnh phúc là gì - Nguyễn Trần Bạt)

Đa số các bạn khác cho rằng:

- Người hạnh phúc mang trạng thái thỏa mãn, hứng khởi, an bình hay là quá trình duy trì trạng thái ấy, trạng thái với một trong các đặc điểm sau:

- đạt cao trào tột đỉnh của tâm hồn – thể xác
- trạng thái cảm xúc thỏa mãn, bằng lòng với hiện tại, khi đạt ham muốn, mong muốn, mục đích
- trạng thái cảm nhận, thụ hưởng được cái Đẹp của cuộc sống; hưng phấn có cảm xúc trí tuệ, thăng hoa và thi vị hóa
- Trạng thái cảm xúc khoái cảm, thanh thản, lạc quan, điều giản dị, bình an trong khi xung quanh yên bình
- niềm vui kéo dài với một tinh thần tích cực, ý thức về sự sung sướng
- trạng thái tâm hồn thấy hài lòng với mình, với đời, với môi trường và thấy sự có ích của mình, nhận ra giá trị của bản thân trong quá khứ, hiện tại, tương lai.

- Xuất phát từ tinh thần nhân từ - nhân hậu, trong lành, giản dị, tự do: không có cố chấp, hận thù, phô trương, tính toán… đầu độc

- Giao cảm trái tim: Cảm nhận được những tinh tế trong trái tim, tình cảm; Chia sẻ tình yêu thương:

- Kết quả của tâm thức sống nhân văn, trạng thái được yêu thương
- Vui cười và chia sẻ niềm vui, niềm tin, hạnh phúc với mọi người
- Có những người bạn tri kỷ
- Yêu người và được người khác yêu
- Cùng những người thân tận hưởng cuộc sống
- Có một gia đình tốt đẹp

- Phù hợp với sự phát triển, tiến bộ của cộng đồng chung (từ không làm hại tiến lên làm lợi cho người xung quanh)

- Tham gia làm giảm những tác nhân gây mọi người đau khổ, bất hạnh
- Giúp được người và được người khác giúp
- Làm tâm hồn người khác cùng hạnh phúc

Theo chúng tôi, những người có hạnh phúc đích thực không phải là người tìm kiếm những thời điểm thụ hưởng khoái cảm thể xác hay sự tán tụng của vài người, sự tán dương của xã hội. Họ tận hưởng chuyến hành trình cuộc đời, cống hiến cả đời cho một mục tiêu chung cao nhất với niềm tin sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Sống hạnh phúc thực sự phải được xây dựng vững chắc trên cảm nhận rằng chúng ta đang sống một cuộc sống đầy ý nghĩa. David Leonhardt viết: “Tìm kiếm hạnh phúc là tìm kiếm bản thân mình. Bạn không đi tìm hạnh phúc. Bạn phải tạo ra hạnh phúc. Bạn chọn lựa hạnh phúc. Tự thực hiện bản thân là một quá trình phát hiện ra tự ngã, bạn là ai, bạn muốn trở thành con người như thế nào, và bạn có thể xây dựng con đường dẫn đến hạnh phúc bằng cách thực hiện những điều mang đến cho bạn ý nghĩa cao vời nhất và sự thỏa mãn lớn lao nhất trong cả cuộc đời viên mãn về sau”.

2. Câu hỏi: Theo bạn, thành đạt là gì?

Trên sách vở, báo chí hoặc xung quanh chúng ta xuất hiện vô số những người thành đạt ở mọi ngành nghề. Hầu hết họ đều thành công nhờ tính cách, đặc điểm, thành tích và đời sống riêng hơn người, tham vọng, tài năng, kiến thức và làm việc tích cực, siêng năng... Họ cũng thường xuyên tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm thành đạt của mình, ví dụ như Albert Eistein chia sẻ: “Nếu A là thành công trong cuộc sống , A sẽ bằng X nhân Y nhân Z. Công việc chính là X, giải trí là Y và Z là biết im lặng ”.

Với mỗi người đang gây dựng sự nghiệp của mình thì biết được thành đạt là gì và làm sao để thành đạt là điều đáng theo dõi hàng ngày.

Có nhiều quan điểm về sự thành đạt. Điểm chung trong câu trả lời của các bạn là Thành đạt là hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt ra. Một số bạn nêu rõ hơn là mục tiêu đó phải tầm cỡ, mang ý nghĩa lớn lao nhất định với tầm nhìn rõ ràng.

Theo chúng tôi kết quả đạt được không chỉ mang lợi ích cho cá nhân mà phải mang đến ý nghĩa cho người khác bởi thành đạt cũng là một thuật ngữ mọi người có thể thống nhất chung được.

Một số nói rõ thành công đích thực là nhờ cá nhân vượt qua trở ngại, khó khăn, rủi ro một cách bền bỉ, nhiệt tình, say mê… Số ít bạn đã nhắc đến yếu tố: Nhờ phát huy được triệt để những năng khiếu, tài năng, cá tính của mình. Giống như Oprah Winfrey nói: “Nếu bạn hỏi bí quyết thành công của tôi, thì đó chính là tôi hiểu rằng có một sức mạnh lớn hơn chính bản thân tôi đã dẫn lối cuộc đời tôi… Bạn có thể gọi quyền năng đó bằng bất cứ tên gì bạn muốn, chẳng hạn như Sức mạnh, Thiên Nhiên, Thánh Allah, Quyền lực”. “Nếu bạn kết nối chính mình với thiên nhiên và để nguồn năng lượng trong cá tính, cuộc sống của bạn, kết nối với một sức mạnh lớn hơn, thì việc gì bạn cũng có thể làm được”.

Xin liệt kê lại các phương án trả lời về sự thành đạt của các bạn:

Cá nhân tự công nhận, nhận biết thành đạt:

- Trạng thái hài lòng về những đóng góp của bản thân
- Hoàn thành công việc, dự định, mong muốn, gặt hái được kết quả chân chính
- Khi hoàn thành sứ mệnh, nghĩa vụ của mình
- Cuộc sống cân bằng giữa sự nghiệp, gia đình; tâm linh, tinh thần, thể chất
- Làm người tử tế, làm được những điều tốt cho mình và người khác
- Cái đích luôn vươn lên, ngày một cao, tốt đẹp, lương thiện hơn
- Sống dư dật, đảm bảo mức sống cá nhân/ gia đình; tự do với vật chất – thời gian
- Có chỗ đứng trong xã hội

- Dựa vào sở trường, tài năng, phấn đấu, nỗ lực hết mình, đam mê, say mê, làm việc hết mình, toàn tâm, toàn ý
- Bản thân tiến bộ không ngừng
- Khẳng định giá trị bản thân (vật chất, tinh thần…), thể hiện phẩm chất, năng lực bản thân
- Sự dồn sức để làm việc lớn
- Bằng khả năng của mình và chia sẻ giá trị với nhiều người
- Chế ngự được cái tôi
- Là hành trình đi tìm cô đơn, tìm được tính người, làm người và hoàn thiện tính người

Cộng đồng công nhận:

- Đóng góp có giá trị cho người khác vươn lên, ảnh hưởng tới xã hội
- Làm cho mọi người hạnh phúc, ví dụ công tác từ thiện
- Được người đời công nhận, tôn trọng, để lại tiếng thơm về nhân cách

3. Câu hỏi: Theo bạn, tôi là ai?

Sự thiên lệch trong suy nghĩ, sự lôi kéo gây mất tập trung vào công việc, cuộc sống ngày một phức tạp, ganh đua đã làm cho đa số chúng ta quên dần mục tiêu cuối cùng và giá trị tối cao là CON NGƯỜI, quên dần con người, thiếu hiểu biết về con người, về chính mình, dẫn tới quên lãng mình trong hành động, THA HÓA, đánh mất mình trong cuộc đời.

Câu hỏi Ta là ai là câu hỏi tự thức tỉnh chúng ta, để mỗi người xác định lại Cái Tôi đích thực. Cần phải chuyển sự chú tâm vào tiền bạc, vào công nghệ, máy móc… sang những quá trình sinh lý, tâm lý, tinh thần, tâm linh, vào tính cách, tài năng, nhân cách và lương tri của chính bạn!

Một số ít bạn đã cho rằng: ta không là ai cả; Bản ngã có rồi thành không; Không đủ khả năng biết về mình; Không cần phải biết, mà chỉ nên biết thái độ, cư xử của bạn; hoặc sự đóng góp của bạn cho cuộc đời…

Các bạn khác đã trả lời Ta chính là thực thể với các đặc điểm có thể nhận biết khách quan:

- Độc đáo, duy nhất, bình đẳng
- Hòa quyện của CON và NGƯỜI:

o CON: Dạng vật chất, sinh thể, Có cội nguồn sự sống
o NGƯỜI: Người bình thường như người khác, mang tính xã hội và là thành phần của xã hội với những liên kết xã hội.

- Có gốc, có ngọn; có thiện, có ác.
- Giá trị cuộc sống cho biết bạn là ai
- Có thân thể và tâm hồn
- Có linh hồn trong thể xác
- Có trái tim, có trí não
- Phức hợp của suy nghĩ và hành động
- Hình ảnh, hành vi, tư tưởng, ước mơ của tôi
- Có một nguồn sức mạnh
- Có cơ hội nhận ra tính người

Nhiều bạn nhấn mạnh về Cái Tôi qua vận động, qua hành động:

- Đang sống, đang làm chủ vận mệnh, khẳng định cái tôi
- Là những gì ta nghĩ, ta làm, ta muốn
- Là lịch sử của tôi - những gì tôi đã, đang và sẽ là
- Là chủ nhân và nô lệ của ta
- Lớn lên từ đau khổ, hạnh phúc; từ thất bại và thành công
- Sống theo các trách nhiệm, bổn phận
- Mang phẩm chất người: tư duy, tưởng tượng, lao động, tình yêu, khát vọng, mỹ cảm, văn hóa…
- Được sống, được yêu thương, cống hiến, làm việc và thực hiện những ước mơ
- Con người văn hóa: hình thành từ ý thức xã hội (văn hóa); Kế thừa văn hóa, văn minh nhân loại làm nhân loại bất tử
- Không phản văn hóa
- Ảnh hưởng tới thế giới: Hành trình làm cho hành tinh tốt đẹp hơn

Một số bạn bổ sung thêm về hình ảnh Cái Tôi thông qua môi trường xung quanh:

o Soi thấy mình là hình ảnh trong:

- Người mình yêu
- Xã hội
- Người Việt
- Nhân loại
- Thế giới
- Vũ trụ
- Những người khác (cùng thời, thời sau)

4. Câu hỏi: Theo bạn, ý nghĩa cuộc đời là gì?

Đã sinh ra và biết nghĩ, bạn sẽ phải đối mặt với câu hỏi về Thế nào là vô nghĩa và thế nào là có nghĩa cho cuộc đời này. Đó là câu hỏi để bạn xác định tầm nhìn tương lai từ ngày hôm nay. Như Maxwell Winston Stone đã nói: Đừng sợ khi phải đối mặt với cái chết mà hãy sợ nếu bạn sống một cuộc đời không ý nghĩa.

Câu trả lời sẽ giúp bạn sống có mục đích hơn, cuộc đời bạn ý nghĩa hơn và biết được Vì cái gì ta dốc sức mình?

Ta sẽ trả lời được câu hỏi rất khó này nếu chia sẻ nhau các câu trả lời hoặc nhờ câu gợi ý sau: Cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn khi ta biết nhìn lại mình của ngày hôm qua. (Maxwell Winston Stone)

Một số ít bạn đã cho rằng: Cuộc đời này không có ý nghĩa gì, trả lời câu hỏi này không có giá trị.

Các bạn khác có nêu ý nghĩa cuộc đời đem lại cho cá nhân như sau:

- Là được sống, phải sống; Sống hết mình với những giá trị đích thực của con người.
- Sống có lý tưởng, có ích, sống hạnh phúc
- Thực hiện nhiệm vụ Thượng Đế trao cho riêng ta, hoàn thành những sứ mệnh của tạo hóa trao
- Sống tròn bổn phận và trách nhiệm
- Là Cho và Nhận
- Có được Niềm vui, hạnh phúc, thành đạt và khẳng định giá trị bản thân
- Tìm, thể hiện và phá tan bản ngã; Biết được ta là ai; được là chính mình, vượt lên chính mình
- Sự lớn khôn, trải nghiệm, học hỏi & cống hiến (khó khăn, thành đạt, tình yêu, hạnh phúc)
- Yêu và được yêu, nhận ra tình yêu thương người
- Được nếm hạnh phúc và đau khổ; vượt lên khổ đau để tới hạnh phúc
- Khám phá cái lạ, cái hay, cái đẹp
- Những thứ để lại sau khi chết

Một số bạn khác bổ sung thêm ý nghĩa cuộc đời đem lại cho cộng đồng như sau:

- Vị trí của ta trong những người khác: góp phần, tôn trọng lợi ích chung
- Duy trì tình yêu thương với người.
- Mang lại hạnh phúc, chia sẻ niềm vui cho người khác, gia đình, xã hội
- Làm việc cống hiến cho xã hội; Vì cộng đồng ngày một tốt đẹp
- Không ngừng làm điều thiện: có lợi, hạnh phúc cho người khác
- Cùng hướng đến Chân – Thiện – Mỹ và diệt trừ Tham lam – Sân hận – Si mê
- Tham gia vào sự trường tồn chung của xã hội; tranh đấu cho tiến bộ xã hội
- Để lại dấu ấn riêng trong văn hóa loài người; Là sự trường tồn

Ý kiến của chungta.com là các bạn nên chọn lựa câu trả lời mà người khác cũng đồng tình và công nhận là đúng. Ý nghĩa cuộc đời không phải là thứ con người giành giật lẫn nhau, của người này không của người khác. Điểm chung có thể nêu ra là: Ý nghĩa cuộc đời gắn với việc cá nhân dốc sức mình tham gia những việc khác nhau một cách nhiệt tình, đến trọn vẹn đời mình làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tại sao? - Câu hỏi thiếu của giới trẻ Việt

    07/04/2015Cách bạn đặt câu hỏi trước một sự vật hiện tượng thể hiện góc độ mà bạn quan tâm về chúng. Việc này cũng xây dựng cho bạn phản xạ trong những tình huống khác nhau...
  • Chia sẻ 4 câu hỏi cuộc đời quan trọng

    04/08/2010Bùi Quang MinhQua trải nghiệm cuộc sống của nhiều người, tôi nhận thấy có sự khác biệt về quan điểm đối với vấn đề Hạnh phúc, Thành Đạt, Cái Tôi và Giá trị sống. Nếu phát biểu rõ ràng, chia sẻ quan điểm và hiểu rõ cách sống của nhau, đối chiếu được những triết lý sâu xa của các đạo cũng như chiêm nghiệm của những người từng trải sẽ vô cùng hữu ích...
  • Những câu hỏi cuộc đời

    03/08/2009Nguyễn Tất ThịnhThời gian sống của mọi người chúng ta dành cho những nhu cầu, yêu cầu và mưu cầu, ngoài ra cho điều rất quan trọng nữa là suy ngẫm về nó, các bạn ạ!
  • Những câu hỏi làm thay đổi cuộc đời

    22/12/2005Hãy tự hỏi mình 6 câu hỏi dưới đây và bạn sẽ sống hạnh phúc hơn. Bạn không tin ư? Vậy thì cũng đáng để bạn thử tự vấn đấy. Nào, bắt đầu nhé!
  • Sinh viên trước những câu hỏi của trường đời

    11/01/2004Sinh viên thì hẳn phải tự học, tự nghiên cứu, tự bổ sung những gì nhà trường chưa - hay không đủ sức trang bị cho mình. Ngay ở những nước phát triển, khoảng cách giữa nhà trường và thị trường nhân lực, cuộc sống luôn đặt ra yêu cầu không ngừng đuổi bắt cập nhật, và bao giờ nó cũng có một khoảng cách đòi hỏi người sinh viên phải tự khám phá và lấp đầy...

Nội dung khác