Xã hội Mở như một Lí tưởng
Chương 5. Xã hội Mở như một Lí tưởng
Nếu luận điểm của tôi rằng chúng ta chịu một thiếu sót về các giá trị xã hội được chia sẻ là đúng, thì thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta là đi xác lập một tập các giá trị căn bản áp dụng cho một xã hội toàn cầu, chủ yếu mang tính giao dịch. Tôi muốn bàn đến thách thức đó. Tôi đề xuất khái niệm xã hội mở như một lí tưởng mà xã hội toàn cầu của chúng ta nên khao khát. Luận điểm của tôi là chính vì lợi ích của các xã hội mở để giúp nuôi dưỡng sự phát triển của các xã hội mở trên khắp thế giới và để thiết lập các định chế quốc tế phù hợp với một xã hội mở toàn cầu. Tôi muốn nhận được sự ủng hộ đủ cho ý tưởng này để có khả năng chuyển nó thành hiện thực.
Điều này nghe như một nỗ lực không tưởng. Người dân thậm chí còn chưa biết khái niệm về xã hội mở; họ còn rất xa việc coi nó như một mục tiêu đáng phấn đấu. Thế mà đề án không là không tưởng như nó có vẻ. Phải nhớ rằng xã hội mở là một lí tưởng rất đặc biệt. Nó dựa vào sự thừa nhận rằng sự hiểu biết của chúng ta là không hoàn hảo và rằng một xã hội hoàn hảo là ngoài tầm với của chúng ta; chúng ta phải tự thoả mãn với cái tốt nhất thứ nhì: một xã hội không hoàn hảo tự mở ra cho, và phấn đấu vì, sự cải thiện. Dùng định nghĩa này, Hoa Kì, Liên minh Châu Âu, và nhiều phần của thế giới đến rất gần để có đủ tư cách như các xã hội mở. Chúng chắc chắn được cho là không hoàn hảo. Cái còn thiếu là một sự hiểu biết về khái niệm xã hội mở và sự chấp nhận nó như một lí tưởng. Nhưng ngay cả trong khía cạnh này, thực tại không quá xa mục tiêu mong đợi. Dân chủ đại diện là một thành phần cốt yếu của xã hội mở. Một nền kinh tế thị trường cũng vậy. Dân chủ đại diện thịnh hành ở nhiều nước, và thúc đẩy dân chủ ở các phần khác của thế giới đã trở thành một mục tiêu chính sách được thừa nhận cho các nền dân chủ Phương Tây. Nền kinh tế thị trường đã thành ra toàn cầu thật sự trong mười năm vừa qua, và các nguyên lí của nó được xúc tiến với nhiệt huyết sứ mệnh thực sự.
Thế thì sai cái gì? Tôi tin sự thúc đẩy các nguyên lí thị trường đã đi quá xa và trở thành quá phiến diện. Những người theo thuyết thị trường chính thống tin rằng lợi ích chung được phục vụ tốt nhất bằng theo đuổi tư lợi không bị hạn chế. Lòng tin này là sai, thế nhưng nó trở nên rất có ảnh hưởng. Nó cản đường của một xã hội mở toàn cầu. Chúng ta ở rất gần mục tiêu đó, nhưng chúng ta không thể tới đó trừ phi chúng ta nhận ra các sai lầm của thuyết thị trường chính thống và sửa sự vênh lệch giữa tổ chức kinh tế và chính trị của thế giới.
Phải nhấn mạnh là thuyết thị trường chính thống không trái hoàn toàn với xã hội mở như cách chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tôn giáo chính thống trái ngược. Nó đơn thuần là một sự méo mó. Friedrich Hayek, mà các ý tưởng của ông đã bị thô tục hoá bởi những người theo thuyết thị trường chính thống ngày nay, đã là một người tin vững chắc vào xã hội mở. Cả ông và Karl Popper đã muốn bảo vệ quyền tự do cá nhân chống lại mối đe doạ bắt nguồn từ các tín điều tập thể chủ nghĩa như chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội quốc gia (quốc xã); họ chỉ khác nhau về các công cụ để thực hiện chúng. Popper đã đề xướng “dùng kĩ thuật xã hội từng phần- pieacemeal social engineering”; Hayek đặt niềm tin của mình vào cơ chế thị trường vì ông bận tâm đến các hệ quả không chủ ý, có hại của kiểm soát nhà nước.
Mối bận tâm của ông đã bị các đệ tử theo ông ở “trường phái Chicago” đẩy đến thái quá. Theo đuổi tư lợi được thăng tiến thành một nguyên lí phổ quát thấm sâu vào mọi khía cạnh của tồn tại: không chỉ là sự lựa chọn cá nhân như được bày tỏ ở các thị trường mà cả lựa chọn xã hội như được biểu lộ trong chính trị. Nó thậm chí còn mở rộng tầm với đến luật hợp đồng; nó chi phối không chỉ hành vi cá nhân mà cả ứng xử của các quốc gia, không nhắc đến gen ích kỉ. Có một sự giống nhau khó chịu giữa thuyết thị trường chính thống và chủ nghĩa cộng sản: Cả hai có nền tảng trong khoa học xã hội- kinh tế học thị trường ở một trường hợp, chủ nghĩa Marx (một lí thuyết toàn diện hơn về các hệ thống xã hội, bao gồm kinh tế học) ở trường hợp kia.
Tôi coi thuyết thị trường chính thống như một mối đe doạ lớn hơn cho xã hội mở ngày nay so với chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản và thậm chí chủ nghĩa xã hội đã bị mất tín nhiệm, nhưng thuyết thị trường chính thống đang lên. Nếu có bất kể giá trị được chia sẻ nào ngày nay trên thế giới, chúng dựa trên niềm tin rằng người dân phải được theo đuổi tư lợi của họ và rằng cả vô ích lẫn phản tác dụng để mong đợi chúng được thúc đẩy bằng lợi ích chung. Tất nhiên, không có sự thống nhất chung nào về điểm này, nhưng chắc chắn phổ biến hơn niềm tin vào xã hội mở. Hơn nữa, thuyết thị trường chính thống nhận được sự tăng cường mạnh mẽ từ các kết quả tích cực mà các chính sách theo hướng thị trường mang lại, đặc biệt giữa những người hưởng lợi của các chính sách đó. Đến mức chính trị bị tiền ảnh hưởng, những người này có khuynh hướng trở nên có ảnh hưởng nhất.
Như thế nhiệm vụ của tôi ở chương này gồm hai phần: để chứng minh các sai lầm của thuyết thị trường chính thống, và thiết lập các nguyên lí của xã hội mở. Phần đầu tương đối dễ. Tôi đã chỉ ra rồi rằng các thị trường tài chính không nhất thiết có khuynh hướng tiến tới cân bằng. Tất cả cái tôi cần chỉ ra bây giờ là các giá trị xã hội không tìm thấy cách biểu hiện trong các thị trường. Các thị trường phản ánh sự phân bố hiện hành của các tài sản; chúng không được thiết kế để tái phân phối các tài sản đó theo các nguyên lí về công bằng xã hội. Suy ra rằng công bằng xã hội nằm ngoài khả năng của nền kinh tế thị trường. Lí thuyết kinh tế học coi phân bố của cải được cho trước, và nó cho rằng bất kể chính sách nào cho phép những người thắng cuộc đền bù những người thua mà vẫn còn lại cái gì đó sẽ làm tăng phúc lợi. Nó làm thinh về vấn đề liệu những người thắng phải đền bù những người thua hay không, vì đó là vấn đề về các giá trị xã hội và kinh tế học tìm cách giữ mình độc lập với giá trị. Dựa trên lí lẽ này những người theo thuyết thị trường chính thống lập luận rằng chính sách hay nhất là để cho các thị trường tự do hoạt động.
Nếu giả như thị trường tạo ra cân bằng chung, và vấn đề công bằng xã hội được quan tâm, thì họ sẽ có một lí lẽ hợp lệ; nhưng cả hai điều kiện đều không thoả mãn. Điều này đưa ra nhu cầu về loại can thiệp chính trị nào đó trong nền kinh tế để duy trì ổn định và giảm bất bình đẳng. Phiền nỗi các quyết định chính trị còn không hoàn hảo hơn các thị trường. Đây là một lí lẽ mạnh mẽ ủng hộ thị trường tự do, hùng mạnh nhất trong kho vũ khí của các nhà theo thuyết thị trường chính thống; song họ thiên về lạm dụng nó. Không suy ra từ sự thực, là can thiệp chính trị gây trở ngại cho tính hiệu quả của thị trường, rằng phải để chính trị không xen vào nền kinh tế. Chính trị có thể không hiệu quả và tham nhũng, song chúng ta không thể làm mà không có nó. Lí lẽ theo thuyết thị trường chính thống có thể áp dụng cho một thế giới hoàn hảo, song không thể áp dụng cho cái tốt thứ nhì. Xã hội mở là sự truy tìm cái tốt thứ nhì.
Phần nhiệm vụ thứ hai của tôi khó hơn. Xã hội mở không là một khái niệm dễ, và tôi đã không làm việc rất tốt để làm sáng tỏ nó. Ngược lại, tôi dường như đã làm hết sức để gây rối trí bạn đọc. Tôi đã dùng thuật ngữ ít nhất ba cách khác nhau. Tôi đã đặt ngang xã hội mở với hoàn cảnh gần cân bằng; tôi cũng nói rằng xã hội mở là một loại (type) lí tưởng có thể gần đúng nhưng không thể đạt được trong thực tế. Dường như có mâu thuẫn giữa hai khẳng định này, vì gần cân bằng có thể đạt được trong thực tế. Bây giờ tôi muốn đặt xã hội mở như một mục tiêu đáng phấn đấu. Tất cả các thứ này thật rắm rối. Xã hội mở là một lí tưởng, hay là một mô tả hoàn cảnh thực tế? Cụ thể hơn, các nền dân chủ Phương Tây là các xã hội mở hay không? Câu trả lời là, xã hội mở cả là một lí tưởng và một sự mô tả thực tại, vì xã hội mở là một lí tưởng rất lạ: một xã hội bất hoàn hảo tự coi mình là mở cho sự cải thiện. Và các nền dân chủ Tây Phương có đủ tư cách ở nhiều trừ một khía cạnh: Chúng không thừa nhận xã hội mở như một mục tiêu mong mỏi. Ngay cả nếu họ chấp nhận nó ở đất nước riêng của họ, họ không thừa nhận nó như một nguyên lí phổ quát nên được dùng như một mục tiêu của chính sách quốc gia. Quan hệ quốc tế vẫn dựa vào nguyên lí chủ quyền quốc gia. Xã hội mở có thể dùng như một nguyên lí phổ quát? Nó có thể hoà giải với nguyên tắc chủ quyền quốc gia? Đó là vấn đề mấu chốt đối mặt với chúng ta ngày nay.
Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề đó ở phần hai của cuốn sách này, nơi tôi bàn về thời điểm hiện tại trong lịch sử. Ở chương này tôi muốn khảo sát vài khó khăn quan niệm mà xã hội mở như một nguyên lí phổ quát gặp phải. Chương này mang tính chất thăm dò triết học nhằm chuẩn bị cho một sự xem xét thực tiễn hơn của vấn đề mấu chốt mà tôi đã nhận diện ra.
Tính Thoả đáng của các Tư tưởng Phổ quát
Xã hội mở bênh vực tự do, dân chủ, pháp trị, nhân quyền, công bằng xã hội, và trách nhiệm xã hội như một tư tưởng phổ quát. Một trong những trở ngại cho việc chấp nhận xã hội mở như một mục tiêu chung là sự từ chối khá phổ biến của các tư tưởng phổ quát. Tôi đã phát hiện ra điều này sau khi tôi thiết lập mạng lưới các quĩ tài trợ của mình và, nói thẳng, nó làm tôi bất ngờ. Trong thiết lập mạng lưới các quĩ của tôi, tôi đã chẳng khó khăn để tìm những người được các nguyên lí về xã hội mở gây cảm hứng, cho dù họ không dùng cùng thuật ngữ. Tôi không cần giải thích tôi hiểu xã hội mở là gì: Mọi người đều hiểu nó ngược lại với xã hội đóng trong đó họ đã sống. Thái độ của Phương Tây đã gây bối rối hơn. Đầu tiên tôi nghĩ người dân ở Phương Tây chỉ chậm nhận ra cơ hội lịch sử; cuối cùng tôi buộc phải đi đến kết luận rằng họ thành thực không quan tâm đủ về xã hội mở như một tư tưởng phổ quát để có nhiều nỗ lực nhằm giúp các nước nguyên cộng sản tiến hành chuyển đổi. Tôi đã bị tuyên truyền của Chiến tranh Lạnh lừa dối. Tất cả lời nói về tự do và dân chủ đã chỉ là: tuyên truyền.
Sau sụp đổ của hệ thống Soviet, sự hấp dẫn của xã hội mở như một lí tưởng bắt đầu lu mờ ngay cả ở các nước nguyên cộng sản. Người dân bị cuốn vào cuộc vật lộn để sống sót, và những người tiếp tục bận tâm với lợi ích chung, trong khi những người khác hái ra tiền, phải tự hỏi liệu mình có bám vào các giá trị của một thời đại đã qua – và thường họ là vậy. Người dân trở nên ngờ các tư tưởng phổ quát. Chủ nghĩa cộng sản là một tư tưởng phổ quát và hãy xem nó đã dẫn tới đâu!
Điều này đã buộc tôi phải xem xét lại cẩn thận khái niệm xã hội mở. Tôi phải thừa nhận là sự ác cảm với các tư tưởng phổ quát là có cơ sở. Chúng có thể rất nguy hiểm, đặc biệt nếu chúng đạt đến kết luận logic của chúng. Chính là một nét của tính có thể sai của chúng ta mà các tư tưởng có thể có cuộc sống riêng của chúng, đi quá xa thực tại và vẫn có ảnh hưởng lên nó. Theo cùng cách, chúng ta không thể hoạt động mà không có các tư tưởng phổ quát. (Theo đuổi tư lợi cũng là một ý tưởng phổ quát cho dù nó không được thừa nhận là vậy). Thế giới trong đó chúng ta sống đúng là quá phức tạp để có bất kể ý nghĩa gì mà không có các nguyên lí hướng dẫn nào đó. Dòng tư duy này đã dẫn tôi đến khái niệm về tính có thể sai như một ý tưởng phổ quát, và tôi thử đặt cơ sở cho khái niệm xã hội mở trên sự thừa nhận tính có thể sai của chúng ta.
Thời Khai sáng
Ở đây tôi gặp phải những khó khăn không thể vượt qua. Sự thừa nhận tính có thể sai của chúng ta là cái làm cho xã hội mở; nhưng, tự nó, là không đủ để giữ xã hội lại với nhau. Cần đến cái gì đó khác - một ít quan tâm đến người khác, một ít giá trị được chia sẻ. Các giá trị này phải được truyền bởi sự thừa nhận tính có thể sai của chúng ta, nhưng không thể dẫn ra từ nó bằng logic. Giả như nếu điều đó là có thể, thì chính ý tưởng về tính có thể sai của chúng ta bị nghi ngờ. Điều này có nghĩa là xã hội mở như một ý tưởng phổ quát không thể được định nghĩa một cách thích hợp; mỗi xã hội phải hình thành định nghĩa riêng của mình, nhưng định nghĩa phải bao hàm các nguyên lí chung nào đó, bao gồm tính có thể sai và quan tâm đến những người khác.
Karl Popper phản đối định nghĩa các khái niệm từ trái sang phải: Xã hội mở là, và tiếp theo là định nghĩa. Ông thích làm từ phải sang trái: Mô tả cái gì đó, rồi gắn cho nó một cái nhãn. Điều này làm cho văn ông lủng củng với các “chủ nghĩa”. Tuy nhiên, tôi cố theo lời khuyên của Popper. Trong mạng lưới quĩ của tôi, chúng tôi không bao giờ định nghĩa xã hội mở. Giả như chúng tôi đã làm thế, tổ chức trở nên cứng nhắc hơn; thế mà, tính uyển chuyển đã là dấu phẩm chất của chúng tôi. Nhưng nếu tôi muốn khái niệm xã hội mở được chấp nhận nói chung, tôi phải nói nó là gì. Tôi phải chứng tỏ làm sao sự thừa nhận tính có thể sai của chúng ta dẫn đến các nguyên lí của xã hội mở.
Như tôi đã cố gắng đặc biệt để chỉ ra, đây sẽ không là một nhiệm vụ dễ. Mọi lí lẽ triết học có thể nêu ra không ngớt các vấn đề mới. Nếu tôi thử xuất phát từ hai bàn tay trắng, tôi không thể tiến triển được mấy vì tôi sẽ bị mắc vào lưới do mình dệt nên. Tôi nói từ kinh nghiệm: nó đã xảy ra với tôi. Một lần tôi đã bỏ ra ba năm của đời mình thử trình bày triết lí của tôi, và tôi kết thúc ở điểm tôi đã bắt đầu.
May thay, tôi không phải xuất phát từ vị trí không. Các triết gia của Thời Khai sáng, Kant đứng đầu trong số họ, đã thử suy diễn ra nghĩa vụ có hiệu lực phổ quát từ tiếng gọi của lí trí. Thành công không hoàn hảo của họ chứng thực cho định đề về tính có thể sai và tạo cơ sở cho lí lẽ của tôi.
Thời Khai sáng tạo thành một bước tiến khổng lồ khỏi các nguyên lí đạo đức và chính trị đã thịnh hành trước đó. Cho đến lúc đó, uy quyền đạo đức và chính trị được dẫn ra từ các nguồn bên ngoài, cả thần thánh lẫn thế tục. Để cho lí trí quyết định cái gì thật và giả, cái gì đúng và sai, đã là một sự đổi mới ghê gớm. Nó đánh dấu khởi đầu của thời hiện đại. Bất luận chúng ta nhận ra nó hay không, Thời Khai sáng đã tạo nền móng cho các tư tưởng của chúng ta về chính trị và kinh tế học, quả thực, cho toàn bộ quan điểm của chúng ta về thế giới. Các triết gia Thời Khai sáng không còn được đọc nữa – cá nhân tôi thấy họ khó đọc - nhưng các ý tưởng của họ đã ăn sâu vào cách suy nghĩ của chúng ta. Lí trị (rule of reason), ý tưởng về khế ước xã hội như cơ sở của xã hội và quốc gia, uy quyền tối cao của khoa học, tình anh em phổ quát của nhân loại – đây là một số trong các chủ đề chính của họ. Các giá trị chính trị, xã hội, và đạo đức của Thời Khai sáng được phát biểu một cách đáng khâm phục ở Tuyên ngôn Độc lập, và tài liệu đó tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhân dân toàn thế giới.
Thời Khai sáng đã không nảy sinh từ không đâu: Nó có nguồn gốc từ triết học Hi Lạp và ở mức độ ít hơn từ Đạo Thiên chúa, cái đến lượt nó lại được xây dựng trên truyền thống thuyết một thần của Kinh Cựu Ước. Đáng lưu ý là tất cả các ý tưởng này đã được diễn đạt dưới dạng phổ quát, với ngoại lệ của Cựu Ước, trong đó rất nhiều lịch sử bộ lạc được hoà trộn với thuyết một thần. Thay cho chấp nhận truyền thống như uy quyền tối thượng, Thời Khai sáng đặt truyền thống dưới sự thẩm tra phê phán. Các quan hệ truyền thống có thể được thay bằng các quan hệ hợp đồng: từ đó có khế ước xã hội. Kết quả thật phấn khởi. Năng lực sáng tạo của trí tuệ con người được giải phóng. Không ngạc nhiên là cách tiếp cận mới được đẩy đến thái quá! Trong Cách mạng Pháp, uy quyền truyền thống bị lật đổ và lí trí được xức dầu thánh công nhận như quan toà tối thượng. Lí trí tỏ ra không kham nổi nhiệm vụ, và sự hăng hái của 1789 đã sa đoạ thành khủng bố của 1793. Nhưng các giáo lí cơ bản của Thời Khai sáng không bị bác bỏ; ngược lại, các đội quân của Napoleon đã mang các tư tưởng của thời hiện đại đến phần còn lại của Châu Âu.
Thành tựu của thời hiện đại vượt mọi so sánh. Phương pháp khoa học đã tạo ra những phát minh đáng kinh ngạc, và công nghệ đã cho phép chuyển chúng sang dùng trong sản xuất. Loài người trở nên chế ngự tự nhiên. Các doanh nghiệp kinh tế nắm lợi thế cơ hội, các thị trường dùng để khớp cung và cầu, và cả sản xuất và mức sống đã tăng lên đến các đỉnh cao không thể hình dung nổi trong bất kể thời đại trước nào.
Bất chấp các thành tựu đầy ấn tượng này, lí trí đã không thể xứng với các kì vọng được gán cho nó, đặc biệt trong vũ đài chính trị và xã hội. Khoảng cách giữa ý định và kết quả không được khép lại; quả thực, ý định càng triệt để, thì kết quả càng thất vọng. Điều này, theo tôi, áp dụng cả cho chủ nghĩa cộng sản lẫn thuyết thị trường chính thống, cả hai đều tự cho là có cơ sở khoa học. Tôi muốn nêu bật một trường hợp cá biệt của các hậu quả không chủ ý vì nó đặc biệt xác đáng cho tình hình hiện tại. Khi các tư tưởng chính trị ban đầu của Thời Khai sáng được chuyển sang thực tiễn, chúng hợp cho việc củng cố tư tưởng về nhà nước quốc gia. Trong nỗ lực thiết lập sự cai trị của lí trí (lí trị: rule of reason), người dân nổi lên chống các nhà cai trị của họ, và quyền lực mà họ chiếm được là quyền lực về chủ quyền. Đó là cách mà nhà nước quốc gia, trong đó quyền tối cao thuộc về nhân dân, đã sinh ra. Bất kể ưu điểm của nó là gì, nó khác xa cảm hứng phổ quát luận của nó.
Trong văn hoá, sự hạ bệ quyền uy truyền thống đã gây ra sự dậy men trí tuệ tạo ra nghệ thuật và văn học kiệt xuất, nhưng sau một giai đoạn dài thử nghiệm hấp dẫn, vào nửa sau của thế kỉ hai mươi mọi quyền uy đều bị thách thức và phần lớn cảm hứng dường như bị tiêu tán. Dải khả năng đã trở nên quá rộng để tạo phương pháp rèn luyện cần thiết cho sáng tạo nghệ thuật. Một số nghệ sĩ và nhà văn tìm cách thiết lập ngôn ngữ riêng của họ, nhưng mặt bằng chung dường như đã tan rã.
Tình trạng khó chịu cùng loại dường như tác động đến xã hội nói chung. Các triết gia Thời Khai sáng, Kant đứng đầu trong số họ, đã tìm cách thiết lập các nguyên lí có hiệu lực phổ quát về đạo đức dựa trên các thuộc tính phổ quát của lí trí. Nhiệm vụ mà Kant đặt cho mình là chứng tỏ rằng lí trí tạo một cơ sở tốt hơn cho đạo đức so với uy quyền truyền thống, bên ngoài. Nhưng trong xã hội giao dịch, hiện đại của chúng ta, lí do cho bất kể loại đạo đức nào bị nghi ngờ. Nhu cầu về sự hướng dẫn đạo đức loại nào đó lần lữa; thực vậy, có lẽ cảm thấy mãnh liệt hơn so với quá khứ vì nó trở nên không thoả mãn. Nhưng các nguyên lí và qui tắc có thể cung cấp sự chỉ dẫn đó bị nghi ngờ. Vì sao phải bận tâm về sự thật khi một đề nghị không cần phải đúng để có kết quả? Vì sao phải trung thực khi thành công, chứ không phải tính chân thật hay đức hạnh, là cái mang lại sự kính trọng cho con người? Mặc dù các giá trị xã hội và qui tắc đạo đức bị nghi ngờ, không hề có nghi ngờ về giá trị của tiền. Đó là cách tiền trở thành kẻ chiếm đoạt vai trò của các giá trị nội tại. Các tư tưởng của Thời Khai sáng thấm sâu vào quan điểm của chúng ta về thế giới, và cảm hứng cao thượng của nó tiếp tục định hình các kì vọng của chúng ta, song tâm tính thịnh hành là xoay xở kiếm tiền.
Đã đến lúc đặt lí trí, như được Thời Khai sáng hiểu, dưới sự khảo sát phê phán cùng loại mà Thời Khai sáng đã giáng xuống uy quyền bên ngoài, chế ngự, cả thần thánh lẫn thế tục. Hiện chúng ta đã sống dưới Thời đại Lí trí suốt hai trăm năm qua - đủ dài để nhận ra là lí trí có các hạn chế của nó. Chúng ta sẵn sàng bước vào Thời đại của Tính Có thể Sai. Kết quả có thể phấn khởi ngang vậy và, sau khi đã học kinh nghiệm của quá khứ, chúng ta có thể có khả năng loại bỏ một số thái quá đặc trưng cho buổi bình minh của một thời đại mới.
█
Triết lí Đạo đức
Chúng ta cần bắt đầu xây dựng lại đạo đức và các giá trị xã hội bằng chấp nhận đặc tính phản thân của nó. Điều này là tự nhất quán và để phạm vi rộng cho thử và sai. Nó sẽ là một nền tảng vững chắc cho loại xã hội toàn cầu mà chúng ta cần.
Kant đã có thể dẫn ra nghĩa vụ tuyệt đối của mình từ sự tồn tại của một tác nhân (agent) đạo đức được hướng dẫn bởi tiếng gọi của lí trí để loại trừ tư lợi và dục vọng. Một tác nhân như thế có quyền tự do siêu việt và tự do ý chí, ngược với “sự pha tạp” của tác nhân mà ý chí của nó lệ thuộc vào các căn nguyên bên ngoài. Tác nhân tự trị, duy lí này có khả năng nhận ra nghĩa vụ đạo đức vô điều kiện, khách quan theo nghĩa là chúng áp dụng phổ quát cho mọi sinh vật có lí trí. Coi mọi người là mục đích, không phải là phương tiện; luôn luôn hành động cứ như là làm luật phổ quát; và xử sự với những người khác như với mình- đây là nghĩa vụ tuyệt đối. Uy quyền vô điều kiện của nghĩa vụ được dẫn ra từ ý niệm của người dân là những tác nhân tự trị và duy lí.
Phiền nỗi tác nhân duy lí được Kant mô tả không tồn tại. Nó là một ảo tưởng do quá trình trừu tượng hoá tạo ra. Các triết gia của Thời Khai sáng đã muốn nghĩ về mình như không vướng víu, nhưng trong thực tế họ bén rễ sâu vào xã hội của mình với đạo đức Thiên chúa giáo của nó và thấm đậm ý thức trách nhiệm xã hội. Đúng họ đã không thể hình dung về một xã hội giao dịch nơi các mối quan hệ bị các tính toán tư lợi chỉ dẫn. Đi lập luận, như các nhà nghiên cứu luật và xã hội theo thuyết thị trường chính thống làm, rằng có thể có lợi để vi phạm hợp đồng là nằm ngoài khung dẫn chiếu của họ.
Các triết gia Thời Khai sáng đã muốn thay đổi xã hội của họ. Cho mục đích này, họ chế ra một cá nhân không bị ràng buộc, được phú cho lí trí, chỉ tuân theo tiếng gọi lương tâm của riêng mình, chứ không theo tiếng gọi của uy quyền bên ngoài. Họ đã không nhận ra rằng cá nhân được tách ra, không bị ràng buộc thật sự có thể không có lương tâm; có thể hoàn toàn ích kỉ hay hoàn toàn mất phương hướng. Ý thức trách nhiệm có cơ sở trong xã hội, không trong cá nhân không can dự. Các giá trị xã hội có thể được nhập tâm, nhưng chúng có gốc rễ trong gia đình, cộng đồng, xuất thân, và truyền thống mà cá nhân thuộc về, và chúng tiến hoá một cách phản thân.
Một nền kinh tế không tạo thành một cộng đồng, đặc biệt khi nó hoạt động ở qui mô toàn cầu; được một công ti thuê làm việc không giống như thuộc về một cộng đồng, đặc biệt khi ban quản lí cho động cơ lợi nhuận ưu tiên trên mọi cân nhắc khác và cá nhân có thể bị đuổi việc ngay tức khắc. Trong xã hội giao dịch ngày nay người ta không cư xử cứ như họ được nghĩa vụ tuyệt đối chi phối; các tính toán được thế lưỡng nan của phạm nhân minh hoạ làm sáng tỏ hơn về ứng xử của họ. Phép siêu hình của Kant về đạo đức đã thích hợp cho một thời đại khi lí trí đã phải đấu tranh với uy quyền bên ngoài, song ngày nay nó xem ra không thoả đáng lạ thường khi thiếu uy quyền bên ngoài. Chính nhu cầu phân biệt giữa đúng và sai bị nghi ngờ. Vì sao lại bận tâm, chừng nào diễn tiến hành động đạt kết quả mong muốn? Vì sao phải theo đuổi sự thật? Vì sao phải chân thật? Vì sao phải quan tâm đến người khác? “Chúng ta” là những ai những người tạo thành xã hội toàn cầu, và các giá trị nào là cái chắc hẳn giữ chúng ta lại với nhau? Ngày nay đây là những câu hỏi cần được trả lời.
Tuy vậy, sẽ sai lầm đi gạt bỏ triết lí đạo đức và chính trị của Thời Khai sáng chỉ vì nó không thực hiện được các tham vọng vĩ đại của mình. Với tinh thần của tính có thể sai, chúng ta phải sửa sự thái quá của nó, chứ không nhảy sang thái cực đối lập. Một xã hội không có các giá trị xã hội không thể tồn tại, và một xã hội toàn cầu cần các giá trị phổ quát để gắn kết nó lại. Thời Khai sáng đã cho một tập các giá trị phổ quát, và kí ức về nó vẫn sống động dẫu cho dường như nó đã mờ nhạt đi chút ít. Thay cho gạt bỏ nó, chúng ta phải cập nhật nó.
Cá nhân Can dự
Các giá trị Thời Khai sáng có thể làm cho thoả đáng với hiện tại bằng cách thay lí trí bằng tính có thể sai và thay “cá nhân can dự” cho cá nhân không can dự của các triết gia Thời Khai sáng. Dưới “cá nhân can dự”, tôi hiểu là những cá nhân xã hội cần, những cá nhân không thể tồn tại trong sự cách li hoàn hảo song bị lấy đi ý thức thuộc về, cái đã là phần lớn đến vậy của đời sống con người ở Thời Khai sáng, mà họ thậm chí đã không ý thức được. Tư duy của các cá nhân can dự bị ảnh hưởng bởi, nhưng không được quyết định bởi môi trường xã hội, gia đình, và các ràng buộc khác, bởi văn hoá trong đó họ được nuôi dạy. Họ không chiếm một vị trí mãi mãi, không có viễn cảnh. Họ không được phú cho tri thức hoàn hảo và họ không phải không có tư lợi. Họ sẵn sàng đấu tranh để tồn tại, nhưng họ không tự túc; dù họ cạnh tranh giỏi đến đâu, họ sẽ không sống sót vì họ không bất tử. Họ cần phải thuộc về cái gì đó lớn hơn và lâu dài hơn, mặc dù, do là có thể sai, họ có thể không nhận ra nhu cầu đó. Nói cách khác, họ là những người thực tế, các tác nhân biết suy nghĩ mà tư duy của họ có thể sai, không phải là nhân cách hoá của lí trí trừu tượng.
Trong đề xuất ý tưởng về cá nhân can dự, tất nhiên, tôi tiến hành tư duy trừu tượng cùng loại như các triết gia Thời Khai sáng. Tôi đề nghị một sự trừu tượng hoá khác dựa vào kinh nghiệm của chúng ta với các lí thuyết của chúng. Thực tại luôn phức tạp hơn diễn giải của chúng ta. Dải của những người sống trên thế giới thay đổi từ những cá nhân không xa các lí tưởng Thời Khai sáng đến những người chỉ mới hành động như các cá nhân, với đường phân bố nghiêng mạnh về những người sau. Khái niệm cá nhân can dự bao gồm cả dải.
Điểm cốt yếu là một xã hội toàn cầu chẳng bao giờ có thể thoả mãn nhu cầu thuộc về của các cá nhân can dự. Nó chẳng bao giờ có thể là một cộng đồng. Nó đúng là quá lớn và đa dạng cho việc đó, với quá nhiều nền văn hoá và truyền thống khác nhau. Những ai muốn thuộc về một cộng đồng phải đi kiếm ở nơi khác. Một xã hội toàn cầu phải luôn là cái gì đó trừu tượng, một tư tưởng phổ quát. Nó phải tôn trọng các nhu cầu của cá nhân can dự, nó phải nhận ra rằng các nhu cầu đó không được thoả mãn, nhưng nó không được tìm cách thoả mãn chúng đầy đủ, vì không hình thức tổ chức xã hội nào có thể thoả mãn chúng một lần cho mãi mãi.
Một xã hội toàn cầu phải nhận thức được các hạn chế riêng của nó. Nó là một ý tưởng phổ quát, và các tư tưởng phổ quát có thể nguy hiểm nếu được đưa đi quá xa. Cụ thể là, một nhà nước toàn cầu đưa ý tưởng về một xã hội toàn cầu đi quá xa. Tất cả cái mà xã hội mở như một ý tưởng phổ quát có thể làm là để dùng như một cơ sở cho các qui tắc và các định chế cần thiết cho sự cùng tồn tại của quá nhiều cá nhân và vô số cộng đồng tạo thành một xã hội toàn cầu. Nó không tạo ra cộng đồng cái có thể thoả mãn nhu cầu thuộc về của các cá nhân. Tuy nhiên, tư tưởng về một xã hội mở toàn cầu phải đại diện cho cái gì đó nhiều hơn sự tích tụ đơn thuần của các lực lượng thị trường và các giao dịch kinh tế. Phải có các lợi ích cộng đồng nào đó, các giá trị được chia sẻ nào đó để gắn xã hội lại. Các lợi ích cộng đồng một phần được tạo ra bởi các vấn đề chung mà người dân đối mặt và một phần bởi cộng đồng dân cư đối mặt với các vấn đề đó.
Các vấn đề chung không khó kiếm trong thế giới phụ thuộc của chúng ta. Tránh các xung đột vũ trang tàn phá, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân; bảo vệ môi trường; duy trì hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu: Ít người không tán thành các mục tiêu này. Cái khó là thiết lập cộng đồng dân cư đối mặt với các vấn đề này.
Thời Khai sáng đặt cơ sở cho tình anh em phổ quát của nhân loại trên tác nhân duy lí, cá nhân không can dự. Cơ sở đó tỏ ra không vững vì tác nhân duy lí là có thể sai và được chỉ dẫn bởi tư lợi hơn là bởi tư tưởng phổ quát về tình anh em. Chúng ta phải tìm một cơ sở vững vàng hơn. Tôi kiến nghị thay bằng tác nhân có thể sai, cá nhân can dự. Có một tình anh em tối thiểu của nhân loại dựa vào tính có thể sai chung của chúng ta, sự tử vong, và –hãy thú nhận – tính ích kỉ. Chúng ta là không hoàn hảo với tư cách là các cá nhân, chúng ta cần thuộc về xã hội. Do hiện nay nền kinh tế đã trở nên toàn cầu, chúng ta cần một xã hội toàn cầu. Chúng ta không thể có một xã hội mà không thừa nhận rằng có các lợi ích chung nào đó có quyền ưu tiên trên tư lợi riêng của cá nhân; nhưng tính có thể sai ngăn chúng ta biết các lợi ích chung đó là gì. Vì thế chúng ta cần các qui tắc theo đó chúng ta có thể thống nhất về các lợi ích chung là gì và chúng ta có thể đạt chúng tốt nhất thế nào.
Điều này dẫn chúng ta đến nhu cầu đối với luật quốc tế và các định chế quốc tế. Nó không dẫn chúng ta đến một nhà nước toàn cầu, nhưng nó có dẫn chúng ta đến kết luận rằng chủ quyền quốc gia phải được đặt dưới lợi ích quốc tế chung. Nó cũng dẫn chúng ta đến nguyên lí phụ: Thừa nhận quyết định về lợi ích chung là khó khăn đến thế nào, các quyết định phải được đưa ra ở mức thấp nhất có thể. Mức càng thấp, thì càng có thể là nó tạo thành một cộng đồng mà cá nhân sẵn lòng đặt tư lợi của mình xuống dưới; nhưng thuộc về một cộng đồng phải là tự nguyện- đó là một nguyên lí phổ quát phải được thực thi ở mọi mức, kể cả nhà nước.
Các Nguyên lí của Xã hội Mở
Sau sự chuẩn bị này, tôi cuối cùng đã sẵn sàng nói tôi hiểu xã hội mở là gì. Nó có thể gây thất vọng. Tôi sẽ phân biệt các nguyên lí có hiệu lực phổ quát mãi mãi và một mô tả cụ thể, có giới hạn thời gian của cái mà một xã hội mở phải có ở thời điểm hiện tại của lịch sử. Tất nhiên, các thời đại khác nhau, các xã hội, và các cá nhân cũng có thể cho các định nghĩa khác nhau về các nguyên lí phổ quát. Định nghĩa của tôi bao gồm các quyền tự do khác nhau và quyền con người, pháp trị, và ý thức nào đó về trách nhiệm xã hội và công bằng xã hội.
Quyền tự do tư tưởng và ngôn luận và quyền tự do lựa chọn có thể dẫn ra từ tính có thể sai của chúng ta: Vì chân lí cuối cùng là ngoài tầm với của chúng ta, chúng ta phải để cho người dân suy nghĩ cho bản thân họ và thực hiện sự lựa chọn của riêng họ. Sự thực rằng hiểu biết của chúng ta là không hoàn hảo không có nghĩa là không có chân lí cuối cùng; ngược lại, thiếu tri thức thoả đáng ngụ ý nhu cầu về một yếu tố niềm tin. Xã hội mở chẳng có gì chống tôn giáo. Nhưng các nguyên lí của xã hội mở sẽ bị vi phạm nếu tôn giáo cố sai khiến những người không đồng ý với nó.
Quyền tự do tư tưởng cho phép tư duy phê phán và quyền tự do lựa chọn cho phép cơ chế thị trường hoạt động. Cả hai đều là các quá trình giữa cá nhân với nhau; bằng cách đảm bảo các điều kiện cho hoạt động đúng đắn của chúng, tất cả chúng ta đều được lợi. Quyền tự do hội họp liên quan nhiều đến việc chúng ta là các động vật xã hội.
Các quyền con người riêng có thể được dẫn ra từ việc chúng ta là các tác nhân có tư duy, ý thức được về mình và có khả năng tự lấy các lựa chọn. Tư tưởng về quyền con người cũng gắn vào tư tưởng Thiên chúa giáo về tâm hồn con người.
Chúng ta phải, tuy vậy, nhận ra rằng các quyền con người khác nhau có thể đi đến mâu thuẫn với nhau. Thí dụ, quyền của phụ nữ đã được để ngược lại với quyền của bào thai. Vì tôi dẫn quyền con người từ việc là một tác nhân có tư duy, tôi không có do dự nào về quyền của ai được ưu tiên hơn; thế mà có những người đặt cơ sở cho lí lẽ của họ vào linh hồn con người và đi đến phía ngược lại. Đây là một vấn đề gây chia rẽ ở Hoa Kì ngày nay. Các xã hội khác nhau ở các giai đoạn phát triển khác nhau, và sự phát triển của chúng có thể có các hình thức khác nhau. Vì thế thực hiện quyền con người có thể khác nhau giữa các xã hội. Các nhà cai trị của các nước chậm phát triển đòi rằng chúng phải được thực hiện ở mức thấp hơn. Họ có điểm đúng trong chừng mực liên quan đến các điều kiện sống, nhưng không ở khía cạnh quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. Tôi có thể lí lẽ rằng quyền con người của những người có thể nghĩ cho chính mình cần phải thậm chí được bảo vệ tha thiết hơn ở các nước chậm phát triển so với ở các nền dân chủ chín muồi vì chúng có giá trị khan hiếm.
Tôi hoàn toàn láu cá về cái gọi là quyền tự do xã hội và kinh tế và quyền con người tương ứng: quyền tự do khỏi bị đói hoặc quyền được ăn no. Quyền cần được thực thi; thực thi các quyền kinh tế có thể rơi vào nhà nước và điều đó sẽ cho nhà nước vai trò quá lớn trong nền kinh tế. Điều này có thể ít đáng trách nếu giả như nhà nước thực ra là cơ quan tốt nhất để lo về các nhu cầu kinh tế. Nhưng đề xuất đó đã được thử và hoá ra là thất bại hoàn toàn. Tôi thích thừa nhận nhu cầu giảm đói nghèo trực tiếp hơn bằng đưa ra ý thức nào đó về công bằng xã hội như một trong những nguyên lí cốt lõi của xã hội mở. Cách tiếp cận này có lợi thế là nó cắt ngang các đường biên giới. Chúng ta phải thừa nhận rằng dưới chủ nghĩa tư bản toàn cầu các nhà nước riêng có năng lực hạn chế để lo về phúc lợi cho công dân của mình nhưng người giàu phải có nhiệm vụ giúp đỡ người nghèo; vì thế công bằng xã hội là vấn đề của mối quan tâm quốc tế.
Công bằng xã hội dứt khoát không có nghĩa là bình quân, vì điều đó kéo thẳng chúng ta lại với chủ nghĩa cộng sản. Tôi ưa khái niệm về công bằng xã hội của Rawls hơn, cho là một sự tăng lên về tổng của cải cũng phải mang lại lợi ích nào đó cho người chịu thiệt thòi nhất. “Nào đó” có nghĩa là gì phải được mỗi xã hội xác định cho chính mình, và định nghĩa hẳn có thể thay đổi theo thời gian. Nhưng tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn phải được xác định rõ như một mục tiêu của các định chế quốc tế. Tôi sẽ phát triển tư tưởng này ở Chương 12.
Còn quyền sở hữu thì sao? Chúng phải được thừa nhận như một nguyên lí cốt lõi giống như quyền con người? Tôi có thể trả lời câu hỏi theo cả hai cách. Tôi không nghi ngờ rằng quyền sở hữu tư nhân là căn bản đối với quyền tự do và tự trị và với tư cách đó là một phần không thể tách rời của xã hội mở; song tôi cũng tin chẳng có quyền nào mà không có nghĩa vụ. Điều đó đúng với quyền con người và quyền sở hữu; song trong trường hợp sở hữu, quyền và nghĩa vụ rơi vào cùng một cá nhân, trong khi với nhân quyền có sự phân biệt rõ giữa cá nhân người hưởng các quyền và các nhà chức trách nhất thiết phải tôn trọng chúng. Chúng ta có thể bao hàm quyền sở hữu giữa các quyền tự do và quyền, song chúng ta không được quên mặt khiếm nhã của nó: trách nhiệm xã hội như được biểu lộ, thí dụ, ở việc đóng thuế và thuế (thừa kế) lúc chết.
Nhìn chung, có xung đột diễn ra giữa quyền và nghĩa vụ mà cần đến các thoả hiệp và luôn cần tính toán và xem xét lại. Isaiah Berlin nhắc đến xung đột tiềm tàng này giữa các giá trị xã hội khác nhau như “đa nguyên giá trị”. Các thoả hiệp phải lộ ra ở đâu không thể được quyết định trên cơ sở của các nguyên lí cơ bản, song các nguyên lí phải được tôn trọng để một xã hội có tư cách như một xã hội tự do và mở. Vì người ta được giả thiết là học bằng thử và sai, thật tự nhiên là quan điểm của họ phải tiến hoá theo thời gian, nhưng không xã hội nào có thể tồn tại lâu dài mà không có ý thức nào đó về công bằng xã hội mà hầu hết thành viên của nó thấy có thể chấp nhận được.
Một xã hội mở không thể được thoả mãn, tuy vậy, bởi một định nghĩa tương đối như thế về các nguyên lí cơ bản của nó, vì sự chuyên chế của đa số (hoặc của thiểu số, như trường hợp Nam Phi dưới apartheid) không tạo thành một xã hội mở. Dân chủ bầu cử là không đủ; nó phải được bổ sung bằng sự bảo vệ hiến định của các quyền thiểu số. Lại lần nữa, các quyền đó là gì sẽ thay đổi tuỳ từng trường hợp. Tôi đã giải thích những nguyên lí cốt lõi của xã hội mở bao gồm pháp trị (rule of law). Danh mục không có nghĩa là toàn diện; nó đơn thuần chỉ ra cụm các ý tưởng tạo thành các nguyên lí của xã hội mở.
Làm sao các nguyên lí này có thể chuyển thành các điều kiện cụ thể của một xã hội mở tại thời điểm hiện nay của lịch sử? Chủ tịch quĩ của tôi, Aryek Neier, gợi ý bảy điều kiện:
• Bầu cử tự do, công bằng và đều đặn;
• Truyền thông đại chúng tự do và đa nguyên;
• Pháp trị được duy trì bằng tư pháp độc lập;
• Bảo vệ hiến định cho các quyền thiểu số;
• Một nền kinh tế thị trường tôn trọng quyền sở hữu và tạo cơ hội và mạng lưới an an sinh cho người thiệt thòi;
• Cam kết giải quyết xung đột một cách hoà bình; và
• Luật được thực thi để hạn chế tham nhũng.
Những người khác có thể đưa ra các danh mục khác. Điểm lí thú là chúng ta có thể thấy các nước riêng ít nhiều thoả mãn các tiêu chuẩn này, nhưng xã hội toàn cầu của chúng ta thì không. Thiếu sót rành rành nhất là không có pháp trị quốc tế; và chúng ta bị tước mất những dàn xếp sơ đẳng nhất cho duy trì hoà bình.
Hình dạng chính xác mà những dàn xếp này phải lấy là gì không thể được dẫn ra từ các nguyên lí cơ bản. Đi tái thiết kế thực tại từ trên xuống sẽ vi phạm các nguyên lí của xã hội mở. Đó là chỗ tính có thể sai khác với tính duy lí. Tính có thể sai có nghĩa rằng chúng ta không biết lợi ích chung là gì. Tuy thế, tôi tin rằng tính có thể sai và cá nhân can dự tạo một cơ sở tốt hơn để thiết lập các qui tắc nền tảng cho một xã hội mở toàn cầu so với lí trí và cá nhân không can dự.
Lí trí thuần tuý và qui tắc đạo đức dựa trên giá trị cá nhân là các phát minh của văn hoá Phương Tây; chúng có ít cộng hưởng trong các nền văn hoá khác. Thí dụ, đạo đức Khổng giáo dựa trên gia đình và mối quan hệ và không khớp với các khái niệm phổ quát nhập từ Phương Tây. Tính có thể sai cho phép một dải rộng của sự khác biệt văn hoá, và cá nhân can dự cho các mối quan hệ tầm quan trọng đúng. Truyền thống trí tuệ Phương Tây không được áp đặt một cách bừa bãi lên phần còn lại của thế giới nhân danh các giá trị phổ quát. Hình thức dân chủ đại diện của Phương Tây có thể không phải là hình thức duy nhất của chính phủ tương thích với một xã hội mở.
Tuy nhiên, phải có các giá trị phổ quát nào đó được chấp nhận rộng rãi. Xã hội mở có thể là đa nguyên về quan niệm, song nó không thể đi quá xa trong theo đuổi chủ nghĩa đa nguyên đến mức không còn phân biệt được giữa đúng và sai. Khoan dung và sự điều độ cũng có thể được đưa đến thái quá. Chính xác cái đúng là gì có thể được phát hiện chỉ bằng quá trình thử và sai. Định nghĩa hẳn có thể thay đổi với thời gian và địa điểm, nhưng phải có một định nghĩa tại bất kể thời gian và địa điểm nào.
Trong khi Thời Khai sáng đưa ra triển vọng của chân lí vĩnh cửu, xã hội mở thừa nhận rằng các giá trị là phản thân và phải thay đổi trong tiến trình lịch sử. Các quyết định tập thể không thể dựa trên tiếng gọi của lí trí; thế mà chúng ta không thể hoạt động mà không có các quyết định tập thể. Chúng ta cần đến luật chính xác là vì chúng ta không thể chắc chắn cái gì là đúng và sai, vì thế chúng ta cần có nó để giải thích rõ ràng. Chúng ta cần các định chế thừa nhận tính có thể sai riêng của mình và cung cấp một cơ chế cho sửa sai lầm riêng của chúng.
Một xã hội mở toàn cầu không thể được hình thành mà không có những người tán thành các nguyên lí cơ bản của nó. Người ta phải nhận ra xã hội mở như một dạng đáng mong mỏi của tổ chức xã hội để xã hội mở thắng thế. Đó là thành phần còn thiếu trong thế giới ngày nay. Tính có thể sai và tính phản thân là các điều kiện phổ quát. Nếu chúng được kết hợp với sự công nhận các lợi ích chung trên qui mô toàn cầu, chúng có thể tạo nền tảng chung cho tất cả mọi người trên thế giới. Một xã hội mở toàn cầu sẽ là nền tảng chung đó- và nhận thức về tính có thể sai của chúng ta sẽ giúp chúng ta tránh một số cạm bẫy gắn với các khái niệm phổ quát.
Tất nhiên, xã hội mở không phải không có các nhược điểm của mình, nhưng thiếu sót của nó là ở chỗ nó chào mời quá ít hơn là quá nhiều. Chính xác hơn, khái niệm là quá chung để cung cấp một công thức cho các quyết định cụ thể. Các qui tắc không được thiết lập bằng lập luận suy diễn. Sẽ mâu thuẫn với nguyên lí về tính có thể sai nếu mọi vấn đề đều có giải pháp. Những người cho rằng mình biết tất cả các lời giải sẽ tạo ra một xã hội đóng. Bằng cùng cách, sự thực là chúng ta không biết lợi ích chung là gì không biện minh cho chúng ta từ chối sự tồn tại của nó. Rõ ràng là, ý tưởng rằng theo đuổi tư lợi sẽ chăm lo cho lợi ích chung là quyến rũ song là ý tưởng sai.
Chúng ta cần tạo ra các định chế để đẩy mạnh lợi ích chung, biết thật đầy đủ rằng chúng nhất thiết là không hoàn hảo. Chúng ta cũng phải xây dựng trong các định chế này một năng lực để thay đổi phù hợp với những nhận thức về lợi ích chung đang tiến hoá -một đòi hỏi rất khó dưới ánh sáng của tính ỳ định chế. Các đòi hỏi này chỉ có thể thoả mãn bởi một quá trình liên tục của thử và sai.
Có khả năng để tiến tới một sự đồng thuận về các nguyên lí của xã hội mở? Đây là các nguyên lí triết học, trừu tượng, và suy ra từ tính có thể sai của chúng ta rằng các niềm tin của chúng ta không được lí trí sai khiến: Vì thế không có khả năng để nhận được sự chấp nhận chung cho các nguyên lí đó đơn giản bằng giải nghĩa chúng – khá xa sự không thoả đáng riêng của tôi về trình bày chúng. Cái gì đó khác cần phải xảy ra. Người dân phải được khuấy động, cổ vũ, và họ phải kết hợp lại xung quanh sự nghiệp chung để cho lợi ích chung hơn hẳn các lợi ích đặc biệt.
Nó có thể xảy ra trong một xã hội đóng, nơi sự khao khát tự do tạo ra một sự nghiệp chung cho người dân với các lợi ích khác hẳn nhau. Nó có thể xảy ra trong một xã hội mở? Tôi đã phải tự hỏi mình, liệu tôi có cam kết đến như vậy cho xã hội mở như một lí tưởng nếu giả như tôi đã không học được vào thời trẻ rằng một xã hội đóng có thể nguy hiểm đến thế nào cho sức khoẻ của bạn?
Tôi đã thấy xã hội mở chiến thắng như một tư tưởng ở đất nước quê hương tôi, Hungary. Tất cả những người phản đối chế độ đã tập hợp quanh quĩ của tôi. Quĩ đã ủng hộ phe đối lập gồm nhiều loại- và nó được họ ủng hộ theo nghĩa là ngân quĩ được sử dụng đúng mà không có bất kể sự giám sát nào- nhưng một khi chế độ bị lật đổ những loại (người) khác nhau này quay ra chống lẫn nhau. Đó là cách nó phải là trong một nền dân chủ. Phiền nỗi các đảng khác nhau một thời đã liên kết trong việc phản đối của họ với xã hội đóng đã không còn được hướng dẫn bởi các nguyên lí của xã hội mở trong phản đối lẫn nhau. Nó là một bài học thực tế buộc tôi phải nhận ra sai sót trong khái niệm xã hội mở mà tôi đã chỉ nhận thức lơ mơ. Tôi đã biết, thí dụ, rằng khái niệm có sai sót vì mọi kiến trúc của con người đều có sai sót, nhưng đó đã là một lí lẽ trừu tượng; ở đây tôi đã đối mặt với một kinh nghiệm cụ thể.
Tôi có khó khăn nào đó trong trình bày vấn đề. Một cách để diễn đạt là xã hội mở cần những kẻ thù. Karl Popper đặt tên cho cuốn sách của mình là Xã hội Mở và Những Kẻ thù của Nó (Open Society and its Enemies). Tôi, thực tế, cũng tạo ra một kẻ thù mới bằng cách tấn công thuyết thị trường chính thống. Những kẻ thù xây dựng các cộng đồng: Chính là những người xây các thành phố có tường bao bọc cũng như người dân sống trong các thành phố này. Đây là một cách khác để nói rằng xã hội mở không phải là một cộng đồng và rằng chỉ các cộng đồng có thể có các ý tưởng được chia sẻ cái có quyền ưu tiên hơn tư lợi của các thành viên của chúng.
Điều này làm rõ tình thế khó xử mà chúng ta đối mặt trong nỗ lực tạo ra một xã hội mở toàn cầu. Các cộng đồng được xây dựng trên sự loại trừ (người khác), trong khi xã hội mở tìm cách bao hàm tất cả trên qui mô toàn cầu. Liệu có thể thấm nhuần xã hội mở với một nội dung tích cực hay nó luôn phải chống lại cái gì đó? May thay, luôn có cái gì đó để đấu tranh chống lại: nghèo đói, bệnh tật, hiểm hoạ môi trường. Kẻ thù không cần phải là một nhà nước kình địch. Nhưng trừ phi chúng ta nhận ra một kẻ thù chung mà chúng ta có thể liên hiệp để chống lại, thì chúng ta chắc sẽ có một thế giới chia rẽ trong đó các nhà nước quốc gia sẽ chiến đấu chống lại nhau. Chúng ta đã tìm cách để liên kết ở mức của nhà nước có chủ quyền: Chúng ta có các nhà nước dân chủ với pháp trị và tôn trọng lẫn nhau. Bây giờ chúng ta phải đối mặt với vấn đề ở qui mô toàn cầu.
Giải pháp không thể giống hệt như ở quy mô nhà nước: Một nhà nước toàn cầu sẽ tạo thành một mối đe doạ lớn hơn đối với tự do so với nhà nước riêng biệt. Chúng ta cũng không thể phác hoạ một giải pháp trừu tượng: Điều đó cũng sẽ mâu thuẫn với các nguyên tắc của xã hội mở. Vì thế chúng ta phải xem xét tình hình như nó là hiện nay. Đó là cái tôi sẽ làm ở nửa thứ hai của cuốn sách này. Dựa vào sự đánh giá ấy, khi đó chúng ta có thể thử phát triển một chương trình để tạo ra một xã hội mở toàn cầu. Tôi sẽ làm việc đó ở các chương kết thúc. Vì mục đích giữ đúng thứ tự, tôi muốn chỉ ra trước rằng tôi sẽ dùng thuật ngữ “xã hội mở” còn theo một nghĩa khác nữa. Ở đây tôi đã thử xác lập nó như một tư tưởng phổ quát; tại đó tôi sẽ thử chứng tỏ làm thế nào nó có thể chuyển thành hiện thực ở thời điểm hiện tại của lịch sử.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường