Thói hư tật xấu của người Việt: Lãng phí, mất gốc, học đòi

10:00 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Ba, 2018

Chơi bời lãng phí
(Trần Chánh Chiếu, Lục tỉnh tân văn, năm 1907)

Theo tục ông bà để lại, hễ mãn một năm thì ăn Tết một lần ấy cũng là phải. Sao tôi thấy hễ tới ngày ấy, ai ai cũng đốt pháo, dựng nêu, treo bùa tứ tung ngũ hoành, đánh đáo đánh quần tới bảy bữa, rồi nào me, nào lú(1), bài cào, xóc đĩa, tổ tôm đủ thứ. Thậm chí có ông ăn Tết rồi thì bán nhà bán cửa, nợ réo trước nợ réo sau. Đã bần nhược lại đãi đọa(2) vậy thi biết chừng nào mà giàu có như người ta đặng.

(1) Theo Huỳnh Tịnh Của, đánh me là "gây ăn thua trong cuộc chơi tiền”, còn lú là "cuộc con nít dùng tiền mà đánh đố”.
(2)Biếng nhác


Dấu xưa tan biến
(Thạch Lam, Hà Nội 36 phố phường, năm 1941)

Những chốn ăn chơi của Hà Nội là nhất Bắc kỳ, cái đó rành rành không ai chối cãi. Nhưng chúng ta phải buồn phiến mà nhận ra rằng những hiệu cao lâu(1) có danh và bền vững đều là của người Tàu. Về cách tổ chức một chốn ăn, về danh vọng của một ngôi hàng cơm thật quả chúng ta không có nền nếp tục lệ và quy củ. Hồi Hà Nội còn là kinh đô của vua Lê chúa Trịnh chắc cũng cón nhiều quán rượu tươm tất do người mình chủ trương. Nhưng bây giờ vết tích còn đâu? Cái quán rượu mà cụ Nguyễn Du lúc còn trẻ tuổi đã dắt ba bốn người bạn vào uống và bàn chuyện về lũ kiêu binh, cái quán ấy chẳng hạn mà còn đến bây giờ, còn cả bộ trường kỷ Nguyễn Du đã ngồi, thì hẳn là một chốn đáng cho chúng ta trọng vọng nhường nào.

(1)cửa hàng ăn loại tương đối lớn.


Ở đâu cũng thấy học đòi làm dáng
(Hoa Bằng, Hiếu thượng, Tri tân, năm 1943)

Cái hiểu thượng(1) của số đông người mình đã lộ rõ ở từ ngôn ngữ đến cử chỉ, từ hành vi trong gia đình đến động tác ngoài xã hội. Người ta chơi câu đối? Phần đông không phải vì thích chữ tốt yêu văn hay nhưng vì muốn sĩ diện ở mấy cái lạc khoản(2) có chức tước. Người ta in danh thiếp? Không phải vì cốt thông tính danh tỏ địa chỉ, song hình như chỉ cốt trưng những chức sắc tước trật và phẩm hàm. Người ta đăng cáo phó? Có lẽ ít vì cốt để báo tang, nhưng phần nhiều cốt để lợi dụng cái chết của ông bà cha mẹ mà quảng cáo cái danh phận của con cháu.

Cái bệnh hiếu thượng ấy truyền nhiễm đến cả nữ giới làm cho lắm người cũng mắc lây. Một dạo ở xã hội ta nổi lên cái phong trào phi cao đẳng bất thành phu phụ. Vì thế trong cuộc hôn nhân đã xảy ra lắm chuyện buồn cười. Hoặc mượn văn bằng của người khác để đưa nhà gái sát hạch lúc cầu hôn, hoặc giả làm nhà tòng sự(3) suốt mấy tháng để nhà gái nếu có dò la vẫn thấy sớm vác ô đi tối vác về...

(1)thích hướng lặn trên, tức hiếu danh...
(2)tự đề tên họ chức tước ở một góc câu đối.
(3)làm công chức.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: