Vì sao bạn dễ bị lừa trên mạng?

08:28 SA @ Thứ Sáu - 28 Tháng Ba, 2014

Hiện tượng lập web kêu gọi đầu tư tài chính ảo trong thời gian vừa qua chỉ là một phần nhỏ trong các mánh lới lừa đảo sử dụng công cụ là Internet hiện nay. Người dân, nhất là cư dân mạng, nếu thiếu cảnh giác sẽ còn tiếp tục bị lừa.

Từ thư điện tử, diễn đàn, website... đâu đâu bẫy lừa cũng sẵn sàng úp xuống vì miếng mồi câu mà những tay lừa đảo áp dụng đánh thắng vào lòng tham của mỗi người.

Mỗi ngày email của bạn có thể nhận hàng trăm thư rác, trong đó có thể có những lá thư "chúc mừng trúng số” trị giá triệu USD!

Đánh động lòng tham

Chỉ với vài thao tác trên phần mềm chuyên dụng, thường gọi là spanlbot, hàng loạt địa chỉ email đã được thu thập từ các diễn đàn, chat room, website... Thêm một vài thao tác nữa, hàng triệu địa chỉ email ấy đã nằm gọn trong CD và được rao bán dễ dàng trên Internet cũng như các cửa hàng thiết bị máy tính. Số địa chỉ email khổng lồ ấy cũng chính là số lượng nạn nhân có nguy cơ mắc lừa trên mạng.

Nếu không gặp thư quảng cáo mỗi lần truy cập địa chỉ email của mình, nick freddie-mercury hầu như luôn nhận được vài lời Chúc mừng trị giá triệu USD từ các trang web trời ơi đất hỡi nào đấy. Anh kể: "Ban đầu, khi nhận được thư chúc mừng "trúng số” của Microsoft, tôi ngạc nhiên, đọc và liên hệ tìm hiểu. Cứ tưởng tiền từ trên trời rơi xuống nhưng sau vài lần trao đổi, tiền thưởng chưa thấy nhận đã thấy họ mời mình giá cả ngàn USD sang để làm thủ tục.
Đến bây giờ thì hễ thấy email như vậy là xóa gấp”. Anh cho biết thêm, khi đã liên lạc với các địa chỉ này, hầu như người gửi email khó lòng buông tha cho con mồi mà họ "câu" được, liên tục gửi thư thúc giục gửi tiền bằng những lời có cánh để nhận con số khổng lồ tiền thưởng ảo.

Bên cạnh những lời chúc mừng trị giá triệu USD ấy, những lời mời gọi những khoản đầu tư với lợi nhuận khổng lồ cũng thi nhau bước vào hộp email của cư dân mạng. Một nhân vật tự xưng là Amhed Usman, Giám đốc quản lý kiểm toán của Ngân hàng châu Phi (B.O.A), đã phát tán thư với nội dung kêu gọi đứng tên giúp tài khoản Ngân hàng. Với lý do vị Giám đốc này đang sở hữu một tài khoản nặng ký của một người chết không để lại di chúc, Amhed Usman kêu gọi người đứng ra lập tài khoản Ngân hàng để chuyển số tiền ấy về. Người đứng tên tài khoản sẽ nhận được 30% tài sản của tài khoản ấy. Để lá thư có phần thuyết phục, Amhed Usman đề nghị người nhận thư giữ bí mật về việc mình sẽ "về hưu năm sau, muốn kiếm ít tiền dưỡng già. Tuy nhiên, khi đã đứng tên, chịu trách nhiệm tài khoản ấy, việc vị Giám đốc gian xảo này hành xử với tài khoản ấy như thế nào thì khó lòng mà lường trước được.

Lợi nhuận khổng lồ

"Làm thế nào để sinh lời món tiền của bạn bằng chiếc máy tính tại gia" là câu hỏi thường gặp nhất trong các email mời gọi đầu tư tài chính qua mạng. Trong cơn sốt giá vàng thế giới hiện nay, một trang web đã gửi đi hàng trăm ngàn thư điện tử có nội dung vô cùng hấp dẫn: Đóng tiền đầu tư vào mỏ vàng với giá chỉ bằng 30% giá hiện nay. Nhà đầu tư sẽ phải nộp tối thiều 300 USD mới được tham gia. Giống với thủ đoạn của Colony Invest, thời gian đầu tư phải mất tối thiều 100 ngày. Điều khoản hấp dẫn trong khoảng thời gian lại ngắn như thế, giá vàng, dù có biến động như thế nào thì nhà đầu tư cũng ngồi rung đùi mà tính tiền lãi. Chưa biết có bao nhiêu người nhẹ dạ đã tham dự chương trình này nhưng với kiểu cung cấp thông tin mập mờ, những lời cam kết chấp nhận rủi ro mà người đầu tư phải chấp nhận, trang web này đã lộ rõ chiêu thức lừa đảo phổ biến trên mạng.

Khác với fishing, gửi thư lừa đảo để lấy thông tin khách hàng từ các Ngân hàng, tập đoàn tài chính để truy cập vào tài khoản, những tay lừa đảo qua spam đánh thắng vào lòng tham của người nhận vì lợi nhuận quá khổng lồ nên việc cư dân mạng mắc lừa bởi thủ đoạn này cũng là điều dễ hiểu. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, chỉ khoảng 5% số người nhận thư trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo online này nhưng những tay lừa công nghệ cao này vẫn kiên nhẫn rải thư vì chỉ với con số ấy, chúng đã ngồi không và thu về hàng đống tiền.

Lên forum rải mồi câu cá lớn

Những thành viên mục "thời trang, mỹ phẩm, trang sức" của diễn đàn TTVNOL vẫn chưa thế quên vụ lừa đảo lên đến hàng chục triệu đồng của một thành viên nổi tiếng có nickname là Enrique81. Với số lượng hàng trăm ngàn thành viên tham gia, lời thông báo: "Có anh trai đang ở Mỹ, có thể mua hàng gửi về Việt Nam với lãi ít, bảo đảm rẻ hơn giá tại Việt Nam nhiều lần. Chưa đầy một tuần sau khi đưa thông tin ấy lên, cô nàng đã thu được gần 20 triệu đồng rồi biến mất...

Khi vụ lừa đảo của Enrique81 vừa lắng xuống, các thành viên trẻ của một diễn đàn kinh tế lại một phen xôn xao vì siêu lừa D.G. Khác với vụ Enrique81, thành viên diễn đàn đều biết mặt anh chàng này. Offline được vài lần, D.G chủ động liên hệ với từng người trong nhóm, gặp gỡ riêng để bàn luận phương thức làm giàu. Từ những cuộc gặp gỡ ấy, D.G thu về hàng chục triệu đồng từ tiền đầu tư, chạy chọt giùm đàn em trong diễn đàn.

Lợi nhuận quá lớn, có khi lên đến trăm ngàn hay triệu USD khiến những nhà đầu tư dễ dàng thử vận may của mình. Khi biết mình bị lừa, chính những nạn nhân lại ngậm bồ hòn làm ngọt. Thái độ thụ động ấy chính là nguyên nhân khiến số lượng những người bị lừa ngày càng tăng. Như vậy, cơ quan chức năng lại càng khó có khả năng ngăn chặn những quả lừa công nghệ cao này. Cách tốt nhất là cư dân mạng vẫn phải sáng suốt tìm hiểu và cảnh giác với những khoản lợi nhuận, những lời chúc mừng trị giá triệu USD được gửi đến mình.

Dân IT siêu thế nào cũng chết!

Dân IT cũng có thể bị lừa. Tôi hay bắt gặp một kiểu lừa rất phổ biến là dùng phần mềm giả mạo số điện thoại. Kẻ lừa đảo sẽ giả số điện thoại của sếp bạn, nhắn cho bạn một tin: "Em gửi gấp thông tin về tài khoản vào email [email protected] cho kế toán làm thủ tục chuyền tiền”. Lừa kiểu ấy thì dân IT siêu thế nào cũng chết!

Công nghệ lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi hơn. Bởi thế, phải cảnh giác tối đa. Với kiểu lừa thông thường thì cảnh giác ngoài đời thế nào, phải cảnh giác trên mạng như thế. Còn việc lừa đảo bằng công nghệ, phải liên tục cập nhật về công nghệ, thông tin... để xem những kẻ lừa đảo lừa bằng cách gì để biết cách phòng tránh. Báo chí cũng nên phổ biến các kiểu lừa này để mọi người biết tránh xa. Không ai cho không ai cái gì. Chỉ cần không "tham" là được.

Những vụ lừa bị sa lưới

Ủy ban Điều tra An ninh Mỹ tỏ ra khá nhà nghề trong việc phá các đường đây lừa đảo qua mạng. Sau đây là một số vụ đã bị phanh phui:

- Vụ Matthew Bowin: Bằng cách kêu gọi nhà đầu tư trên mạng tham gia Công ty Interac- tive Products and Services, tay lừa vụ này đã kiếm 190.000 USD từ 150 nhà đầu tư ham lợi. Trái với những lời hứa hẹn tốt đẹp lúc đầu Matthew Bowin dùng số tiền trên để thu mua và kiếm lợi từ những phi vụ bán hàng tạp hóa và thiết bị âm thanh nhỏ lẻ.Cái giá phải trả của tên lừa đảo này là 10 năm tù.

- Vụ "Đại ca 777": Tại Trung Quốc, siêu lừa jilin, nick name "Đại ca 777" (Pioneer Eldest Brother) cũng vừa bị kết án với tội danh lừa đảo. Cư dân mạng ở Trung Quốc đã bỏ không ít tiền cho "Đại ca 777" khi đầu tư vào kế hoạch thần tốc của hắn, còn đại ca thì lợi dụng kẽ hở của thị trường chứng khoán Trung Quốc mà kiếm lời.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tấn công trực tuyến: Đích ngắm là con người

    27/02/2008Một nghiên cứu cho thấy các tội phạm mạng đang ngày càng ít nhắm đến phần mềm lỗi. Con người đã thay thế phần mềm nhiều lỗi để trở thành đối tượng chủ yếu của tội phạm trực tuyến. theo Học viện SANS cho biết...